Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Có nên bỏ ngày nhà giáo?

Lê Học Lãnh Vân

Nhiều anh, chị trong và ngoài ngành Giáo Dục đề nghị bỏ Ngày Nhà Giáo…

Nhớ những năm sau năm 1980, lần đầu tiên Ngày Nhà Giáo được tổ chức tại Việt Nam. Các Thầy Cô môn Sinh Lý Thực Vật trường Đại Học Tổng Hợp Tp HCM, sau khi tham dự buổi họp mặt tại đại giảng đường, có buổi quây quần tại bộ môn. Bình trà nóng, dĩa mứt, dĩa bánh ngọt… các cán bộ giảng dạy cùng một số sinh viên làm luận văn quây quần quanh cô Mai Trần Ngọc Tiếng, giáo sư trưởng bộ môn. Bánh, mứt do cán bộ giảng dạy hùn tiền mua đãi các bạn sinh viên, hoa chưng bình do các bạn sinh viên cắt ngoài vườn.

Cô Tiếng kể lại lịch sử thành lập Khoa Học Đại Học Đường, thành lập bộ môn. Kể những giai thoại trong trường. Cuộc trò chuyện đi từ quá khứ tới tương lai, bàn luận về ước mơ của các bạn sinh viên và cán bộ giảng dạy trẻ…

Năm đó, người viết bài này yêu Ngày Nhà Giáo bao nhiêu…

Càng về sau, Ngày Nhà Giáo càng bớt đi nét đơn sơ giản dị mà tăng tính rầm rộ phức tạp, bớt đi tình thấy trò gần gũi mà tăng tính lễ nghi xa cách…

Rồi tới lúc nào đó, đã thành nếp, đêm trước Ngày Nhà Giáo là các tiệm hoa thành phố đầy hoa, thức thật khuya, suốt sáng chuẩn bị hoa cho trận đánh đẹp hôm sau, Ngày Nhà Giáo. Cả một ngành kinh doanh hoa, thông qua Ngày Nhà Giáo, kiếm tiền trên những chiếc lưng còm cõi của phụ huynh và giấc mơ bằng cấp cho con em của họ. Trường học, hội Phụ Huynh của trường thu tiền “tình nguyện” đóng góp của học sinh để bồi dưỡng Thầy Cô. Ngày Nhà Giáo, thay vì xiển dương đạo đức và tác phong người Thầy vì Trò, xiển dương lòng kính trọng của Trò hướng về Thầy, đã trở thành ngày ngược lại! Vị trí của Thầy Cô xuống rất thấp trong con mắt cha mẹ học sinh và cả trong mắt học sinh…

Là người đi họp phụ huynh cho hai con, lòng người viết thật chua xót nghe các phụ huynh nói chuyện với nhau bằng những lời rất thiếu tôn trọng về thầy cô, trường lớp của con mình! Chắc chắn các thầy cô nghe được những lời như vậy vì chính thầy cô cũng là phụ huynh, cũng đi họp phụ huynh.

Cũng chắc chắn, không ít Thầy Cô tự trọng không đồng tình cách tổ chức Ngày Nhà Giáo như vậy, vẫn tận tụy giúp đỡ học trò. Không ít Phụ Huynh và học sinh vẫn giữ lòng quý trọng Thầy Cô…

Nhưng đạo đức xã hội luôn chịu ảnh hưởng quyết định từ hệ thống cầm quyền chính thống. Khi hệ thống lãnh đạo trường, ngành giáo dục quyết cố đấm ăn xôi, các nhà giáo tự trọng giỏi lắm cũng chỉ giữ được lòng tự trọng cho riêng mình. Giáo phong, học phong trượt dài xuống hố…

Các Bộ trưởng, đi từ các ông Nguyễn Đình Tứ (Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp), bà Nguyễn Thị Bình (Bộ trưởng Bộ Giáo dục) bốn mươi năm trước để lại tiếng tốt cho tới các bộ trưởng bộ Giáo dục nhiều tai tiếng hôm nay. Một ông nổi tiếng vì một dự án được ông cho công chúng biết trị giá là ba mươi bốn ngàn tỉ đồng, sau khi bị chất vấn, phản biện, ông cho biết dự án thật chỉ có tám trăm tỉ, con số kia ông có được do một vị phó đưa tờ giấy mách nước ông! Vậy là giá trị dự án được nâng giá lên hạ giá xuống hơn bốn chục lần với mức chênh lệch khoảng một tỉ đô la Mỹ! Một ông thì nổi tiếng vì tác phong quá tệ trong những lần xuất hiện trước công chúng, vì không giữ đạo đức cốt lõi của ngành Giáo dục khi đồng ý việc nữ giáo viên bia bọt karaoke tiếp khách quan chức cao cấp, cũng vì gây nhiều điều tiếng không hay ho trong lãnh vực giáo dục và học thuật! Người ta bận lo những dự án vài chục ngàn tỉ, tiền đâu lo cho Thầy Cô có đời sống tương xứng với tầm quan trọng của nền giáo dục quốc gia! Dưới thời các quan giáo dục này, gian lận thi cử, bạo lực học đường, suy thoái đạo đức giáo dục đã tới mức mà trước năm 1975, thời đất nước phân đôi, không nhà giáo nào dù Miền Bắc, Miền Nam có thể tượng tượng nổi…

Sứ mạng của Bộ Giáo dục là đào tạo những con người có năng lực và có đạo đức.

Những con người như vậy luôn có niềm tin và lòng tự trọng của tri thức và đạo đức. Họ chỉ có thể được đào tạo bởi và hoạt động hữu hiệu trong môi trường khai phóng, có tự do tiếp xúc những chân trời mới lạ về tri thức. Bất kỳ sự hạn chế tiếp xúc tri thức nào cũng chỉ đào tạo những người thiếu tham vọng tri thức, thiếu tôn trọng đạo đức, dễ bị thuần phục bởi quyền uy, chức tước, của cải… Lần lần xuất hiện một bè mảng các người lôi kéo và bảo vệ nhau vì quyền lợi, vị trí, nói chung là vì tham muốn ngược chiều với ước mơ, hoài bão tung cánh phụng sự của học sinh. Bè mảng này ngăn chặn, thậm chí tiêu diệt, tầng lớp tinh hoa xuất hiện và phát triển.

Bài viết này cho rằng chính đề của ngành Giáo dục hiện nay nằm ngay trong Bộ Giáo dục và cách tổ chứ xã hội. Giải pháp cho chính đề này có phải là tự do học thuật, tự do ngôn luận, môi trường độc lập tự chủ cho hoạt động truyền bá, hấp thụ và sáng tạo tri thức?

Có được những điều kiện trên, Ngày Nhà Giáo được tổ chức một cách thuần phác, thiện lương hợp với truyền thống Thầy-Trò của dân tộc trong thời nay! Không có những điều kiện này, Ngày Nhà Giáo chỉ là lớp sơn loè loẹt che gỗ mục bên trong!

Ngày 18 tháng 11 năm 2021