HỘI NHÀ VĂN VIÊT NAM Hà Nội ngày 6/9/2008
BIÊN BẢN CUỘC HỌP THẨM ĐỊNH CUỐN TIỂU THUYẾT
“ THỜI CỦA THÁNH THẦN”
của tác giả HOÀNG MINH TƯỜNG do NXB Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành.
Thực hiện chỉ thị của Ban Tuyên giáo Trung ương và tiếp nhận quyết định của Chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông xử phạt NXB Hội nhà văn về hành vi vi phạm chưa hết thời hạn 10 ngày kể từ khi nộp lưu chiểu đã phát hành sách, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Hội đồng thẩm định để nghiêm chỉnh xem xét cuốn tiểu thuyết “ Thời của Thánh Thần”.
Hội đồng gồm có: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng; NV Nguyễn Trí Huân phó Chủ tịch Hội; NV Trần Đăng Khoa, NV Hồ Anh Thái UVBCH Hội, NV Vũ Tú Nam – NV lão thành; NV Lê Thành Nghị - Hội đồng Lý luận phê bình; NV Nguyễn Hoa – Ban tổ chức Hội. Nhà văn Trần Hữu Tòng – Ban Kiểm tra Hội ghi biên bản cuộc họp. NV Trung Trung Đỉnh – Giám đốc NXB Hội Nhà văn; NV Khắc Trường - Tổng biên tập NXB, đã dự họp.
Nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch Hội đồng phát biểu: Đây là nếp làm việc thường xuyên của Hội. Tiêu chí cuộc họp này nhằm thẩm định cuốn tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần”, có hai vấn đề: Nội dung cuốn sách và nêu ý kiến đề xuất cách giải quyết cuốn sách.
* NV Nguyễn Khắc Trường trình bày: Sự thực về mảng biên tập văn học của NXB rất thiếu và yếu. Tôi đã đọc bản thảo với tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng tác giả có tên tuổi và là bạn bầu, có phần nể nang. Tôi đã gạch xoá một số đoạn trong các chương và đã mời tác giả đến trao đổi sửa chữa, nhất là các đoạn viết về CCRĐ… Tác giả cũng đã xoá bỏ nhiều chỗ bất lợi. Tôi cũng đã nhận thấy tác giả viết nhiều đoạn như bút ký, ký sự chứ chưa phải tiểu thuyết. Những chi tiết viết quá tục tĩu… đã góp ý tác giả sửa, tác giả chấp nhận nhưng không sửa được bao nhiêu. Một lý do nữa NXB quá nghèo, tác giả tự bỏ tiền ra in và nói “Nếu các ông không dám in, tôi in chỗ khác. Tôi đã hỏi được vài nơi rồi…” Về việc sai phạm phát hành trước qui định, NV Nguyễn Khắc Trường nhận sai sót và nghiêm túc nộp phạt.
* NV Lê Thành Nghị: Trong cuốn sách này tác giả viết về CCRĐ, Vụ NVG Phẩm, viết về đổi mới… có nói được một số sự thật nhưng chỉ nói những hiện tượng của mặt trái, mặt sai của xã hội. Tác giả liệt kê sự đen tối, sai lầm mà không nói được sự sâu xa về chính trị của vấn đề mình nêu. Ví như nói về vụ NVGPhẩm… tác giả không có tầm nhìn về mặt chính trị là bản chất về vấn đề này. Về việc người di tản, mất mát trong chiến tranh, tác giả nói quá nhiều về những chuyện mất mát, đau thương, nói với thái độ phán xét quá mức làm cho người đọc phủ nhận hết, lên án hết. Người đọc không còn nhìn nhận được bản chất sâu xa của vấn đề đó là những thắng lợi của chúng ta. Tóm lại cuốn sách có được sự lôi cuốn, hấp dẫn cho một tầng lớp nào đó nhất là những ai không hài lòng với chế độ chúng ta. Đặc biệt, tác giả dồn nén, nhồi nhét quá nhiều vấn đề vào một cuốn sách nên nặng nề gây cho người đọc nhìn nhận xã hội ta xấu xa, bất hảo. Song ta phải cân nhắc có nên làm ầm ĩ quá, như thu hồi, lên án, phê phán không. Như vậy không khí chính trị sẽ nặng nề, kẻ địch lợi dụng, và lại như quảng cáo cho sách, nhiều người sẽ tìm đọc, họ sẽ in chui, in lậu thêm… Nên cân nhắc kỹ điều đó.
* NV Hồ Anh Thái: Nhà XB là công cụ quản lý về xuất bản cho Hội Nhà văn cho Nhà nước, đã lỏng lẻo để lọt ra cuốn sách này. Một cuốn sách như tín hiệu về sự tự do ngôn luận, công khai phê phán những vấn đề nhức nhối của xã hội Việt Nam. Có phải là đã đến lúc tự do ngôn luận như thế không? Cần có một cuộc toạ đàm rộng rãi về lĩnh vực văn xuôi của các Hội đồng trong Hội Nhà văn về cuốn sách này. Về mặt xử lý, xin chiểu theo luật định.
* NV Vũ Tú Nam: Phải nói thật rằng sách không hay, dở. Tác giả nhồi nhét nhiều sự kiện thất thiệt, sai lầm, mất mát như CCRĐ, xử lý vụ NVGP, đổi tiền, di tản, cải tạo công thương nghiệp… Tác giả lấy đâu những số liệu CCRĐ 70% tỉnh uỷ viên, huyện uỷ viên bị giết oan; 20 ngàn di tản bị chết, đổi tiền thì tự tự, cải tạo CTN cũng tự tử…? Những việc ấy người bất mãn với xã hội sẽ rất thích thú. Thử hỏi như vậy có lợi gì? Sách không phải là tiểu thuyết, ký nhiều. Tên nhân vật thì quái đản : Vặn, Vẹo, Kỳ, Quặc… Không chấp nhận được. Kiến thức của tác giả lõm bõm, sai, thiếu hụt. Tác giả quá vội vàng, muốn nổi tiếng. Phải chăng tác giả nổi tiếng ở ta không bằng nổi tiếng nước ngoài?
* Nhà văn Trần Đăng Khoa: Đây là cuốn sách so với NV Hoàng Minh Tường là cuốn nổi trội nhất của anh. Phải nói tác giả có cố gắng, song quá dài, hơn 600 trang, nhưng cũng không có trang nào dừng lại ở ngưỡng văn chương mà báo chí thì cũng không ổn. Tên nhân vật thì quái đản không thể chấp nhận được. Có chi tiết tác giả không nắm vững thời điểm lịch sử như chiến dịch Đông Khê ta đâu đã có xe tăng. Không nên viết theo lối ám chỉ, tên nhân vật nên giản dị đời thường của Việt Nam. Chuyện xảy ra nửa thế kỷ rồi, Trung Quốc đã viết nhiều. Ta không nên làm to chuyện trong tình hình không khí dân chủ hiện nay. Cứ xem bình thường rồi nó sẽ chìm đi. Nếu ta làm to, bọn chống phá ta ở nước ngoài sẽ in lại, trao giải thưởng thì bất lợi.
* Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Hầu như tất cả những sai lầm, thất thiệt trong xã hội 50 năm qua: CCRĐ, NVGP, Cải tạo CTN… đều được nhà văn gom vào sách. Đó là những vết thương của xã hội, tác giả đưa ra cấu xé vào những chỗ nhức nhối nhất. Tác giả trình bày, phơi trần với thái độ nặng nề. Việc đó sẽ hấp dẫn, nhất là những ai bất mãn không hài lòng với ta cả người trong nước và ngoài nước. Cách giải quyết cuốn sách: Nếu ta làm ồn ào, họ sẽ phô tô, in lại phát tán rộng rãi, nhiều người sẽ tò mò tìm đọc ảnh hưởng xấu sẽ rộng hơn. Ta không nên thu hồi, mà thu hồi sẽ không bao giờ thu được hết. Ta không nên làm ồn ào, báo chí không nói đến thì nó sẽ chìm đi. Hiện nay anh Khắc Trường và tác giả đang đi thu hồi nhưng có thu được bao nhiêu đâu?
* Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tác giả và NXB không có tâm địa xấu, nhưng không ngờ sự việc lại đến nước này. NXB có khuyết điểm vì trình độ chính trị non. Giám đốc, Tổng BT đều có lỗi. NV Khắc Trường không kiên quyết đã nhân nhượng tác giả. Biên tập viên yếu, làm chưa kỹ. Xin nhận khuyết điểm, xin nộp phạt nghiêm túc. Nhà văn Hoàng Minh Tường không có gì sai.
* Nhà văn Trần Hữu Tòng - đọc văn bản Luật Xuất bản: “Điều 22, nghiêm cấm các xuất bản phẩm có nội dung: 1. Chống lại Nhà nước CHXHCNVN…2. Truyền bá bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù… 3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự…4. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, xúc phạm vĩ nhân anh hùng, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm công dân…” Đề nghị hội nghị áp những điều sai sót của tác phẩm đã được phân tích vào Luật xem có sai phạm không?
* Chủ tịch Hội đồng thẩm định – Nhà thơ Hữu Thỉnh: Hội Nhà văn, Hội đồng thẩm định hoàn toàn mang tính chuyên môn không có quyền thu hồi hay không thu hồi, không có quyền phạt hay không phạt.
Các ý kiến phát biểu nghiêm túc có trách nhiệm cân nhắc đến nhiều khía cạnh. Chủ tịch Hội đồng – Nhà thơ Hữu Thỉnh kết luận: Cuốn tiểu thuyết “ Thời của Thánh Thần” không phải là cuốn sách hay, nhưng cũng không sai phạm về chính trị. Không phải tác giả táo bạo nói lên những điều tâm huyết mà đây là biểu hiện chủ nghĩa minh hoạ thô thiển, tự nhiên nhằm liệt kê nhiều sự kiện. Cuốn sách không sâu sắc về nhân vật. Mà tiểu thuyết là nói về nhân vật. Tác giả nói về sự bi đát không đến nơi, nguyên nhân cũng không đến nơi. Tầm nhà văn không đủ sức ôm chứa, giải trình, mổ xẻ những vấn đề mình vội vàng đưa ra. Cuốn sách có dấu hiệu mang tính ám chỉ là điều không hay. Điềuđó nói lên nhà văn thấp tầm và kém cái tâm. Miêu tả về phụ nữ có đoạn được. Nhưng có đoạn thô thiển, tục tĩu như tả về thủ dâm, cho bắp ngô vào chỗ kín… là ghê tởm. Biên tập tuy có cố gắng nhưng đã bỏ sót nhiều chỗ như nói nặng nề, quá lời về các nhân vật là cán bộ CCRĐ, hoặc đưa các con số cụ thể về cán bộ tỉnh uỷ, huyện uỷ chết trong CCRĐ, người di tản chết… là không nên, căn cứ ở đâu? Nói về Đảng, tác giả thiếu thận trọng, có chỗ dùng lời lẽ như giễu cợt là không được.
Về xử lý, đồng chí Chủ tịch Hội đồng nói: Không nên cấm, thu hồi. Làm như vậy sẽ gây xôn xao, ầm ĩ nhất là trong thời điểm hiện nay. Kẻ địch đang dòm ngó, lợi dụng. Chúng ta nên làm nhẹ nhàng để nó lặng đi, chìm xuống như không có nó. Nếu làm to chuyện sẽ là như quảng cáo cho cuốn sách, bạn đọc sẽ tò mò, lập tức nhiều nơi in lại, khó lường hết hậu quả. NXB phải có quy chế rõ ràng, chặt chẽ, kỷ luật nghiêm với công tác biên tập. Cán bộ biên tập, Nhà XB là công cụ của Hội NV, của Nhà nước quản lý, gác cửa về mặt xuất bản phải làm tròn chức năng ấy. Nhà xuất bản phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm không để xảy ra tình trạng như thế này nữa.
Hội đồng thẩm định nhất trí: Việc này nên xem như một việc bình thường: nhắc nhở, kiểm điểm nhẹ nhàng rút kinh nghiệm về khâu biên tập, đọc duyệt, sửa chữa, in ấn… chứ không nên làm to chuyện, ầm ĩ. Nhà XB phải chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt hành chính của Thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông. Nhà XB phải tổ chức cuộc họp gồm có BCH Hội NV Việt Nam, các ban, hội đồng của Hội, mời Cục XB và những cơ quan có liên quan dự để rút kinh nghiệm về cuốn sách này.
Cuộc họp kết thúc lúc 16giờ30 ngày 6 tháng 9 năm 2008 tại Văn phòng Hội Nhà văn.