… Hạ đến rồi đi,thu tàn, lại nối qua đông. Dù buốt giá kéo dài đến mấy,thì mùa xuân vẫn cứ quay về.
Sáng nay, ngoài bãi Trước, có hai vợ chồng già tựa lưng, tựa đầu vào nhau, xối chung chai nước suối. Họ vừa dưới biển lên trông hạnh phúc lắm, mình muốn ghi vội hình ảnh, họ lại đi mất rồi. Người chồng khoác lưới chài, dắt xe. Người vợ tòong teng giỏ cá. Họ cười với người này, lại cười với người kia, bao nhiêu cá mang tặng người kia, lại mang cho người này, giữ lại hai con, đủ bữa sáng đôi nhân tình xứ biển. Người ở đây có thú câu cá, quăng chài chỉ để vui. Con cá tươi quậy tưng trong giỏ. Chiếc xe đạp cà tàng để lại phía sau, những vệt nước vòng vèo, như những hình thù kỳ dị, đầy bí ẩn của mùa xuân, và… của mối tình già kia.
Mùa này, các đàn cá đối ngoài khơi rủ nhau về ngủ ven bờ. Cả thành phố thơm mùi cá nướng. Những đàn chim rồi cũng ríu rít trở lại hát ca, tất nhiên lẫn cả lũ chim già lắm mồm. Trên những đỉnh núi mờ sương, đại bàng vẫn đứng với cô đơn và giá lạnh. Đại bàng thì không bao giờ hót. Nó ở lại với những loài hoa núi. Hoa núi đẹp lắm, nở trên những mỏm đá chênh vênh. Hoa núi cũng kiêu hãnh như đại bàng, không dành cho kẻ yếu hèn. Hoa núi chờ những chàng trai dũng cảm.
Thương thằng em dại, mùa xuân, không thể về thăm mẹ. Nó làm nghề gác đèn biển.
Mùa này nhiều bão tố lắm. Tàu không thể vào đảo đèn của nó. (Gọi là đảo thôi, mà không có đất, nó là những dải san hô chìm dưới nước). Người trên đảo thèm khát nhìn tàu, tìm cho được bóng dáng con người, bao tháng ngày mòn mỏi trông chờ. Người trên tàu ứa nước mắt nhìn người trên đảo đói, khát mà chẳng thể làm gì. Có thằng trên tàu thương bạn quá, sốt ruột, ôm túi gạo lao xuống biển bơi sang, bị sóng cuốn chìm,vài ngày sau mới tìm thấy xác.
Ở nơi đây,ngẩng đầu lên là đèn,nhìn xuống chân là nước. Nước mênh mang đến cuối chân trời, không một bóng con người, không bóng chim bay, không một vệt đất liền dù chỉ là mờ ảo. Làm sao có mùa xuân. Nhưng nơi đây là biên giới. Ngọn hải đăng là mốc biển Việt Nam. Người gác đèn là lính canh Tổ quốc. Dẫu không mùa xuân, không người thân,không có tất cả. Họ vẫn bám đèn.
Ấy vậy mà thằng em lãng mạn còn viết thư:“Khi nào, tới mùa xuân ,vào đúng dịp trăng lên, anh ra đây với em nhé. Anh sẽ được nghe tiếng hát của loài cá cúi. Chúng nó to xác mà hiền lắm, cứ cúi cả ngày ăn cỏ dưới biển, ăn xong lại ngoi lên thở,và đêm đêm rủ nhau đi hát. Tiếng nó trong vắt. Dân vùng này gọi là cá cúi,chứ nó đâu phải là cá, mà là bò,… bò biển anh ạ. Người Tàu gọi là hải ngư, người Tây gọi là Dugong, tiếng Ấn có nghĩa là người đẹp. Mỹ nhân ngư đấy, nàng tiên cá đấy, nhưng em chẳng thấy con nào có vú giống bọn con gái cả. Mấy ông hoạ sỹ vẽ đểu vẽ bịa,bọn em ở đây thèm vú,thèm tình yêu chết mẹ”.
Nó bảo tôi,ở đây nước ngọt quí lắm. Bọn em hàng ngày mót tè, phải đi vào bô, đi xong để nước tiểu lắng lại, lấy nước, nuôi hạt giống rau. Hạt mọc lên lá xanh, lá xanh đủ lớn để có chất rau quý cho người gác đèn. Vậy mà chẳng đứa nào nỡ hái ăn. Nhìn thấy màu lá xanh là sung sướng lắm. Nó làngười tình, nó là đất liền mất rồi. Nhiều đêm nhớ đất liền muốn khóc. Như người nuôi chó vậy. Thèm thịt chó đến thế, ai nỡ ăn chó của mình,thử nó bỏ nhà đi xem… lại nhớ chảy nước mắt như bọn em thôi. Dân gác đèn biển thiếu rau, da khô như gió cát, nhưng ngày ngày vẫn chắt chiu, níu giữ từng ngọn lá,như níu lấy mùa xuân.
Mùa xuân 72, kết thúc chiến dịch Đường chín-Nam Lào. Chiếc xe tải bịt bùng chở đám thương binh bọn mình về Bắc. Đêm Trường Sơn,đám lính nghêu ngao bịa lời bài hát của mình:
“Bạn thanh niên ớ ơi. Ngày mai ta “tút về” từ Hà Tĩnh ra Vinh, lên xe về đất Thánh…”
… Chiếc xe mò mẫm trên con đường Bò-lăn,với ánh sáng đèn gầm mờ tối. Bất cứ lúc nào cũng có thể nhận bom từ những máy bay cú vọ OV10 gọi bọn phản lực Mỹ đến.
-Nếu thoát về đến Hà nội, tao sẽ mắc võng giữa hai cây bàng trước nhà, đánh một giấc đầu tiên không còn tiếng đạn bom. Mẹ dậy sớm đi làm, nhìn thấy con về nguyên vẹn hình hài, sẽ khóc toáng lên, gọi hàng xóm cho coi.
-Tao thì chưa. Phải vào trại an dưỡng chơi đủ trăm trứng gà mới về với nàng. Sốt rét ác tính,vợ chồng kiếm đâu ra con.
…Và một tiếng rầm khủng khiếp. Mình còn nhớ, lúc tỉnh dậy, chiếc xe chở thương binh nát bét. Mình vàvài người còn sống. Không phải bom đánh,mà chỉ vì cậu lái xe trẻ buồn ngủ quá, đâm vào chiếc Zin ba cầu chạy ngược chiều.
Mùa xuân ấy, chẳng có cậu lính Hà Nội nào đào ngũ như lời hát bịa kia. Họ chỉ ước mơ và hát cho sướng miệng thôi. Họ đã dũng cảm đóng góp cho chiến dịch đến ngày cuối cùng. Trong số đó, người lính “mơ mắc võng” và ông bạn “thèm trăm trứng” đã không bao giờ được trở về với mẹ và với người vợ trẻ mong chồng suốt mười năm ròng, chiến tranh tàn khốc.
… Hạ đến rồi đi,thu tàn, lại nối qua đông. Dù buốt giá kéo dài đến mấy, thì mùa xuân vẫn cứ quay về.
Nhưng mùa xuân, không phải lúc nào cũng vui.
“Mẹ ơi sớm nay xuân về
Mẹ trông ra ngoài hiên nắng
Mẹ mong đứa con xa nhà
Rồi mùa xuân, anh ấy sẽ về…. ”
(Trích trong bài hát “Mùa xuân gọi’)