Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

HỘI THẢO 100 NĂM HỌC GIẢ - NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỔNG CHI (1915-2015) (2): HỌC GIẢ NGUYỄN ĐỔNG CHI - TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA TRÍ THỨC VIỆT NAM THẾ KỶ XX

Trần Hữu Tá(*)

 

Nguyễn Đổng Chi sinh ngày 06/01/1915, nếu còn tại thế thì năm nay chúng ta có hạnh phúc được mừng ông tròn 100 tuổi. Thế nhưng tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã vĩnh biệt học giới ngày 20-7-1984, tính đến nay đã non một phần ba thế kỷ. Với nhiều nhà nghiên cứu cao niên, nhất là các vị trong ngành folklore, ông vẫn như đang có mặt trong cuộc sống hôm nay, qua hệ thống công trình đồ sộ đạt chất lượng cao, qua nhiều kỷ niệm rất đẹp trong tâm tưởng của các thế hệ đồng nghiệp về nghị lực phi thường của ông trong quá trình tự học và lao động khoa học, về lòng yêu quê hương, yêu dân tộc sâu nặng cũng như về đức khiêm tốn, đôn hậu, nghĩa tình của ông trong suốt hơn 50 năm cầm bút.

Ông sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đang ngạt thở dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Hà Tĩnh quê ông là một vùng quê nghèo nhưng nổi tiếng là “địa linh nhân kiệt”. Gia đình ông có truyền thống xả thân vì nền độc lập của dân tộc. Ông cụ thân sinh – nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi tức đầu xứ Thuận, tác giả Sách mẹo tiếng Nam Hán văn tân giáo khoa thư (nhiều tập, dùng cho các cấp học, do Nha học chính Đông Pháp xuất bản từ 1928 đến trước 1945), là một thành viên nòng cốt của Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Nguyễn Hàng Chi – chú ruột của Nguyễn Đổng Chi đã cầm đầu phong trào Duy Tân và chống sưu thuế rất quyết liệt ở Hà Tĩnh, bị thực dân Pháp xử chém ngày 13/7/1908.

Bản thân ông cũng sớm có mặt trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập cho Tổ quốc. Năm 1936, Nguyễn Đổng Chi tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ và sau đó Mặt trận Việt Minh. Tháng 8-1945, ông ở trong bộ phận lãnh đạo khởi nghĩa, cướp chính quyền huyện Can Lộc. Cuối năm 1946, ông trực tiếp cầm súng cùng quân dân Thủ đô chống trả quyết liệt xâm lược Pháp ở phía Nam Hà Nội (phố Triệu Việt Vương ngày nay). Lúc đã xấp xỉ tuổi 60 (1973-1974), tuy sức đã giảm ông vẫn tự nguyện cùng đoàn cán bộ của Phủ Thủ tướng đi điều tra biên giới Trung - Việt và Lào - Việt trong suốt 18 tháng trời.

Có thể nói, Nguyễn Đồng Chi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công dân, đúng với tinh thần “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Trên thực tế, cách mạng đã giao cho ông nhiều việc có khi không thật “thuận tay”, nhất là những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ông vẫn vui vẻ nhận và gắng làm tròn, như chính ông đã nhớ lại:

Khi tự vệ Thủ đô, khi đồn điền Bà Triệu[1],

Khi kinh tài[2], khi Liên Việt, lại khi về giảng dạy lớp nông thôn[3]

(70 tuổi tự trào)[4]

Có được tâm thế và thái độ đáng quý ấy, vì từ đáy sâu tâm khảm của ông luôn ánh lên một hình ảnh tuyệt vời của những ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Tuyệt vời không chỉ với riêng ông, mà cho cả thế hệ thanh niên lúc đó:

Cờ ứng nghĩa đầu tiên sao vàng tung bay sáng rực

Tiếng reo hò hả nỗi nhục non sông!

(70 tuổi tự trào – Sđd; tr.432)

Nhìn lại nửa đầu thế kỷ XX – chặng đầu hiện đại hóa nền văn học dân tộc, không kể các bậc trí thức nho học đã tự đổi mới mình một cách căn bản (như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế và nhóm Đông Kinh nghĩa thục), lực lượng trí thức tân học xuất hiện ngày càng đông đảo, có thực tài, nặng tình với văn hóa dân tộc. Lực lượng này gồm hai nguồn: nguồn thứ nhất gồm các trí thức khoa bảng, xuất thân từ các trường Cao đẳng Đông Dương và các trường đại học Pháp: Dương Quảng Hàm (1898 - 1946), Cao Xuân Huy (1900 - 1983), Đặng Thai Mai (1902 - 1984), Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975), Nguyễn Mạnh Tường (1909 - 1997)… Nguồn thứ hai gồm những vị do hoàn cảnh khó khăn, thuở thiếu thời chỉ được đến trường trong một thời gian ngắn, sau đó quyết tâm tự học để khẳng định vị trí cao trong học giới. Có thể trân trọng kể đến Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), Trần Huy Liệu (1901 - 1969), Đào Duy Anh (1904 - 1988), Trương Tửu (1913 - 1999), v.v.

Nguyễn Đổng Chi thuộc nguồn thứ hai vừa kể. Gương khổ công tự học, tự học suốt đời của ông đáng được các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo. Do gia đình ông thuộc loại “cừu gia tử đệ” nên bị chính quyền thực dân thường xuyên gây khó dễ, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, vì vậy Nguyễn Đổng Chi mới chỉ học hết năm thứ ba bậc Trung học tại một trường tư thục ở Vinh. Không chịu rơi vào bi kịch học hành dang dở, ông tìm đến với hai ông thầy lớn: sách vở và trường đời. Đang thuộc lứa tuổi chưa đến độ thành niên, Nguyễn Đổng Chi đã “hạ quyết tâm” không ra khỏi nhà, chuyên tâm tự học. Ông cạo trọc đầu suốt mấy năm liền, “nghiền” bằng hết tủ sách rất phong phú của ông cha, đồng thời nâng trình độ Hán văn và Pháp văn, đủ để có thể sử dụng thành thục hai ngoại ngữ rất cơ bản ấy. Năm 1942-1943 có điều kiện ra Hà Nội, ông miệt mài ngày tháng đọc sách ở Thư viện Viễn Đông bác cổ trong hơn một năm ròng. Sau này, kể cả lúc làm công tác quản lý – Trưởng ban Hán Nôm (1977-1978), Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm (1979-1981), ông vẫn kiên trì, nghiêm túc nâng cao tiềm lực học thuật của bản thân, không chỉ qua sách vở mà còn bằng sự tranh thủ hết mức thời gian rảnh rỗi để đi điền dã – một cách thâm nhập thực tế hết sức khoa học, thận trọng như PGS Ninh Viết Giao đã kể lại “đạp xe giữa nắng hè như đổ lửa, hay giữa mưa dầm làm thối đất thối cát, đến tận những làng xã hẻo lánh, vào từng gia đình có cụ ông cụ bà nhớ nhiều, hiểu biết về văn hóa dân gian để sưu tầm, khai thác, tìm hiểu... Dù trong văn bản đã có rồi, ông vẫn nhờ bà con đọc lại, rồi hỏi: Nó ra đời ở đâu? Ra đời ra sao? Phạm vi lưu truyền của nó? Có nơi nào đọc khác, hát khác đi không?”[5].

Nguyễn Đổng Chi còn một cách học rất đáng mến phục khác: không chỉ học đồng nghiệp thuộc thế hệ đàn anh hoặc cùng thế hệ, như Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, Vũ Ngọc Phan, Đinh Gia Khánh... ông còn khiêm tốn, chân thành học hỏi cả người ít tuổi hơn, vào nghề sau mình.

Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, nhỏ hơn GS Nguyễn Đổng Chi 15 tuổi, đến với hoạt động nghiên cứu muộn hơn, đã nhớ lại “Anh đã có tác phẩm Mọi Kontum từ năm tôi mới 7 tuổi”. Vậy mà khi gặp nhau “Anh nói ít, nghe nhiều, tôn trọng ý mọi người. Anh hỏi tôi rất tỉ mỉ về những điều mà anh chưa biết về Tây Bắc, vùng tôi đã được đi lại chục năm... Có cảm tưởng anh tự coi như một người học trò, miệng hỏi, tay ghi. Con người làm sao quá khiêm nhường vậy”[6].

Với những điều kiện “cần và đủ” ấy trong hơn 50 năm cầm bút, Nguyễn Đổng Chi đã có một sự nghiệp độc đáo và xuất sắc.

Thứ nhất, ông là một trong số ít người đến với văn chương rất sớm: 17 tuổi ông đã có 5 đầu sách viết cho thiếu nhi (Chí quả quyết, Một nhà tan họp, Tài trẻ nước Nam, v.v...). Tròn 20 tuổi (1935), tiểu thuyết tâm lý Yêu đời của ông được trao giải nhì của báo Tiểu thuyết thứ Hai. Cũng năm này ông làm phóng viên cho tờ Thanh-Nghệ-Tĩnh tuần báo (trụ sở đặt tại Vinh) và là cộng tác viên cho nhiều báo khác như Bạn dân (Vinh), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Tiểu thuyết thứ Hai (Hà Nội) v.v… Thời gian làm báo, được đi nhiều, biết rộng và hiểu sâu thực tế xã hội Việt Nam – nhất là thực trạng tăm tối, u uất của những người quanh năm chân lấm tay bùn – đã tạo điều kiện để ông chuẩn bị rất tốt cho việc ra đời tập phóng sự nổi tiếng Túp lều nát sau đó 2 năm.

Thứ hai, ông thành công trong cả 2 lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu. Và những mặt mạnh của lĩnh vực này đã hỗ trợ cho lĩnh vực kia một cách rất hiệu quả. Phóng sự văn học Túp lều nát (1937) với bút danh “Nguyễn Trần Ai” đầy ấn tượng, làm cho giới nghiên cứu hôm nay ngạc nhiên và cảm phục vì tinh thần trách nhiệm công dân của người viết. Cả 13 chương sách của toàn tập đầy ắp những con số “biết nói”, những chi tiết tiêu biểu, những hoàn cảnh xác thực và điển hình đã làm người đọc rơi nước mắt cảm thương cho số phận đau khổ đến cùng cực của biết bao nông dân hai tỉnh Nghệ-Tĩnh, nói rộng ra, số phận của người nông dân Việt Nam dưới ách địa chủ cường hào phong kiến. Không có phóng sự nào viết về người nông dân Việt Nam xuất bản trước năm 1945 có được cái nhìn sắc sảo và thái độ dũng cảm, quyết liệt như Túp lều nát. Chỉ tiếc lúc ấy tác giả tự xuất bản và phạm vi lưu hành bó hẹp trong địa phương Nghệ-Tĩnh, nên tác động xã hội của nó không lan tỏa rộng rãi, đặc biệt là đến hai trung tâm văn hóa Hà Nội và Sài Gòn. Xét chung trong các thể loại sáng tác và nghiên cứu về nông thôn trước đây, tập phóng sự này sánh ngang với các tiểu thuyết nổi tiếng Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), cũng như với tập tiểu luận Vấn đề dân cày (của Qua Ninh và Vân Đình – bút danh của hai nhà cách mạng Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp).

Tiểu thuyết Gặp lại một người bạn nhỏ của ông được khởi thảo từ năm 1949 là một thành công đáng quý khác. Những chất liệu tươi nguyên, nóng hổi trong những ngày cầm súng chưa xa của tác giả được tái hiện trên hơn hai trăm trang sách. Những mẫu người tiêu biểu cho “Hà Nội vùng đứng lên” quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ lần nữa, đem đến cho người đọc niềm tự hào và những cảm xúc thẩm mỹ sâu sắc. Nói như nhà văn nổi tiếng về mảng tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải “Nó thuộc loại ưu việt trong tất cả những tiểu thuyết viết về Hà Nội những ngày đầu kháng chiến năm 1946”.

Có thể nói, chỉ với riêng mảng phóng sự và tiểu thuyết này, Nguyễn Đổng Chi đã có một vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thế nhưng thành tựu của ông trong lĩnh vực nghiên cứu còn phong phú, đa dạng, lớn lao hơn. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhấn mạnh: trong nhiều lĩnh vực ông là ngòi bút tiên phong.

Hãy nhắc đến công trình thuộc loại mở đầu của ngành dân tộc học Việt Nam, do Nguyễn Đổng Chi và người anh ruột – Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi (1899 - 1986)[7] – đồng tác giả: cuốn Mọi Kontum – một công trình điều tra, khảo sát sớm nhất về đồng bào Ba-na (Bahnar). Sách được viết trên cơ sở điều tra thực địa với một phong cách khoa học nghiêm cẩn của hai tác giả, tuyệt đối không vướng gợn một chút nào thái độ kỳ thị, định kiến hẹp hòi đối với các dân tộc ít người như một số nhà nghiên cứu phương Tây thường mắc. Nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Condominas đã tỏ ra rất trân trọng công trình này. Lúc đó Nguyễn Đổng Chi mới 22 tuổi (1937).

Ông cũng là người sớm cán đích thành công trong lĩnh vực nghiên cứu di sản văn học dân tộc. Năm 1942 – khi còn quá trẻ, mới 27 tuổi – ông đã hoàn thành công trình Việt Nam cổ văn học sử khá dày dặn (460 trang). Liền kề với thời điểm này (1943), giáo sư Dương Quảng Hàm cho xuất bản bộ Việt Nam văn học sử yếu. Mỗi bộ sách có một giá trị riêng đáng trân trọng. Dương Quảng Hàm đã bao quát toàn bộ nền văn học dân tộc, từ “văn chương bình dân” đến văn học viết, từ thời Lý - Trần đến đầu thế kỷ XX. Có thể coi đây là cuốn lịch sử văn học Việt Nam phổ thông đầu tiên được biên soạn bằng chữ quốc ngữ, trước hết phục vụ cho việc dạy và học ở bậc trung học thời ấy, đồng thời vẫn rất có ích cho bất cứ ai muốn bước đầu tìm hiểu văn học dân tộc.

Nguyễn Đổng Chi lại đi theo hướng chuyên sâu, tập trung vào một đối tượng gần như chưa ai nghiên cứu – giai đoạn mới hình thành và bước đầu phát triển của nền văn học Việt Nam, từ thế kỷ X đến những năm đầu thế kỷ XV – với một sự sưu khảo hệ thống tư liệu đáng khâm phục và một phương pháp nghiên cứu mới mẻ: vừa đặt văn học cổ trong sự soi chiếu rộng rãi của văn hóa, dưới sự tác động hài hòa của cả ba hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo, nhằm khẳng định tính dung hợp và bản sắc riêng của văn học dân tộc ngay từ buổi bình minh, vừa xem xét tiến trình lịch sử của văn học cổ dưới góc độ trào lưu và thể loại. Đặc biệt có thể coi ông là nhà nghiên cứu hiện đại đầu tiên khẳng định những tác phẩm chữ Hán của người Việt xưa là một bộ phận quan trọng của văn học dân tộc. Đáng ngạc nhiên hơn, ngay khi thực dân Pháp còn đô hộ nước ta (1942), ông cũng là người đầu tiên phát hiện và dám khái quát trong phần Kết luận của công trình: Nét độc đáo của “Lịch sử tư tưởng, lịch sử văn học nước ta trước, nay và sau có thể tóm tắt bằng một chữ ĐÁNH” của hội nghị Diên Hồng.

Công trình này, ngay khi ra đời đã được các nhà văn hóa lớn đương thời như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Đặng Thai Mai tán thưởng. Bẵng đi 15 năm, đến 1957 Nguyễn Đổng Chi lại tiếp tục có những thành tựu nghiên cứu mới với tư cách nhà văn học sử qua các công trình Nguyễn Trãi, nhà văn học và chính trị thiên tài (viết chung với Mai Hanh, Lê Trọng Khánh), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (5 tập, cùng viết với Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh – 1957-1960). Trong bộ sách quy mô này, ông là một trong hai người viết nhiều nhất, chịu trách nhiệm phần truyện kể dân gian, truyện vè, truyện thơ anh hùng nông dân, và nhất là toàn bộ phần văn học chữ Hán. Các chương ông viết đều có sức thuyết phục lớn: tư liệu chuẩn xác, nhận định sâu sắc, cấu trúc chặt chẽ. Ngòi bút viết văn học sử của Nguyễn Đổng Chi thực đáng nể trọng.

Như đã điểm qua, chúng ta có một Nguyễn Đổng Chi đa tài: nhà báo, nhà văn, nhà dân tộc học, nhà văn học sử, nhà khảo cổ học (góp phần tích cực trong việc phát hiện di chỉ đồ đá cũ Núi Đọ trong cuộc khai quật năm 1960); nhà sử học với hàng loạt công trình: Đào Duy Từ (1943), Phạm Hồng Thái (1946), Góp phần tìm hiểu lịch sử đấu tranh của nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến (1965-1978, chưa in), Lịch sử phong trào nông dân thời Trung đại Tập I (1965-1968, chưa in, Tập II viết tiếp trong nhiều năm nhưng cũng chưa trọn vẹn); nhà từ điển học với ba công trình còn dang dở nhưng đã tiềm ẩn những giá trị khoa học cao: Từ điển thư tịch Hán Nôm (đã xong hơn 3.500 mục từ) Từ điển thuật ngữ dân gian, và bộ Lược thuật sách Hán Nôm (đã lược thuật được 8.000 đơn vị sách). Trong nền khoa học xã hội VN hiện đại ông còn là người đầu tiên đặt viên gạch cho ngành địa chí học. Nhìn lại thời kỳ Trung đại, cha ông ta đã bước đầu thể nghiệm loại sách mang kiến thức tổng hợp, liên ngành về từng địa phương. Nguyễn Trãi (1380 - 1442) ngoài những cống hiến hết sức lớn lao trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn học, vẫn cần nhắc tới cuốn Dư địa chí – công trình khoa học rất quý, tạo nền cho khoa Địa lý-Lịch sử của VN. Tác phẩm được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn năm 1434. Tác giả đã trình bày khúc chiết, cụ thể về địa lý hành chính và tự nhiên của nước ta qua các giai đoạn lịch sử và không quên giới thiệu những đặc sản quý hiếm cũng như phong tục tập quán của mỗi vùng. Sau đó hơn 3 thế kỷ ông Đốc học Nghệ An, Tiến sĩ Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) đã biên soạn Nghệ An phong thổ ký, Nghệ An chí, Nghệ An ký. Thậm chí tỉ mỉ hơn, ông viết địa chí cấp thôn: Yên Hội thôn chí. Sách phân loại khá rành mạch từ địa giới, phong tục đến sản vật, nghề nghiệp, nhân vật, đình miếu v.v... Với giới nghiên cứu hiện đại, Nguyễn Đổng Chi là người đầu tiên tiếp bước Nguyễn Trãi, Bùi Dương Lịch, nhưng lại có sự rẽ ngoặt mới, ở chỗ lấy đối tượng văn hóa dân gian làm trọng điểm. Ông chủ biên Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh (1981-1983), rồi cùng người bạn đời – bà Đoàn Thị Tịnh (1917 - 1996) hợp sức biên soạn Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu (bốn tập, 2.400 đơn vị mục từ, 1962-1969, chưa xb). Tiến lên một cấp độ nữa, ông chủ trương và gương mẫu đi đầu trong việc viết đề án hướng dẫn Vấn đề viết xã chí trên toàn miền Bắc (1961), cùng Cao Huy Đỉnh và Đặng Nghiêm Vạn viết Phương pháp sưu tầm văn hóa dân gian ở nông thôn (1969).

Như đã nói ở trên, bất cứ mảng nào trong những lĩnh vực kể trên, ông đều có những cống hiến tích cực, thậm chí xuất sắc. Thế nhưng không phải ngẫu nhiên, với những người hiểu biết văn học Việt Nam hiện đại, hễ nhắc đến ông đều trước hết và trên hết trân trọng nhắc đến Nguyễn Đổng Chi – nhà Folklore học thuộc loại tiêu biểu nhất. Chỉ riêng trong phạm vi cụ thể này, ông có hàng loạt công trình để đời thuộc nhiều thể loại khác nhau, cả tự sự (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích) lẫn trữ tình (ca dao, dân ca, vè): Lược khảo về thần thoại Việt Nam (1956), Hát giặm Nghệ-Tĩnh (3 tập, toàn bộ tập đầu là phần nghiên cứu, viết riêng, nâng cấp từ cuốn sách cùng tên in năm 1944, và cùng Ninh Viết Giao soạn chung 2 tập sau là phần sưu tầm, 1962-1963), Vè Nghệ-Tĩnh (chủ biên 2 tập, 1965), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh (chủ biên, viết 1981-1983, xuất bản 1995)... và tiêu biểu hơn cả: bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập, 1958-1982).

Nhân loại đã ghi nhận công lao tuyệt vời của anh em Grimm (Đức), của A.N. Afanassiev (Nga), của H.C. Andersen (Đan Mạch) và của Pourrat (Pháp) trong công phu nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp truyện cổ dân gian Đức, Nga, Đan Mạch, Pháp. Có thể khẳng định, công trình đồ sộ dày 2740 trang của Nguyễn Đổng Chi có giá trị sánh ngang. Bộ sách được kỳ công biên soạn trong đúng một phần tư thế kỷ, từ 1958 đến 1982, nhưng quá trình nghiền ngẫm, tập hợp tư liệu đã được tiến hành trước đó cũng không dưới 20 năm. Công trình có những phẩm chất nổi trội: Tác giả đã sưu tầm, lọc lựa, gia công tu chỉnh và phân loại 200 truyện cổ tích tiêu biểu của các dân tộc trong cộng đồng Việt. Phần Khảo dị dày dặn hơn nhiều: trên dưới 1000 đơn vị truyện, nhân vật, hiện tượng hoặc motif tương đồng của các dân tộc anh em và của non 40 quốc gia Âu cũng như Á. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế, đó là “thao tác đầu tiên đem lại cho cổ tích Việt Nam một cái nhìn đối sánh”[8]. Có một mảng của công trình, dài tới 330 trang (80 trang phần thứ nhất của Tập 1 và 250 trang phần cuối của Tập 5), tác giả đã trình bày hết sức thuyết phục về đặc điểm truyện cổ tích Việt Nam, vấn đề phân loại và phương pháp nghiên cứu truyện cổ tích. Hơn 300 trang này, như một nhà nghiên cứu đã nhận xét, thực sự là “một chuyên đề lý luận về truyện cổ tích Việt Nam khá nghiêm túc và hoàn chỉnh”[9].

Xin nói thêm một chút về hoàn cảnh nghiên cứu và phong cách lao động khoa học của ông.

Trước năm 1975, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giới trí thức cũng như đồng bào cả nước đều chịu đựng cuộc sống hết sức gian khổ, thiếu thốn đủ bề. Nguyễn Đổng Chi và gia đình cũng chung cảnh ngộ ấy, nhưng với ông mọi khó khăn của cuộc sống thường ngày tuyệt đối không gây vướng cản gì đáng kể trong hoạt động chuyên môn. PGS Ninh Viết Giao – một đồng nghiệp lâu năm, được ông bà Nguyễn Đổng Chi coi như em – đã nhớ lại: “Ngày đi làm việc ở cơ quan, tối về, sau bữa cơm vô cùng đạm bạc với cả gia đình, GS làm việc đến tận khuya. Lật hết trang sách này đến trang tư liệu kia, GS trăn trở, suy nghĩ. Nhiều đêm muỗi kêu vo ve, GS phải đặt cái bàn làm việc nhỏ vào trong màn trên chiếc giường cũ kỹ. Mà cái màn có cao rộng, trắng trẻo đẹp đẽ gì đâu! Đỉnh màn thấp tè tè, vải màn màu vàng khè. GS ngồi trong đó, dưới ánh đèn dầu hỏa, vẫn nghiên cứu và viết”[10].

Lương của ông – một chuyên viên – và của người bạn đời – một công nhân sao sấy trà – phải nuôi 5 con đang ăn học. Vẫn theo Ninh Viết Giao “bao nhu cầu cần chi tiêu, có thể nói là vất vả đến cùng cực. Đó là chưa kể đến những day dứt, khổ đau trong tâm hồn mà GS phải dồn nén lại, phải quên đi, phải vui với đời, với sự nghiệp, với bạn bè… để nghiên cứu và viết”[11].

Trong mấy chục năm miệt mài ấy, lần lượt 85 đầu sách là công trình cá nhân, hoặc do ông chủ biên, hoặc viết chung với người khác; cộng với 41 bài báo khoa học, tổng cộng có tới vài chục ngàn trang in. Số bản thảo đã hoàn thành hoặc cơ bản đã hoàn thành chưa in (12 cuốn) cũng không dưới mười ngàn trang in. Trên cánh đồng văn học, chàng lực điền Nguyễn Đổng Chi quả là đạt năng suất rất cao. Và những vụ gặt hái của ông, nhìn chung chất lượng rất đáng tin cậy.

Đáng tin cậy là phải, vì có bao giờ Nguyễn Đổng Chi thỏa mãn với những đứa con tinh thần của mình đâu. Cuốn nào, bài nào, ông cũng đặt hết trách nhiệm và nhiệt tình vào cây bút. Bất cứ cuốn nào trước khi tái bản (có bộ như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam tính đến nay đã được in tới 9 lần, tổng số non 650 ngàn bản, không kể hàng trăm ngàn bản khác bị “in lậu, in chui” ở trong nước cũng như ngoài nước (Chẳng hạn Nhà xuất bản Đông Nam Á (Paris) đã in năm 1986, không hề xin phép gia đình tác giả), ông đều chỉnh lý, bổ sung kỹ lưỡng (lần tái bản nào cũng đều ghi rõ ở bìa trong: Có bổ sung, chỉnh lý). Phong cách lao động nghiêm túc như thế, tiếc thay, chưa phải là phổ biến trên văn đàn Việt Nam đương đại. Ấy vậy mà Nguyễn Đổng Chi vẫn luôn áy náy không yên. Gần cuối đời, trong sổ tay của mình, nhà học giả lỗi lạc này đã khiến chúng ta ngạc nhiên vì bốn dòng thơ tâm sự:

Ta có gì hơn bác thợ cày,

Dọc ngang đồng đất chẳng ngơi tay.

Mỗi trang ta cuốc, ta khoe chữ,

Kẻ đói, người hèn: ta bó tay[12].

Như trên đã nói, với chúng ta, ông là “chàng lực điền siêu hạng”, nhưng tự đánh giá mình Nguyễn Đổng Chi lại rất riết róng: dù “chẳng ngơi tay” nhưng hiệu quả, tác dụng của bản thân vẫn chưa đâu vào đâu. Nhất là công việc mình tưởng là cao quý, tốt đẹp lại không cứu nổi những người cần cứu nhất: kẻ đói và người hèn.

Trong quá khứ, không ít bậc trí thức, hiền nhân trước khi từ giã cõi đời đã tính “sổ bình sinh” (chữ dùng của Trương Vĩnh Ký) hết sức nghiêm khắc. Đấy là chuyện của các cụ, nhưng càng làm cho hậu thế hiểu thêm nhân cách cao đẹp của những con người đáng kính đó. Công luận xã hội qua các thời đại, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay, chúng ta nghĩ khác, công bằng và sòng phẳng. Hãy nói riêng trường hợp Nguyễn Đổng Chi: Có thể cả tin, các thế hệ người đọc hôm nay và mai sau luôn tưởng nhớ đến ông – một học giả tài đức song toàn, một tấm gương sáng về đạo đức và phẩm chất cần có của người cầm bút, một sự nghiệp lớn đối với văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt đối với ngành folklore học Việt Nam và thế giới.

T.H.T.


(*) PGS TS Ngữ văn - Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM.

[1] Thuộc Liên khu ủy IV thời kháng chiến chống Pháp.

[2] Làm Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu ủy IV.

[3] Một thời gian (1953-1954) về quê tham gia Mặt trận Liên Việt xã và dạy học ở Trường phổ thông cấp II Nguyễn Hàng Chi (Hà Tĩnh).

[4] In trong Nguyễn Đổng Chi - Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia biên soạn, NXB Khoa học xã hội, H, 1997; tr. 432.

[5] Nguyễn Đổng Chi - Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, Sđd; tr. 326.

[6] Nguyễn Đổng Chi - Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, Sđd; tr. 314.

[7] Nguyễn Kinh Chi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Đông Dương năm 1921, trở thành Y sĩ cao cấp, vì lúc bấy giờ chưa có hệ đào tạo Bác sĩ. Về sau hầu hết những y sĩ thuộc các thế hệ ra trường rất sớm này, do tài năng của mình trong thực tế điều trị, được mời về trường thông qua một kỳ thi lý thuyết để công nhận là Bác sĩ. Ông là một trong số đó.

[8] Nguyễn Đổng Chi - Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, Sđd; tr. 178.

[9] Nguyễn Đổng Chi - Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, Sđd; tr. 193.

[10] Nguyễn Đổng Chi – Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, Sđd; tr. 322.

[11] Nguyễn Đổng Chi – Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, Sđd; tr. 322.

[12] Nguyễn Đổng Chi – Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, Sđd; tr. 72.

Nguồn: Nguyễn Đổng Chi: học giả – nhà văn, Kỷ yếu hội thảo khoa học, nxb Trẻ, 2015.