Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Góp ý về nhận xét trại giam của ông Đỗ Văn Đương

Người Buôn Gió


Ông Đỗ Văn Đương, đại biểu thành phố HCM trả lời báo chí về tình trạng phạm nhân ở Việt Nam.



Câu này ông Đương nói còn thua xa tôi nghe trực tiếp bà Nguyễn Thị Bình nói với tôi lúc bà đương là đương kim phó chủ tịch nước cách đây 19 năm 6 tháng.

Bà Nguyễn Thị Bình sau khi xem phòng giam, quay ra nói với tôi rằng.

- Ở thế này thì tốt quá, chả kém gì sinh viên, nhìn các anh thấy anh nào cũng khoẻ mạnh cả nhỉ.?

Đúng là phòng giam của đội tù của tôi sạch, chúng tôi béo khoẻ. Bà Bình nói chả có gì sai. Sở dĩ nói ông Đương nói thua xa bà Bình, vì từ thời xưa bà Bình đã khẳng định đời sống phạm nhận ngang bằng sinh viên thời điểm ấy. Chứ không phải là so với sinh viên thời trước nữa.

Bà Bình đi thăm trại tù, có ba anh vệ sĩ to cao mặc áo vét đi theo, một anh cầm ô che nắng cho bà. Bốn anh công an của trại đi theo nữa. Chưa kể đến phòng nào là có hai anh quản giáo đứng sẵn mở cửa.

Trước khi bà vào trại giam, lệnh từ bạn giám thị là dọn dẹp thật sạch sẽ, những thằng nào ốm yếu, tàn tật phải khẩn trương chuyển đi nơi khác ngoài trại.  Trại có rất nhiều đội tù, đội của tôi là đội trồng rau. Vé vào đội này là 1 triệu VND thời điểm năm 1995 cho 1 năm tù. Án bao năm thì chồng từng ấy triệu. Án trên 5 năm ngoài tiền ra còn phải có người trong ngành bảo lãnh mới được ở đội rau này.

Phạm nhân đội tôi có Việt kiều, có con ông thiếu tướng công an, trung tướng quân đội, con của vài ông giáo sư, anh em nhà đại gia. Năm 1995, 1996 mà đi Camry, Toyota 7 chỗ bánh béo đến thăm tù thì các bạn hiểu thế nào,  Đờ Rim Thái nhập nguyên khối giá 6 cây vàng hay Rim beo 125 cc . Spacy 125 ...đến thăm tù nhan nhản.

Đội tù của tôi sướng, sướng hơn sinh viên thật chứ không nói chế giễu. Sáng ra hiện trường làm việc, thằng bét nhất thì vào nhà dân làm bát mỳ tôm đập quả trứng. Thằng khá hơn thì làm bát phở bò, cháo lòng. Thằng đẳng cấp nữa thì gọi đĩa lòng lợn luộc, cổ cánh gà nhâm nhi rượu chán chê rồi mới ăn phở, cháo. Sau đó cà phê, trà thuốc và hút hay chích thuốc phiện phê lờ đờ đến bữa trưa.

 Đến bữa tối thì thằng nghèo ăn cơm với cá chi chi rang với tóp mỡ , khá hơn thì đậu phụ kho lẫn thịt ba chỉ , đẳng cấp thì làm cá hấp bia, gà luộc...đều như vắt chanh. Ăn xong từng nhóm trà thuốc, nhóm uống trà vấn thuốc lào, nhóm hút Vinataba, nhóm hút 555. Đẳng cấp thì ngả bàn đèn thuôc phiện, dọc ớt, bóng móng lợn, thuốc Lai Châu rít ro ro, khói thơm lừng, mở cát sét nghe nhạc vàng. Hoặc xem tivi, tivi là tiền do các đội viên đóng góp.

Có thằng chỉ ăn thịt nạc thăn quanh năm, thằng đó giờ làm trật tự ở quận Hoàn Kiếm. Mấy lần đi biểu tình ở Hồ Gươm gặp nó, anh em vẫn chào hỏi nhau. Tên tuổi, nhà cửa rành rành. Thế nào nó cũng đọc những dòng này, nên mình không thể nói phét câu nào được.

Đội tù này không bao giờ ăn rau hay đồ ăn của bếp trại. Cùng lắm phạm nhân chỉ lấy cơm ở giữa thùng. Phần trên hớt bỏ, phần dưới bỏ luôn. Nhiều tù nhân mua cơm và thức ăn hàng ngày từ nhà dân cung cấp.

Đấy cứ vé vào đội một năm là 1 triệu, về đội rồi thì ngồi chơi không,  tháng 500 đến 1 triệu. Còn vừa chơi vừa làm thì nhẹ nhàng hơn là 300 hoặc 200 một tháng. Thằng làm thực sự thì mỗi tháng 100k. Nên nhớ là giá tiền cách đây 20 năm nhé.

Tiền đóng đủ thì tha hồ chơi, hoặc làm cầm chừng. Ăn uống mua của dân.  Tiêu chuẩn rau, cá, thịt , quần áo, chăn màn của trại không bao giờ dính dáng tới.

Tù thế là tù tiền, tù gia đình. Sướng là do gia đình mua vé vào đội và cấp hàng tháng. Toàn tiền nhà bỏ ra mua, dính dáng gì đến tiêu chuẩn của trại đâu.?

Bà phó chủ tịch nước, ông đại biểu mà đi thăm đội tù kiểu thế, thấy vậy làm sao mà không bảo tù sướng hơn sinh viên.

Tù thật ở chỗ khác cơ, cũng ở trại đấy. Nhưng người ta lập những đội tù cách xa trại mấy chục cây số để làm gạch, nung vôi, đóng than. Hàng ngày cơm trại hôi rình, ăn với muối và vài cọng rau. Mùa đông vác đá từ xa lan dưới sông lên bờ, mùa hè cởi trần đội gạch giữa trời nắng chang chang. Làm quần quần từ tinh mơ đến xẩm tối. Quản giáo cầm roi thấy thằng nào đi chậm vụt tới tấp vào lưng. Thằng nào ngã khuya xốc trói cánh giật cánh tay như gà, treo trên cái xà mà quản giáo tập thể dục. Dùng gậy phang hộc máu mồm, vãi cứt đái ra. Cho cả đội đứng nhìn luôn. Đêm đến trong cái phòng giam chật chôi, nằm nghiêng người san sát vào nhau. Nhà vệ sinh là cái thùng để cuối phòng, mùi thối khai bốc nồng nặc lẫn mùi mồ hôi người. Trời mùa hè, mái nhà tôn thấp lè tè, cửa sổ bốn cái, mỗi cái bằng nửa tờ A4 không đủ thông hơi. Có thằng lao động kiệt sức, không chịu nổi đòn tra tấn, phải dùng mai xắn đất tự xắn cụt ngón chân để về bệnh xá không phải làm nữa.

Ở đội này có anh Suốt nhà Định Công ở cùng mình, anh Suốt có vào FB thì xác nhận, không thiên hạ lại bảo thằng em chém gió nhé.

Mình ở đội tù như thế lúc ban đầu, ông Hưng nhà mình đến thăm, nhìn em còn da bọc xương, ứa nước mắt không nói nổi câu gì, quay về luôn. Về nhà gom góp , vay mượn tiền để mua vé cho mình về cái đội rau kia.

Cả trại chỉ có một đội rau, một đội cá, một đội trồng  kiêm nấu bếp, trồng hoa, quét dọn là đời sống khá vì phạm nhân mua chỗ và cải tạo bằng tiền nhà. Còn mấy chục đội khác làm gạch, vôi, than thì không khác gì nô lệ thời trung cổ. Cứ hình dung trưa nắng chang chang từng đoàn tù lầm lũi đội đá, gạch leo lên dốc. Trong bóng râm công an cầm roi ve vẩy quan sát, chốc lại chửi bới nhắc thằng này thằng kia đi nhanh chân, nhắc đến lần thứ hai là ăn vụt. Có thằng vác gạc lên giữa dốc kiệt sức ngã lăn quay, gạch rơi vỡ bị ăn đòn tới tấp vì tội phá hoại tài sản XHCN, chống đối lao động cải tạo.

Có điều ông Đương hay bà Bình chả bao giờ đến những đội tù như vậy mà tham quan đời sống, toàn cứ đến đội tù mà phạm nhân là con thiếu tướng công an , trung tướng quân đội, con nhà giáo sư, bác sĩ , viêt kiều, nhà buôn ( cái này có tên tuổi thực, không tiện viết ra ) rồi khen đời sống tù nhân sướng cả như sinh viên.

Chỉ đi thăm một trong số bao nhiêu đội tù do ban giám thị trại dẫn đến. Chưa kể thực chất là cái đội thăm ấy đời sống có được là do gia đình bỏ tiền ra mua. Thế mà cứ khơi khơi , bô bô  khẳng định. Làm đại biểu nhân dân mà thế này bảo sao đất nước không khốn khổ.
Nguồn: http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2015/05/gop-y-ve-nhan-xet-trai-giam-cua-ong-o.html

.


"Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa"

2014-10-24T04:06:00
(PLO) - Theo ông Đỗ Văn Đương, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn không làm thay đổi chế độ, chính sách của ta với tù nhân. Bởi ở Việt Nam, tù nhân thậm chí còn…. sướng hơn sinh viên thời xưa.
Bên hành lang QH, sau khi nghe chủ tịch nước đọc tờ trình QH về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ông Đỗ Văn Đương – ĐBQH thành phố HCM cho rằng việc phê chuẩn công ước chỉ là một việc tất yếu trong quá trình hội nhập, về cơ bản, pháp luật Việt Nam đã tương thích với nội dung Công ước:
"Tinh thần chủ đạo của Công ước là phải tôn trọng, không hạn chế, không tước bỏ tính mạng nhân phẩm của phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam. Điều đó pháp luật của mình cũng đã rõ. Cơ bản Công ước tương thích với pháp luật Việt Nam. Nhưng để rõ ra thì theo như Chính phủ, là phải sửa một số luật như Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật tạm giữ tạm giam. Đây là những luật trực tiếp liên quan đến việc hạn chế quyền con người. Phải rõ ra về mặt khái niệm, nội dung để sau này có cơ sở pháp lý xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi bức cung, nhục hình, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác."
Ông có cho rằng việc phê chuẩn công ước ở thời điểm này là phù hợp?
Tôi cho việc phê chuẩn Công ước là hợp thời, phù hợp xu hướng chung. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, của các cán bộ, chiến sỹ liên quan đến công tác đấu tranh phòng trống tội phạm. Những quyền của người phạm tội không bị pháp luật tước bỏ là phải tôn trọng. Việc giam giữ là phải đảm bảo chế độ ăn ở, sinh hoạt, các chế độ khác của họ mà pháp luật không hạn chế.
Qua giám sát của QH vừa rồi, ông thấy các nhà tạm giam, tạm giữ của ta đang trong tình trạng như thế nào?
Việc tạm giam tạm giữ cơ bản là an toàn, chế độ bảo đảm, việc ăn uống tôi thấy tốt. Thậm chí còn hơn chế độ cho  sinh viên đại học thời xưa: 17kg gạo/tháng, rau quả tự túc được; lấy lao động sản xuất phục vụ lại. Tình trạng ốm đau hạn chế. Chỉ có phạm nhân mang HIV vào trại là gây ra ốm đau – thì đó lại là khách quan. Tình trạng tự sát trong trại cũng giảm.
Tuy nhiên, ở góc độ Tư pháp, chúng tôi đã có kiến nghị  Chính phủ cần phải có lộ trình  để nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới để đảm bảo chỗ nằm cho phạm nhân. Còn chỗ ở là tương đối tốt. Nhà nước ta mặc dù kinh tế khó khăn như vậy, nhưng phải khẳng định là chế độ phạm nhân là rất tốt.
Trong một phát biểu gần đây, ông có nói đến tình trạng trại giam quá tải, có phải là do chúng ta tạm giam những đối tượng chưa đến mức phải giam giữ?
Cũng có một số trường hợp. Chúng tôi đã có kiến nghị những đối tượng chưa cần đến mức tạm giam thì không tạm giam, và áp dụng bằng hình thức khác như cho bảo lĩnh, cho đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cứ trú… Nhưng trên thực tế, có những loại tội phạm ít nghiêm trọng, nhưng suốt ngày trộm cắp vặt khiến xã hội bức xúc. Khi phát hiện thì nó lại trốn, trốn thì không bắt giữ được, không đưa ra xét xử được. 
Hiện nay có bất cập luật về căn cứ tạm giam. Sau này phải sửa cho rõ những trường hợp nào đáng phải giam thì phải giam, trường hợp nào không giam thì phải mở rộng biện pháp khác, nhất là trong điều kiện hiện nay, có thể nâng cao trách nhiệm người bảo lĩnh. Hiện nay cho bảo lĩnh, nhưng đối tượng trốn, người bảo lĩnh vẫn chả sao, như thế là không được. 
Một chính sách pháp luật mà nhu mì, ví như mặt nước hiền dịu là nhiều người chết vì nước. Còn một chính sách cứng rắn như lửa đỏ, để giữ trật tự kỷ cương phép nước để ổn định kỷ cương xã hội, để ổn định phát  triển xã hội, điều đó hết sức quan trọng. 
Việc phê chuẩn Công ước, theo ông có làm giảm án oan?
Như tôi đã nói, trong pháp luật Việt Nam có nhiều điều tương thích rồi. Án oan của ta vừa rồi chỉ là do một số cán bộ. Một số thôi chứ không phải  tất cả . Vì một năm có trên trăm nghìn đối tượng, nhưng mà năm vừa rồi, chỉ có 2 vụ đến nay chính xác là oan. Còn nhục hình chỉ một số vụ, không phải là nhiều. Nguyên nhân do cán bộ là chính, chứ không phải cho pháp luật, do chính sách.
Đây là do năng lực cán bộ kém, lười tiến hành biện pháp điều tra, lấy việc đánh đập để có thông tin. Cái thứ hai là đạo đức công vụ kém, coi thường tính mạng, sức khỏe con người. Anh đánh người ta nhiều thế, vì mục đích cũng có thể là bệnh thành tích. Bệnh thành tích, cộng với đạo đức phẩm chất,  năng lực nghiệp vụ non kém dẫn đến một số vụ như thế. Cái này cần chấn chỉnh sàng lọc. 
Theo ông, cần phải làm gì để loại trừ những trường hợp này?
Tôi cho rằng cần quy trách nhiệm người đứng đầu. Nơi nào để xẩy ra như thế là cách chức người đứng đầu. Còn biện pháp quản lý thuộc cấp như thế nào là do họ làm. Không ai có thể quản lý ngần ấy chiến sỹ được. Còn mọi cơ chế luật pháp, nếu không đi vào thực tế, thì vẫn nằm trên giấy. 
Tôi đã bao nhiêu năm trực tiếp đấu tranh chống tội phạm. Bọn họ rất ngoan, cố, nhưng mình phải có nghệ thuật trong việc điều tra, xét hỏi, phải vòng quanh đi tìm chứng cứ khác. Khi có đủ chứng cứ rồi, không cần lời khai nhận. 
Pháp luật không nên cứng nhắc quá, không nên dồn người ta và bước đường cùng, phải có tính nhân đạo. Nhưng cái này cần đi vào từng vụ việc cụ thể.
Xin cám ơn ông./.
Nhật Thanh
Nguồn: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/pham-nhan-viet-nam-con-suong-hon-sinh-vien-thoi-xua-199777.html