Nguyễn Thị Hậu
- Say bờ
Có lẽ đã có nhiều bài viết rất hay về cuốn sách này qua hai cuộc giới thiệu sách và gặp gỡ tác giả ở Hà Nội và Huế, nói khá đầy đủ về nội dung, bút pháp, tâm thức, cảm xúc... của người viết và nhiều người đọc. Tôi là một người đọc bình thường, và là người trong một gia đình cũng có những người ruột thịt đã vượt biển vào khoảng thời gian được kể lại trong THUYỀN.
Tôi đọc THUYỀN trong một buổi chiều Sài Gòn mưa tầm tã, cảm giác bị lạc trong màn mưa dày đặc tối trời có lẽ góp phần làm cho tôi đồng cảm sâu sắc hơn về nỗi bất an và tai họa của những người trên THUYỀN qua từng trang sách của Nguyễn Đức Tùng.
Khép lại trang cuối, tôi bỗng nhớ tới một từ tôi học được từ những ngư dân đảo Lý Sơn. Cứ sau mỗi chuyến đi biển gặp bão tố hay tai họa, trở về bờ một thời gian sau họ vẫn còn một cảm giác, gọi là SAY BỜ.
Có lẽ THUYỀN của Nguyễn Đức Tùng chính là cảm giác Say Bờ... Đến bờ, ở trên bờ đã rất lâu, nhưng những gì chứng kiến, trải qua trên biển vẫn còn đó, không dữ dội hoảng loạn nhưng vẫn đầy ám ảnh và đau đớn...
---
- Xin trích lại một stt tôi đã viết về chủ đề nhìn lại quá khứ:
Trải qua những tội ác trong chiến tranh (và cả tội ác thời hậu chiến), sự trừng phạt, trả thù không bao giờ mang lại cho nạn nhân (của cả hai thời kỳ) sự quên lãng. Vì vậy tha thứ hay khoan dung đều hề không dễ dàng. Muốn hay không muốn tha thứ chỉ là chuyện cá nhân, nhưng quan trọng hơn là có thẩm quyền để làm điều đó hay không? Thẩm quyền ấy, thường là của cả một cộng đồng từng là nạn nhân, từng phải chịu đựng bất công, tội ác! Thẩm quyến của cộng đồng sẽ quyết định hành xử tha thứ hay không. Nhưng cộng đồng lại là tập hợp của nhiều cá nhân. Ý chí của cá nhân có thể tác động đến ý chí cộng đồng hay không?
Như trong đoạn cuối của phim THE READER, từ hiện tại cả hai bên đều chân thành, tôn trọng sự thật lịch sử và “cảm xúc lịch sử” của nhau. Vì vậy đã bắt đầu “đến gần nhau hơn” từ một điểm chung: nhìn nhận và góp phần giải quyết những vấn đề của ngày hôm nay. Chưa thể tha thứ cho quá khứ nhưng có thể cùng thay đổi hiện tại và tương lai! Cũng là cách tự hòa giải với ký ức đau buồn của chính mình!
Tôi xem khá nhiều phim nước ngoài có chủ đề chiến tranh và hòa giải, và những phim ấy đều mang thông điệp nhân văn: con đường hòa giải với ký ức có quá nhiều cái hố của thù hận, chia cắt. Muốn thay đổi cần bắt đầu từ một hòn đá có khi chỉ đủ chèn vào một hố nhỏ trên đường, giúp cho một người đi đường không vấp té... Và cứ thể, mỗi người với từng viên đá nhỏ có thể giúp con đường bằng phẳng hơn, chứ không dùng để đào thêm những hố sâu và gây thêm thương tích cho chính mình, cho người khác... Cần lắm, sự kiên nhẫn và lòng khoan dung.
21.6.2025
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam trong buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết THUYỀN của Nguyễn Đức Tùng ngày 21/6/2025 tại SIHUB 273 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP HCM.
Tại buổi ra mắt sách nói trên. Từ trái sang: Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Thị Hậu, Ý Nhi, Ngô Thị Kim Cúc và Nguyễn Viện.