Sau nhiều tháng chuẩn bị công phu và đối phó với nhiều khó khăn lẽ ra không nên có, cuối cùng, ngày 7/5/2015, tức 4 tháng sau 100 năm ngày sinh của học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi (6/1/1915), hội thảo kỷ niệm Cụ do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và NXB Trẻ đồng tổ chức đã diễn ra tại Toà nhà Truyền thông Thanh Niên, 345/134 Trần Hưng Đạo, TPHCM.
Khoảng 150 nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học và bạn đọc hâm mộ cố học giả từ khắp ba miền đất nước đã về dự. Trong suốt một ngày, cử toạ đã lắng nghe 13 bản tham luận và 27 ý kiến thảo luận về thân thế sự nghiệp và các lĩnh vực trước tác phong phú của Nguyễn Đổng Chi: Văn hoá dân gian Việt Nam, Văn học cổ điển Việt Nam, sáng tác văn học và báo chí. Cũng trong dịp này, NXB Trẻ công bố cuốn kỷ yếu Hội thảo gồm 32 bài viết chọn lọc từ hơn 60 bài gửi đến Ban Tổ chức; Tạp chí Nghiên cứu & Phát Triển (Thừa Thiên-Huế) phát hành đặc san chuyên đề về Hội thảo Nguyễn Đổng Chi.
Cử toạ được dự một trong những hội thảo chuyên đề về nghiên cứu văn học hết sức sôi nổi, có những phát hiện mới khá ấn tượng. Tuy nhiên, trong khi trao đổi ngoài lề, không ít người có những băn khoăn khó giải đáp: Tại sao một trong số tham luận xuất sắc nhất được gửi cho Ban Tổ chức (“Làng Ba-na trong sách ‘Người Ba-na ở Kontum’” của Nguyên Ngọc – nhà văn và nhà nghiên cứu có thẩm quyền về Tây Nguyên) lại không được in vào Kỷ yếu Hội thảo, tác giả không được mời dự Hội thảo? (Giá trị bài viết được nhiều người dự Hội thảo khẳng định ngay, sau khi được đọc nó trong cuốn đặc san của Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển mà gia đình cố học giả tặng cho cử toạ). Còn nữa. Cử toạ trông đợi được thấy GS Nguyễn Huệ Chi, trưởng nam và người thừa kế sự nghiệp nghiên cứu văn học của cố học giả, có mặt trong Hội thảo với tư cách một diễn giả nặng ký về Nguyễn Đổng Chi, hoặc chí ít cũng với tư cách đại diện có thẩm quyền của gia đình cố học giả trong dịp kỷ niệm long trọng này, đã ngỡ ngàng khi ông chỉ “được” sắm vai một thính giả thụ động, đến lúc hình như không kìm nén nổi “nỗi niềm”, đã phải đứng lên xin “tranh luận” vài câu về học thuật.
Bình luận về điều khó hiểu này, một nhà nghiên cứu mỉm cười: “Trước đây, ta thường thấy có chuyện Cha làm hại con (con gặp khó khăn vì cha bị ghét), giờ đây ta được chứng kiến chuyện ngược lại: Con làm hại cha (cha bị long đong vì con… là cái gai trong mắt ai đó!); tức là hiện tượng… lý lịch ngược!
Một nhà văn yêu bóng đá thì nói: “Cũng là một cách bỏ bóng đá người đấy thôi!”.
Sau Hội thảo, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Đổng Chi được tiếp nối bằng cuộc viếng thăm Mộ và đường phố mang tên cố học giả - nhà văn.
PV
PGS TS Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình
Một góc hội thảo
GS Nguyễn Huệ Chi phát biểu