Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Người đeo lục lạc (kỳ 13)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 17: Chịu trận

Cụ Môn đưa cho cụ chén nước rồi lững thững bước ra cuốn cái mành cửa, quay người hỏi một câu lâu nay dấu trong lòng: "Cụ cho tôi biết cái gốc Nhân văn vấn đề là gì?". Cụ Đang thong thả trả lời: "Chà! Cái câu hỏi mà bao người đã hỏi. Ông Đoàn cũng một lần hỏi như thế. "Nhân văn" ra đời với tiêu chí "Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng". Đó là lời nói chân thành nhất, "Nhân văn" tên gọi một tờ báo, còn "Giai phẩm" một tạp chí đăng tác phẩm hay. Lúc đầu chúng tôi ngồi thảo luận tìm ra tên khả rĩ cho một tờ báo. Bác Phan Khôi bảo lấy tên “Cái Chổi”, tôi (NHĐ) nói: “Cái tên nghe chối tai, và không được sang trọng, theo tôi đặt tên là tờ báo “Nhân văn” ý kiến này được cả nhóm nhất trí. (Chi tiết này tôi được thày giáo Lương Hữu cung cấp, vào chiều 01/6/2009). Thày kể đây là lời của cụ Đang nói lại với thày cùng một số bạn hữu văn chương xuống thăm cụ ở xã Vũ Công những năm cụ còn quản thúc ... Đơn giản như thế thôi chứ có âm mưu quỷ quyệt gì đâu mà họ đặt điều ra thế.

Thôi thì cái "án" Nhân văn họ cho mỗi người hưởng một tý, để chừa đi cái thói khinh bạc. Bất cần như bác Nguyễn Tuân; nghênh ngáo, ngang như cua của cụ Phan Khôi chẳng hạn cũng phải "sợ". Nó như thứ bệnh dịch hạch lây lan rất nhanh, nhiều người đã đóng chặt cửa mà con bệnh vẫn chui vào quấy nhiễu được. Lạ thế, bao người hiền lành, tử tế, chẳng viết một chữ cho Nhân văn thế rồi cũng bị "dính". Bác Nguyễn (Tuân) cũng có lúc tự nhận: "Kể ra mình cũng có cái tội, cái tội hay nói bô bô, không kín võ được". Từ ngày cụ Nguyễn như bị “ong đốt”, vẫn giữ cái tính một mình một nết, cái gì cũng "vặc", người ta kể với tôi rằng.

Hôm lớp học 18 ngày, ngày cuối cùng tiếng vỗ tay bế mạc rầm rầm. Cụ Nguyễn với mấy ông mới mò về. Các cụ dám bỏ lớp học quan trọng đi ăn mừng đường xe lửa được khôi phục. Nghe bảo sau này mấy ông ấy bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Với nhóm “Nhân văn” rồi buộc cho các ông cái ý thức giai cấp chưa rạch ròi, chưa dứt khoát.

Già Đang hất đầu ngẩng mặt nhìn cụ Môn, nói luôn: "Cụ còn lạ gì tính mấy ông nghệ sỹ, họ có cái tính đặc biệt, hễ "bốc" là nói, nói chẳng sợ ai. Nhớ lúc tôi nằm liệt trong hang đá còn biết gì nữa, đến tiếng máy bay vo vo trên đầu cũng chẳng nghe thấy huống hồ là tiếng pháo nổ, tiếng bom rơi ở phố Huế, phố Khâm Thiên. Trên nhà tù cấm cố Hà Giang về đến Hà Nội được mấy ngày rồi mới về Thái Bình, nghe chuyện anh em kể lại, trong cuộc kiểm điểm văn nghệ sỹ, có ông Hoàng Văn Hoan đến dự. Ông này tôi nhớ lắm, biết lắm. Ông là người cách mạng ngồi xử tội tôi với bà Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo rồi lại bỏ chạy ra nước ngoài để thoát thân, còn tôi là người xấu sau khi ra tù có người đến rủ tôi bỏ nước "chạy". Chả biết họ thật hay giả. Tôi đâu có cầu thân dựa vào bia sữa của người ta mà sống. Họ nhầm lắm. Chúng tôi đâu không yêu nước, không biết tự trọng. Ông Hoàng Cầm cuộc sống eo hẹp gieo neo vất vả là thế mà con gái ở Mỹ về đón bố mấy lần, ông quyết không đi. Cái chí khí nhà văn ghê gớm thật…

Họ phê cụ Tuân "Tom chát" chịu không nổi, cụ phát khùng: "Thì tôi nhà thổ, tôi mê cô đầu đấy. Còn có kẻ mê cô đầu hơn tôi, lấy cô đầu làm thiếp. Giờ họ lại dạy đời. Ông Hoan bực mình bỏ về. Thế có gớm không chứ? Họ có sợ ai đâu? Nhớ lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng được giới Nhà văn hâm mộ mời đến nói chuyện. Nhà văn Nguyễn Tuân quần áo nghiêm chỉnh ngồi nghe. Được một lúc, ông lặng lẽ đứng dậy cồm cộp nện giầy da xuống sàn gỗ ra về. Cả hội trường nhìn theo. Ông Tuân gập người chào Thủ tướng. Chiều hôm đó, Thủ tướng mời cơm Nhà văn Nguyễn Tuân, Thủ tướng hỏi: "Tôi nói điều gì sai, anh không bằng lòng?" Ông Tuân thưa: "Thủ tướng nói rất hay. Hay hơn năm ngoái, tôi e càng hay chúng nó càng phá tợn" (Cát bụi chân ai).

Cụ Môn cười khùng khục rồi cũng thao thao bình luận cái tính ương gàn của giới này, cụ còn bình luận thêm: "Hồi ấy chiến thắng Điện Biên Phủ vừa đi qua, ai cũng còn hào khí ở chiến trường về, ai cũng thấy mình có chút công lao, cũng là người chiến thắng, tưởng nói gì cũng được, làm gì cũng được, đều là những văn nghệ sỹ sừng sỏ thì có thằng nào giám động đến. Nhưng đời lại không thế. Nó có "gông", có "ách" của nó. Những anh em chiến sĩ Điện Biên "máu quyện bùn non" về làng đem chuyện đoàn văn công Quân đội khi biểu diễn mừng đại thắng, các bố còn đem tiết mục hát Quan họ "yêu nhau cởi áo cho nhau". Thế là mấy tay được suy tôn trong chiến dịch muốn "tỏ ra" ta mới là người "có lập trường" gầm lên rằng: "Hát thế, gái gẩm thế làm mềm ý chí chiến đấu". Thế là bỏ mẹ ông Hoàng Cầm rồi. Nhà hát chèo cho diễn "Lưu Bình - Dương Lễ", các ông "hùm chiến dịch" cũng lên tiếng phản đối không đúng đường lối chính sách của Đảng về "Luật hôn nhân gia đình". Họ hiểu văn học nghệ thuật kỳ cục như thế đó".

Già Đang nói : Tôi bị bắt đi cùng một số người thôi thì cam phận, mình làm, mình chịu chẳng giám đổ tội cho ai. Dè đâu vụ việc cứ ngày một tóe loe, lênh láng như dầu nổi trên nước. Bệnh hoài nghi lan tràn, chỗ nào cũng úp úp mở mở, xì xầm… Mấy ông đứng đầu ngành hội họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, họ sống chán chường hoài nghi. Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên tuy chỉ làm vài ba cái bìa sách cho Nhà xuất bản nọ nhưng thấy không khí sát phạt ở các cuộc họp đã khiến các anh ngại, đã xin ra Đảng. Nguyễn Sáng vẽ ký họa trên báo Nhân văn một đầu người cổ có vết khía như cắt. Người ta bảo đó là vẽ chân dung Trần Dần, và cái sẹo còn lại ý nói khi anh định tự vẫn, (tư liệu trong Cát bụi chân ai trang 70). Cụ Môn thư thả, ghẽ gọt nói từng câu cho cụ Đang nghe:

"Khổ lắm, xã hội thời nào chẳng có những thằng cơ hội, viết không biết viết, vẽ không biết vẽ, nhưng lại biết nói, biết ton hót, bọn "giảo" mà. Bọn này tài ăn nói, khéo hóa trang. Ai bị bọn chúng "xía" vào, chụp cho cái mũ "Nhân văn" chỉ có toi đời. Người trung thực cũng sợ. Hồi đó sinh ra người được mệnh danh là "Ông vấn đề”

"Bài "Con ngựa già của chúa Trịnh" ai đứng tên cụ có nhớ không? Lâu quá chẳng còn nhớ được nữa". "Của Phùng Cung chứ của ai" - Cụ Đang trả lời. Cụ Môn bảo: "Tôi chỉ nhớ lõm bõm, ý nói con ngựa chạy hết lực, đòi biệt đãi. Họ bảo "Các anh đòi đãi ngộ sau chín năm kháng chiến, rồi "Con nai đen" của Nguyễn Đình Thi, "Con chó xấu xí" của Kim Lân… tất cả oằn mình ra mà chịu tội. Họ moi móc đủ thứ… Cụ Môn lại cười nhạt: "Tôi nghĩ nông cạn, chẳng được như mấy vị nhưng thấy nó chua chát quá, mấy ông cầm bút có bản lĩnh cả mà để mấy tay mới nho nhe bước vào chiếu văn, nó tìm cách hành hạ đủ cách. Từ câu bông đùa đến lời nói nghiêm chỉnh đều được lôi ra kiểm điểm, minh họa, dẫn chứng kết tội. Anh em bị "đánh" ngồi vuốt nước mắt mà nhịn nhục, không giám kêu, không lời thanh minh. Họ phê ai cũng cúi đầu lặng lẽ "xin tiếp thu", nếu không lại bị cấp trên chỉ trích "kiểm thảo hời hợt, trốn tránh đấu tranh". Có người lại tỏ ra thành khẩn, "cố gắng sáng tác ra khuyết điểm" để nói với các đồng chí rằng "Như vậy tôi thành khẩn đấy chứ". Ông Nguyên Hồng mỗi lần ngồi dự kiểm điểm cứ đặt chồng báo Văn trước mặt giở từng trang viết vừa khóc vừa nói: "Tao kiện lên anh Cả. Tao tin tưởng đồng chí Sao Đỏ. Không dễ thịt nhau như thế. Tao không có điều gì không đúng với Đảng… Sau này ông kêu lên: "Tao về nhã Nam, ừ về Nhã Nam. Đủ lắm rồi… Ông đ… chơi với chúng mày nữa, về Nhã Nam…". Một cậu còn trẻ vào rừng thắt cổ vì sợ quá, còn ở báo Cứu Quốc cũng có một người nuốt lưỡi dao cạo, chết rồi còn bị khai trừ Đảng vì trốn tránh đấu tranh. Nguyễn Tư Nghiêm tham gia đợt giảm tô ở Thái Nguyên, công tác dưới xã xiết chặt phăm phắp từng buổi từng ngày như một đơn vị ra trận. Hai ngày bắt rễ, một ngày xâu chuỗi nhưng rồi loay hoay cả tuần không thấy rễ đâu, không xâu chuỗi được bần cố nông nào, Nguyễn Tư Nghiêm phát hoảng hóa dại, đi không biết đường về xóm. Suốt ngày vơ vẩn ngoài đồng bắt cào cào châu chấu ăn. (Cát bụi chân ai).

Những năm tháng xảy ra vụ án "Nhân văn", ngoài xã hội đang tiến hành cuộc cải tạo tư thương, người thành phố nơm nớp lo sợ, còn cánh anh em văn nghệ đầu óc nặng trĩu bởi gió mưa chính trị. Tất cả mọi người đều đặt ra câu hỏi: "Không biết rồi đây như thế nào? Và mình sống thế nào đây cho phải?" Việc không đáng nghĩ cũng phải nghĩ, không đáng lo cũng phải lo, không đáng sợ cũng phải sợ. Có người đứng trước đám đông cũng không dám nói to, thở mạnh. Đội ngũ văn nghệ sỹ là đội ngũ quý hiếm trong xã hội mà cũng cứ bị rượt đuổi, đánh đập, bởi mấy tay cơ hội mà không ai dám mở mồm nói. Lẽ ra họ phải được chăm sóc và sử dụng để họ có điều kiện "khám phá" những cái mới vì họ không chấp nhận lối mòn chuột chạy quanh chân các bờ tre, dậu ruối. Sự khám phá đầy sáng tạo mới mẻ lại buộc tội cho họ "nổi loạn". Mỗi văn nghệ sỹ thời ấy họ như thấy gánh trên vai nặng trĩu cuộc đời. Đời cứ bị om mãi tới mấy chục năm, tới nay nhắc tới hai chữ "Nhân văn" ai cũng sợ, cũng thảng thốt. Một thế hệ người cầm bút được rèn luyện đi qua các cuộc chiến, Mỹ chẳng sợ, Pháp chẳng lo mà lại sợ hai chữ Nhân văn. Họ sợ các cuộc đấu tố của nội bộ thiếu cái chất Người. "Phải chăng chỉ có chất Người làm nên bản lĩnh Võ Văn Kiệt đã khiến ông không thể Tổ Nhập với những mô hình phản Mác xít bị áp đặt của cánh đấu tố "Khởi động lòng căm thù trong Cải cách ruộng đất, và trong chỉnh đốn tổ chức" (Sáu Dân sống mãi trong lòng dân - bài của Tương Lai - Văn nghệ số 32 /8/2008)

Vết dầu loang ngày một rộng, ai cũng rùng mình như bị cơn sốt, ngồi với nhau mà không dám nói thật, ít người được như Phùng Quán. Con người chí khí thế trải qua trận mạc. Năm mười bốn tuổi đã đi làm trinh sát, rồi làm liên lạc cho Đại tá Hà Văn Lâu. Quyết tâm của Quán khi vào trận như quyết tử quân, "quyết hy sinh cho Tổ quốc" nên ông mới viết:

"Nếu tôi chết

Xin các đồng chí đừng đưa đi đâu hết cả

Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã

Nếu mộ tôi là chỗ đánh mìn

Xin các đồng chí đừng do dự chi hết

Hãy đào mộ tôi lên

Quẳng hài cốt tôi đi

Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ"

Ông viết Vượt Côn Đảo, cuốn sách ấy đâu chỉ là cuốn sách gối đầu giường của người đọc trong nước, nó còn là bàu bạn thân thiết với nhân dân hai nước Liên Xô và Trung Quốc thời ấy. Ông muốn làm Triệu Tử Long trong nhóm Nhân văn, cho ra những bài thơ được dư luận thời ấy gọi là những "quả bom nguyên tử". Chỉ một bài "Chống tham ô lãng phí" đăng trong Giai phẩm mùa thu 10/1956 và bài "Lời mẹ dặn" đăng trong tháng 9/1957 Phùng Quán không gì khác anh đòi hỏi quét sạch rác rưởi xã hội và yêu cầu Nhà văn Nhà thơ phải trung thành với chính mình.

"Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét…" Anh bị khủng bố vì dám bạo mồm bạo miệng như vậy. Thế là anh bị lôi đi, bị chỉnh huấn và bắt ngồi viết lời thú tội.

Khi nhóm này bị giải tán, anh buồn. Suốt ngày đi lang thang dắt con bú dù đi theo. Có ai hỏi: "Sao thích bú dù?" Phùng Quán trả lời: "Chơi với người chán lắm rồi, giờ phải chơi với bú dù. Đọc câu thơ trên của Phùng Quán ta nhớ lắm, không nên giả tạo là nói “yêu” cái mình “ghét”, nói “ghét” cái mình “yêu”…

Trong "Lời mẹ dặn", đoạn chót có câu:

"Năm tôi hai mươi lăm tuổi

Đứa bé mồ côi thành Nhà văn

Đi trọn đời trên con đường chân thật

...................................

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu

Tôi muốn làm Nhà văn chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy của tôi ai cướp đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá…"

Cuộc đời Phùng Quán nói lên điều đó. Viết Vượt Côn Đảo ở tuổi hai mươi, khi "thoát án" tóc bạc. Những ngày sống trong cái lều Hồ Tây với cái tên lãng mạn: “Lầu Vọng nguyệt”. Tại nơi đây bạn văn chương được nghe nghìn câu thơ "Huyệt lửa chôn chung" và ra đời truyện dài ba tập: Tuổi thơ dữ dội. Cũng tại “Lầu Vọng nguyệt” anh viết hàng nghìn trang sách nữa với nhiều cái tên khác nhau. Viết đấy, tù tội đấy, kiểm thảo đấy nhưng chứng nào vẫn tật ấy. "Mềm mỏng của Quán cũng là cái cứng rắn của người khác". Thơ văn anh vẫn có cá tính không giống một ai. Anh viết phải lấy tên chui của người khác. "Chui" là được sự đùm bọc ngầm của bạn in để có tiền sống. Đó là lòng bạn văn có lòng vị tha Quán mới được thế. Nhà Xuất bản Văn hóa phẩm in truyện tranh cho ông tới con số xấp xỉ sáu chục. Nhiều bài bút ký, truyện ký, truyện ngắn, truyện thơ, trường ca… có cuốn đội tên người khác được giải thưởng Hội Nhà văn, được Tổng Cục Chính trị trao giải thưởng nhân 50 năm ngày thành lập QĐND, của hãng thông tấn Liên Xô. Ông viết nhiều nhưng vẫn thủy chung như nhất: "Tôi muốn làm Nhà văn chân thật".

Nói đến Nguyễn Khắc Viện, nhà văn hóa, người từ Pháp về, ông dịch Kiều sang tiếng Pháp, chọn Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ minh họa. Họa sĩ làm kỹ lắm, bởi biết ông nặng lòng với văn hóa Việt, với Đạo, ông là người khổ học. Minh họa của Nguyễn Tư Nghiêm như nảy ra tiếng đàn, lọc được âm thanh của Kiều. Vậy mà chỉ có một cái phảy tay, một lời nói của ông "vấn đề" "Bỏ". Bởi sao? Vì nói cô Kiều là người Trung Hoa lại vẽ ăn mặc theo kiểu Việt Nam và người ta thay bằng minh họa của Tạ Thúc Bình, toàn là hòn đá tảng và cây nến. Biết bao người khác số phận cũng lận đận long đong chẳng khác gì nhóm Nhân văn, ai cũng sợ xanh mắt. Sự đấu tố tạo ra cách sống không thật. Ngủ với nhau đấy, đi với nhau đấy, ăn với nhau đấy mà không tin nhau mới lạ. Có người còn xem nhẹ cả việc tình nghĩa vì họ đã nhìn thấy ở nông thôn Việt Nam trong Cải cách Ruộng đất "đội" đã biết khơi gợi sự căm thù để con tố bố, vợ tố chồng, anh em đấu nhau… Trong lúc đó đạo Nho ở Việt Nam đã thấm vào mỗi căn nhà trong việc ăn ở ứng xử sao cho hòa thuận. Đạo dạy con người phải biết yêu thương bố mẹ vợ con mình rồi mới yêu đến người dưng nước lã. Đạo dạy lấy ân báo ân nhưng cũng không đến mức lấy ân báo oán, thì lấy công bằng mà xử lý với nhau, phải biết điều gì phi pháp cần tránh, nhưng không nhẫn tâm đến mức độ con đi tố cáo bố mẹ với nhà chức trách. Vì cao hơn luật pháp là tình người, lòng nhân…

Sau chiến thắng Điện Biên, tưởng rằng mặt trận văn nghệ được mở ra như một bầu trời quang mây. Ai dè người ta đã đổ ụp cả bình thuốc trừ sâu vào vườn hồng đang nở. Ông "vấn đề" đọc bài thơ "Dạ thưa anh" của Đồ Phồn in trên báo Nhân dân thế là tác giả như cá nằm trên thớt dưới tay dao của hắn. Còn ai lập trường hơn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao đều bị đòn roi tơi bời.

Có người đêm đêm chép miệng gọi Tố Hữu: Tố Hữu đâu rồi? Có lúc họ giận quá lại chửi cái ông Lành, chẳng thấy "lành" đâu, ác quá, quên hết anh em rồi.

Chúng ta thử đọc lại đoạn văn của Chu Tam Thành in trong Tạp chí Nhà văn tháng 7 năm 2008 trang 128:

"Nói gì thì nói nhưng phải có người chịu trách nhiệm? Văn nghệ sĩ biết ông Tố Hữu là người trực tiếp nhất từ thời kháng chiến chống Pháp, thời xử lý nhóm Nhân văn và cả thời chống Mỹ. Ông là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cơ mà! Chả nhẽ lại không biết gì về anh em văn nghệ sĩ cùng thuyền với mình, khố ải bấy nhiêu năm trời đằng đẵng. Còn nhớ thời cùng nằm gai nếm mật chén chú chén anh gác chân lên nhau mà ngủ trong lán ổ rơm. Một lần đám cưới con ông bạn văn, mình (Kim Lân) và mấy bạn bảo nhau tìm một góc khuất ngồi. Tố Hữu tới, tưởng vui vẻ, câu đầu tiên ông ấy đã hấm hứ: "Sao mãi không viết hử? Ngủ lâu thế?" Quay sang Nguyên Hồng nói: "Bao nhiêu tuổi đã để râu? Thật không chịu nổi!". Tính mình rạch ròi, ghét ai không thèm nhìn mặt, ai đã có hối hận coi như bỏ qua tất. Ông Tố Hữu hết quyền lực mình đến thăm, thái độ ân cần nhưng ông xuống mã nhanh, khóe mắt ươn ướt, mình bỗng thương cảm. Chợt ông ấy bảo sao dạo này mau nước mắt. Ôi dà! Nói gì thì nói nước mắt vẫn là nước mắt, sao trơn tuột như lươn. Mình về ông tiễn ra cổng trao tặng tập hồi ký. Mình vội từ chối: "Tôi có rồi, một bạn văn vừa cho". Thực tình mình sợ cầm rồi ông lại bảo "Anh đọc rồi viết cảm nghĩ của mình gửi đăng báo" thì bỏ mẹ thằng tây. Lúc ấy có cả vợ ông bà Thanh chứng kiến.

Hồi ông Tố Hữu mất, Hoàng Cầm đăng trên báo đồng thời với cáo phó. Hoàng Cầm xử sự với Tố Hữu đúng với tư cách kẻ sĩ Bắc hà và không một lời chê trách. Đọc lướt chả thấy gì, đằng sau chữ thương tiếc lại viết: "Có cái chết khóc thương ai oán, có cái chết tiếc hận".

Anh em đối với ông ta độ lượng như thế đó, thế mà ông để đám tang cụ Phan Khôi thật thảm hại. Ai cũng thương tiếc cụ mà không giám đến. Đi sau xe tang chỉ có bác gái và các con với một mình bà Hằng Phương cháu gọi bằng cậu.

Đặng Đình Hưng khai trừ ra khỏi Đảng, Văn Cao bị kỷ luật, Nguyễn Sáng đi theo kháng chiến mà không được lĩnh huân chương huy chương gì hết. Nguyễn Sáng thốt lên: "Giải phóng miền Nam, tao về thăm quê, ngực không có mề đay biết nói thế nào đây".

Đằng đẵng mấy chục năm người ta sống trong dè dặt, phải "quần chúng hóa" luôn luôn tự "liên hệ bản thân" xem có gì sai trái, đả phá "tác phong tiểu tư sản", ảnh hưởng tiểu tư sản. Khối người vô cớ bị lôi vào loại tiểu tư sản thì chỉ có con đường chết. Khẩu hiệu "thành khẩn phê và tự phê" mới gớm ghiếc làm sao. Họ sợ sệt, âm thầm, phấp phỏng, có người về nhà không dám bật điện. Phong trào "đánh Nhân văn" lan tràn đến phố vào làng. Có anh chẳng biết viết văn làm thơ, vì lời nói tếu, lông bông lang bang cũng bị dính đòn.

Già Đang lúc này mới tâm sự với cụ Môn về việc bắt bớ của mình, ngay cái việc bắt như thế nào, bắt ở đâu cũng đều bị xuyên tạc. Việc đời nhiêu khê thế, ở một hội nghị người ta phổ biến Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo trên đường xuống Hải Phòng bị bắt ở ga Phú Thái. Người phổ biến cứ phổ biến như một cái máy được lắp vào mồm anh ta nói cứ vanh vách chẳng sai một chữ chẳng thiếu một câu, người nghe chỉ biết nghe, ai dám hỏi lại. Thực ra tôi bị bắt ở chợ Trời khi đi mua quần áo cũ. Ông Đang đã kể lại cho Hữu Hà. Đúng bắt ở chợ Trời, sau đưa ông lên xe bịt kín về ngôi nhà đường Phan Bội Châu. Đây là biệt thự người Pháp để lại, ông ở tầng hai, tầng trệt ông Trần Thiếu Bảo ở, đồ đạc của ông bị lục lọi, lấy đi hầu hết các giấy tờ, tài liệu, tranh ảnh (đến năm 1990 mấy tấm ảnh cũ Bộ Công an mới đem trả). Rồi ông vào Hỏa Lò. Bà Thục là chị dâu mẹ Hữu Hà thường xuyên tiếp tế cho ông những ngày ở Hoả Lò.

Ông Đang đi đi lại lại trong gian nhà cụ Môn, kể lại câu chuyện cứ như bịa. Bịa mà rất thật, thật đến não lòng, chảy cả nước mắt. Kêu trời đâu thấu. Ấy là tháng ngày thời đó cán bộ chúng ta thường giành thời gian tự tu. "Tự tu" nghĩa là phải kiểm điểm ý nghĩ của mình đến từng lời ăn tiếng nói trong một ngày có gì sai, gì đúng. Ngay cả việc đến nhà bố vợ uống rượu nói năng có đúng lập trường của giai cấp công nông không, đến việc anh đứng đái vào gốc cây dâu vệ đường có hại gì đến chính sách dân vận. Tất cả mọi người đều ngồi xếp bằng trên chiếu với bộ mặt nghiêm chỉnh, đến con kiến chui vào tai cũng không dám đưa tay lên ngoáy. Hôm đó có một anh sổ mũi, hắt hơi đã được ông "tổ trưởng" "lườm". Những người như chúng tôi bấy giờ bất cứ ở đâu, ở hoàn cảnh nào thấy các anh “tổ trưởng” như cái bóng đen chụp xuống đầu. Mọi người nhìn nhau lúc giải lao ra, cứ đi lại đếm từng bước như thằng dở hơi, thở cũng chỉ thở nhẹ, biết nén nó lại, sống như cảnh bà xơ trong nhà "kín". Sắc mặt thằng nào thằng nấy vàng vọt, bạc phếch, lặng lẽ, khép nép…

Ở đời có ai sắt đá mãi được đâu. Có lúc "tí tởn" bốc trộm tí dưa chua, quả cà khú, nhấm quả ô mai lúc cúc trong mồm nên mới chết. "Chết" cái không đâu vào đâu chỉ vì câu nói, chỉ vì sơ hở trong cách sống, cách ứng xử là bị no đòn. Ví như Tuân Nguyễn đến 21/10/1964 mới bị bắt ở Đài Tiếng nói Việt Nam số 58 Quán Sứ Hà Nội. Toàn bộ cán bộ công nhân viên của Đài được triệu tập lên Hội trường nghe ông Giám đốc Đài đọc lệnh sa thải Tuân Nguyễn và giải thích, anh bị Công an bắt là do có “ý tưởng” đi ngược lại đường lối chính sách .... Người ta đưa anh đến nhà tù Hoả Lò. Theo tài liệu của nhà thơ Trần Phương Trà trong tập “Nhớ Tuân Nguyễn”" do Nhà xuất bản Hội nhà văn thì trước đó 1 tuần ngày 15/10/1964 Người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại nhà lao Chí Hoà. Tuân Nguyễn có viết bài thơ ca ngợi anh Trỗi. Trước đó anh đã viết về Trần Thị Lý - Lê Quang Vinh. Thế mà vào một buổi sáng Tuân Nguyễn cùng Phương Trà hẹn nhau đi xem triển lãm ở Vân Hồ. Chưa kịp đi thì anh đã bị bắt .... Từ căn phòng ở phố Tràng Tiền với hai tay bị còng Tuân làm một chuyến đi hàng 10 năm nhọc nhằn và tủi hận. Ra tù, Tuân Nguyễn lấy Phương Trà (con gái cụ Hoài Chân một trong hai tác giả cuốn “Thi nhân Việt Nam”). Rồi cuộc sống đẩy anh vào Sài Gòn đi dạy văn cho một trường cấp 3 Bình Thạnh, và mở thêm quầy bán báo bên lề đường để kiếm sống. Khi xin đi dạy chính thức thì một cô làm nghề tổ chức thấy tên Tuân gạt đi ngay. Cô nói “Cho cái tên phản động ấy dạy văn sao được?”.

Tuân Nguyễn mang đôi kính cận, đôi mắt tròn khuôn mặt anh gày trông giống đồ đệ của “Đốt” nên anh em thường gọi là “cụ Đốt”. Và anh mất 9/5/1983 vì một tai nạn giao thông khi đi lấy báo về bán. Trước khi chết anh chỉ để lại lời trăng trối: “Đừng bắt tội người lái xe, cái kết cục buồn thảm này là lỗi tại tôi”.

Một anh chàng hiền lành, mơ mộng, chịu cái án phạt vạ văn chương sau “Nhân văn” gần 10 năm còn nặng nề đến thế. Anh chàng gầy yếu cả thể xác lẫn tâm hồn, anh chàng sinh ra để làm thơ, dạy học rồi luôn thổn thức trước nỗi khổ của người đời, nhưng chính mình thì vô hạn khổ.

Tên thật của Tuân Nguyễn là Nguyễn Tuân, quê ở Huế, ngẫu nhiên trùng tên với nhà văn tài hoa bậc nhất. Sau đổi là Tuân Nguyễn. Nguyễn Tuân một người tài hoa nhất đời với “Vang bóng một thời” còn Tuân Nguyễn như là bị đảo lại số phận toàn đau khổ và nghiệt ngã. (Tất cả tài liệu trên rút trong tập nhớ Tuân Nguyễn) của các tác giả Trần Nguyên Vấn và Hà Nhật.

Thực tế hiện tượng văn đàn hôm nay ngồi lo thót tim lại. ấy là khi được đọc bài của đọc bài của Đỗ Chu - viết về anh Duật. Sau cuộc sát phạt “Nhân văn” mấy chục năm rồi cánh văn nghệ sĩ còn ôm đầu kêu “choáng”, giờ ta lại nghe lời của một chị là nhà ngôn ngữ học đang công tác ở Viện Ngôn ngữ, bạn cùng lớp với anh Duật hồi còn đại học. Chị là người yêu văn học, hiểu biết văn học đã nói với tôi (Đỗ Chu) bài Vòng Trắng của Duật viết thế thì có gì đâu mà mang anh ấy ra đánh, ... Anh Duật bị đánh được mấy ngày thì lại thấy đánh lây sang anh Ngô Văn Phú. Chưa kịp hiểu bài thơ “Cái Sẹo Đất” của mình có tội tình gì, thì lại đến Vũ Thị Thường bị lôi ra phê phán bởi một chuyện chẳng có gì gọi là ẩn ý. Không đừng đươc ông Nguyễn Khải trước tình thế ấy đã nổi máu uất kêu trời cầm bút viết bài báo “Chúng tôi chăm sóc những tài năng”! Chị hỏi tôi (Đỗ Chu). Tôi tóm tắt tình hình văn học vừa qua có đúng không anh? Tôi (Đỗ Chu) gật đầu. Lại nhớ đến câu chặc lưỡi của ông Kim Lân. “ấy cứ lúc nào bí lại lôi cánh văn nghệ ra đánh túi bụi” “Một người Trường Sơn” của Đỗ Chu (Trang 35 tạp chí Thơ Việt Nam/5-2009).

Người cầm bút mọi thời phải hiểu nghề văn là nghề khốn khổ roi vọt dễ đổ xuống đầu bạn hữu, mình phải biết yêu lấy nhau, thương nhau, đừng tạo ra cái cớ để người ta “xía” vào thì khổ.

Cụ Môn cầm cái quạt nan đập phành phạch xuống giường rồi thở dài nói với già Đang: "Nói tới đòn roi, thâm tâm ai cũng sợ. Chuyện cụ kể hôm nay làm tôi nhớ đến người ông của Đại văn hào M.Goóc Ky, cứ mỗi tuần lễ, ông chọn ngày cuối tuần tập trung các cháu lại hỏi tội từng đứa, và lấy roi quật cho những đứa nghịch ngợm. Kiểu đấu đá nội bộ, "tự tu" hàng tuần đối với cánh văn nghệ Nhà nước ta có khác gì ?

Những người chịu trận kể mãi cũng chưa hết, nhưng bỏ qua Phùng Cung quả không được. Ông sinh năm 1928 tại huyện Vĩnh lạc, tỉnh Vĩnh Phú. Chú bé Phùng Cung lớn lên khá bình yên vô sự trong xã hội đầy biến động. Ông đi tham gia cách mạng làm Chủ tịch lâm thời xã, sau hiệp định Giơnevơ ông về làm công tác trong nhà xuất bản của Hội và bắt đầu viết một số truyện ngắn. Tiêu biểu truyện Con ngựa già của chúa Trịnh với minh họa tuyệt đẹp của Họa sĩ Bùi Xuân Phái làm xôn xao làng văn. Chính bắt đầu từ cái truyện ngắn này anh mang vào thân cái vạ văn chương. Năm 1961 anh bị thi hành kỷ luật, không lời oán thán kêu than. Đến năm 1973 anh được trở về cuộc sống đời thường. Việc đầu tiên là cùng với vợ sửa lễ tạ ông trời đất cao rộng cho được sống trở về quê quán. Ông tránh xa bút mực cho yên phận, ông xoay trần dập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán nuôi ba con trai đang lớn. Dầu nhờn, rỉ sắt mỡ rán vẫn không át được mùi bút mực. Thi thoảng ông dùng ngón tay trỏ dúng vào đáy chén trà cặn ngọ ngoạy một từ gì đó lên mặt bàn gỗ nứt toác.

Chú Phùng Quán thi thoảng đạp xe từ Nghi Tàm lên phố Mai Hắc Đế thăm Phùng Cung khi mang theo con cá diếc, con trôi vừa câu trộm được, khi thì mang mấy mớ rau muống cấy ở vệ hồ. Thật bất ngờ có lần gặp Phùng Cung đang làm thơ. Thế rồi chú có cả tập thơ “Xem Đêm” hàng mấy trăm bài. Thơ Phùng Cung hướng thiện. Nếu trong thơ Đường hoa đào vô tình bên cái chết bi thảm của người con gái tương tư vẫn thản nhiên cười với gió đông thì trong thơ Việt Nam của Phùng Cung cây đào khác hẳn:

Thương cây đào ốm

Xuân về chẳng nở hoa

Lá gầy run gió lạnh…

Vì ốm, cây đào thiếu vẻ đẹp mùa xuân đã làm đau khổ, nhưng sự sống chưa mất hẳn, còn cây cà: "Cõi bẩn thỉu cố xanh cố tím… " Đối với cây Phùng Cung quan tâm như vậy, tình thương của ông cũng không nhiều bằng đối với loại vật có tri giác như người. Điều đó ngẫu nhiên phù hợp với luồng tư tưởng tiên phong hiện nay trên thế giới, đòi cho loài vật, đối xử như người, muốn mở rộng quyền dân chủ và nền luân lý…

Phùng Quán bảo: "Nếu bản thảo Phùng Cung là Hằng Nga ngủ trong rừng thì tấm lòng trợ giúp vô tư của Nguyễn Hữu Đang là Hoàng tử đẹp trai đến đánh thức".

Sau bữa cơm tối, cụ Môn khéo léo gợi lại chuyện cũ hỏi già Đang: "Tại sao ông Quán nói anh là Hoàng tử đánh thức Hằng Nga dậy?"

- Chuyện dài lắm cụ ạ. Một hôm tôi gặp chú Phùng Quán, chú nói:

- Em sắp phải đi xa, vắng nhà chừng một năm. Anh nhớ luôn luôn đến thăm nhà em, ăn cơm với vợ con em cho vui.

- Chú có công chuyện gì mà đi xa nhà lâu thế?

- Em đi đọc thơ rong, quyên góp tiền in cho Phùng Cung tập thơ. Cả đời gian khổ về nghiệp văn bút, anh ấy chỉ có một ước vọng được in một tập thơ để tặng bạn hữu và góp mặt với đời trước khi vĩnh biệt chúng ta.

- Tôi gặp chú Cung luôn sao không thấy chú nói chuyện này với tôi?

- Anh Cung không nói, em cho là anh ấy nghĩ, có nói anh cũng không giúp được gì chỉ làm anh bận tâm.

- Tập thơ chú Cung đâu? Chú đưa tôi xem.

Tôi ngồi đọc hết tập thơ từ tay chú Quán đưa sang. Không ngờ thơ chú Cung khá thế, tôi nghĩ hơn cả văn xuôi chú ấy. Tôi quay sang nói với chú Quán:

- Chú không đi đâu hết, tôi sẽ cho chú Cung tiền để in.

Chú Quán không tin, tròn vo mắt nói:

- Thơ không rẻ như bèo đâu anh ơi! In tập thơ vài trăm trang, với hình thức xoàng xoàng cũng mất từ hai triệu tới hai triệu rưỡi.

Chú Quán nhìn tôi bằng con mắt dò hỏi "anh có sợ không?" Tôi bình tĩnh đọc vài trang tiếp rồi nói: "Tôi có đủ tiền cho chú ấy". Tôi biết chú Quán còn muốn hỏi tôi lấy tiền đâu mà cho. Tôi giải thích cho chú ấy:

- Tôi cho chú ấy dùng tất cả số tiền tôi dè sẻn từng đồng dành dụm được trong hai mươi năm qua, nhất là bốn năm trở lại đây tôi có lương hưu, lại được những anh chị cùng hoạt động thời Mặt trận Dân chủ, Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hội Văn hóa Cứu quốc, các đội Tuyên truyền Xung phong chống Pháp cùng những bạn bè xa gần biết tôi còn sống nghèo và khổ, kẻ ít người nhiều họ gửi tới giúp đỡ. Ngoài khoản chi cần thiết hàng tháng, còn bao nhiêu tôi gửi vào quỹ tiết kiệm phòng xa phải dựng túp lều khi không còn ai cho ở nhờ, phòng lúc ốm đau kéo dài, phòng cả lúc chết nữa. Nhờ vậy mà số tiền hôm nay tôi có tới hơn bốn triệu đồng. Tôi móc sổ tiết kiệm được gói trong ba lần giấy nhựa trong túi ngực đặt trước mặt chú Quán:

- Chú giữ lấy, tôi sẽ viết giấy ủy quyền cho chú rút tiền này xử dụng. Nếu thiếu, tôi sẽ về quê đòi mấy tạ thóc cho vay bán đi đưa thêm cho chú. Tôi chỉ có một yêu cầu: Tập sách in thật đẹp, giản dị, trang nhã chứ không lòe loẹt rườm rà.

Chú Quán hồi hộp, nghẹn ngào nói:

- Anh ơi! Cho mãi tới hôm nay em mới hiểu anh là người thế nào. Đối với bản thân thì một đồng ba quả khế chua, quả chanh gội đầu anh cũng cho là đắt, cũng tiếc tiền… Thế mà việc này…

Từ "Con ngựa chúa Trịnh" người ta đã trói chú Cung lại, số mệnh đa đoan là thế, lận đận là thế. Khi chú ra khỏi cái vòng lao lý thì lại lao vào làm thơ. Hàng mấy trăm bài thơ ngắn gọn, súc tích, mang sức mạnh khai phá vào cõi sâu thẳm của con người. Chú được xuất bản 200 bài thơ thành tập "Xem đêm" do NXB Văn hóa Thông tin phát hành, Nhà thơ Quang Huy nhận trách nhiệm ấn hành và viết lời giới thiệu. Tập thơ "Xem đêm" của Phùng Cung đã biến tác giả thành tiên ông đạo cốt hiền hòa vui tươi như cây cỏ, như chim én chao liệng giữa mùa xuân.

Hôm chú Cung lâm bệnh, tôi đến đặt tay lên trán thấy giá lạnh, trước tôi đã có bàn tay của Hoàng Cầm đặt lên rồi. Cái nghĩa của anh em văn nghệ là vậy! Nhìn nét mặt Phùng Cung thấy như chú muốn nói với mọi người, sự ra đi của mình rất thanh thản, vì bạn đọc trên tay đã có tập "Xem đêm" của chú. Chú mất. Tôi rất buồn lòng, ngồi viết bài: "Phùng Cung Nhà thơ hướng thiện".

"Cát bụi chân ai" của Nhà văn Tô Hoài in đầu thập kỷ 90 mở trang 107 có viết: "Phùng Cung làm công tác chạy hiệu ở Văn phòng Hội Văn nghệ từ trên Tuyên Quang. Những việc tủn mủn không tên, số sách công văn, giữ thư viện, làm lán mới, chặt củi vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên hoan… Nghĩ đến Phùng Cung tôi nghĩ tới việc linh tinh hàng ngày ở cơ quan, tuy khổ nhưng chắc chân hơn long đong đò giang, chạy chợ. Ra tù tết đến tôi thường nhận thư của Phùng Cung, hoặc một hôm ở cơ quan nào anh dạt đến nhà tôi, chơi vui cũng không để ý, kể cả việc hệ trọng khi tôi nhớ Phùng Cung đưa chị Nam Cao xuống Hoàng Đan tìm mộ anh ấy. Đọc Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung đăng trên báo Nhân văn, tôi cũng gật gù đại khái: "Thằng này viết được, nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm nên cháo đấy con ạ". Cũng điếu đóm tập tành như mình ngày xưa đâu mà có sừng có mỏ ngay.

Phùng Cung bị bắt khi "Nhân văn nhân võ" đã được dọn dẹp yên ắng, đã tàn. Nghe nói Phùng Cung chén chú chén anh với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, được mấy ông phong cho là tay "truyện ngắn nhất Đông Dương". Chắc bên chiếu rượu la đà với nhau, ăn nói càng ganh nhau, ngổ ngáo, bạt mạng. Khoe rằng đương viết "Dạ ký" nghe đồn tài lắm, lạ lắm. Nên mới chết!

Tôi không thể tưởng tượng được Phùng Cung thế nào. Anh chàng mặt xanh xám vỏ dưa hấu biết nặn trứng cá, cứ ngồi lù rù bên bàn đọc sách, có lúc gãi ghẻ hay lúi húi làm việc gì, con mắt đo đỏ mà tình vặt như chú mèo vờ lù rù rình chuột. Về Hà Nội đôi ba lần chúng tôi láng cháng lên cà phê Phúc Châu phố trên…

Bao nhiêu năm sau, chập tối một người bước vào cửa. Dáng cù rù, mặt tái ngoét, không phải Phùng Cung mà là cái bóng của Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chì mờ mờ.

- Phùng Cung phải không?

- Tôi đây.

- Còn sống về được à?

- Cũng không hiểu tại sao, anh ạ.

Từ đấy thi thoảng có gặp lại. Trước kia tôi đã không biết, bây giờ chẳng muốn đụng đến vết đau, lại bình thường. Có hôm Phùng Cung nói chuyện ở tù, cứ như chuyện ai, ở đâu. Hồi ấy thuốc viên rửa loại thuốc độc bảng A rất hiếm, dù đấy là dược phẩm của ta. Phùng Cung kể luôn: "Anh có biết sao thuốc hiếm không? Trong viên thuốc rửa có thuốc phiện. Người ta mua gửi cho thằng người nhà trong tù cai nghiện. Có thằng uống viên rửa cả tháng không ỉa được, gãi tuột da, phát điên". Hôm ấy chúng tôi đi ăn phở, Phùng Cung trả tiền rồi rủ lên cà phê Sính ở Cột Cờ. Tết, Phùng Cung đem biếu chai rượu thuốc. Tôi mừng cái thằng chớm lao ngày ấy, bệnh lao đã nặng lên trong tù, tuy không phải bệnh chết mấy nữa nhưng vẫn là bệnh ho lao. Phùng Cung hỏi tôi:

- Anh có biết tôi phải tù bao nhiêu năm?

- Không biết.

- Vâng, tù biệt giam. Mười một năm.

- Đã tù, lại biệt giam, lại bệnh lao… thế mà không chết rũ tù. Thế nào, người tù biệt giam mười một năm vẫn hiện được về…

Cụ môn lặng lẽ để cuốn sách xuống, không đọc nữa. Già Đang ngước nhìn cụ Môn, cụ Môn biết ý nói ngay:

- Tôi không đọc nổi nữa, sự oan trái, trong "Cát bụi chân ai" nhiều quá, đau quá.

Cụ Đang lúc này mới thủng thẳng nói thêm:

- Tôi có hai người em là Phùng Cung và Phùng Quán, với tôi họ còn là người bạn tri âm nữa. Chú Quán mất chú Cung đứng làm Trưởng Ban Lễ tang, đến lúc chú Cung mất, tôi còn sống cũng có bài khóc về chú mắc cái nạn văn chương với tôi. Còn lúc tôi mất biết gọi ai đọc lời đưa tiễn. Phùng Quán mất ngày 22/11/1995. Đám tang được cử hành vào ngày 24/11 năm đó.

Lời điếu của Phùng Cung đọc chứa chan nước mắt: "Anh Phùng Quán kính yêu! Anh suốt đời nguyện là người lính bình thường không lụy hư danh, đau cái đau của người bất hạnh, vui cái vui của những người chiến thắng. Cái chết theo nghĩa thông thường là hủy diệt tai vạ tột bậc. Còn đối với anh, anh coi thường thậm chí anh còn nói chết cũng là chơi nốt một trò chơi! Ôi! Cái lãng mạn nghe đến rợn người của một danh sĩ. Đứng bên linh cữu anh, chúng tôi mường tượng anh đang rộn rã cho một chuyến chơi xa. Chúng tôi kính phục anh, thấy hiển hiện trước mắt "Khí thiêng khi đã về thơ".

Sau khi Phùng Quán mất, bạn bè cũng có đôi bài viết về con người này. Tôi thấy họ đánh giá chưa đủ, chưa hết về chú. Cụ ạ, đã là người có "Đạo" thường nhắc đến Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng

Đó là đạo đức cách mạng theo quan niệm của Nhà Văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại. Tôi thấy chú Phùng Quán có được những mặt như thế. Người ta kể về chú Phùng Quán cũng nhiều, viết về chú Phùng Quán cũng lắm nhưng tôi thấy chưa sát, chưa hết cuộc sống lao đao của chú. Chỉ có ông Văn Xương hiểu được chú hơn.

Theo ông Văn Xương tả lại, sau những năm bị đánh đấm ở "Nhân văn Giai phẩm", chú đi Khai Lai, Thái Bình về, độ tuổi đã xấp xỉ 30. Quân phục bạc màu, gương mặt xanh xao, hốc hác. Ông Văn Xương thường gặp người thanh niên đó mua một bát cơm cùng bát canh với vẻ lơ đãng như không biết mình đang ăn gì, rồi lại lẳng lặng bỏ đi. Sau này ông Văn Xương làm quen, biết người đó là Phùng Quán, tác giả nổi tiếng "Vượt Côn Đảo" mà ông là người say mê đọc.

Có hôm ông hỏi Phùng Quán: "Cậu đã viết cái gì ở "Nhân văn Giai phẩm" mà báo chí sách vở bình luận phê phán ghê thế?"

Quán đang vui bỗng sa sầm nét mặt bảo:

- Chuyện đã qua nhắc lại làm gì, anh?

- Nhưng sự thật cậu đã viết gì?

- Viết độc bài "Chống tham ô lãng phí". Tôi đã rời bỏ những vần thơ đầy bướm đầy hoa, những vần thơ như giấy trang kim vàng mã, dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi cách mạng. Tôi muốn đúc thơ thành đạn, bắn vào những kẻ làm càn, những kẻ tiêu máu dân như tiêu bạc giả. Rồi bài "Lời mẹ dặn" bao người đã biết. Sau bài "Lời mẹ dặn" có bài thơ "Chân thật" ký tên là Trúc Chi để chống bài thơ của Phùng Quán. - Phùng Quán rút tờ báo Nhân Dân chìa ra cho Văn Xương hỏi: "Có phải bài thơ này không? Đã bao năm tôi vẫn giữ trong ngực áo, và tôi sẽ giữ nó đến lúc chết!" Quán nói tiếp - Lúc đầu tôi cứ tưởng tay Trúc Chi làm thơ dạy học ở Hải Phòng, người khu 5 trạc tuổi Quán. Quán đã lần mò về Hải Phòng để gặp Trúc Chi cho vỡ lẽ. Quán nói với Trúc Chi: "Cùng dân làm thơ với nhau, sao cậu có thể chửi rủa tớ với cái giọng hạ cấp thế. Đọc xong bài thơ Trúc Chi sửng sốt nói với Phùng Quán: "Bài thơ này không phải của tôi!" Cặp mắt Quán lúc đó lóe lên ánh lửa. Rồi đến hôm sau nữa Văn Xương và Phùng Quán ngồi uống rượu ở cái quán gió (rượu chui) gương mặt Quán trở nên u uất, Quán uống liền ba chén, anh nói: "Bây giờ tôi không nhà không cửa, tứ cố vô thân… ô ten đờ la hiên, ô ten đờ la ga ra là nơi trú ngụ của tôi. Hội Văn nghệ cấp cho tôi mỗi tháng 27 đồng. Mười ngày ăn cơm đầu ghế là nhẵn túi, đến mức này sống làm gì? Nghĩ đi nghĩ lại, nếu tôi chết, ai minh oan cho tôi. Tôi quyết định phải làm xong ba việc mà không nhờ ai thay thì có chết mới chết.

- Việc thứ nhất là tìm ra cho được Trúc Chi là ai?

- Việc thứ hai phải in được tác phẩm của mình, các tác phẩm chỉ để nói được một điều: Tôi là Vệ Quốc Đoàn. Tôi chưa bao giờ phản động.

- Việc thứ ba phải trở về ngôi nhà 4 Lí Nam Đế, cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội một cách đàng hoàng.

Để thực hiện ba việc trên, Văn Xương đã truyền nghề câu cá cho Phùng Quán để kiếm sống. Hàng ngày Quán mua vé hai đồng để được ngồi câu cá ở hồ Gale. Quán đã học được bí mật các ngón nghề câu cá từ Văn Xương. Văn Xương đã sắm cho Quán bộ đồ câu. Quán nhập nghề rất nhanh, nhưng một ngày mất hai đồng mua vé thì đau hơn hoạn. Quán bảo thế. Thế thì phải nhập vào hội câu cá trộm ở vùng Nghi Tàm - Tây Hồ - Quảng Bá! Và Văn Xương đã giới thiệu với bọn câu cá trộm dưới đó. Nhưng Văn Xương lại lo nhỡ bọn "Tuần hồ" bắt được Quán thì sao? Bắt được lại no đòn đấy! Quán cười chấp nhận sự nguy hiểm đó và nói: "Bắt được đâu dễ. Hồi làm lính trinh sát, Tây càn vây bốn mặt vẫn thoát ngơn ơ".

Để đạt được mục đích làm ba việc Quán đã chấp nhận: Câu cá trộm và viết văn chui. Khi hoàn tất Quán sẽ làm như Ratcônnicôp trong tiểu thuyết "Tội ác và trừng phạt" ra quỳ giữa chợ Đồng Xuân nói với tất cả mọi người: "Tôi là kẻ đã từng làm những việc nhơ nhớp kiếm sống - Tôi xin được trừng phạt".

Những tay câu cá trộm cự phách ở Hồ Tây đã đón nhận Quán như những trang hảo hán. Hơn nửa năm câu cá trộm, viết văn chui, Văn Xương ghé xuống thăm, có lời khuyên can gì đó, Quán nhếch mép cười bằng cách đọc câu thơ của Tago trong bài "Hai mẫu đất" - "Ngày nay các người là thánh hiền / Ta ngược lại trở thành đạo tặc". Và hôm đó Quán xách lên một con cá trắm đen buộc ở đầu cọc dưới cầu ao cỡ độ hai ký lô biếu thầy Văn Xương tạ ơn đã truyền nghề câu cho Quán. Quán lại cười đọc to câu thơ của Etsinkin: "Những số phận khác thường sinh ra đều định trước / Tôi không thành nhà thơ thì cũng thành trộm cướp".

Sau này Phùng Quán uống rượu nhiều hơn, ông bảo: "Rượu là cứu cánh của phường đạo tặc sông hồ".

Ba việc chú Quán đề ra, chú làm xuất sắc cả, hai việc kia không bàn nữa, việc thứ ba chú đau đớn nhất. "Trúc Chi là ai?" Thì ra là cái ông Hoàng Văn Hoan ngày ấy là ủy viên Bộ Chính trị chửi bài "Lời mẹ dặn", trong bài thơ "Chân thật" in trong tập "Một đôi vần" của NXB Việt Bắc ấn hành năm 1976. Cho mãi đến năm 1978 Quán mới tìm được tập thơ đó. Quán đưa cho Văn Xương xem rồi nói: "Tôi chưa kịp thách đấu thì ông ta đã chạy trốn, và mọi người đã biết ông ta là ai". Cuối đời chú ấy tổng kết, để làm được ba việc trên, tôi đã câu trộm của Nhà nước khoảng 4 tấn cá, viết văn chui hơn năm chục cuốn. Riêng cụ Thanh Tịnh đã đứng tên cho tôi tới dăm sáu tập. Văn tôi chui sang cả Liên Xô trong truyện "Như con cò vàng cổ tích". Họ đã gửi tặng tôi một cái xe đạp vẫn đi đó. Như vậy mỗi tấn cá câu trộm Quán đền 10 bản sách. Nếu việc đền bù như thế chưa xong thì anh nguyện lo lao động nhiều hơn nữa để trả ơn cho Đảng cho dân.

Câu chuyện già Đang kể cho cụ Môn nghe tuổi hai cụ đều vào lúc con tàu đang vào ga cuối dần dần ngừng bánh, nó ai oán của lớp người mang án "Nhân văn" là thế đó. Họ không ngoài lợi ích của Tổ Quốc của dân tộc. Vậy ai là người đang tâm hành hạ họ. Điều ấy chỉ hỏi "Lúy" là tác giả và ông Lành. Cuối đời ông ta muốn trở thành người hát rong “Bà Bầm” “Bà Bủ”. Khi nhìn ra được sự thật cuộc đời con người ông đã gửi gắm trong bài "Anh bộ đội mua đồng hồ":

"Có anh bộ đội mua đồng hồ

Thiệt giả không rành anh cứ lo

Đành hỏi cô nàng cô "tủm tỉm"

Giả mà như thật khó chi mô".

Bài thơ tứ tuyệt Nhà thơ đã đọc hai lần cho vợ chồng Phùng Quán nghe vào mùa xuân năm Canh Ngọ. Trong lúc đọc Nhà thơ còn nhắc: "Từ tủm tỉm" của tôi đắt lắm!". Khách khứa nghe đều "tủm tỉm" không ai bình luận gì hết. Giọng thơ ông giờ không cao muôn trượng như bài "Chào xuân 61" (Trong bài "Xông đất Nhà thơ Tố Hữu" trong Ba phút sự thật).

Những trang tôi kể là sự thật của người chịu trận trong nhóm Nhân văn.

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)