Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Nếu có làm sử gia, hãy làm ơn

Lê Công Tư

Trước khi nói đến chuyện kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam (30 – 4 - 1975) cùng những hệ lụy của nó. Tôi muốn nói đến một vài cuộc chiến tranh khác đã kết thúc ra sao?

Lý Nhân Tông sau khi đại thắng quân Mông, ông sai thuộc hạ cấp cho tù binh quần áo mới, lương thực, ngựa, để họ có thể về lại quê nhà, vì đơn giản ông nhận ra rằng họ chỉ là nạn nhân của một thứ ý thức hệ, một chủ thuyết vớ vẩn, ngớ ngẩn nào đó. Và trên tất cả mọi thứ, để cho chúng ta hôm nay nhận ra cái vẽ đẹp lạ thường trong cách hành xử của vị vua này là cái tính nhân bản, cái tấm lòng thượng võ của kẻ thắng cuộc.

Lịch sử cuộc Nam Bắc phân tranh của nước Mỹ cũng diễn ra tương tự như vậy. Kẻ thắng cuộc chăm sóc thuốc thang cho kẻ bại trận, sau khi thấy họ thực sự khỏe mạnh, kẻ thắng tiếp tục cung cấp ngựa xe thực phẩm quần áo, cùng những lời an ủi, động viên họ về lại quê nhà gặp lại vợ con, cùng bóng dáng của những ngôi làng cũ. Đây là những cách hành xử làm nhân loại chao lòng. Nhân loại có thể dễ cảm thông, cho dù đây là thứ cảm thông tệ hại nhất, đó là cảm thông lòng căm thù trong lúc cuộc chiến tranh đang tiếp diễn, nhưng không dễ gì cảm thông sự căm thù vẫn còn tiếp diễn khi súng đạn đã im hơi, cuộc chiến tranh đã tàn cuộc.

Đọc lại đôi lời của nhà sử học Vũ Quang Hiển, đang dạy ở Đại Học Quốc Gia Hà Nội, dễ khiến tôi có cảm tưởng vị giáo sư này đã ngủ một giấc dài suốt 40 năm, mới thức dậy mấy hôm nay, và cái điều cay đắng, chua xót nhất là nó được phát ngôn từ một sử gia.

Cái điều đầu tiên, mà không ai không nhận ra ở một sử gia là phải phản ảnh những sự kiện làm nên lịch sử một cách trung thực, và những sự kiện chỉ có cơ may phản ảnh khít khao với chính bản chất của nó là sử gia phải có được một chỗ đứng độc lập, cái chỗ đứng có thể hình thành một cái nhìn khách quan, sự khách quan chỉ có thể có được khi sử gia không biết sợ hãi là cái gì? Nói một cách khác, lúc nào vẫn thấy trong lòng còn sợ hãi, hãy khoan làm sử gia. Cái di hại ngu xuẩn nhất của một người viết sử với những ngón tay run, là hậu thế phải đối mặt với một thứ lịch sử mà những sự kiện đã dự phần làm nên cái khúc quanh nghiệt ngã, những hệ lụy của nó sau ngày 30 - 4 - 1975 đã bị bẻ cong.

Tôi không sao quên được cái hình ảnh một người phụ nữ, vợ của sĩ quan bị đi học cải tạo, đứng cô đơn một mình dưới một vũng sáng của một ánh đèn khuya, dưới một cơn mưa nhẹ bên Hồ Xuân Hương Dalat đón khách làng chơi. Cái nghề làm gái giang hồ vốn không phải là bản chất của người phụ nữ này, kể cả một thằng đàn ông ngu nhất cũng dễ dàng nhận ra cái khuôn mặt đôn hậu, thùy mị đó chỉ để dành cho chồng cùng những đứa con.

Có bao nhiêu phụ nữ miền Nam dạo đó có chồng đi học tập cải tạo giống người đàn bà này? Chắc chắn là không ít. Cũng nên dành cho họ một chỗ đứng trong lịch sử của dân tộc này như một vệt máu chưa khô. Và riêng tôi, tôi trân trọng cái hình ảnh cô đơn, hiu hắt đến lạ thường của người phụ nữ đó, cũng như sau này, tôi chỉ thực sự biết ơn những người phụ nữ quét rác trên những con phố khuya, những phụ nữ quét dọn hành lang trong những bệnh viện.

Trở lại người phụ nữ bất đắc dĩ phải đứng dưới ngọn đèn khuya. Nếu chúng ta hành xử như một vị vua đời Lý, hay như cuộc chiến của nước Mỹ dạo nào thì sau ngày 30 – 4 - 1975 lịch sử của dân tộc này đã không có những vệt máu bầm như vậy.

Dalat 21 – 3 - 1975