Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

BUỒN ƠI, CHÀO MI

Phạm Đình Trọng


                            Trong phòng họp một kì đại hội NVVN ở Hà Nội

Buồn Ơi, Chào Mi, Bonjour Tristesse, là tiểu thuyết đầu tay và là tiểu thuyết hay nhất của nhà văn nữ người Pháp Francoise Sagan (1935 – 2004). Điều mà những người trẻ bước vào đời kì vọng hóa ra chỉ là nỗi buồn. Nỗi buồn của một tuổi trẻ bơ vơ.

Hội Nhà Văn Việt Nam cũng là kì vọng của chúng tôi, lớp nhà văn bước ra từ chiến tranh, hóa ra cũng chỉ là một nỗi buồn. Một nỗi buồn mênh mang! Vì thế, từ nhiều năm nay tôi đã chấm dứt mọi liên hệ với hội Nhà Văn Việt Nam. Cuối tháng hai năm 2014 những nhà văn mang nỗi buồn đó gặp nhau ở Sài Gòn quyết định cho ra đời Ban Vận Động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam.

Là thành viên Ban Vận Động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam tôi đã thanh thản và nhẹ nhõm chấm dứt cương vị hội viên hội Nhà Văn Việt Nam. Thỉnh thoảng những văn thư từ hội Nhà Văn Việt Nam ngoài Hà Nội vẫn gửi đến, tôi cũng không quan tâm ngó ngàng. Mới nhất, giấy mời do Chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam, Hữu Thỉnh kí, gửi đến mời dự đại hội Nhà Văn Việt Nam khu vực Sài Gòn sáng 5. 5. 2015, đọc xong tôi quên luôn thì tối 5.5.2015 tôi nhận được cú điện thoại của Trần Lê Quỳnh ở đài BBC từ London nước Anh gọi về. Quỳnh cho biết tôi có tên trong chín nhà văn bị hội Nhà Văn Việt Nam xóa tên ở đại hội khu vực Sài Gòn sáng nay. Quỳnh hỏi lại tôi để xác minh tính chính xác của tin này. Nhờ cú phôn của Quỳnh, tôi mới biết cách ứng xử của hội Nhà Văn Việt Nam với chúng tôi.

Chiếc áo không làm nên thày tu. Danh hiệu hội viên, cái thẻ hội viên hội Nhà Văn không làm nên nhà văn. Nhà văn là một nhân cách trong cuộc đời, một trách nhiệm với cuộc sống. Nhân cách, trách nhiệm đó không phải chỉ để lại trong cuộc sống hiện tại mà còn để lại trong thời gian trên trang sách lấp lánh hồn nhà văn.

Trang văn khác những trang viết khác ở chỗ chữ nghĩa trên trang văn có dấp dính hồn cảm xúc của người viết. Chỉ cần đọc một trang sách là biết người viết có phải nhà văn hay không. Thể hiện được cái hồn cảm xúc trên trang viết, đó là nghệ sĩ. Đó là tài năng. Nhà văn không phải chỉ cần có tài năng. Nhưng thôi, ở đây không đi sâu vào chuyện đó, dài lắm và cũng “tâm tư” lắm!

Mấy năm trước ở phía Bắc có một quí ông được kết nạp vào hội Nhà Văn Việt Nam, bây giờ nhiều người vẫn gọi là hội Nhà Văn Hữu Thỉnh. Quí ông liền rước tấm thẻ hội viên hội Nhà Văn quốc gia về nhà đặt lên hương án thờ tổ tiên, giết gà, mổ heo mời cả làng đến ăn mừng rồi hàng ngày quí ông ngước cặp mắt ngưỡng vọng lên tấm thẻ nhà văn với vẻ mặt thỏa mãn, vênh vang. Đó là những người sống lê la chưa bao giờ biết đứng thẳng và không viết nổi một câu có văn bỗng trở thành nhà văn nhờ tấm thẻ Nhà Văn như rất nhiều người làm bài tính số học 2 + 2 = 3 cũng trở thành tiến sĩ, giáo sư, có danh, có lộc trí thức nhờ những tấm bằng. Chuyện thật hiện đại mà như chuyện vui đùa giễu cợt dân gian.
Ở hội Nhà Văn Việt Nam những năm tháng này, những chuyện giễu cợt có thật như vậy nhiều lắm. Với tổ chức hội như vậy, với những hội viên như vậy thì việc chạy giải thưởng, chạy danh lơi, chạy tiếng, chạy miếng cũng là chuyện đương nhiên, thường ngày! Đó là nỗi buồn của chúng tôi và nỗi đau của cả một đất nước văn hiến.

Thôi nhé! Buồn ơi, chào mi!