Ký
Trần Vũ
Thập niên 80 âm u giọng hát Khánh Ly "Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm tôi người ấy ở trong tù…", không mấy thuyền nhân tin có thể trở về xứ Việt. Thập niên 80, tôi ước ao trở về Huế. Về Huế! Chỉ có hai chữ này thôi mà sao âm vang cả hồn mình. Âm vang như tiếng ngâm của Võ Đình. Giữa đêm khuya, tiếng ngâm của người họa sĩ già trên 60 tuổi, cất cao, khỏe, mà buồn bã. "Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay", chữ "thiu" buồn tênh. "Hoa bắp lay", tức là cảnh vật còn, còn gọi, còn nhắc, mà sao anh không về?
Võ Đình không ngâm cho tôi. Ông ngâm cho kiếp lưu dân hiu quạnh. Đêm thâu, tiếng ngâm của Võ Đình vang xa như tiếng hò khuya của người Huế xưa, trên sông Hương. Chúng tôi nhớ Huế. Đọc Một món Tết thật mặn mà của Võ Đình mới biết ông nhớ Huế chừng nào. Ông lấy pâte d’anchois, một thứ cá muối dầu thật mặn của Tây đánh nhuyễn ra làm mắm, rồi luộc thật chín mì ống làm bún, rồi chan, rồi chấm, để có chút chất quê trong mình. Tết ở Tây, cuối tháng Giêng, lạnh cứng người. Võ Đình sinh ở Huế, nhớ Huế đã đành, nhưng tôi cũng nhớ Huế, dù chưa từng đến, mà vẫn nhớ hàng rầm thượng, bức mành vàng chanh, hàng dậu dâm bụt, với những hồn âm đi qua cầu Tràng Tiền về phía thành Nội, trong truyện Võ Đình.
Ra, tôi nhớ Huế của người khác.
Nhiều khi, tôi nhớ sự kinh dị của Huế. Các thước phim đen trắng chiếu cảnh khóc than của người Huế đi tìm xác, rồi đào xác thân nhân mang về hàng đống xương, đầu lâu, ba sườn… Mậu Thân kinh dị. May là Huế còn những trận mưa trên cây sầu đông của Nhã Ca, còn những mùa ngô cũ của Trần Dạ Từ. "Đuổi bắt trên đồi cao, trượt chân bàng hoàng mãi."
Người Bắc di cư không có quê, vì chiến tranh, không thể về. Nên tôi si quê của người khác. Si quê của Phan Nhật Nam. Si quê của Túy Hồng. Si quê của Bình Nguyên Lộc. Si quê của Nguyễn Thị Hoàng. Tháng 5-1975, Vòng tay ôm của Nguyễn Thị Hoàng giúp quên nhà có tang. Tang vì bại trận.
Rồi tôi về Huế.
Đầu thập niên 90, Phú Bài ngoài lớp xi-măng, không có gì khác. Chỉ có khói, nắng và đất đá. Nắng lồng lên giữa cát bụi phi trường. Tôi ngắm Huế. Ngắm giấc mơ trở về của mình. Và Huế bật lên xanh hực. Màu lục đậm. Sức sống âm ỉ dưới lòng đất. Vì mồ mả chập chùng. Tôi chưa chứng kiến thành phố nào nhiều mồ mả trong phố, giữa phố, trong vườn, giữa vườn, trong sân, ngoài sân, nhiều như ở Huế. Bên Ai Cập cũng đầy mả, nhưng là mả xưa, mả sang, mả di tích, mả danh thắng. Ở Huế, mả tươi leo lét tim dầu, đây đó chân nhang, chập chờn như ma trơi. Khi đêm xuống, tôi khám phá, người chết chưa chết ở Huế. Đêm xuống, người chết mở mắt.
Tôi ra khỏi Phú Bài. Về nhà khách Lê Lợi, gần ga xe hỏa. Ngồi trên xe, tôi váng vất, vì biết, đang sống ước mơ của mình. Bao nhiêu trang sách cũ, chỉ một chữ Huế. Bao nhiêu trang viết tay của những người bạn muốn về Huế. Vậy mà mình về đến Huế. Đất xanh tàu lá. Đất thấm bất chợt cơn mưa không đủ dội tắt nắng, nhưng đủ làm hiện lên cầu vồng và xông mùi đất. Mùi oi, hăng, nồng của đất mẹ. Da thịt mẹ.
Hoàng Phủ Ngọc Tường không giống nhân vật Tường trong Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác. Hoàng Phủ ở Phú Bài điềm đạm, hòa nhã. Hoàng Phủ ở Phủ Cam thân mật và tự nhiên. Tôi nhìn ông, tự nhiên tôi muốn quên hết. Bất hạnh và khổ đau. Hãy về đất mẹ. Gặp. Đừng thắc mắc. Và tôi gặp Hoàng Phủ. Ông không giống chút nào những ngày oan nghiệt. Ông là một Hoàng Phủ khác. Hoàng Phủ của tạp chí Cửa Việt, cố gắng thoát kiểm duyệt, cố gắng lách một cánh cửa, sau khi Sông Hương đình bản.
Hoàng Phủ tôi gặp, là một người viết tùy bút.
Nhiều khi nhớ Huế, tôi đã nhớ Huế của Hoàng Phủ. Mà Huế của Hoàng Phủ đẹp vô cùng: Huế phất ống tay áo, làm thành khúc sông Hương trôi qua chùa Thiên Mụ, như cánh tay áo của thiếu nữ thanh tân đánh khúc quành về phía Tuần. Huế tráng ngọc. Lãng đãng sự dịu dàng. Huế mang sắc tím ẩn hiện của lớp vải điều lục tràm lồng lên một màu đỏ kín đáo, của các cô dâu đem phơi áo cưới sau tiết giáng sương… Những trang viết diễm ảo. Đẹp đến nhẹ hẫng. Những trang tùy bút về núi Bạch Mã cũng nhuyễn thể lạ lùng. Đọc mà giống uống văn, rồi say.
Tôi không biết Hoàng Phủ ngày xưa. Nhưng tôi biết Hoàng Phủ ngày đi lăng. Một Hoàng Phủ khác, còn biết cảm nỗi cô độc của chú rồng con phải uốn thân trên sân, làm vật trang trí cho nhà Chúa, trên bậc tam cấp, trên mái điện vàng. Khó hình dung một Mậu Thân của thi sĩ. Tùy bút của ông không nhiều quá khứ cũ. Tùy bút thăm vườn bà Lan Hữu, là một tuyệt bích. Vườn An Hiên đầy cây trái mà mỗi sắc hoa, mang vết bút tỉ mỉ. Hoàng Phủ đạt đến sự an nhiên tự tại của tĩnh vật trong tùy bút Hoa trái quanh tôi này. Tôi biết, chính văn chương giúp ông tìm sự bình thản.
Nguyễn Quang Lập đưa tôi ra cổ thành. Xe máy qua Phong Điền, Hải Lăng, Thạch Hãn, bao nhiêu trang sách cũ hiện lên. Bên kia có thể là dẫy đồi nơi tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến của Cao Xuân Huy đánh những trận cuối cùng. Dưới kia là chi khu Mai Lĩnh nơi tiểu đoàn 7 Nhảy dù của Lô lọ rượu cầm cự. Trên kia là chỗ Lữ đoàn Dù "chạm" Quảng Trị. Tôi ý thức rất rõ, đang đi trên Đại lộ Kinh hoàng. Lập không biết, không chú ý, hay nghĩ chuyện khác. Hai ven quốc lộ, nghĩa trang liệt sĩ san sát. Quốc lộ thưa dân, những đứa bé tròng mắt trong veo không ký ức và những cụ già mắt đục mờ ký ức. Tôi ở giữa. Giữa đứa bé và ông lão. Giữa dải cát đang đổi màu trắng, xám, thâm. Ký ức rồi sẽ thâm.
Cổ thành ban trưa đìu hiu. Cũng chẳng còn thành. Chỉ còn một khối đá duy nhất, bự bằng nửa căn nhà. Mà nhà cửa ở Quảng Trị thưa vắng. Năm 94, tôi đếm được vài đường ngang, thành phố chạy dọc theo quốc lộ 1 thẳng tắp. Có căn phố còn găm đầy đạn, xác con chuột chết ruồi bu kín và xe nước mía duy nhất thằng bé đang quay tay. Giấc trưa, Lập ngủ trưa. Tôi mượn xe Lập ra nhà thờ La Vang. Tôi muốn đến đây, năm 72 xem tivi, tôi trông thấy lần đầu khu La Vang đổ nát. 22 năm sau, vẫn vậy, hoang tàn đến lạnh người. Cả khu nhà thờ chỉ còn mỗi tượng Đức Mẹ lỗ chỗ đạn. Gạch, ngói, mái, tường tan hoang. Có ra đến La Vang mới thấy khốc liệt của chiến tranh, tiêu hủy, phá hủy, tàn phá không chừa một thứ gì. Những người lính Cộng hòa chết ở đây. Chết cho tôi lành lặn đi học, cho gia đình tôi bình an buôn bán. Nhà thờ La Vang sập mái hiu hắt, không bóng người, chỉ vài chân nhang còn cháy. Giống ma thắp. Trông mà bùi ngùi. Khu La Vang lạnh tanh, gió rì rào, từng chập. Tôi khấn mấy người lính, rồi về.
Về Huế, tôi đi tìm những gì mình nhớ.
Trong Tháng Giêng đưa đám, Nhã Ca tả một Huế lạnh băng. Nước sông dâng lên lụt lội, mưa dầm dề mùa Đông. Hàng đoàn người lội nước đi tìm xác. Nhưng xác không ở chỗ người sống tìm mà trồi ra từ những hốc vườn bị nước lũ kéo ra. Người sống chết trong chỗ núp, bị giết khi đang núp, còn người chết bị nước đẩy ra khỏi chỗ núp. Chết bó gối mà không ai hay, đến khi trôi ra vườn mới sình thúi. Tôi sợ hãi năm lên đệ thất, đọc mà giật thót người vì xác chết đột ngột chui ra từ trong một xó xỉnh của căn nhà vườn. Đọc mà tay chân lạnh ngắt. Người Huế tản cư sau Mậu Thân trở về, bước vô nhà, xác chết cùng khắp, hoặc nhiều khi phải đi tìm, phải kiếm vì biết chết, mà chưa thấy xác. Đứng trước các am miễu vô số ở Huế, tôi biết người ta đã chết ở đây, nhiều lắm.
Ra đến chân cầu Tràng Tiền, tôi mường tượng ra cảnh Cao Xuân Huy đang ngồi tắm bia, như anh viết trong Tháng Ba gãy súng, khi tiểu đoàn anh từ Mỹ Chánh rút về. Về đến chân cầu vớ được két bia, khui tức khắc, rồi tắm, tắm bia, cho đã những ngày cơ cực. Tôi chần chừ vì muốn sống với cảnh tắm bia lâu thêm chút nữa. Sống với Cao Xuân Huy mà mình quen thân. Tôi mường tượng ra những người lính, họ trẻ trung yêu đời, xem chuyện sống chết bình thường. Số đông bị bắt, rồi lầm than, số khác vượt biên… chỉ còn lại bãi đất trống.
Một vai cầu Tràng Tiền bị Đặc công giật sập đêm mùng 9 Tết Mậu Thân. Tôi nhớ hình ảnh nhịp cầu chìm dưới sông, vai còn vồng trên mặt nước. Tôi có ý nghĩ lạ là tôi thấy những hình ảnh mà người Huế không còn thấy. Bước chân lên cầu sắt, tôi chờ đợi những hồn âm của Võ Đình, những hồn âm đã "va", đã "chạm" vào vai Võ Đình sau Mậu Thân khi ông về Huế. Trong truyện Chiếc vòng, Võ Đình kể xảy ra thật, ông không tưởng tượng mà cảm nhận rõ rệt giữa ban ngày, dưới cơn mưa mỏng, những hồn âm vừa chết đi ngược chiều, "chạm" đến giật người. Khi kể lại ở Ba Lê, giọng Võ Đình đầy tâm linh. Khi băng qua cầu, không ai va chạm vào mình tôi. Chỉ có tôi qua hết cầu Tràng Tiền như ma. Không phải người Huế là ma, mà là tôi, kẻ không thực sự hiện diện ở Huế, kẻ ở xa về đôi ngày rồi đi, chính tôi mới là chiếc bóng thoáng qua cầu Tràng Tiền rồi biến mất.
Tôi ra cửa Thượng Tứ, tìm kỷ niệm khác của Võ Đình. Vũng nước mưa mà năm 17 tuổi, Võ Đình trông thấy trước cửa Thượng Tứ, ven đường. Vũng nước mưa phản chiếu ánh mắt ông, trong buổi sáng cuối cùng trước khi ông rời Huế. Đó là một buổi sáng tinh sương của năm 1950. Cậu trai họ Võ sẽ trôi băng băng vào đời. Đến khi Võ Đình trở về Huế, ông ra lại cửa Thượng Tứ bấy giờ vừa trúng pháo xập một phần, trông như gã khổng lồ cụt đầu. Võ Đình đi qua chiếc cầu nhỏ, rồi ông bắt gặp lại vũng nước mưa năm xưa, rõ ràng là nó, chính nó, vũng nước mưa năm nào, và nó cũng nhận ra ông. Cả hai nhìn nhau rưng rưng thân thương. Nó chưa quên ông. Võ Đình tả giống như ông đang khóc với nó. Tôi cũng "trở về" sau thật nhiều năm xa cách. Tôi cũng 17 tuổi ngày ra đi. Tôi tìm ra vũng nước mưa không khó khăn. Tôi nhận ra vũng nước mưa ấy. Vũng nước mưa của Võ Đình, không thể lẫn với vũng nước mưa nào khác. Nó cũng nhận ra tôi, chuyên nhớ Huế của người khác. Nó phản chiếu ánh mắt tôi còn quyến luyến quê. Vũng nước mưa lớn hơn xưa, lớn hơn trong truyện Võ Đình nhiều lắm, nó lan ra một khoảng lớn, phản chiếu phân nửa cửa Thượng Tứ đã xây lại, đắp lại. Vũng nước mưa đã lớn lên, như tôi. Tôi đứng ngắm nó cho đến khi chạng vạng và nó thu mình lại dưới sắc ám.
Tôi không còn nhớ rõ là buổi sáng nào nữa, những ngày ở Huế đầy mộng mị, nửa thiêng liêng, nửa phù du, vừa quá khứ, vừa thực tại, với ý thức tất cả sắp biến mất. Chỉ cần tôi thở, thời gian sẽ thu ngắn lại và tôi sẽ phải rời khỏi Huế để sẽ phải sống lây lất, vật vạ bằng ký ức của người khác. Buổi sáng ở lăng Khải Định, bừng lên sắc xanh của Huế mà đứng từ trên lăng nhìn xuống, thấy núi đồi trùng điệp với tượng Phật Bà Quan Âm. Trông thấy Ngụy Ngữ, tôi nhận ra tức khắc: Ngữ của Mùa biển động. Ngụy Ngữ cao, gầy, xương, trầm mặc và suy tư. Đúng Ngữ của Mùa biển động. Không thể sai. Ngữ, tác giả Con thú tật nguyền và Vòng hoa cho lãnh tụ. Ngữ của gia đình ông Văn mà Diễm yêu da diết, yêu si mê, trong câm lặng mỗi khi mang thau nước cho Ngữ rửa mặt trong xưỡng vẽ của Ngô gần cầu Gia Hội. Diễm mà ngấn cổ trong vắt giọt mồ hôi ẩm của Huế ban trưa, yêu dữ dội, mà dứt cũng quyết liệt. Đúng Ngữ của Diễm. Về sau, khi sang Cali tôi hỏi có phải Ngụy Ngữ là Ngữ trong Mùa biển động? Nguyễn Mộng Giác không phủ nhận: Một nửa của Ngụy Ngữ cộng một nửa của ông. Khi ấy, ngắm Nguyễn Mộng Giác, tôi mới nhận ra ông cũng cao, và chắc phải gầy ngày xưa, tất nhiên rất "thao thức".
Chúng tôi đi lăng. Lăng Gia Long đẹp nhất trong các lăng. Đẹp ở nét tịch liêu, cô quạnh. Ở lớp sương dâng lên từ sông Hương phả vào các pho tượng. Con ngựa thui chột mắt mà trong Dựa lưng nỗi chết, Phan Nhật Nam kể chuyện người lính trẻ lấy súng M-16 bắn vỏ chai bia đặt trên đầu con ngựa. Viên đạn trệch, làm chột mắt. Tôi ngồi ở lăng Gia Long, nhớ Phan Nhật Nam vô cùng. Tôi theo anh bao ngày, từ khi còn học trường Lasan, qua đến sau "giải phóng", đọc chui những trang sách, những thước đất, những thước lộ anh và bạn bè anh đi qua. 35 ký lô quân trang, quân dụng, mùng mền, nón sắt, botte de saut, 6 trái lựu đạn, súng phóng hỏa tiễn M-72, và cả tâm tư của tuổi trẻ trong Những ngày dài trên quê hương, phải lội xuống sông, xuống ruộng, cố giữ đừng cho chìm, đừng ướt súng để có thể chết lát nữa trong tư thế người lính, lính Cộng hòa, để tôi có thể tiếp tục tuổi hoa niên trong yên ấm. Tôi nhớ đại úy Hổ, đại úy Thừa mà Phan Nhật Nam kể đã cùng ngồi uống bia không đá ven sông Hương, trên sườn đồi nhìn xuống lòng sông lam đục mờ sương khói. Hai ông Thừa, Hổ "nghỉ phép" vĩnh viễn, chết không kịp trăn trối. Phan Nhật Nam cho tôi rất nhiều, ý thức quốc gia và cả sự kiêu hãnh Cộng hòa, không có anh, tôi sẽ thất lạc.
Tôi ngồi cạnh Hoàng Phủ. Ông kể chuyện: “Cả hai lần làm lễ tưởng niệm 30 tháng 4 ở Quảng Trị, lập đàn tế liệt sĩ, mà mình tham dự, cả hai lần đều không thành vì gió lớn trỗi lên, thổi sập hết cả cờ quạt, cả hình chủ tịch… Hiện tượng này ngày xưa đã có, vì vậy thơ xưa mới có câu "Hồn tử sĩ, gió ù ù thổi." …tức là vong những người lính bên kia về, và họ không bằng lòng. Cả hai lần mình đều tận mắt chứng kiến.” Hoàng Phủ kể. Đêm trong ngôi nhà ở Phủ Cam, chúng tôi cùng ngậm ngùi. Tôi muốn nói với ông thật nhiều nhưng rồi lại thôi. Mà không thể. Chúng tôi quá khác nhau. Khác đến mức, ông kể "vong những người lính bên kia" mà lỗ tai tôi nghe thành "vong lính mình không bằng lòng."
Khác. Giống như ban sáng, khi Hoàng Phủ trỏ cửa vòm hông của cổng vào Hoàng thành, lối cho voi vào, ông kể: "Tết Mậu Thân, em mình, Hoàng Phủ Ngọc Phan và biệt động nội thành trú bom dưới vòm nì…" Tôi im lặng, vì không thể góp chuyện, vì đang nghĩ đến tiểu đoàn 9 Nhảy dù của Phan Nhật Nam bị phục kích tan nát ở cửa Thượng Tứ mà vẫn phá được chốt. Vì đang nghĩ đến những người lính của Sư đoàn 1 Bộ binh đang cố gắng chống trả ở Mang Cá, ở sân bay Tây Lộc, ở cửa An Hòa. Nghĩ đến những người lính quân cụ của đại đội 811 Quân Cụ bị bắn chết trong trại Lê Lai và những người lính địa phương quân chết ở cầu Bạch Hổ, vì cố giữ cầu… Sao chúng tôi khác nhau đến vậy. Ông không biết là tôi nhớ Huế bằng ký ức của người khác. Trong đó có ông. Nhưng tôi không nhớ Ngôi sao trên đỉnh Phú Văn Lâu mà nhớ Ai đã đặt tên cho dòng sông.
Chắc ông không biết tôi khác. Chúng tôi vẫn uống bia, vẫn uống đế Kim Long, đế Làng Truồi. Ánh mắt ông dành cho tôi nhiều cảm mến. Ngày ông bán thân bất toại, tôi về thăm, ông vui. Nhìn bàn tay ông quắp lại chưa cầm được bút, tôi biết ông buồn. Một người viết tùy bút, mà không viết được nữa, lấy gì trút hồn? Khi chưa liệt, ông hay kể cho tôi nghe về di tích lịch sử Huế. Còn tôi kể cho ông nghe chuyện Tây. Nhưng giữa những câu chuyện, giữa hai cái Huế bây giờ và Pháp bây giờ, là một khoảng trống. Trống rỗng. Không tiếng động, không tâm sự. Chúng tôi không nói về nội chiến Nam-Bắc. Tôi chưa kịp tham chiến, ông đã tham dự. Một cách lý trí, tôi từ chối bút ký Chế ngự cát đầy tuyên truyền ông đã viết. Một cách bản năng, tôi thích nhìn ông khề khà, kể gặp Jane Fonda xinh xắn. Nhưng mỗi khi tôi ngồi cạnh ông, lý trí và tình cảm đánh nhau liên tục, lần nào tình cảm cũng thắng. Chiến thắng này là của ông.
"Lối đi nhỏ lẫn trong đám hàng rào lá chè xanh dày kín. Dọc trên đường về sân bay Tây Lộc, hào bên phải bay ngát hương sen. Mùa hè đẹp nhất xứ Huế, mùa của đêm trăng nhỏ giọt qua cành lá... Qua một quán nước, ánh nến vàng mệt, cô gái bán hàng rạng rỡ giữa một đám lính trẻ, Quán Lưu Khách…" Khi Hoàng Phủ đến nhà khách, đón tôi ra Phú Bài, những dòng chữ xưa của Phan Nhật Nam như còn chảy qua mình. Chúng tôi chạy dọc sông Hương. Tôi đưa mắt tìm Quán Lưu Khách, đưa mắt tìm những hạt cườm đỏ chấm đen mà Phan Nhật Nam cúi nhặt ngày xưa. Xe qua trường Quốc học gạch son, tôi ngắm bầy chim phụng chạm nổi lộng lẫy trên bức bình phong to vẽ hoa văn sát bờ sông. Tôi nhớ màu hỏa hoàng rực rỡ trong truyện ngắn G. của Võ Đình. Có lẽ là màu chim phụng Huế. Tôi ngắm các nữ sinh Huế, nhớ Tương Giang, Hoa Trang, Dung Nghi của Nhã Ca, những thiếu nữ yêu rất vội, và ngắm cầu Tràng Tiền lần cuối. Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến của Cao Xuân Huy không còn ở đó, chắc đã ra Cửa Việt hay rút về Thuận An. Tôi nhớ mái tóc bạc của Trần Vàng Sao, nhớ cây đa trắng trong vườn nhà ông, thỏm sâu trong thôn Vỹ Dạ. Tôi bắt đầu có ký ức.
Sân bay Phú Bài cam tuyền. Hoàng Phủ vẫy tay. Cuộc chia tay nào cũng bịn rịn. Tôi chỉ kịp nói với ông: Sông Hương giống sông Nil ở Ai Cập, cùng nhịp chảy chậm, một bên lăng tẩm đền đài và một bên khách sạn, cùng ru giấc ngủ những vì vua… Tôi chỉ kịp nói ngần ấy, và chia tay.
Những ngày ở Huế, tôi đem theo quyển tiểu thuyết Chuyến xe lửa đến đúng giờ của Heinrich Böll. Buổi tối ở nhà khách Lê Lợi, tôi đọc sách tìm giấc ngủ, theo thói quen. Nhưng càng đọc, càng cảm thấy kỳ lạ, giống Heinrich Böll viết cho Phan Nhật Nam và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhân vật chính, Andreas, binh sĩ quân đội Đức, về phép nhưng rồi hết phép phải đón chuyến xe lửa ra đơn vị trên mặt trận Nga. Andreas tìm đủ cách để trốn, nhưng đến thành phố nào chuyến xe lửa ấy cũng chờ sẵn trên sân ga. Nhảy tàu, bỏ ngũ, thậm chí lấy một cô gái vừa quen biết, hòng xin thêm ít phép, tìm cách hoãn, Andreas vẫn bị bắt lại, vẫn bị dẫn ra sân ga và trông thấy chuyến xe lửa túc trực. Anh hiểu ra có hẹn với Thần Chiến tranh. Không thể chạy, không thể trốn. Tuổi trẻ của nước Đức không thể thoát chiến tranh vì chiến tranh là định mệnh khốc liệt mà dân tộc này phải gánh, vì đã đi tìm. Tôi chưa kịp kể cho Hoàng Phủ về Chuyến xe lửa đến đúng giờ, chưa kịp nói với ông: Hoàng Phủ và Phan Nhật Nam là Andreas.
Lưng trần là khoảng thân đẹp nhất của phụ nữ. Còn lưng đàn ông? Lưng đàn ông thường mang vết chém của người khác. Đôi khi do tự mình chém lấy. Lưng đàn ông Huế mang đầy thương tích của nội chiến. Còn lưng tôi? Viết ký, là trục xuất linh hồn. Nhưng tôi chỉ dám trục xuất dè sẻn. Giống vén áo, phơi một khoảng lưng và viết trên da lưng này. Lưng trần là vậy.
Võ Đình chết ngày 31 tháng 5, ông đã về Huế.
Trần Vũ
31 tháng 7-2009
* tiếp theo ký Di vật 1968, Sài Gòn Ngày Lạ mặt và Hiệp hội Tương tế Bắc Việt Nghĩa trang