Lê công Tư
Tôi muốn xử dụng lại cái đề tựa của một người mà tôi không buồn nhắc đến tên cùa anh ta ở đây. Đó là tác giả một bài viết nhằm bao biện cho sự trở về của 10 thành viên của hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, đã vội vả rời khỏi Nepal ngay khi đất nước này đang trải qua cơn thảm họa động đất. Bởi vì với tôi, đây không còn là vấn đề của một cá nhân, mà đã là vấn đề của cả một tập thể 10 người, rộng hơn nữa, có thể nói cái tập thể này đại diện cho hội Chữ Thập Đỏ của Việt Nam thì cũng không sai lắm. Mục đích hội Chữ Thập Đỏ của Việt Nam đến Nepal là để học tập kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật ứng phó ,làm quen dần với cái thảm họa động đất phòng khi nó xảy ra, và khi nó xảy ra, một cơ hội bằng vàng để đoàn hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam ở lại học tập kinh nghiệm, thì tất cả vội vã quay về nước trong lúc đất nước này đang đắm chìm trong tan hoang, đang cần sự tiếp tay, giúp sức của bất kỳ một ai đang có mặt ở nơi đó.
Đặt sự an toàn của mình lên trên tất cả, ai chết mặc ai, miễn sao tao sống là được, dĩ nhiên .đây cũng là một quan niệm sống. Và cái khả năng chịu nhục cũng phải cao hơn hẳn thiên hạ mới sống được với cái quan niệm này. Nó dể gợi cho tôi nhớ đến những lợi ích nhóm đang tràn lan, đang bám rễ trên cái xứ xở này, sẵn sàng lấy đi những chén cơm, cây cầu của những đứa trẻ nghèo nhất mà không hề biết nhục là gì. Cái khả năng chịu nhục của một số bộ phận trong guồng máy chính quyền của đất nước này hình như đang đối mặt với vô tận.
Hội đoàn nào cũng thế. Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử v.v. có thể khác nhau một chút về hình thức, cơ cấu tổ chức, cách sinh hoạt, điều hành… nhưng mục đích của những hội đoàn này rất giống nhau, đó là lấy tha nhân làm trọng, lấy cái hoạn nạn của đồng loại để thành tựu cái ý nghĩa lẫn mục đích của mình.Tất cả chúng ta không ai không biết cái hạnh phúc nhỏ nhất là cái hạnh phúc chỉ biết vun xén cho chính mình. Bước thêm bước nữa, đó là cái hạnh phúc tìm được trong lúc giúp đỡ đồng loại. Và cái hạnh phúc hoàn mãn nhất mà con người có được là giúp cho một con kiến qua sông, một cọng cỏ không bị bầm dập trong lửa đạn, một mầm xanh có thể tìm được ánh trời.
Nhớ lại hồi còn đi học, có một bài học tiếng Anh có nội dung như vầy:
Có một người lái xe hơi ngang qua một bãi biển hoang. Anh ta thấy một người đang lui cui ngoài bãi biển, cúi xuống nhặt một cái gì đó rồi ném ra ngoài biền. Khi đến gần, thì thấy người đó đang nhặt những con sò đang bị mắc cạn, và ném trả chúng về lại biển xanh. Anh ta nói:
- Trên quả đất đang có hàng ngàn bãi biển hoang với hàng triệu con sò đang mắc cạn chờ chết. Công việc của chú mày là công dã tràng.
Người kia chẳng nói năng gì, tiếp tục nhặt một con sò nữa, ném ra biển, rồi nói:
- Nhìn đây, lại một con sò nữa được cứu sống.
Không ai có thể cứu vớt cả cái thế gian này, kể cả những vị Thánh. Cho nên, chỉ cần khiêng một vài cục gạch ra khỏi cái đống đổ nát hoang tàn ở cái xứ Nepal đáng yêu, là cũng đã đủ để tưu thành môt chút ý nghĩa nào đó của đời mình, cũng đủ để xác chứng cái giá trị lẫn mục đích của một hội đoàn, và trên tất cả là quả tim nhân ái của một dân tộc, để mọi người có thể chia sẻ, tự hào.
Và ngay cả khi đang đào bới những đống gạch, một trận động đất nữa xảy ra, vùi cả mười thành viên của hội Chữ Thập Đỏ Viêt Nam vào lòng đất, thì tôi cũng tin chắc rằng cả mười con người kia sẽ trở thành mười cánh chim trời. Cái chết như một hóa thân siêu tuyệt nhất mà cuộc sống của một con người có thể tựu thành. Hay nói như Niezsche, một triết gia Đức: “Cuộc sống của con người sẽ phong phú biết bao khi nó trao thân cho những nguy hiểm”.
Con người vốn là sản phẩm của những nền giáo dục. Cứ nhìn cách ứng xử, hành xử của một ai đó là có thể nhận ra anh ta được hấp thụ một nền giáo dục nào. Việc rời khỏi đất nước Nepal, ngay khi dân tộc này đang gánh chịu thảm họa của 10 hội viên Chữ Thập Đỏ của Việt Nam cũng thế, đó là sản phẩm của một nền giáo dục. Từ hồi nào đến giờ, nền giáo dục của Việt Nam đã nổi tiếng là không giống ai rồi, đó là một nền giáo dục chỉ thích ve vuốt từ chương, xa lạ với thực dụng. Học sinh sinh viên vẫn phải học những thứ mà chúng có thể tìm thấy trong những kho chứa phế liệu của lịch sử. Ngay cả những người đứng trên bục giảng cũng không còn tin một đôi điều mình dạy. Có một vị trong một tiết dạy về luận chứng kình tế theo quan điểm của Marx Lenin nói như vầy: Thành thực mà nói tôi không tin vào những gì mình đang giảng, còn các em thì vẫn phải học để lấy điểm cho kỳ thi sắp tới. Ngay cả khi đến xứ sở của một đất nước hay xảy ra động đất để học hỏi những kinh nghiêm về động đất, họ cũng chỉ thích học hỏi những kinh nghiệm này trong giảng đường, trong cái đống hổn độn của giấy má. Chỉ có được cái khả năng học về động đất lúc quả đất trong trạng thái yên tĩnh nhất .Còn khi quả đất cựa mình mở mắt sau một giấc ngủ vùi ngàn năm, với cơn cuồng nộ của nó, thì họ lại vội vả quay về
Với một nền giáo dục như vậy, thì cũng đừng ngạc nhiên khi bị đánh giá là chẳng có góp công, góp sức gì cho sự tiến bộ của nhân loại, nếu không muốn nói chỉ là một thứ báo cô, một thứ ký sinh trùng chỉ có khả năng ăn bám. Có khi nào chúng ta tự hỏi là sẽ tiếp tục làm ký sinh trùng bao giờ mới thôi.
Dalat 2-5-2015