Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Một đời thủy chung

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Tháng Giêng 2005, tôi có việc về Sài Gòn sau gần ba mươi năm bỏ nước ra đi. Trước khi tôi lên đường, mẹ gọi điện thoại dặn dò,

“Cây có cội, nước có nguồn. Đã về bên mình, con ra ngoài làng một chuyến”.

“Con chưa tính...”, tôi lưỡng lự.

“Con lạy bàn thờ tổ tiên, viếng mồ mả ông bà, và thăm cậu Các giùm mẹ”, mẹ khẩn khoản.

Tôi không thể từ chối. Quê hương là nơi mẹ luôn luôn yêu quý thiết tha dù đã rời xa hơn nửa thế kỷ. Với đồng lương hưu ít ỏi, mẹ chắt chiu dành dụm từng đồng, mỗi năm năm bảy lần gửi tiền về biếu bà con, sửa sang nhà thờ họ, và trùng tu mồ mả tổ tiên. Mẹ ước nguyện khi qua đời được hoả táng và di cốt rải trên dòng sông Nhật Lệ ở quê nhà. Mẹ khuyến khích:

Ngoài mình có động Phong Nha là kỳ quan thiên nhiên lớn và đẹp nhất thế giới, đưa con Châu đi cho biết”.

Đánh trúng tâm lý thích viếng thắng cảnh của Châu, vợ tôi, mẹ nói thêm:

“Tuần trước thằng Giáng gọi điện thoại qua, mẹ dặn hắn thu xếp cho hai đứa bây ở khách sạn ngoài cửa sông Nhật Lệ. Khách sạn nớ (đó) của hắn, đừng lo”.

Năm nay trên tám mươi tuổi, anh Giáng là trưởng tộc và thuộc hàng anh tôi, gọi mẹ bằng mự (thím). Những cú điện thoại hàng tháng không ngoài mục đích xin tiền, nhưng đối với mẹ là sợi dây liên lạc với bà con thân thuộc nơi chôn nhau cắt rốn.

***

Xong việc Sài Gòn, chúng tôi thuê xe có tài xế lái đi dọc theo Quốc lộ 1 ra Trung, sống lại những năm tháng hạnh phúc đau thương trong trí nhớ và kỷ niệm. Ngày đầu ngừng lại ở Phan Thiết. Ngày trước Châu là cô học trò trung học áo trắng; bạn cũ của nàng tổ chức một buổi họp mặt đón mừng, vui như thời đi học (lời của nàng). Ngày thứ hai ghé lại Quảng Ngãi nghỉ đêm để hôm sau viếng thăm thánh địa Mỹ Sơn của người Chàm; thành phố về đêm tiêu điều vắng vẻ, không một chút sinh khí. Sau đó dừng chân tại Huế xưa kia tôi sống nhiều năm và lớn lên, để thăm bạn cũ trường xưa và dùng làm điểm xuất phát về thăm quê cũ.

Trên đường từ Huế ra Đồng Hới, dừng chânở hai địa điểm lịch sử ghi hằn trong ký ức là Cổ Thành Quảng Trị của mùa hè đỏ lửa 1972 và cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải một thời là biên giới Bắc-Nam. Phong cảnh hoang tàn vắng vẻ của hai nơi này gieo mối cảm hoài thấm thía giống như tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi đi ngang qua đèo Ngang gần hai thế kỷ trước:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Xe vào thị xã vào khoảng một giờ trưa. Đã biết tên và địa chỉ tiệm ăn mà bạn Châu ở Huế giới thiệu, chúng tôi dừng xe nhờ một ông chạy xe ôm chỉ đường. Câu trả lời của người đồng châu gặp đầu tiên khiến tôi ngỡ ngàng:

“Không nói (đâu). Đưa đây năm ngàn rồi chỉ chỗ ăn cho”.

Tôi không trả tiền, dù năm ngàn đồng chỉ tương đương với 30 xu Mỹ. Lái xe đi loanh quanh thị trấn tìm chỗ ăn trưa, nhưng không nơi nào có thức ăn. Người ta cho biết cơm trưa đã hết, cơm chiều chưa nấu, và phố chợ không bán quà vặt có thể ăn đỡ đói.

Xe chạy qua chợ Tam Tòa, chợ chính của thị xã. Nhớ khi xưa nhiều lần được ngoại đặt ngồi trong cái thúng ở đằng trước, thúng sau chất hàng cho cân rồi gánh đi theo tới đây. Bảo tài xế cho tôi xuống thăm chợ một mình, đi qua các sạp hàng lộ thiên tìm lại hình bóng thân yêu của ngoại.

Lúc tôi trở lại, Châu kể chuyện hai ông công an đến đòi tiền:

“Đưa đây sáu chục ngàn đi uống cà phê, không thì giữ giấy tờ và giam xe”.

Sáu chục ngàn đồng gần bằng bốn đô la; Châu hỏi tại sao, một ông trả lời thẳng thừng:

“Xe đậu lại đây và chị là Việt kiều nước ngoài. Hỏi xú xớ sẽ phạt gấp đôi”.

Chịu đói bụng và nén uất ức vì bị cướp ngày trắng trợn, chúng tôi tìm đường đến nhà cậu Các, anh mẹ. Lớn hơn bốn tuổi, cậu theo kháng chiến khi mẹ mới mười ba. Tóc bạc phơ, người gầy gò như cây củi nhưng đôi mắt còn tinh anh, cậu ra cổng đón và nắm tay tôi khóc ròng:

“Thấy con là cậu nhớ đến mẹ con”.

Tôi cảm động theo cậu vào nhà và đưa quà – món tiền hơn cả tháng lương hưu của mẹ. Nước mắt tràn trề, cậu diễn tả nỗi nhớ nhung và lòng ưu ái dành cho em gái ở xa nửa vòng trái đất mà không hề hỏi tới tôi hay Châu một câu. Nhớ năm nay mẹ tám mươi tuổi, sáu mươi bảy năm cậu chưa gặp và không hề biết mặt mũi mẹ ra sao, tôi hỏi:

“Cậu gặp lại mẹ con hồi nào?”.

“Chưa gặp nhưng đêm nào cậu cũng mơ thấy mẹ con”, giọng cậu thành khẩn.

Nhà cậu khá lớn, chung quanh có vườn rộng trồng cây ăn trái. Mợ mất sớm, cậu ở chung với vợ chồng người con trai và đứa cháu nội năm tuổi là cháu Đạt đang chơi ngoài hè hát líu lo:

Đêm qua em mơ gặp bác Hồ. Râu bác dài, tóc bác bạc phơ...”.

Thì ra cậu mơ thấy mẹ giống như cháu Đạt mơ thấy bác Hồ!

Đã được báo trước nên anh Giáng cùng mấy bô lão tộc thuộc chờ sẵn ở nhà thờ họ đón tiếp “chú” Bé học sáng (học giỏi) – không biết nguồn tin “học sáng” từ đâu ra. Sau khi trao món tiền mẹ tặng họ và làm lễ ra mắt tổ tiên, tôi ngỏ ý muốn đi thăm nhà cũ nhưng anh Giáng gạt đi:

“Bây giờ là văn phòng huyện, chú tới không được ”.

“Tôi chỉ tới coi chứ có làm gì đâu mà lo. Nhà ông nội, sao không được tới?”, tôi không chịu.

“Đây không phải như bên Mỹ; chú làm tới họ sẽ không để yên mà về Mỹ ”.

Tôi biết điều này nên không kỳ kèo. Nhớ lời mẹ dặn, tôi hỏi đường đi tới nghĩa trang họ Nguyễn, anh lại cản:

“Mùa này nước ngập, chú mự không ra chỗ nớ được ”.

(Sau này tôi mới biết thửa đất dùng làm nghĩa trang gia tộc mười mấy đời đã bị chính quyền trưng dụng. Mẹ tiếp tục gửi tiền về để “trùng tu mồ mả”, nhưng không ai cho biết mồ mả thực sự ở đâu).

Để Châu và anh tài xế ở nhà anh Giáng, tôi lần xuống cuối làng tìm nhà anh Đồng, một túp lều xiêu vẹo đổ nát trong bãi đất vắng vẻ. Một bà già lụ khụ mù một bên mắt ra mở tấm liếp che cửa, nhìn mãi tôi mới nhận ra là con Chắt, cháu họ gọi bằng ông. Nó nhận ra tôi, mừng rỡ:

“Cả tháng ni (nay) con mắt tui máy hoài, biết rứa (vậy) là có quới nhơn tới nhà”.

O mi (cô mày) ở một mình hả?”, tôi lúng túng lựa cách gọi thích hợp.

“Chớ ở với ai chừ (bây giờ)! Ôông về răng (sao) mà đúng lúc, bửa ni kỵ ôông sơ”, nó lính quýnh chỉ chiếc ghế duy nhất trong nhà mời ngồi.

“Ông sơ” chính là ông nội tôi. Trên bàn thờ, một kệ gỗ thô gắn vào tường đất, ba cây nhang cắm trong lư hương bằng đất nung còn cháy đỏ. Lễ vật vỏn vẹn gồm hai chén cơm đơm lưng đặt hai bên đọi (tô) canh rau nấu rạm (cua đồng). Nước mắt ràn rụa, tôi quỳ mọp trên sàn đất lạy trước bàn thờ.

Con Chắt kể sau “ngày tiếp quản" 1954, một tối anh Đồng đi họp ủy ban không về. Hôm sau xác anh được tìm thấy sau miếu Thổ Địa, tay trói ké và khắp người bầm tím. Anh bị lên án“phản động” vì không chịu hợp tác buộc tội nội là “thành phần bóc lột”.

Ngày đấu tố nội, dân làng được huy động tụ tập ở đám đất rộng trước đình làng. Mụ Ruộng ngồi ghế chủ tịch “tòa án nhân dân”, bắt nội quỳ trước “tòa”, tay chân trói ôm vào chiếc cọc lớn sau lưng. Bà nội con Chắt là mụ Đình kể tội và chửi mắng nội là “tên địa chủ gian ác hút máu mủ nhân dân”. Nhưng khi vu nội hãm hiếp bà cháu mụ, mụ bị con Chắt cãi phăng:

“Không có chuyện nớ. Ôông sơ là người tốt, là người ơn của nhà mình”.

“Tổ cha mi dám cãi lời cán bộ”, mụ Đình la lớn.

Bà già quê mùa thiếu học trước mắt tôi hãnh diện,

“Tại rứa, ôông Cột táng tui một cái trúngcon mắt trái máu chảy ròng ròng; mắt tui đui từ bữa nớ”.

O mi quả thiệt là vị anh hùng của họ Nguyễn mình”, tôi cảm kích vô vàn.

Ông Cột là chồng mụ Ruộng và người thi hành bản án tử hình. Trong lúc cán bộ chỉ huy dân làng đưa tay hô to khẩu hiệu đả đảo địa chủ, ông ta kéo nội sền sệt đẩy xuống đứng dưới cái hố đào sẵn, lấp đất ngang cổ chừa lại đầu. Khi “tòa” ra lệnh, ông Cột hô Chú Chóp dắt trâu chạy trước, ông đẩy lưỡi cày mài sắc chạy sau...

Kể đến đây con Chắt khóc lớn:

“Bữa nớ là ngày mười sáu tháng Chạp mình, giống như bữa ni. Nhớ ơn đùm bọc của ôông sơ, nghèo cách mấy năm (nào) tui cũng nấu chén cơm lạt (nhạt) cúng ngài”.

“Vậy xác ông nội chôn ở đâu?”, tôi hỏi.

“Họ đem đi (đâu) không biết; có chôn cất chi ”, con Chắt gạt nước mắt lắc đầu.

Trở lại nhà anh Giáng, tôi bảo Châu và anh tài xế sửa soạn về Huế; Châu ái ngại:

“Anh không sao chứ?”.

“Không sao; anh chỉ không muốn ở lại nơi này thêm một phút nào nữa”.

“Còn chương trình đêm nay ở khách sạn Nhật Lệ và ngày mai viếng động Phong Nha?”.

“Không cần...”, tôi bỏ dở câu nói, bước nhanh ra xe.

Về tới Huế gần nửa đêm, ghé Bến Ngự ăn bánh lá (bánh nậm) chả tôm, món ăn ưa chuộng của tôi. Ăn bữa đầu tiên trong ngày nhưng miệng đắng nghét, nuốt không hết cái bánh lá thứ hai. Đêm hôm ấy nằm mơ thấy mình biến thành Superman bay đi tìm tên đầu sỏ bọn giết người cướp của. Mà sao Superman giống như Tề Thiên Đại Thánh trong phim truyện Tây Du Ký?

*** *

Nửa thế kỷ là một thời gian rất dài. Thằng Gái – anh Quang – đã hy sinh trên chiến trường Cao Nguyên năm 1970, cha mất ở Hoa kỳ hơn hai mươi năm trước, và thằng Sáng – nay gọi bằng tên trong khai sinh là Sang – vừa về hưu sau nhiều năm làm công chức. Sau này có thêm một cô con gái và ba cậu con trai, thị tộc của mẹ với con, cháu, và chắt có cả thảy 31 người.

Trong cuộc họp mặt Giáng sinh cuối năm, trước mặt mọi người, mẹ trách:

“Xa xứ hơn năm mươi năm mà khi về không ngủ ở quê nhà được một đêm!”.

Giữ kín cái chết thảm thiết của nội, tôi cúi đầu nhận lỗi. Quê hương tôi quỷ quyệt và tàn ác, có gì để luyến thương? Vậy mà có người bảo là “chùm khế ngọt”!

Ngày 16 tháng Tư, 2013