Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Bạn tôi

Nguyễn Tuyết Lộc

1975: năm đất nước chấm dứt chiến tranh, người thì vui mừng gặp lại thân nhân, đón chào hòa bình, người đau khổ vì đi cải tạo dài ngày, người thì lo lắng không biết số phận của mình sẽ thế nào, nhất là trong giới viên chức từng làm việc cho chế độ miền Nam trước 75. Ngoài số phải đi học tập cải tạo, số ở lại với ám ảnh được lưu dung hay không được lưu dung, âm hưởng không khác gì “to be or not to be” của Shakespeare.

Số phận trớ trêu có khi cười ra nước mắt, nhưng tôi nhớ nhất là những bạn thân cùng trường Quốc học, cùng lớp đệ nhất C. C1 (Pháp văn) có Trần Công Tín, C2 (Anh văn) có Lê Khắc Cầm mà tôi nhắc trong bài viết này, mỗi người rẽ một con đường khác nhau, và còn nhiều bạn bè cũ khác mang những cái tên thỉnh thoảng gợi lên bồi hồi trong ký ức tôi như Thân Trọng Sơn, Vĩnh Thái… mà trong chỉ một bài viết không thể nhắc hết được.

Trần Công Tín tuy chiều cao có phần “khiêm nhường”, bề ngoài không nổi bật giữa bạn bè, nhưng là mẫu bạn chân chất nhất, hiền nhất, “gạo” nhất trong nhóm của tôi. Vì hiền quá nên Sơn, Thái thường chọc ghẹo, thu cặp sách của Tín trong giờ học làm chàng ta không có vở ghi bài, mặt cứ ngẩn ra, dáo dác nhìn lui nhìn tới mà chẳng dám hé miệng hỏi, sợ bạn cười. Tín là người bạn rất tốt bụng, đã từng “cứu” tôi khỏi lâm vào tình trạng “thất tình” bỏ ăn bỏ học lang thang thất thểu xuống bờ sông Hương ngồi tương tư (mà không có can đảm nhảy xuống) làm cả nhà hoảng lên vì chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ thi tú tài toàn phần. Hàng ngày tôi ôm sách vở từ Cư xá giáo sư Đại học số 2 Lê Lợi xuống nhà Tín ở 6 Nguyễn Công Trứ ôn bài, hai đứa được ba mẹ Tín dành cho chiếc bàn dài trước hiên nhà để học. Học xong ra vườn hái mít cám ăn (ở quê Huế còn có cái tên mà nói ra “ốt dột” lắm là “mít dái” vì nhìn cứ y chang!). Tín thì chăm chỉ “tụng”, tôi thì được tiếng khá thông minh nhưng phải tội lơ đãng, bị Tín kềm thúc nhắc nhở hoài, và cũng nhờ bạn hiền tận tâm cùng ôn tập mà tôi đỗ hạng bình thứ.

Xét về mặt học hành Tín chẳng thua ai. Từ giã trường Jeanne d’Arc, Tín tiếp tục học lớp 9è, 8è, 7è (tức lớp ba, lớp bốn, lớp năm bây giờ) ở trường tư thục Providence, đến trung học đệ nhất cấp thi vào trường công Nguyễn Tri Phương rồi lên đệ nhị cấp Quốc học, tháng nào cũng có bảng danh dự, năm nào Tín cũng “ôm” phần thưởng đầy ắp sách vở không nhất, nhì thì cũng hạng ba. Tín kể: “Lúc học ở Providence vui nhất là hàng tháng được cha hiệu trưởng Viry cao tới hai mét người Pháp, rất nghiêm khắc, khi phát bằng khen, cha thấy mình quá nhỏ bé nên bưng bổng, bồng nổi mình đưa lên cao cho bạn bè thấy và cười thật vui vẻ.”

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 67, Tín học thêm Cử nhân văn khoa, có thư khen thành tích học tập của Khoa trưởng Sư phạm Huế, rồi song song với việc giảng dạy tại trường trung học đệ nhị cấp Nguyễn Huệ – Tuy Hòa, Tín ghi danh học cao học Văn khoa Sài gòn năm 67 dưới sự hướng dẫn làm tiểu luận của giáo sư Nghiêm Toản, nhưng phải qua sự sát hạch và phê chuẩn của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch.

Chuyện đời không đơn giản toàn màu hồng. Cầm sự vụ lệnh nhận nhiệm sở vừa được một năm, Tín tham gia chấm thi tú tài và chấm thi đệ thất lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Khoảng cuối tháng 9, 1968 nam giáo sư “toàn quốc” nhận lệnh tổng động viên nhưng lại được ưu tiên hưởng chính sách biệt phái, nghĩa là chỉ học ở quân trường 9 tuần rồi về dạy lại. Nhiều cán bộ miền Bắc, đặc biệt các vị quản lý ngành giáo dục, tưởng lầm rằng từ “biệt phái” chỉ một đối tượng đặc biệt, tin cậy, gài vào ngành để theo dõi, báo cáo về đồng nghiệp. Ngày nay hẳn các vị đã biết là… oan Thị Kính. Quân đội Sài Gòn chưa thực sự cần những sĩ quan gốc nhà giáo hoặc không biết bắn súng, hoặc có khi bắn bia mười phát trúng một, đúng ra tình hình chiến sự chưa đến mức cần tới họ, nên huấn luyện qua loa để dành khi tổng động viên, gấp thì phiên chế đẩy thẳng ra sa trường cho gọn. Tín cùng các bạn lên đường vào quân trường Lam Sơn – Khánh Hòa để được huấn luyện cùng với bạn bè của 11 tỉnh thuộc vùng II chiến thuật, trong số đó có Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Duy Phiên, Thân Trọng Sơn. Nhưng oái oăm là vừa đến nơi mới hay những người sinh năm 1943, 1944 thuộc tuổi đôn quân, sẽ không được biệt phái, mà phải tiếp tục được huấn luyện ra sĩ quan, rồi ra đơn vị hai năm. Đúng là tin sét đánh với Tín vì Tín nằm trong diện đó. Như vậy Tín phải học tại quân trường 8 tháng và ra đơn vị 16 tháng với lon chuẩn úy. Đơn vị Tín được phân bố là phòng Nhất (coi về quân số) tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đóng ở Pleiku. Tín nói: “Tuy về đây an toàn, nhưng mình không thích vì mình học văn chương nay phải vùi đầu vào những con số. Làm giáo sư đệ nhị cấp được dạy thêm, hưởng tiền phụ, hè đi coi thi, chấm thi, lại còn được phụ cấp đủ thứ như tiền chấm bài, tiền coi thi, tiền đi đường, tiền ăn ở trong khi thực tế mình ở nhà mình hay nhà bà con. Những ai có tú tài bán phần học 6 tháng quân sự cộng thêm 9 tuần ở Quang Trung hay Lam Sơn sẽmang lon chuẩn úy rồi cứ thế mà lên lon, 18 tháng đương nhiên lên thiếu úy, 2 năm lên trung úy dù không đánh đấm gì. Muốn lên đại úy phải có “công trạng”, còn không thì phải mất 7 năm. Được làm ở Phòng Nhất, không phải đi tác chiến, cũng mừng. Thực ra thì đa số trí thức (cử nhân trở lên) đều được phân bố về các văn phòng thuộc trường Võ bị Đà Lạt, trường Chiến tranh chính trị, trường Thiếu sinh quân, các quân trường. Mà dù có xui lắm ở đơn vị tác chiến đi nữa thì các ông lớn cũng sắp xếp để bọn mình ở hậu cứ và nhờ dạy kèm cho con cháu họ. Thời đó cử nhân trở lên rất hiếm. Theo quy chế tuy mình là chuẩn úy, chỉ số 250, lương khoảng 4000 đồng, mà mình lại được hưởng nguyên lương của một giáo sư đệ nhị cấp 8000 đồng, chỉ số 470 ngang với lương của đại úy.”

Thật không may vì mang danh sĩ quan, nên sau 75 Tín lại phải đi học tập cải tạo trước ở Sơn Định, sau xuống trại 53 Ngân Điền huyện Sơn Hòa gần hai năm. Như tôi đã nói, người ta quan niệm “biệt phái” nghĩa là do chính quyền cũ cài vào học đường để theo dõi, kềm kẹp giáo sư, học sinh… nên có tội, trong khi các bạn khác học 9 tuần là binh nhì, mà binh nhì thì được “xóa tội”. Học tập xong, Tín quay về trường cũ, trường không nhận, lại phải quay về Huế nương náu gia đình, đưa đơn xin việc, đến đâu cũng được trả lời “hết chỗ”, Tín tiếc đã bỏ công đèn sách gần hai chục năm, chữ nghĩa cuối cùng chẳng dùng vào đâu! Lên voi thì chưa lên mà xuống chó thì lắm lần, tang thương biến đổi không biết đâu mà lường. Thân phận con người hóa ra như bọt như bèo, thời cuộc đẩy đưa, không tự quyết được đời mình, khác xa nghìn dặm với những giấc mộng thanh xuân ngày còn ở ghế nhà trường.

Tín là người rất ham học, không chính kiến, không tham vọng quyền lực, trong con mắt bè bạn hiểu rõ Tín, thấy ước mơ lớn nhất, duy nhất mới tử tế khiêm tốn làm sao là được đi dạy để sử dụng kiến thức bao nhiêu năm “dùi mài kinh sử” của mình và cũng vì thương nhớ trường cũ cùng các em học sinh. So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng nhớ tới hoàn cảnh tai bay vạ gió, hàm chuẩn úy không xin mà vẫn phải nhận và giấc mơ khắc khoải được đứng lớp mà bị từ chối.

Chưa dừng lại đó, hình như tất cả bất hạnh đều dành cho Tín, bạn hiền của tôi. Năm 2013 Tín phát hiện bị K đại tràng, di căn gan, có hạch trong bụng, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Nằm viện 11 tháng, phẫu thuật 3 lần, hóa trị 6 đợt, uống Xeloda 5 đợt, mang hậu môn giả bên hông, thể xác vô cùng đau đớn, tinh thần lại hoang mang bấn loạn, hằng ngày “nhá” điện thoại cho bạn bè trong ngoài nước, hay học trò cũ vì sợ điện thoại hết tiền không mua kịp, rồi chờ họ trả lời, mong được nghe những lời an ủi để nghĩ là mình đang sống, đang hít thở và còn sự thương yêu quan tâm giữa con người với con người…Trong thời gian đi dạy được học trò yêu mến, khi đau ốm được bạn bè ân cần thăm hỏi hỗ trợ tiền bạc và tinh thần, vợ con hết lòng chăm sóc chu đáo, có lẽ Tín được trời Phật phù hộ và nhất là được bác sĩ, y tá khoa ung bướu ở bệnh viện Huế tận tình cứu chữa nên đẩy lùi được căn bệnh hiểm nghèo.

Chắc nhiều lần người bạn hiền lành của tôi cũng đặt câu hỏi không biết mình thực sự đã phạm tội gì. Có những điểm trong cuộc đời của Tín làm tôi nhớ lại anh chàng nông dân Iohann Moritz, nhân vật của tiểu thuyết Giờ thứ hai lăm của C. V. Gheorghiu. Tất nhiên không hoàn toàn giống hệt nhau, hoàn cảnh không cùng mức độ như nhau, nhưng xét cho cùng cũng là dư vị bi đát của những thân phận bất lực giữa bão táp lịch sử, xô dạt nhiều bề, cho đến khi nghiêng mình soi xuống dòng sông đời thì tóc đã điểm bạc.

Tôi lại lang bang nhớ tới Nguyễn Du với hai câu thơ thấm thía về số phận Thúy Kiều mà ai biết tiểu sử của ông cũng biết ông gẫm chính cuộc đời của mình:

Xưa sao phong gấm lụa là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Tín tuy không xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc hưởng cảnh nhung gấm lụa là như Nguyễn Du viết, nhưng số phận lận đận thì có thể ví như thế. Và có phải vì thân phận lá hèn cỏ mọn, cầm bằng hạt bụi ven đường của những con người cô thế mà Tín phải chịu cảnh:

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

để có khi trong giấc mơ lúc đang nằm bẹp dí trên giường bệnh mà nước mắt bỗng dưng ràn rụa mừng tủi vì thấy mình được đứng lớp. Dù chỉ là mơ thôi!

Ngược lại với một Thân Trọng Sơn dạy ở Đà Lạt nay đã nghỉ hưu và Vĩnh Thái, chủ nhiệm luật sư đoàn ở Huế, cũng đến tuổi hưu trí, được song suốt trên đường đời và một Tín nhẫn nhục gặp nhiều đoạn trường da diết, không phản kháng thì Lê Khắc Cầm “nổi loạn”, sự nổi loạn của một trí thức yêu nước, dấn thân trước thời cuộc và biết lẽ xuất xử của một kẻ sĩ tự trọng.

Lê Khắc Cầm cũng là bạn cùng học chung lớp đệ tam, đệ nhị với Thân Trọng Sơn và Trần Công Tín ở Quốc học (trừ giờ ngoại ngữ phải học riêng vì không đủ học sinh). Khi lên đệ nhất vì đủ sĩ số học sinh nên được chia làm hai lớp, chúng tôi học C1 (Pháp văn), Cầm học C2 (Anh văn).

Lê Khắc Cầm là con trai út trong một gia đình gia giáo của cụ Lê Khắc Tưởngvà cụ bà Công Tôn Nữ Thị Nhung. Từ con cái của cụ như ông Lê Khắc Phò giáo sư đại học Huế, chị Lê Khắc Ngọc Khuê và chồng là anh Nguyễn Nguyên giảng dạy ở trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, chị Lê Khắc Ngọc Mai, quản lý thư viện trường Đồng Khánh Huế, đến con dâu là chị Lê Liên, giáo sư trường Quốc học– vợ của thầy Lê Khắc Phò –, tất cả đều rất khí khái, có phong độ trí thức, được bạn bè và nhiều thế hệ học sinh sinh viên Huế quý mến.

Theo tập tục xưa mỗi khi nhận nhiệm sở ở một địa phương thì vị quan chức này thường tổ chức cuộc gặp gỡ với thân hào nhân sĩ, và ngược lại những nhân sĩ có học thức cũng có tục ra mắt quan địa phương mới. Một chi tiết rất đáng chú ý nói lên tính cách thâm trầm của cụ là trước khi xảy ra sự kiện tháng 8.1945 cũng như ở các địa phương khác, chính quyền Việt Minh có chính sách kêu gọi sự hợp tác của quan lại triều Nguyễn. Nhiều quan lại huyện xã “qua đêm” bỗng trở thành Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến chống Pháp. Thân sinh của Lê Khắc Cầm một mặt không phản đối việc trả lại chức vụ, quyền lực địa phương, một mặt thẳng thắn từ chối phục vụ chính quyền mới. Ngày đó một thái độ như vậy có thể dẫn tới những hậu quả vô lường cho bản thân và gia tộc. Điều ngạc nhiên với nhiều người là chính quyền Việt Minh làm ngơ cho cụ đưa gia đình quay về Huế an toàn. Cụ mất sau 1975, khi tinh thần vẫn còn minh mẫn. Tôi được biết sau thời gian ngắn sống dưới chính quyền cộng sản, và rất có thể với kinh nghiệm tiếp xúc trước đó, cụ đã từng nhận xét “không biết răng thằng Cầm rất thông minh mà lại theo cộng sản…còn con cháu phải dặn nhau nhớ một điều không ai lật đổ được chính quyền cộng sản, đừng manh động với chính quyền cộng sản vì qua kinh nghiệm của bố, chính quyền cộng sản chỉ tự tiêu tự vong!”. Và đúng như lời cụ nói, chỉ vài năm sau đó các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết quả nhiên “tự tiêu tự vong”. Cụ có một thái độ khá đặc biệt đối với cậu con út độc đáo của mình: ngoài việc thừa nhận trí tuệ, tri thức sáng láng của con, cụ lại tỏ ra lo lắng nhất cho con trai út mà cụ gọi là “khắc bạc”. Và chính Cầm một lần nhắc tới bố, bỗng loay hoay chỉnh kiếng cận – cử chỉ quen thuộc khi có gì bối rối của Cầm – tủm tỉm cười, nói: “Kể ra ông cụ moi nói cũng chính xác thôi!”.

Năm 1996, một hôm tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Nguyễn Quốc Thái:

- Có đồng hương Huế muốn gặp Tuyết Lộc ở cà phê 27 Nguyễn Thị Diệu nè.

Tôi hỏi:

- Ai rứa anh?

- Tuyết Lộc đến thì biết.

- Không quen Lộc không đến.

Cuối cùng Thái bảo là Lê Khắc Cầm.

- À, Lê Khắc Ngọc Cầm.

Giọng Bắc mềm mỏng điệu đàng như giọng con gái của anh Thái, ngạc nhiên:

- Lạ nhỉ, sao lại có Ngọc Cầm nhỉ. Khắc Cầm chứ.

- Thì trong nhà Cầm, các chị ai cũng Ngọc. Ngọc Mai, Ngọc Khuê, Ngọc Giao… nên gọi luôn Ngọc Cầm cho vui.

Anh Nguyễn Quốc Thái là nhà thơ sáng tác từ những năm 60, vào độ tuổi chưa tới hai mươi. Nhiều người xem anh là một trong những nhà thơ phản chiến đầu tiên bên cạnh nhà thơ Thái Luân (tác giả Vùng tủi nhục). Anh từng có tên trong nhóm chủ trương các tạp chí Hành trình, Đất nước, Trình bầy, Nhà Văn nổi tiếng một thời. Thơ của Nguyễn Quốc Thái được đưa vào chương trình giảng dạy văn học ở một số trường đại học Mỹ và Anh.

Nghe anh Thái nhắc đến Cầm, tôi không ngạc nhiên lắm, vì thật ra tôi cũng đã có lần thấy Cầm từ xa ở chợ Tân Định. Khi nhận quà thuốc tây của anh Thạch, anh trai tôi, từ Pháp gửi về tôi hay ra chợ Tân Định tìm gặp Trần Gia Phụng để bán. Trần Gia Phụng và tôi cùng dạy Phan Chu Trinh Đà Nẵng trước 75. Phụng là người ham nghiên cứu, thẳng thắn, không xu thời như nhiều người khác. Những ngày đầu quân đội tiếp quản Đà Nẵng, chúng tôi phải dự các lớp học chính trị, nghe báo cáo về cuộc tiến công thần thánh của bộ đội miền Bắc vào Nam, nghe Mỹ chạy, ngụy nhào… trước khi dạy lại. Giới giáo chức trong lớp học ai cũng lo lắng về số phận của mình, trong lúc đó Trần Gia Phụng “dám”phát biểu:

- Miền Bắc trên danh nghĩa giúp Campuchia đem quân qua trấn đóng, như vậy theo tôi Miền Bắc đã xâm lược Campuchia.

Tôi dùng chữ “dám” vì thời điểm đó ai nói gì không đúng với tiêu chí học tập đều bị xem là “phản động”. Phản động đồng nghĩa với đi học tập cải tạo “mút mùa”. Tiếng người hướng dẫn buổi hội thảo tức giận, giọng Quảng Nam pha trộn lơ lớ giọng Bắc, gằn từng tiếng:

- Đồng chí nghĩ thế nào mà nói Việt Nam xâm lược Campuchia hả? Việt Nam không xâm lược ai hết, Việt Nam chỉ làm Nghĩa Vụ Quốc Tế. Rõ chửa?

Kể từ buổi hội thảo đó tôi không thấy Phụng đến trường nữa. Phụng“mất dạy”, vào Sài Gòn và định cư ở Canada. Mỗi lần nhớ lại câu chuyện này, tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là ý kiến khác nhau về vụ can thiệp của chính quyền Hà Nội vào nội tình Campuchia – cho đến hôm nay những cuộc tranh cãi còn chưa thật sự ngã ngũ, chưa nói bản thân sự kiện tòa án Quốc tế kết án nhóm Pol Pot – Ieng Sary cho thấy một số dư luận phương Tây đã có thay đổi – mà ở sự khác biệt trong quan niệm về tranh luận và tìm hiểu vấn đề của hai phía. Những người sống với lối tư duy gần như một chiều ở miền Bắc không thể quan niệm nổi quyền tự do phản biện và phát biểu vốn rất quen thuộc với trí thức miền Nam.

Tôi đưa danh sách thuốc cho Trần Gia Phụng, Phụng chỉ tôi:

- Tuyết Lộc biết anh Thọ dạy Toán Đại học Huế, Mai Duy Trung dạy Pháp văn trường Kiểu Mẫu, Lê Khắc Cầm dạy Anh Văn không? Cầm là tên Việt Cộng nằm vùng, trả thẻ đảng vào Sài Gòn trong lúc có triển vọng ở trong ban lãnh đạo thành phố Huế đó. Cầm, Trung và Thọ cũng đứng bán ở đây nè, kia kìa. Trí thức miền Trung sau 75 vào đứng bán ở đây nhiều lắm. Chợ này muốn bán thuốc tây phải đứng để khi công an rượt đuổi thì chạy cho dễ, chợ thuốc tây ở Tân Định còn gọi là “chợ đứng” hay “chợ chạy”.

Lê Khắc Cầm bỏ Huế vào Sài Gòn bán thuốc tây? Có gì phải ngạc nhiên, gặp thời thế, thế thời phải thế!Bán thuốc tây cũng là việc lao động hữu ích bình thường, mà xem ra còn rất phù hợp với khẩu hiệu “lao động là vinh quang” một thời ra rả trên đài phát thanh và truyền thanh. Hình ảnh Cầm nhắc tôi nhớ đến một khuôn mặt thân thuộc khác, Bửu Chỉ, em chị Hà Lãnh, vợ anh Hai tôi. Bửu Chỉ và Cầm cả hai đều là con út của những đại gia đình có nhiều người ăn học thành đạt. Hai bạn thường đùa với nhau cuộc dấn thân của họ là “cuộc nổi loạn của những đứa con út”. Theo tôi, từ “nổi loạn” có lẽ thích hợp với Bửu Chỉ hơn vì Chỉ tuy học luật nhưng tính rất nghệ sĩ, có phần phóng túng và hoang dã, còn tính phản kháng của Cầm là của một người trí thức cẩn trọng có thiên hướng về lý luận, chặt chẽ hệ thống. Trong thời điểm sau 1975, một số người chạy đôn chạy đáo, vòng trong vòng ngoài, có người trên thì nịnh bợ quan chức có quyền, dưới thì chà đạp bạn bè đồng đội, cốt để lấy cho được một cái thẻ Đảng phòng thân, thăng tiến sự nghiệp. Ngôn từ của họ chỉ là một mớ đả đảo, hoan hô những khẩu hiệu hợp thời. Còn nội dung lý luận, tri thức, nhận thức luận thì ô hô, trí thức ơi là trí thức! Với Cầm, từ tuổi hai mươi, anh chàng với thân xác còm cõi, cặp kiếng cận dày cộm này đã nghiên cứu triết phương Tây và say mê triết học Marx. Cầm đã thực hiện được giấc mơ của mình, lý tưởng của mình, hăng hái nồng nhiệt theo chủ nghĩa Marx. Có nghĩa là Cầm có suy nghĩ và có trách nhiệm với những gì mình hành động.

Vào những tháng đầu sau 75, Cầm được xem như một trong những trí thức trẻ tuổi có uy tín tại Huế. Đó là thời điểm của những kẻ đang say men chiến thắng, đó là giai đoạn thỏa nguyện của Cầm về sự nghiệp lý tưởng. Nhiều bạn bè hy vọng Cầm đang ở tuổi ba mươi đầy tâm huyết sẽ tiếp tục làm một điều gì đó đẹp đẽ góp phần xây dựng Huế vốn đã chịu nhiều khổ ải đau thương.

Một sáng ngủ dậy Cầm quyết định trả thẻ Đảng. Quyết định này chắc hẳn đã nung nấu, đã dự tính từ lâu trong Cầm chứ không thể một sớm một chiều (bạn bè của Cầm nhiều người vẫn thường nhắc câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi của cán bộ tổ chức Đảng về quyết định đột ngột của mình: “Tôi quyết định ra khỏi Đảng vì tuyệt vọng về bản thân mình!”, còn thực sự Cầm tuyệt vọng về ai, về cái gì thì chắc không đơn giản!). Quả thật Cầm không còn hào hứng với giáo điều kinh viện, nhận ra khoảng cách đáng sợ giữa sự thật và những giấc mơ đầy thiện chí cho dân tộc. Và quyết định bất ngờ này thể hiện sự thất vọng với giấc mộng lấy triết học để giải quyết lịch sử. Thỉnh thoảng, bên bàn cà phê, Cầm tâm sự, dù “tuyệt vọng” với triết học, nếu buộc lòng phải chọn một triết học để giải thích thế giới thì Cầm vẫn chọn triết học Marx. Tôi học bộ môn triết, và dù không “sính” triết chính trị nhưng tôi rất thú vị với ý kiến và sự nhất quán của Cầm. Trong khi hàng ngàn người chỉ đọc vài trang triết học chắp vá đã lên giọng giảng đạo, tuyên truyền, buộc tội đồng bào bạn bè, nhắm mắt ngợi ca không tiếc lời những giá trị mà khi có sự thay đổi về không khí chính trị là họ quẳng đi không thương tiếc, không cần chứng minh, phân tích.

Cầm theo học Anh văn nhưng có thể khẳng định ngành Cầm quan tâm nhất chính là triết học. Vì vậy, bạn bè tri âm đều rất thích khả năng khái quát của Cầm, nói đúng chỗ, đụng vào vấn đề cốt lõi mà rất kiệm lời. Ví dụ, có dạo dư luận nói nhiều về việc anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường dính líu những vụ “ân oán”vào Tết Mậu Thân 1968 – tôi không có ý kiến riêng về vấn đề chính trị, nhưng nhiều người nói với tôi, thực sự anh Hoàng Phủ Ngọc Tường không có mặt vào thời gian đó ở Huế– thì anh Tường đã có ý phân trần với bạn bè và người quen là mình chưa bao giờ giết người, thậm chí giết con ruồi con muỗi còn không dám. Những người có mặt hôm đó kể lại rằng, Cầm đã đứng bật dậy bước ra khỏi bàn sau khi nói với Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Tôi tưởng anh đã đọc tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Fyodor Dostoyevsky rồi, và đã biết nhân vật Ivan…”. Còn sự thật “Ivan” Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đọc Dos hay chưa, hay đọc kỹ rồi mà vờ vịt không biết thì Dieu seul le sait!

Một lần trong câu chuyện với bạn bè, có người đã dùng cụm từ “Chính quyền cách mạng” thì Cầm bỗng nhỏ nhẹ:

- Có lý luận cách mạng, phong trào cách mạng và nhà cách mạng, nhưng có lẽ không có chính quyền cách mạng. Chính trị khi đã được thiết chế hóa thành chính quyền thì e rằng không còn tính cách mạng nữa.

Lần khác, khi có vẻ phật ý vì một vài người cứ dài dòng trách móc việc bị đồng chí đồng đội cũ đối xử tệ bạc, Cầm xua tay, không muốn nghe:

- Thôi, đủ rồi, lịch sử xưa nay vốn không có tâm thức biết ơn.

Có hôm một ai đó nhắc đến tên tuổi một số bộ mặt tích cực trong phong trào chính trị trước 75, gọi họ là “những nhà cách mạng”, Cầm vừa chỉnh gọng kiếng vừa tủm tỉm cười bình luận:

- Thật ra những nhà cách mạng này cần một cuộc cách mạng hơn là cách mạng cần tới họ.

Tôi xem Cầm là một trong những người đối thoại sâu sắc và ý nhị nhất mà tôi từng tiếp xúc.

Với tôi, “ứng tác” gọn ghẽ, trực tiếp và đầy sức nặngcủa Cầm – chỉ trên dưới mươi chữ – làm tôi liên tưởng tới những giai thoại của một giáo sư triết có tiếng tăm, anh Nguyễn Trọng Văn. Là một trí thức khuynh tả, công khai chống chế độ cũ, Nguyễn Trọng Văn cũng là một người đầy can đảm, khí khái trước quyền lực tuyệt đối của chế độ mới. Khi dự đợt học chính trị cho “trí thức cốt cán miền Nam” sau 75, đang nghe ông Mai Chí Thọ lên lớp về “chuyên chính vô sản”, anh Nguyễn Trọng Văn đứng bật dậy, dõng dạc tuyên bố: “Trí thức miền Nam chúng tôi không sợ chuyên chính vô sản, chúng tôi chỉ sợ chuyên chính vô học!”. Một lần khác, một lãnh đạo cộng sản, ông Võ Văn Kiệt – so với những lãnh đạo cùng thời khác thì được lòng dân miền Nam hơn – nóng lòng trước hiện tượng trí thức, chuyên gia miền Nam rủ nhau vượt biên – đã chủ trì một buổi gặp mặt các trí thức “Sài Gòn”, và có một câu nói nổi tiếng đại khái “Mong anh chị em kiên nhẫn thêm năm năm nữa. Sau năm năm, nếu chúng tôi không thành công, các anh chị hãy đi chưa muộn.” Không phải ai cũng biết câu trả lời tại chỗ, cũng nổi tiếng không kém của Nguyễn Trọng Văn: “Năm năm nữa, các ông không lãnh đạo được đất nước, thì các ông phải đi, sao chúng tôi phải đi!”.

Với tư cách là một người bạn của Cầm, tôi thường có ý nghĩ trái ngược nhau về bạn mình. Những gì chàng công tử xứ Thần Kinh mà sức khỏe dưới trung bình làm được trong những năm tháng lịch sử đầy phức tạp, hay như từ mà Bửu Chỉ thích dùng “đầy quyết liệt”, thực đáng cảm phục. Cầm viết ít, nhưng những người kén đọc có văn hóa cao, đều nhận ra khả năng lý luận sắc sảo, trình độ tiếng Việt tinh tế, mỗi chữ đều có trọng lượng. Có người gọi Cầm là một dịch giả tài hoa (Cầm là người dịch tác phẩmChúa đã khước từ in trước 1975) là một nhận xét công bằng.

Nhưng mặt khác, cùng với một số bạn bè tôi cũng có ý trách Cầm. Vì sao ở độ tuổi 30, giữa lúc trí tuệ đã chín, khả năng tiếng Anh tiếng Pháp thông thạo, Cầm đã không để lại cho đời những trước tác xứng với tầm trí tuệ thông mình của mình; nói rõ hơn, tôi cho rằng Cầm đã lãng phí mấy thập kỷ liền. Đến khi, theo tôi có lẽ Cầm nhận ra quỹ thời gian không còn nhiều, khởi động lại thì đã muộn, sức khỏe vốn không dồi dào gì của Cầm đã cản trở ý chí của chàng ta. Và đó chính là điều tôi tiếc nuối mãi.

Nhưng, liệu đó có phải là trường hợp của riêng Cầm không? Có vẻ như đó cũng là vấn đề của hàng loạt trí thức, nhà văn ở miền Nam sau 75. Sự trách cứ có khi chưa đủ công bằng mà kèm theo phải tìm cho được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: Vì sao họ đã đột ngột dừng sự nghiệp nghiên cứu, trước tác của mình giữa lúc sung sức nhất trước sự ngạc nhiên của các fan hâm mộ họ? Và tôi tin đó cũng là câu hỏi họ từng ray rứt đặt ra cho chính mình. Tôi không nghĩ mình là người đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, nhưng điều chắc chắn hiện tượng này nên được xem là một trong những lãng phí lớn nhất mà bạn đọc và người yêu nghệ thuật, học thuật phải chịu thiệt thòi.

Cầm thất vọng, Cầm trả thẻ Đảng, đó là quyết định cá nhân của Cầm, nhưng không chỉ thế, hành động của Cầm đã làm thay và nói lên hộ ý muốn của một số trí thức, vì vậy họ khâm phục, hài lòng về Cầm. Nhưng hành động trả thẻ Đảng của Cầm cũng làm một số khác đã từng đặt kỳ vọng vào Cầm phải thất vọng. Trả thẻ Đảng, bán thuốc tây, tôi nghĩ may mà Cầm trả thẻ Đảng khi chưa nhận được nhà cửa biệt thự, khỏi phải mang tiếng phản bội vô ơn, chứ có những người tôi quen biết được Đảng nuôi Đảng quý, Đảng ban tặng cho mấy cái biệt thự, vậy mà trong phút giận lẫy Đảng, vội vàng một tay trả thẻ Đảng, còn tay kia thì khư khư ôm chặt biệt thự, kiên quyết không trả. Họ khôn thật! Khôn hơn Cầm, bạn của tôi rất nhiều!

N. T. L.