Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Chuyện kể ngàn năm sau

Truyện Lê Minh Hà

Buổi chiều mẹ mèo trốn con thì buổi tối chú mèo của chúng ta được bọc cẩn thận đặt vào trong làn. Mèo con đã bắt đầu cuộc di cư như thế trên một chiếc xe máy. Run rẩy trong chiếc làn bị rung thật lực, mèo con cố gắng nhận đường. Thật không thể. Chỉ có những tiếng gào rú ầm ào và cái mùi  khét lẹt ở đâu đó bên ngoài.

Ông bà chủ mới của mèo con là một cặp vợ chồng từ châu Âu tới. Ông chồng, một người đàn ông có hàm râu sang trọng mà những người đàn bà bản xứ vẫn thường nhìn đầy vẻ hãi sợ vì thèm muốn được mời tới đất nước này làm chuyên gia. Ở trong một ngành mà dĩ nhiên chú mèo của chúng ta dẫu có sống hết đời mình cũng không thể hiểu một mảy may, và cả tôi, người đang kể chuyện cho các bạn đây, cũng không hiểu dù rất quan tâm. Nghe nói, ngành ông ta sáng chế ra những thứ ngôn ngữ mới, và chúng đã dẫn tới những thay đổi vĩ đại còn hơn cả những cuộc chiến tranh lớn nhất từng diễn ra trên thế giới này vào thế kỷ cuối cùng trước thiên niên kỷ của chúng ta. Bà vợ ông đi theo chồng, và để làm một người có ích, bà dạy tiếng nói của xứ sở bà ở nơi này. Đấy là một ngôn ngữ tuyệt vời, đã được nói cả ngàn năm trước và sẽ được nói cả nhiều ngàn năm nữa sau thiên niên kỷ mà chúng ta đang sống.

Ông bà ở đất nước này đã đủ lâu để quen với việc lạng lách xe máy trên phố và vô số món ăn đặc biệt của xứ sở này. Họ chỉ không ăn được mỗi thịt chó mặc dù đã từ bỏ nỗi kinh hoàng khi được biết những người xung quanh họ ai cũng từng hơn một lần ngồi gật gù trước món ăn từ thân xác loài vật này. Còn thì họ nếm tất. Lại còn biết ăn phở thì không gia thêm thứ nước xốt có cái mùi đặc biệt hung hãn như khi ăn cái món cũng lõng bõng toàn nước như phở, ở một thành phố mưa ruỗng cả thời gian. Lại còn biết chỗ nào rẻ và ngon. Tiêu chuẩn vệ sinh thì họ cười xòa khoái chí từ lâu khi có ai e dè nói tới.

Tuy thế, họ vẫn nuôi mèo con theo kiểu thường nuôi ở chốn quê nhà. Nghĩa là bằng đồ hộp và các loại vitamin tổng hợp dành riêng cho chó mèo, bán đầy ở những cửa hàng mà dân bản xứ không bao giờ bén mảng. Cũng phải thôi. Nhà họ ở được xây giữa một khu đất trống mới loáng thoáng dăm ba nhà, sạch tinh tươm đến mức còn hơi lạnh lẽo, không đồ ăn thức dùng và đủ các thứ lỉnh kỉnh ở gầm giường như nhà dân bản địa, lấy đâu ra chỗ cho chuột lui tới cung cấp lương thực thực phẩm cho mèo. Chuột nếu ở nhà này có gãy răng cũng không thể gặm được cửa tủ lạnh. Còn cái chuyện ông bà chủ mua cá về cho mèo ăn gỏi lại càng không thể có. Vậy là từ lúc bị mẹ hất ngược, tụt thẳng vào cái làn và bị mang làm quà, mèo sống cuộc đời xuất khẩu tại chỗ. Nó không hình dung nổi đời còn gồm những cánh cửa không thể mở được, còn gồm những kẻ phải thèm nhạt miếng ăn và luôn run rẩy trước những bất trắc có và không có, cũng như không hề biết tới những thú ăn chơi khác, do đó cũng chẳng hiểu gì về cung cách cư xử giữa các giống loài, mà ngay cả cách cư xử với đồng loại mèo ta cũng không rành. Nó sống no đủ, kín cổng cao tường, hàng ngày tập các môn vồ nhảy trườn hoàn toàn vì lý do thẩm mỹ. Đêm nó thức theo quy luật giống nòi, nhưng không phải vì lo kiếm ăn, cũng chẳng phải vì bồn chồn trước những băn khoăn tình ái. Một ông bác sỹ thú y đã lo liệu để chú mèo của chúng ta được miễn dịch trước cái bệnh yêu khó chịu này. Thức ăn của mèo ngày nọ qua ngày kia đã được lập chương trình: Đồ hộp. Cái vỏ hộp đồ ăn của mèo, một hôm có người đàn bà bản địa làm nghề chai chè đồng nát nhà gần đó bới được. Bà không biết tiếng gì khác ngoài thứ tiếng vẫn nghe và nói hàng ngày. Thế là xung quanh ồn ã cả lên chuyện Tây cũng ăn thịt mèo, và thịt mèo tây đóng hộp thơm y như thịt hộp quốc tế viện trợ cho dân xứ này hồi xứ sở này còn chiến tranh.

Người bản xứ thì dĩ nhiên ăn thịt mèo tươi. Khi đã sắp được an táng thẳng vào dạ dày người, dân xứ này – vốn nổi tiếng về truyền thống trọng ngôn từ – còn đặt cho mèo tên thụy là hổ đất. Thịt mèo tức hổ đất chẳng rẻ gì. Nhưng có thể cường dương bổ âm hay là có tác dụng giải xui gì gì đó. Mèo bị săn đuổi ngày đêm bởi những người dân ở đất nước này. Đấy là sự truy tầm tuyệt vọng của những thống khổ và khao khát. Nên đã có lúc loài mèo đã phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và phải âm thầm chịu đựng cảnh loài chuột giỡn mặt mình...

Thế nên chú mèo của chúng ta hầu như không có bạn quanh nhà. Mà bọn mèo còn sống sót cũng chẳng ưa gì nó. Chúng thường nhìn chú mèo đồng loại ngồi trên bậu cửa sổ buồn phiền đón và tiễn mặt trời mỗi bình minh và hoàng hôn, thẳng thừng phê phán. ”Béo quá thể là béo! Chỉ tổ làm trò cười cho bọn chuột mất dạy”. “Lười quá thể là lười. Họ nhà mèo ngày càng thưa thớt. Chuột thì hoành hành. Thế mà cái thằng cha này chẳng chịu động đậy móng vuốt gì”. “Lại còn làm ra vẻ ưu tư phiền muộn. Tưởng thế là sâu sắc lắm”. “Thằng cha này chẳng bao giờ thấy đi kiếm ái tình. Khéo mà là ái”.  Những tiếng thì thào cố tình để cho kẻ bị chê bai nghe thấy vọng qua các mái nhà và các bờ tường. “Cứ tị đi cứ tị đi! Các cậu thèm ăn thèm yêu thì cứ việc lần mò. Đây việc gì mà rộn!”. Mèo làm ra vẻ phớt. Nhưng trong lòng thì quặn lên một niềm gì lạ lùng, tâm trạng lắm.

Ngày tết của dân bản xứ, họ nhà mèo trong xóm bận bịu và phấn khởi. Đồ ăn thức dùng nhiều cần coi giữ. Kế hoạch phòng chống chuột đã được hội đồng mèo thông qua và đưa xuống các cấp triển khai thực hiện. Dĩ nhiên trong danh sách phân công nhiệm vụ của họ mèo ở xóm không có tên chú mèo của chúng ta. Nó không buồn. Quen rồi. Nó đang có một mối quan tâm dễ chịu.  

Áp lưng nhà mèo người ta mới xây một ngôi nhà mới. Gọi là mới nhưng hết sức tuềnh toàng, mái lợp tôn nhựa. Chắc chủ nhà chẳng phải chỗ dư ăn dư để, xây cốt ở không cốt cho thuê. Cửa giả cũng khác bên nhà mèo. Mèo chỉ cần trèo lên mái nhà mình, vượt tường sang nhà đó là có thể đi về cuối xóm. Nơi ấy có một cái ao. Chủ ao là một ông già gàn tính mấy đời làm nghề trồng hoa. Các nhà xung quanh lên tầng làm vườn ông cớm nắng, không tiếp tục được nghề cũ nhưng ông vẫn cứng cổ không chịu gật bán ao bán vườn, làm con cháu vô cùng lo ngại. Mèo ta rất thích đến nơi này. Ở đó có nhiều cá con bơi lội.

Trưa mồng một tết, mèo mang quà ra ao tính chuyện chúc tết mở rộng quan hệ trong khu vực. Quà biếu là đồ ăn sẵn đã làm mèo ngấy tận cổ, nhưng chắc chắn là của lạ miệng với các giống loài khác và ngay cả với họ nhà mèo quanh vùng. Nó thả viên thịt hộp xuống ao, nóng ruột chờ. Tăm nước nổi như sôi. Những con cá từ đâu rùng rùng bơi lại và hoảng hồn: Bóng một con mèo béo núc ních đang lắc lư trong nước. Viên thịt rã ra, tan dần. Mỡ nổi sao trên mặt nước. Không một con cá nào đợp rỉa. Bầy cá bu lại, rồi rùng rùng tản đi, rồi lại quày quả bơi lại, quay vòng vòng, nghi hoặc và phẫn nộ. Bỗng một con mèo khác ở đâu nhảy vọt tới. Hai bóng mèo in xuống nước. Con mèo còm cất tiếng gừ ma quái làm chú mèo của chúng ta cũng rợn mình. Bầy cá tung mình lên khỏi mặt nước. Nỗi ngờ vực bay biến, chỉ còn sự hằn học và ý muốn trêu ngươi. Chú mèo của chúng ta đờ người, lúng túng đưa chân trước vuốt râu. Trong một phút, trông chú giống hệt bác mèo ngồi ở góc trên bên phải bức tranh Đám Cưới Chuột. Bỗng chốc mặt ao trong veo, chỉ còn bóng xuân, gợn dịu dàng sóng nhỏ...

***

Một ngàn năm sau.

Đời sống loài người đã thay đổi. Ngay ở nơi tôi đang kể, người nuôi mèo không còn là để bắt chuột mà chỉ là để đỡ buồn và đỡ rắc rối hơn nuôi trẻ con. Người cũng nuôi chó mèo bằng đồ hộp và vitamin tổng hợp, là cái thứ thức ăn mà trước chỉ có độc chú mèo của chúng ta biết mùi vị. Loại thức ăn này ăn mãi thì dĩ nhiên là chán, nhưng lại có tác dụng làm cho loài mèo không còn thích thú với việc săn đuổi chuột để tăng gia cải thiện, cũng không còn phải thèm nhạt ăn cơm với cá. May mà tiến bộ khoa học lúc này trong khi làm suy giảm đáng kể những hưng phấn sinh học tích cực của loài mèo thì cũng cho phép con người kiểm soát chặt chẽ mức độ tăng trưởng và sinh sản của loài chuột.

Kinh tế phát triển. Hàng năm loài mèo đều tổ chức đại hội đồng hết sức trọng thể. Nhiều ủy ban được thành lập. Nhiều vấn đề trọng đại được loài mèo đưa vào nghị trình để bàn bạc và bỏ phiếu. Chẳng hạn: Chương trình ăn kiêng để bảo vệ sức khoẻ giống loài; Kế hoạch phục hồi truyền thống thể thao thượng võ của loài mèo, đặc biệt các môn nhảy cao, nhảy xa, vồ, chụp; Giải pháp cấp bách trong vấn đề duy trì mức sinh sản cho giống nòi... Và mọi đại hội đồng của loài mèo đều kết thúc bằng việc xem xét tính khả thi của các kế hoạch được đề xướng.

Nhưng có một vấn đề chưa một lần được loài mèo đưa vào chương trình nghị sự trong các kỳ họp của đại hội đồng: Vấn đề bang giao với các giống loài vốn vẫn coi loài mèo là kẻ thù truyền kiếp. Của đáng tội, ở một vài địa phương, loài mèo và loài chuột cũng đôi lần ký được thỏa thuận song phương. Nhưng với loài cá thì chưa bao giờ. Trong sách giáo khoa lịch sử của loài mèo, tái bản nhiều lần, lần gần nhất là vào năm 2999 có in lại cuộc viếng thăm bất thành giữa chú mèo và bầy cá vào một mùa xuân xa lắc. Duy trì quan hệ đối đầu với loài cá dù không còn thèm ăn cá vẫn là chính sách ngoại giao của loài mèo lúc này. Bọn mèo ngại làm thay đổi thế quân bình hiện tại, ngại đánh mất vai trò lịch sử gần như vĩnh viễn của chúng. Hoặc giả, chúng không thích nhớ lại nỗi bẽ bàng xưa.

Limburg 1.2000