Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Đọc thơ 34: Đỗ Quyên, cho ta khóc một hệ người

Nguyễn Đức Tùng

Đỗ Quyên làm thơ như sống chính cuộc đời mình. Thơ trữ tình và trường ca là công việc chính yếu của anh, mặc dù không phải là tất cả, và trong nhiều năm kể từ thời thanh niên, anh đã dành những nỗ lực quý báu nhất cho chúng. Anh hiểu rằng con người có thể làm được nhiều việc cho nhau, bày tỏ mối quan tâm rõ ràng đối với các vấn đề xã hội, chính trị, trong khi đó, một cách không hoàn toàn hiển nhiên, anh lại thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Đỗ Quyên thực ra là một trong những người góp phần phát triển khuynh hướng ấy trong thơ Việt, một cách chừng mực, ngay từ những năm chuyển tiếp của hai thế kỷ, thời kỳ dồn dập biến động: cách mạng, tan rã, chết chóc, lưu vong. Đến nay anh vẫn trung thành với chọn lựa của mình, với những biến đổi nào đó, tất nhiên.

Hôm nay

dương lịch

Mồng Năm tháng Năm

Mắt xen qua ba bông hồng sẽ không bao giờ nở được

Tôi ngồi

            lập danh sách các bạn văn có thể vay tiền

Lúc này

           em đừng về

Hồng thắm đấy

                   nhưng sẽ không bao giờ nở

Đi tìm khuynh hướng nghệ thuật của một nhà thơ, hay của một thời kỳ, bạn có thể nhìn vào nhịp điệu. Nhịp điệu là nơi xảy ra những thay đổi trước tiên, đó là nơi người viết bắt đầu tham dự vào trò chơi ngôn ngữ. Một nhịp điệu thơ mới không từ trên trời rơi xuống, nó được sinh ra từ nhận thức mới, tư tưởng mới, đến lượt chúng những nhận thức và tư tưởng ấy phải bắt rễ từ các thay đổi rộng lớn và sâu xa trong xã hội, văn hoá. Chẳng hạn, thơ mới thời kỳ 1930 đi kèm với cái học phương Tây, luồng gió mới của thời đại, thơ tự do những năm 1960 từ những thay đổi về đất nước, do chiến tranh.

Gộp hết thiên thu lá rụng không ghi hết lỗi chúng ta với mùa thu

Nghĩ vàng về những mùa thu thực ra không màu vô sắc

Buồn quá lố bao mùa thu nhộn nhạo

Như các cô gái blonde óc hẹp đùi dài

dâm tình không quản ngại mà lưỡi lười vận động

Với mùa thu chúng ta ú ớ ngu đần

 

Sắp đặt một căn phòng building      

Giá phải chăng sân trước rừng chạm

Balcony tựa lối đi cây vạt

Cho mùa thu tưởng đã sẵn một lòng

Trong se sắt lạnh mắt còn mở rộng

Cuộc ly hương của người Việt có sức mạnh lớn lao. Nhưng chúng ta rời bỏ nó quá sớm, rời bỏ cái chết cũng vậy, hối hả từ giã mất mát, thua cuộc, quay mặt đi sau chia tay, có lẽ vì vậy người Việt ít có tác phẩm lớn. Không một tác phẩm nào có thể rung động người đọc mà không chịu chết và tình cờ được nhớ lại. Chúng ta biết phân biệt các nhịp điệu trong cơ thể, trong thiên nhiên. Lắng nghe nhịp điệu là lắng nghe sự sống, tan rữa, hồi sinh, lắng nghe đúng và sai, bồi đắp và hủy diệt. Chúng ta không sinh ra các nhịp điệu, chúng ta tìm thấy chúng trong thiên nhiên, vốn ở đó. Nhạc của thơ tự nhiên bao giờ cũng có sẵn trong ngôn ngữ. Nhịp điệu một bài thơ dẫn chúng ta từ nhận thức đến đam mê, từ chú ý đến vui chơi, cuộc đối thoại bất tận. Mỗi lời của chúng ta là một ẩn dụ, mỗi ý tưởng là một mệnh đề. Sự xao xuyến của các nhịp điệu làm nên chính đời sống này.

Mỗi đảo mới

             – mỗi dấu chấm

sang những câu thơ mới và hơi sống tiếp

Ta nạp chúng vào Lòng – Hải – Lý

                                        những viên đảo

                                               và nã pháo từng trang thơ cũ

Thoạt nhìn, trường ca là thể loại lâu đời, với những đặc điểm như thơ dài, truyện kể, tính lịch sử, anh hùng ca, nhưng thực ra trường ca và sự hồi sinh của nó gần đây, là một hiện tượng lạ, là sự khám phá trở lại của nhịp điệu trong thơ Việt. Sự thay đổi căn bản của trường ca ngày nay không còn ở tính tự sự, tính huyền thoại, tính dân gian, ba tính chất căn bản của anh hùng ca, mà nằm sâu trong nhịp điệu hay âm nhạc.Các mẫu chữ cũng tựa như hoa văn, họa tiết, lặp đi lặp lại, chúng vừa tạo ra hiếu kỳ vui thú, vừa tạo ra cảm xúc. Trường ca Đỗ Quyên đi về hướng ấy: tính nhịp điệu rõ ràng, bước đi đầy cá tính của anh, sự dồn dập của xúc cảm, sự thong thả của suy tư triết học.

Cái chết rình ta

           – thợ săn rình hổ thọt

Biết vậy vẫn ra rìa rừng

Ta cất lời ca

           hòa nhịp lòng

Không một tình yêu nào không kiệt sức. Không một đời sống nào không chán nản. Nhận thức trong thơ, giọng điệu, ngắt câu, chẻ đôi câu văn phạm được Đỗ Quyên tính toán, nhưng như một người chơi bóng, không phải khi nào anh ném cũng chính xác. Nhưng đường bóng ấy kẻ làm thơ khác ắt biết: cái trật của người am tường. Đọc anh, người đọc cần nghệ thuật riêng. Thực ra đối với mỗi nhà thơ đặc biệt, có một khuynh hướng thi pháp riêng, bao giờ người đọc cũng phải có cách đọc thích hợp.

Ở Việt Nam hải ngoại có bao nhiêu cái chùa

bấy nhiêu Nguyễn Tất Nhiên ẩn mình trong đó   

Anh có những câu tài hoa như vậy, nhưng chúng dễ bị bỏ qua. Bạn lắng nghe, tìm ra nhịp thơ ấy, bạn hiểu ý nghĩa của chúng, nhưng đừng đi xa quá, bạn cần trở lại với sự lắng nghe nguyên thủy, hài hước trong khi sầu muộn. Vì thơ Đỗ Quyên sầu muộn.

Khi cánh chim đen là là hiên nhà

Lúc mặt trời xấu hổ

Hoa trên bàn văn không hoa trong phòng ngủ

Câu thơ đau không đổi mặt bao giờ

Chức năng chính yếu của vần điệu là kết nối các âm thanh. Âm nhạc trong thơ không phải chỉ để êm tai, mặc dù đó là đặc tính quan trọng, mà để tạo ra các trường tương tác. Vì những lý do mà chúng ta không biết rõ, trí óc con người chỉ tiếp nhận tư tưởng của người khác qua những kênh đặc biệt, thích hợp, tại một số thời điểm. Thơ tự do, trong khi loại trừ các vần điệu, phải xác lập một âm nhạc riêng. Nhưng âm nhạc của thơ không phải là âm nhạc thuần túy, nó dựa lên đặc tính sau đây, đặc tính quan trọng nhất: tính ý nghĩa. Không có ý nghĩa hay ý nghĩa không thuyết phục, không một thứ âm nhạc nào của thơ có thể tồn tại.

Ta đi mãi. Ðôi giày yêu cũng biết

chủ của mình chẳng nản bước chân xa

Mái tóc kiêu bồng không hề hỏi

có chốn nao ta chịu chọn làm nhà

 

Ta đi mãi. Lá vàng rơi quen lối

nẻo đường nào không chạm bóng thi nhân

Rừng sâu thẳm dang mình vẫy gọi

Bạn bè ta: đấy những chúa sơn lâm!

Không gian và thời gian là ám ảnh nghệ thuật của hầu hết nhà thơ, nhưng ở Đỗ Quyên, thời gian chi phối huyễn hoặc hơn những ngăn cách địa lý. Dường như Đỗ Quyên không phải là người theo đuổi một loại thơ- ngôn- ngữ, mặc dù anh không xa lạ với chúng. Nhạc điệu trong thơ anh là một thứ nhạc điệu khó nhận biết. Bất kỳ người nào quan tâm đến âm nhạc đều mơ hồ nhận ra một thứ nhạc nền sau sân khấu, nhỏ, chìm xa, không mất.

Ta đi mãi. Nhật nguyệt kia thực ảo

 

Trải lên những con đường

dốc nhỏ thân đời anh

Di chuyển, nhưng không chỉ là di chuyển trong không gian, mà cả trong thời gian. Các trường ca của anh ở những đoạn chảy xiết vang lên giọng hợp xướng. Đỗ Quyên là người có trí tưởng tượng lớn, điều ấy cũng có khi làm sự quan sát sút giảm, và các sự vật chỉ còn là biểu tượng hơn là chính chúng, đối tượng. Anh nghiêng về khuynh hướng dàn trải, của nhà hát, nhìn sự vật trong những kích thước bao quát, gần như hùng tráng. Điều ấy thích hợp cho thể thơ mà anh chọn lựa, trường ca, và anh xoay xở khó khăn hơn, khi chuyển sang làm thơ ngắn, thơ có vần, những thể thơ bị câu thúc bởi số lượng câu, chữ. Đỗ Quyên có những câu thơ gây ngạc nhiên, những câu văn phạm vượt lên trước các ý tưởng, những câu thơ bị gãy đổ, một thứ ngôn ngữ giản dị, bí ẩn.

Lá vàng
nôn nao và nhức nhối
Vì tính vàng của nó
Nếu lá cây úa đen
Nghệ thuật loài người sang một mỹ học khác
Và kể từ ngày đó có hai khu vực
Thơ vàng và Thơ đen

Chậc!
Gà mắc đẻ đã gì đâu mà lúng túng
Bằng chúng ta

Một bài thơ có thể có nhiều ý nghĩa. Người đọc có cảm giác họ phải chọn lấy một ý nghĩa, và bỏ những thứ khác qua một bên. Thực ra không phải vậy, bạn có thể sở hữu cùng lúc nhiều ý nghĩa của một bài thơ. Thực ra mọi thứ sở hữu đều thế cả. Tương tự một bài thơ vừa có thể là thơ thế sự vừa có thể là thơ chiến trận, có thể vừa nhạt nhẽo vừa hấp dẫn, vừa phi tình ái vừa quyến rũ. Trong những trường hợp khó khăn khi ý nghĩa làm bạn bối rối, tôi đi tìm sự trợ giúp của vần điệu hoặc hình ảnh, tôi lắng nghe hoặc nhìn chăm chú vào các dòng chữ trên trang giấy. Thơ hiện nay bày ra sự nhạt nhẽo vô vị của cuộc đời, sự trớ trêu của các hoàn cảnh, sự tầm thường của các nhân vật, sự lừa dối của lịch sử, chẳng phải vì thế mà nó cần một ngôn ngữ tương hợp đó sao?

Nếu tuyết có tim
tuyết sẽ có máu

Tuyết có máu thì máu tuyết sẽ chảy
khi mùa xuân về
em không còn trong anh nữa

Tim tuyết ở đâu
mà dưới thân anh tuyết tan ngập đỏ

Thơ hiện nay nặng về ý tưởng, về hình ảnh, về cố gắng thuyết phục, đôi khi hùng biện, nhẹ về gợi ý, tính chắt lọc, điềm đạm của ngôn ngữ. Ở những bài thơ ngắn, tuy vậy, Đỗ Quyên chứng tỏ anh là một trong những nhà thơ của cái riêng tư (the personal). Thơ ngắn của anh không chỉ khác với trường ca về độ dài, mà chúng nặng về những trải nghiệm cá nhân, những bí mật riêng tư, tính tâm linh. Trong trường hợp ấy, ký ức của anh trở thành giai thoại.

Sự sáng sủa và dễ hiểu làm cho câu chuyện mà nhà thơ kể lại gây cảm xúc. Thơ Đỗ Quyên mới, sáng sủa, nhưng không dễ hiểu. Cánh cửa của bài thơ của anh mở, nhưng không mở rộng. Các nhà thơ nhìn hiện thực theo một trong hai cách: thế giới tồn tại trước khi anh ta sinh ra, và thơ ca dùng để mô tả thế giới ấy, hoặc thế giới chỉ có mặt khi thi sĩ có mặt, và anh sử dụng ngôn ngữ thơ để tạo ra một hiện thực chưa từng có.

anh tìm ở bài thơ nổi danh “Em có về không     

Hoàng Cầm gửi Tuyết Khanh

không thấy em

 

ở nhiều bài khác nữa

gửi nhiều người khác nữa

của nhiều người khác nữa

mới thấy được

 

xác em

Giọng điềm đạm, tuy vậy, trong một số bài thơ, đoạn thơ, anh tỏ ra hài hước. Một trong những đặc trưng quan trọng của thơ hậu hiện đại là hài hước, châm biếm, giễu nhại. Đó là một khuynh hướng đang ngày càng tăng lên, trong khi vừa hấp dẫn người viết thì cũng hứng chịu sự phê bình và ghẻ lạnh của công chúng. Thơ Đỗ Quyên nghiêng về hài hước, tự trào, và ít châm biếm, ít giễu nhại.

Trong thơ
em cởi hết mình
Kể cả những kỹ xảo cuối cùng của thi pháp

Trên giường
em kín vô cùng
Bảo toàn dòng văn hiến tới tận từng sợi tóc

Thực ra chữ châm biếm hay giễu nhại cũng chưa thực sự phản ánh khuynh hướng này của thơ hiện nay. Đó là một khuynh hướng muốn làm bộc lộ trong thơ những xung đột bị ẩn giấu, ao ước thầm kín, những thử thách của hoàn cảnh khắc nghiệt. Chẳng lẽ không có gì xảy ra trong hầu hết các trường ca Việt hiện nay, trừ những thay đổi nội tâm? Đó cũng là điểm mạnh và điểm yếu của trường ca đương đại. Sự mất mát là một trong những đề tài, như lạc đường, tha hương, thiếu quê hương. Đỗ Quyên thiếu quê hương chứ không mất quê hương. Đó là may mắn của anh, nhưng nó giữ anh lại ở đường biên giữa một người tha hương và một người lưu vong. Người tha hương có ý định trở về nhưng người lưu vong thì không.

Tại anh anh chuộng dặm dài

chân nào để nhớ ngày mai thì về

Tại câu tại chữ làm mê

văn chương nào buộc ai thề với ai

Bên cạnh và bên dưới tính chất bông lơn, tán gẫu, là một nỗi niềm câm lặng, sự ám ảnh của cái chết, sự đau xót ngấm ngầm và tình yêu vô bờ của anh đối với quê hương, cuộc đời, đối với số phận. Những ý tưởng triết học, các suy luận, những tranh cãi, dày đặc trong trường ca Đỗ Quyên. Đó là tính độc đáo. Giá trị của chúng phụ thuộc vào chiều sâu không phải chỉ của suy nghĩ mà còn của xúc cảm.

Anh và em

Hãy cùng nhìn vào mắt họ

Nhìn vào làn da họ

Nhìn vào tấm thân trắng trần họ đậy cho nhau     

Nhìn vào những đứa trẻ con của họ sinh ra qua mỗi cánh rừng

Trong mỗi câu thơ

Để biết những vô cùng

Chủ nghĩa hậu hiện đại đến sau chủ nghĩa hiện đại - về mặt lý luận và thực hành sáng tác - tự đặt mình vào mối quan hệ với kẻ đi trước, tự xem mình là một phong trào vận động văn hóa, và quan hệ với kẻ đi trước cũng như vậy. Trong khi đó chủ nghĩa hiện đại tồn tại như một hệ thống quan điểm độc lập, với khuynh hướng rõ ràng, tin vào sự tiến hóa, tin rằng có sự khác biệt giữa cái tốt và cái xấu và khả năng của con người phân biệt được. Văn học hiện đại, bất chấp những yếu tố khác nhau, nói cho cùng đều hướng tới sự tốt đẹp như một chân lý phổ biến. Chủ nghĩa hậu hiện đại không tin lắm, xem sự tiến hóa chẳng qua là thay đổi, các giá trị trung tâm và ngoại biên là bình đẳng, xem nhẹ thành tựu, xem sự vật cái gì cũng ở mức tương đối. Trong văn học, chủ nghĩa hậu hiện đại là một quá trình, trong khi chủ nghĩa hiện đại tin vào các thành tựu, sản phẩm. Hãy nghe Đỗ Quyên trò chuyện về và với lịch sử, mối quan tâm hàng đầu.

Nhất Linh đã chết hay tự chết như thế nào?

Quay về sáu bảy mươi năm trước

Nước mình có mấy người lãng mạn tây học kiểu Việt Nam

Có bao nhiêu cuốn sách để xem vụng trong bếp

Tôi nghĩ đến câu thơ của Robert Penn Warren:

I know, I know- though the evidence

Is lost, and the last who might speak are dead

(Tôi biết, tôi biết- dù bằng chứng

Bị xóa hết, và kẻ cuối cùng kể lại cho chúng ta, đã chết)

Thơ trữ tình có thể đứng một mình, không cần dựa vào bất kỳ giá trị nào khác, nhưng cũng có khả năng bổ sung những tính chất mới: thế sự, tính tự sự, tính đối thoại, kịch, tụng ca. Thế giới được làm nên bởi các câu chuyện kể. Thơ Đỗ Quyên chứa nhiều câu chuyện, và chúng có thể làm bạn bị ám ảnh. Như người tha hương hay nhớ về:

Mẹ

ở đâu

trên bàn thờ?

trong lưu ảnh gia đình?

 

Người đàn ông trở lại một mình

khi người đàn bà đi khỏi

làm con khóc cái ngày mẹ khóc

 

Hôm nay đảo

nóng như ngày mẹ vào trong đất

Thơ Đỗ Quyên đòi hỏi cách đọc liên văn bản. Ký ức của con người, do những lý do sinh học và nhân chủng học, là ký ức hình ảnh, vì vậy bài thơ chứa đựng các chi tiết, các hình ảnh, tức là sự mô tả tỉ mỉ, so sánh ẩn dụ. Câu chuyện trong thơ là kết hợp của ba phương pháp: ẩn dụ, chi tiết, cấu trúc.

Đồng hồ tôi quay trên
Khuôn mặt cha mẹ cho
Khi mắt nhắm miệng môi thôi mấp máy
Những chiếc kim ngưng kéo đời
Và những con số giục gọi sẽ lặng im

Cấu trúc của trường ca là lời dẫn chuyện. Trong khi tính chất quan trọng của thơ trữ tình, thể tự do, là góc nhìn của thi sĩ. Trong khi nhà thơ là người quan sát thế giới thì chính anh ta cũng bị quan sát. Di chuyển từ vị trí người quan sát đến người được quan sát là một di chuyển xuyên qua môi trường ký ức. Một trong những đặc tính của sáng tác hậu hiện đại là phóng đại, nói quá lên, cực đoan hóa hoàn cảnh, đẩy sự vật đi tới tận cùng, thách thức. Thủ pháp của hậu hiện đại là bẻ gãy, chuyển hóa. Tuy nhiên như trong bất kỳ trường phái nào, người tài năng bao giờ cũng sử dụng có hiệu lực các phương pháp mới, trong khi những người bắt chước, chỉ nghĩ tới phương pháp mà ít nghĩ tới nghệ thuật. Làm thơ với một xúc cảm tươi rói và sự phê phán là một kết hợp đầy khó khăn.

Bài thơ trắng từ đầu đến cuối

Có một cái đỏ vương vào

 

Nhà chính trị không gọi đó là thơ
Nhà thơ gọi đó là bài thơ trắng
Nhà lý luận gọi là bài thơ
Nhà phê bình gọi là bài thơ trắng đỏ
Nhà báo gọi là bài thơ trăng trắng đo đỏ
Người đọc gọi là bài thơ trắng có một cái đỏ vương vào

Đoạn thứ nhất thuyết phục. Đoạn thứ hai khó hơn, một phần vì anh rơi vào sự diễn giải. Một cảm giác bí ẩn mà tôi mơ hồ nhận ra đã bị giữ lại ngoài bài thơ, nếu được anh mang lại gần hơn, người đọc sẽ nghe được hơi thở của nỗi sầu muộn, chiêm nghiệm riêng tư. Tiếc rằng anh giữ nó ở quá xa.

Nóc nhà thờ ngang cánh chim

thánh rỏ lệ mát bàn chân lữ khách

Những đứa con thừa cha

                             chạy ra

ném

       các đụn tuyết không tan…

Nếu người ta đọc một trường ca của anh, người ta phải đọc nó trong tâm trạng của tác giả. Đây là điểm mạnh và điểm yếu của thơ Đỗ Quyên. Ngôn ngữ ấy như một món ăn, bạn phải ăn với gia vị ấy, trong mùa màng ấy, không khí ấy, nơi chốn ấy. Không có sự tương đồng hoặc tương thông của tâm trạng, bài thơ của Đỗ Quyên dễ bị bỏ qua. Thơ anh thường nói về tình yêu và cái chết, vả chăng trên đời này có gì quan trọng hơn hai thứ ấy, tình yêu giữ anh lại và cái chết đẩy anh ra xa.

Giao thừa

Hoan lạc âm dương

Lá và tuyết

Trong gió chờ nhau

Đợi chuông đồng hồ chậm gõ

Tiếng cuối cùng của năm

Cúi xuống nhòm

Hắn đến bên giếng im ắng

Những mầm chồi lên

Đó cũng là chất phồn thực, khá dày trong thơ Đỗ Quyên. Tuy vậy anh không cho phép mình đi đến tận cùng các xúc cảm cá nhân và riêng tư, đôi khi dung tục và cay đắng. Thường trong sự vật, tế vi là quan trọng, nhưng khi chúng đi xa quá như một sự vật càng đi xa càng mờ ảo, trở nên không quan trọng nữa. Vì vậy mà góc nhìn của tác giả và người đọc, xưa nay vốn khác nhau, trong thơ Đỗ Quyên lại càng khác nhau. Tôi mong anh có nhiều hơn những câu như thế này:

Tìm về tìm cho anh
Dòng âm thanh xưa khuất
Cây guitar muốn dành
Cho xứ nào trẻ nhất

Thơ Đỗ Quyên thường tự so sánh chúng với nhiều thứ khác, các câu chuyện kể, những giai thoại, các trích dẫn, những kỉ niệm riêng tư. Thơ anh giàu hình ảnh, mặc dù các hoàn cảnh không thay đổi nhiều. Anh chọn phong cách, style, làm con chủ bài, thay vì các đối tượng, chất liệu thơ ca. Anh thường dừng lại ở việc mô tả các nơi chốn, những khúc quanh, các nhân vật nhiều hơn là đi vào câu chuyện của chính họ, trong khi chính câu chuyện dẫn dắt các trường ca, ít nhất là trường ca theo nghĩa thông thường. Nhà thơ phải mô tả những sự vật mà anh không biết tên, hay chỉ được đặt tên sau khi anh đã chết, và chúng ta đều biết rằng đó là công việc khó khăn. Biết làm sao?

Có hai yếu tố quan trọng trong thơ, sự xúc động và sự phê phán. Sự xúc động là sự bao dung, tầm kết hợp, sự chung chạ, trong khi tính phê phán là sự nghi ngờ, sự quan sát, sự ghi lại. Đỗ Quyên có cả hai đặc tính ấy, nhưng sự cân bằng giữa chúng khó khăn để giữ được.

Thơ còn một cuộc phong ba

Trên trang giấy mỏng lòng ta lót đời

Hai tay cầm mãi cũng rơi

Chữ đây đã rụng nghĩa rày đã tan

Có một nỗi buồn được che kín, một nỗi chán nản được làm nguôi ngoai. Đó tất nhiên là một điều tốt, đáng khích lệ. Tôi tin rằng Đỗ Quyên có thể có nhiều tính hài hước hơn nữa. Hài hước không phải chỉ là một thủ pháp nghệ thụât, đó chính là một khuynh hướng sáng tạo, cách nhìn đối với thế giới, đối với sự khổ đau. Anh có một ý thức sắc sảo đối với các hoàn cảnh, những nhận định tỉnh táo chừng mực, trong suốt tựa như có một tiếng nói khác bên trong bài thơ. Nhưng cũng có khi khá cũ:

Mái tóc dài mượt hỏi bộ ngực căng nở đêm nay chúng mình sẽ đi đâu

Bộ ngực khóc
cúi nhìn trái tim
không nói

Mái tóc rủ xuống an ủi tôi sẽ che chở đừng buồn
đoạn lén quay sau lưng
lệ rớm.

Mục đích của thơ ca hôm nay, nếu có một mục đích như vậy, vẫn là tiếp tục con đường mơ mộng của trí thức, hành trình đi tìm cái đẹp, đôi khi lạc đường. Rất nhiều khi chính từ nơi hỗn độn ấy mà ngôn ngữ thơ ca được sinh ra. Đỗ Quyên là một thí dụ sống động của một nhà thơ công dân, một người bạn, người chồng, người tình. Thơ anh là sự nổi dậy chống lại tính chất chính thống, các truyền thống văn học, lễ nghi, là một sự hỗn hợp giữa đời sống thôn quê và thành thị, giữa tính địa phương và tính quốc gia, giữa tính mục đích và tính vui chơi của văn học.

Em, Nghệ Thuật Và Đám Đông

Tôi nhận ngay ra em trong đám đông
Bức hình nghệ thuật với đủ đầy tiêu chí

Vẫn như ở các tấm hình bình thường và một mình
Tiêu chí nghệ thuật và đám đông không làm thay đổi em

Mà ngược lại.

Chúng ta nhìn thấy thế giới như trong một buổi sáng khi bạn còn thơ ấu. Rồi bạn quay đi, bận rộn với những điều khác, nhưng sự nhìn thấy của bạn còn ở lại, quay lui, nhìn ngắm một lần nữa. Như vậy một hình ảnh bao giờ cũng đến trong tâm trí như một hình ảnh đôi, lần đầu như sự quan sát, lần thứ hai như hồi tưởng.

Anh nhìn lên trời
và cúi xuống đất
để biết tại sao anh lại bỗng nhớ đến em khủng khiếp

Anh thấy
trời cũng cúi xuống đất
và đất cũng nhìn lên trời

không lẽ cũng
để biết tại sao anh lại bỗng nhớ em đến khủng khiếp.

Nhưng tâm trí của chúng ta không dừng lại ở một chỗ, nó thường xuyên vận động. Tâm trí, từ bản chất là một kẻ tha hương, không nhà, không nương tựa. Văn xuôi của Đỗ Quyên, trong tiểu thuyết, là một thứ văn xuôi trữ tình giải cấu trúc. Anh xao xuyến đi tìm ý nghĩa, sự cần thiết của thơ và nghệ thuật thơ ca. Anh không phải không có những bi kịch tiểu sử, mặc dù điều ấy không được miêu tả tường tận trong tác phẩm của anh, nhưng các bi kịch tiểu sử dường như bị cố tình gạt qua một bên. Đó là một trong những khó khăn của nhà thơ trữ tình, khi anh nói về mình đến bao nhiêu thì vẫn là nhân loại.

Quá giang trường ca viếng bạn

đường lối trữ tình không thể riêng tư

thi tứ đến sau vần điệu

và dằn vặt đâu còn hiển lộ như xưa

Thơ anh khó trích dẫn. Không thể lấy một câu thơ để nói về một khía cạnh. Muốn đọc, phải đọc toàn bài. Thơ nào cũng thay đổi khi chúng ta kể lại chúng thay vì trích dẫn nguyên văn, nhưng thơ Đỗ Quyên biến dạng nhiều nếu được trích dẫn. Thơ anh cũng bao gồm những mô tả sự tầm thường, sự ngớ ngẩn, sự phi lý, như Raymond Carver hay Rae Armantrout. Trong những đoạn mô tả như thế, anh thành công.

Tất cả
đời tôi đã xong
Chỉ duy nhất còn một việc
nhớ em

Nhớ cũng là loại việc trường kỳ kỷ luật
Tất nhiên

Khác với thơ phương Tây và nhất là Bắc Mỹ, thơ Việt còn lâu mới mang tính tự sự, cùng lắm chỉ là trữ tình-tự sự. Đỗ Quyên là người đi xa về hướng này, một cách có ý thức hoặc không có ý thức. Tôi lấy làm ngạc nhiên là anh ít làm thơ xuôi, mặc dù tôi tin rằng anh có khả năng ấy. Những người làm thơ xuôi không bị lệ thuộc vào câu thơ, hạn chế của nó, mà dựa nhiều hơn vào một thứ âm nhạc nội tại.

Cuộc yêu đêm qua vắt kiệt cả hai
Người phụ nữ nói cần đi nghỉ sớm
Người đàn ông gật đầu
Và hai người nằm xuống
hạnh phúc

Họ nói mãi về những gì xảy ra hai mươi tư giờ trước

Lịch sử Việt Nam là chiến tranh, bạo lực, hiểu lầm, ký ức xáo trộn. Một người viết thông thường dễ dàng trở thành nạn nhân của chúng. Một người viết có tài năng nếu may mắn có thể vượt qua sự xáo trộn ấy. Khác với tất cả nhà thơ người Việt hải ngoại, đi từ miền Nam hoặc đi từ miền Bắc, sinh ra trong chiến tranh hoặc sau chiến tranh, Đỗ Quyên chọn một vị trí khó khăn, giữ được sự trung hòa giữa tính tổng quát và tính cá nhân. Những cố gắng của anh trong thơ không mệt mỏi, làm cho thơ trở thành một thứ giá trị trong đời sống, dung chứa trong nó càng nhiều càng tốt các nguyên mẫu văn hóa dân tộc và các yếu tố thời thế, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Sự kết hợp giữa tính hào hứng khó có một nhà thơ nào sánh được, với giá trị của những kinh nghiệm, không chỉ dừng lại trong ngôn ngữ. Những hình ảnh trong thơ anh, phép ẩn dụ, là về những cuộc gặp gỡ không thành, về một thứ lịch sử lẽ ra đã xảy ra nhưng không xảy ra. Trường ca của anh xâu chuỗi chúng, vẽ lại các hoài niệm.

Sau khi em bỏ tôi
Một người phụ nữ khác đến

Chỗ của em bảo nơi này đã có chủ
Người đó mang chỗ của em tìm đến em
trả
Rồi không trở lại
với tôi.

Đặc tính của thơ Đỗ Quyên là cô đơn. Cô đơn không phải là một quan điểm, mà là một tình trạng. Buồn rầu hay vui thú một cách thanh khiết, là can đảm, lời kêu gọi, nhưng cũng có thể là một phòng giam giữ, sự bất lực, sự suy kiệt. Cô đơn cũng có thể là khi bạn bắt đầu lắng nghe tiếng gọi, từ chính bạn và từ tha nhân, là khi bạn nhận ra sự cần thiết của người khác hay của việc bạn giúp đỡ họ, là khi bạn thuộc về.

Thơ không còn đường đi

Ngả nào trên bàn tay bỏ ngỏ

Năm ngón tay ai tiên tri      

Gió thu về đọng lại

Thắp sáng góc ngực nốt ruồi nâu        

Trường ca đương đại thiếu một cốt truyện và các nhân vật, thiếu các xung đột kịch tính, thay vào đó ngày càng nghiêng về phía những độc thoại nội tâm, câu chuyện lịch sử biến thành câu chuyện cá nhân, sự việc khách quan biến thành các diễn tiến trữ tình. Khuynh hướng chung hiện nay làm cho thể trường ca Việt tăng cường sức mạnh của sự tương tác giữa người viết và người đọc, nhưng lại thiếu hẳn sự sinh động theo cách chính xác và cụ thể của thế giới bên ngoài, thế giới của các sự kiện, của một nhân loại biến động.

Sắp tới Trái đất sẽ bàn luận với Bầu trời

Ðề tài Mùa thu và Các nhà thơ không trí nhớ

Tại Giảng đường Ngày Mai Ðại học Sao Hôm

 

Mời anh và xấp bản thảo không biết úa mầu

Tới dự

Đỗ Quyên còn bị ám ảnh về tính liên tục của lịch sử, tính nhân quả, sự kết hợp với tha nhân, nhu cầu tương thông, nhu cầu chuyển hóa. Niềm vui thú của việc đọc thơ anh nằm ở chỗ can dự vào thế giới tưởng tượng, các câu chuyện đằng sau chữ và nghĩa, bối cảnh nền của các diễn tiến hiện tại. Có lẽ quan tâm đặc biệt của anh đối với văn hóa, một mối quan tâm mà tôi ít tìm thấy ở các nhà thơ cùng thời, đã làm cho Đỗ Quyên trở thành nhà thơ trữ tình hiếm hoi viết về những chủ đề thế sự rộng lớn thay vì chỉ cá nhân.

Chưa từng trao bất kỳ ai ngoài anh nỗi riêng tư nhất
Anh cũng thế
Để làm nên bí mật tình yêu hành tinh này không chứa nổi
Tất cả các ngôi nhà đều cắn lưỡi

Đọc Đỗ Quyên là đọc trong lặng lẽ hành trình tha hương-lưu vong của người Việt. Anh không tin rằng chỉ có nghệ thuật là đủ cho các giá trị, không tin vào những giấc mơ của chủ nghĩa hiện đại. Chối bỏ hoàn toàn truyền thống là những kẻ hư vô chủ nghĩa, nhưng lệ thuộc vào chúng, dù một cách vô thức, cũng tai hại không kém. Chính cái nhìn mỉa mai, châm biếm, phản kháng, thức tỉnh đã tạo nên một thế giới gọi là ngoại vi. Thế giới ngoại vi ấy trong văn chương không phải là một định nghĩa có tính loại trừ: không phải ở bên trong thì ở bên ngoài, không phải chính thống thì ngoại vi, mà thế giới ấy là một tập hợp bất xác định, những buổi họp không có người điều khiển, những xứ sở không có lãnh tụ.

Anh sẽ sớm quên mùi lưng gái trẻ

Nhởn nhơ để mặc nắng lùa

Quên người đảo hiền hiền hay hát

Khúc ca làm nguội bước hành nhân

Anh nói về điều gì? Về một vùng đảo, những tấm lưng trần của thiếu nữ phơi nắng, nhưng hình như anh muốn nói một điều gì khác nữa. Đó là sự khởi đầu của liên kết, tất cả những ý nghĩa cá nhân cùng một lúc chuyển động.

Về Sự Phải Trái Của Miệng

Tai trái hỏi tai phải
có đúng là cái miệng nó vừa nói "Em yêu"

Tai phải bảo tai trái
giá như miệng cũng có phải trái thì hai ta đỡ biết bao nhiêu.

Đó là ý tưởng lạ, nhưng phương pháp ẩn dụ cũ, sẽ không chịu hoạt động cho anh. Thơ anh sử dụng nhiều điển tích nhưng đó là một thứ điển tích kiểu mới, không phải một nhóm chữ, mà một ý tưởng nối kết giữa hiện tại và lịch sử. Đằng sau nhiều câu thơ của anh có những câu chuyện từng được kể lại ở đâu đó. Nghe anh kể, thật hay.

Sau cuộc yêu
mỗi người nằm về một hướng
như hai câu lục bát
rời ra
Thơ anh có rất nhiều hình ảnh mang tính tượng trưng. Tượng trưng là sự so sánh nhưng không biểu đạt như một so sánh.

Khi bàn chân nằm xuống vẫn chỉ thẳng lên trời

Con đường chôn trong chân người

Người đọc hiểu bàn chân là biểu tượng của một điều gì khác lớn hơn, nhưng biểu tượng ấy cũng có sự sống riêng của nó, vì vậy mà khi nằm xuống thì vẫn chỉ lên trời, vì vậy mà bàn chân chứa được nhiều con đường.

Những người-nữ chuyển động trong bài thơ anh

                                                                        Từng đoạn chương từng câu chữ

Như các y phục ẩn hiện thân hình một người phụ nữ

Phương pháp giải cấu trúc, mà các nhà lý luận hay nhắc tới, là một hướng phê bình tuy cởi mở nhưng có thể mang lại hậu quả tai hại. Tuy cách đọc giải cấu trúc cũng chú ý đến việc hiểu đúng và hiểu sai, nhưng thừa nhận nhiều cách hiểu một văn bản. Đọc thơ cần nhìn thấy cái riêng rẽ, cái cụ thể, tính độc đáo, originality, như thế là tránh sự phổ cập, đi tới những gián đoạn của ý nghĩa. Một văn bản giàu có mang lại ánh sáng mới mỗi khi đọc lại. Thơ Đỗ Quyên, những khi thành công, là một thứ văn bản như vậy.

Cây đỗ quyên trước cửa nhà

tháng năm đợi

chưa bao giờ được vào thơ Đỗ Quyên

 

Màu đỏ máu

đêm như ngày

Thơ anh mất đối xứng, nhưng khác với nhiều người khác anh lập tức lấy lại thăng bằng. Các nhân vật, các đối tượng trong thơ, nhất là thơ ngắn của anh, có một số phận đáng thương, chúng mịt mờ, hư ảo, như có như không, cũng như chính số phận mỗi cá nhân chúng ta trong thời đại sắt thép kinh hoàng. Khi bạn gặp họ, mới thấy sức mạnh của tư duy thơ Đỗ Quyên, lòng yêu dạt dào đối với ngôn ngữ, sự ngây thơ đáng yêu và đáng thương của chàng.

Ðỗ Quyên,

Không biết anh còn nhớ đến thu?

Có còn dùng địa chỉ email này làm nơi sống gửi

Tính tặng anh một nửa thu chớm lạnh

Trên con đường dốc nặng sương

Nhờ anh check lại          

Đỗ Quyên giàu liên tưởng, hay nhắc đến các đề tài chính trị, mà nhắc ngang xương, tự nhiên, mặc dù thế, thơ anh không phải là thơ chính trị, chẳng qua những vấn đề văn hóa với dân tộc đã trở thành một phần của đời sống của anh.

Với tôi

không nệ áo khoác thầy tu khi nhằm đích tâm kinh

các nhân vật sẽ không địa chỉ tùy thân

thậm chí còn đánh tráo cho nhau chức năng nghệ thuật

Có quan trọng lắm đâu

                                     chọn lựa thi pháp

Thi pháp là gì nếu không chuyện cái cốc cái ly?

Câu thơ là một đơn vị của cảm xúc. Câu thơ là một đơn vị của sự tập trung chú ý. Tuy nhiên sự mô tả của anh đôi lúc rơi vào tản mạn, thuần túy mô tả hơn là bộc lộ những ý nghĩa mới, những diễn dịch mới của hiện thực:

Nhìn từ sau lại cả một vùng thèm muốn

Hai tấc gang ngang không tới tường thành

Chỗ hẹp nhất chờ sự mạo hiểm nhất

Thực tiễn cắm ngút vào lãng mạn vừa tầm

Thơ Đỗ Quyên là một thứ hậu siêu thực: anh kêu gọi người đọc từ bỏ hiện thực, đi vào các giấc mộng, nhưng cũng coi thơ là một tôn giáo bí ẩn, từ đó người đọc có thể nhìn sâu vào thế giới và đôi khi cắt nghĩa các bi kịch. Bằng cách cắt nghĩa, một người trở lại với hiện thực.

Ta đi mãi. Trời đâu nào cao tới

Mây dừng ngang vai mây dừng ngang vai...

Trí ta thấu trời tâm ta mây biết

Thôi cũng đành thôi thế thế là thôi!

 

Ta đi mãi. Gió mưa này đã khóc

đã than rằng, ơi hỡi Ðỗ Quyên ơi,

gió giật thổi một đời không lại

mưa trút gào trọn kiếp không thôi

Như thế, thơ anh có những nỗi đau sau cùng, bàng bạc, nhưng người đọc có cảm tưởng anh sẽ được cứu rỗi. Đó là điều kỳ lạ, vì anh là người vô thần, cũng như một số ít nhà thơ khác, và đó là một nỗi cô đơn khủng khiếp. Dù sao, tôi tiếc là anh vẫn chưa bộc lộ hết những cảm xúc của mình, mặc dù nói nhiều về cá nhân, nhưng đó là một cá nhân xã hội, một cá nhân gia đình, một cá nhân bị ràng buộc bởi các trách nhiệm. Anh ít chạm tay vào những chi tiết cụ thể, sống động. Khi anh làm thế, thật cảm động như khi nghe anh nói về bạn:

Đà Linh:

Sau khi trồng trên đời

các cuốn sách

                       xanh

bạn nằm xuống

 

Ý tôi còn muốn nói

Đẹp xiết bao những nấm mồ người-làm-sách

Đỗ Quyên chấp nhận và khuếch trương sự tầm thường, làm chúng lan tỏa khắp các trang viết (absurdity), nhưng trong thơ anh tuyệt không thấy sự dung tục. Anh vẫn là nhà thơ hướng tới cái đẹp, mặc dù không ít hơn vài lần tìm cách chế giễu nó, tựa như khi mọi người đang than khóc thì có một người đứng cười. Nhưng đó là một nụ cười đánh thức.

Em, quẹo ngả này,      

Vô pick up Nhất Linh quá giang Montreal

Thật thú vị. Sự đảo lộn đời sống, sắp xếp lại câu chữ như một trò chơi ngôn ngữ, đôi khi không phục vụ cho một mục đích nào cả. Chơi là chơi. Nhưng tôi tưởng rằng thơ Đỗ Quyên không đi đến tận cùng tính vô mục đích như vậy. Hầu hết, câu thơ của anh vẫn nạp đầy ý nghĩ như những đám mây tích điện trước cơn bão.
Thơ anh đôi khi buồn, nhưng ít gây ra thương cảm. Thường là vào lúc anh viết những câu ngắn, đều đặn giữ nhịp. Nhịp thơ chậm lại. Thơ thêm cái mênh mông của suy tưởng, mà chữ vẫn đậm đặc.

Mở
Mở nữa
Mở mãi
Mở những gì có cửa
Mở những gì chưa có cửa

Bằng cách nào chúng ta dành lại tự do của mình? Trong những bối cảnh kỳ lạ nhất, bất thường nhất: bị nghi ngờ, hải ngoại, lưu vong, bị kiểm soát, ngoại vi, bên dưới. Thơ anh không phải là câu trả lời nhưng chúng tạo ra một cấu trúc cho phép câu hỏi được vang lên, làm cho bạn trở lại với chính mình. Bản ngã của một người chống lại tình yêu của anh ta, đối với đời sống, đối với người khác, và trong trường hợp Đỗ Quyên, người khác là người nữ.

Thế giới nữ phủ đặt mùa thu tôi ba người

Ðầu của một người

Mình của một người

Tứ chi một người

Em tìm hết một thời chúng mình bên nhau có thấy hết mình ở những chỗ nào trên tôi?

Thơ anh đầy những nhận xét nhưng không phải là sự phê phán. Thơ ấy kêu gọi, không nhìn sâu vào những khổ đau của đời sống mà nhìn ra bên ngoài, nhìn tới quan hệ với người khác, những trầm tư lịch sử. Nỗi đau không phải bị kìm nén mà được dịch chuyển, hướng về đối tượng khác, và nhờ thế chúng trở nên chịu đựng được. Có một cảm xúc hào phóng, mãnh liệt trong thơ Đỗ Quyên, như trao tặng, sự nhẹ nhõm của lòng tốt. Thơ anh chống lại thành kiến, mối quan hệ của anh đối với đời sống tuy sâu sắc mà nhẹ nhõm, đôi khi như một lời xin lỗi hay tha thứ. Những chấn thương của anh không được khai thác đến cùng tận, vì chúng được lý giải quá sớm. Đó là lý do vì sao trong thơ bàng bạc một niềm cô độc, khó chia sẻ.

Những ai không còn không gian

Sau một cái vuốt tóc

Sợi đen sợi bạc sợi màu

Em bao nhiêu tóc đã từng đau

Ở không gian khác

Tư duy thơ không nặng về mô tả khách quan, một nghệ thuật phát sinh từ khoảng cách. Thơ có những phát hiện tâm lý học về đời sống tâm hồn, nhất là trong thơ viết về thơ. Trong vòng vài chục năm nay, Đỗ Quyên có lẽ là người viết nhiều thơ về thơ nhất. Vốn từ vựng không thay đổi nhiều, từ bài này sang bài thơ khác. Sự thay đổi nằm nhiều hơn ở giọng điệu, tâm trạng, chủ đề. Tôi hiểu rằng có một sự khác nhau giữa chủ đề và đề tài, đề tài là nói về chất liệu nghệ thuật, chủ đề nói về ý tưởng trung tâm.

Anh né mặt sau những trang thơ

Cho cuộc đời hiện diện

Càng đi xa càng thấy tháng ngày đau    

Lá rụng xuống không để người cúi nhặt

Nghệ thuật làm cho cuộc đời lớn hơn hiện thực. Sự bẻ gẫy các câu thơ, ngắt dòng, xáo trộn các ý tưởng làm cho con người có thể nhìn thấy sự thực từ nhiều điểm nhìn, trong không gian và thời gian. Không có một chân dung nào là tĩnh, chúng biến đổi. Thế giới thơ anh là thế giới trống rỗng, bát ngát, nhưng đó là sự trống rỗng có thể làm một cái chuông ngân lên, sự bát ngát dễ dàng bị thu hồi bởi bóng tối. Cuộc đời chắc chắn là ngày một xấu đi, nhân gian chắc chắn là mỗi ngày một hỗn độn, nghệ thuật ngày càng ít có tiếng nói, đó là sự thật hay là niềm tin của một số người, không ai trả lời được. Thơ là một trong những cố gắng tìm câu trả lời ấy, khi thì bằng sự tập trung chú ý, có phần nghiêm khắc, khi thì bằng sự buông thả, đôi lúc bông phèng, ba lơn.

Trong ba phần cuộc đời

Không phần nào có thể hiểu được hai phần còn lại

Sự hiểu được của thơ tựa như sự tiên đoán được, sự không thể hiểu nằm ở sự không thể tiên đoán được.

Thơ anh ngày một cá nhân hơn, trữ tình hơn, nhưng vẫn dung chứa cái nhìn nổi loạn đối với hiện thực. Trong trường hợp ấy, thơ mới hẳn, như khi chạm tới cái đẹp, một trong những bận tâm chính của Đỗ Quyên. Cái đẹp là tình trạng cân bằng giữa chú ý và rời bỏ bản ngã. Nhà thơ biết rằng ở nơi giao phối giữa thời gian và mất mát, thơ tìm được nó.

Có gió bốc dưới mỗi bàn chân

                        và trong từng ngòi bút

Mùi trang giấy viết tinh khôi

              ngửi suốt đời không ngán

Độ cứng ở những nơi thiếu bàn chân

                                                           kích thích

Đôi khi bài thơ đi tới tầng sâu hơn, đằng sau hiện thực. Tôi nghĩ, đó là lòng thương xót.

Cho ta khóc một hệ người

Khi chúng ta bắt đầu nhìn thấy một người đau khổ, cảm xúc được cảm xúc của một người bất hạnh, lúc đó bạn thôi không còn là đối tượng của số phận nữa, mà trở thành chủ thể của thơ. Nếu thơ Đỗ Quyên được các nhà phê bình chú ý nhiều hơn, được đọc kỹ hơn nữa, thơ ấy sẽ được người đọc yêu mến và đọc lại, bởi vì ngôn ngữ mới mẻ của chúng, giọng điệu phóng khoáng và thân mật, đau đớn và hào sảng, bởi vì những hình ảnh tầm thường và tuyệt đẹp, một sức nghĩ mạnh mẽ khác thường của tác giả. Điều đó bao giờ cũng từ hai phía, từ người đọc, nhà phê bình, và từ người viết. Anh là một nhà thơ của những lịch sử nhầm lẫn, của sự viết lại, của sửa chữa, đi tìm và đôi khi tìm lại được, của số phận nếu không phải của cả dân tộc thì một số người, đôi ba thế hệ, năm tháng không quên.

Tới gần rồi,

Điểm cuối!

Đảo mưa trong anh

Ánh nắng trong em

Đường mòn đau thêm

Thổn thức lịch trình xoắn ốc     

Câu thơ treo ngửa

                              nấc                   

Cuộc đời của mỗi bài thơ là ở trên đường, đi trong sự vắng lặng của các hoàn cảnh, cái mơ hồ của sự thật, sự trống rỗng của mục đích. Bài thơ như thế trở thành sự kiến tạo mỗi ngày của thi sĩ. Ngôn ngữ trở thành không phải phương tiện giao tiếp mà là hiện thực. Thơ Đỗ Quyên mang tôi trở lại với cảm giác nguyên thủy trong sáng tạo, có lẽ đó là một trong những đóng góp lớn nhất của anh. Quá trình kiến tạo nghệ thuật gồm xây dựng và phá hủy, và thơ bắt gặp lối đi cuối cùng, nhưng rồi bao giờ nó cũng vượt lên, đi xuyên qua giữa cái chết và cái đẹp. Đọc Đỗ Quyên là đi tìm manh mối của một bài thơ. Những câu thơ đẹp được làm nên như vậy, được tháo ra, được làm lại. Giữa những chặng đường ấy là sự hài lòng và sự bất mãn, yêu thương và giận dữ, chống lại và làm lành đối với số phận. Của đất nước và của chính mình.

Nguyễn Đức Tùng

 

Tài liệu:

1. Đỗ Quyên: Lòng hải lý, NXB Hội Nhà văn, 2011; tập hợp các trường ca Lòng hải lý, Đống chữ, Buồn muộn cùng thế kỷ, Bài thơ không thuộc về ai.  

2. Đỗ Quyên: Ba người nữ một mùa thu (vanviet.infotrangvietmoi.com)   

3. http://vanviet.info/tho/bon-muoi-nam-tho-viet-hai-ngoai-46-do-quyn/

4. http://chimviet.free.fr/vanhoc/doquyen/doquyenn_TruongcaTacGiaTacPham.htm

5. Nguyễn Đức Tùng: Thơ đến từ đâu / Mục Đỗ Quyên, NXB Lao Động, 2010.

6. http://maivanphan.vn/maivanphan/32/398/789/1212/ve-lo-trinh-tho/tho-mai-van-phan-trong-dong-tho-can-giai-thich-gia-tri--phe-binh----do-quyen.aspx

7. https://buicongthuan.wordpress.com/category/truong-ca-long-hai-ly-cua-do-quyen/

8. http://chimvie3.free.fr/71/doquyenn_DeSach_071.h

9. Nguyễn Đức Tùng: Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại, NXB Người Việt & Văn Việt, USA, 2017, p. 443-452.


clip_image002

Đỗ Quyên và hai chân dung

bởi Nguyễn Đại Giang (Hoa Kỳ, 2008) và Trần Tuy (Việt Nam, 1982)