Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Giải thưởng Văn Việt lần thứ hai, bước lớn của Văn Đoàn Độc Lập VN

 

Trần Phong Vũ

7-3-2017

clip_image002

“Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” là 1 trong 2 tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh được giải thưởng Văn Việt năm nay. Ảnh: internet

Bản tin đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cho hay, sáng Thứ Sáu 03-3-2017 Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam đã công bố Giải Văn Việt lần thứ hai tại Sàigòn. Được biết Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam do nhà văn Nguyên Ngọc khởi xướng vào năm 2013 là một tổ chức biệt lập không chịu sự chi phối của nhà nước.

Một chi tiết khá đặc biệt được VOA ghi nhận nhân dịp trao giải lần này là:

“Nhiều người Sài Gòn nói rằng Văn Đoàn Độc Lập hiện nay có nét gì đó giống với tổ chức Văn Bút ở Sài Gòn trước đây do linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch.”

Các giải thưởng Văn Việt năm nay

Có tất cả bảy giải được trao cho sáu tác giả. Ba tác giả trong nước gồm nhà thơ Vũ Thành Sơn, nhà văn Nguyễn Viện (Sàigòn) và nhà văn quá cố Nguyễn Khắc Phục ( Hà Nội). Ba tác giả hải ngoại gồm nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (Canada), nhà thơ Ngu Yên và nhà văn Ngô Thế Vinh (Hoa Kỳ). Trong số bảy tác phẩm đoạt giải kỳ này, ông Hoàng Hưng, một thành viên trong ban tổ chức giải Văn Việt của Văn Đoàn Độc Lập cho biết, giải đặc biệt được dành cho hai tác phẩm “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng”, và “Mekong, dòng sông nghẽn mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh. Tác phẩm nghiên cứu phê bình “40 năm Thơ Việt Hải Ngoại” của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tiểu thuyết “Nhảy múa để chết” của nhà văn Nguyễn Viện.

Theo nhận định của ông Hoàng Hưng thì các tác phẩm được trao giải kỳ này thể hiện rõ nét tinh thần dấn thân của người cầm bút đối với quê hương dân tộc. Ông nói.

“Tinh thần dấn thân và đối mặt với những vấn đề của đất nước, của thời sự, của xã hội chính trị… thể hiện… trong các tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh… và hai tiểu thuyết của nhà văn quá cố Nguyễn Khắc Phục và Nguyễn Viện…”

Đề cập việc thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam, ông cho hay dù gặp nhiều khó khăn trở ngại ngay từ thời gian đầu thành lập ban vận đông, nhưng những thành phần chủ chốt trong Văn Đoàn như nhà văn Nguyên Ngọc vẫn nhất quyết đi tới. Chủ trương của Văn Đoàn là tập hợp những người viết văn Việt trên toàn thế giới không phân biệt chính kiến hay quan điểm nghệ thuật, miễn là có chung nhau một ước vọng xây dựng một nền văn chương tiếng Việt tự do, độc lập, nhân bản và sáng tạo.

Nhà văn Ngô Thế Vinh được mời phát biểu

Được mời lên tiếng trong dịp này nhưng vì không thể có mặt, nhà văn Ngô Thế Vinh đã ủy quyền cho nhà thơ Lý Đợi một thành viên của nhà xuất bản Giấy Vụn[1] nhận giải và thay mặt đọc bài phát biểu của ông. Được biết hai tác phẩm“Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng” và“Mekong, dòng sông nghẽn mạch” đã được xuất bản ở hải ngoại trên 10 năm trước. Nhưng phải đợi tới những năm gần đây mới được Giấy Vụn ấn hành “chui” ở quốc nội. Qua nội dung bài phát biểu, nhà văn Ngô Thế Vinh bày tỏ sự xúc động và niềm vinh dự khi được Văn Việt trao giải hai tác phẩm của ông. Dịp này ông cũng nói qua về nội dung hai công trình tim óc này.

Theo ông:

“Hai tác phẩm đó viết về sinh mệnh của một dòng sông là mạch sống không chỉ của Việt Nam mà còn của hơn 70 triệu cư dân thuộc 7 quốc gia ven sông. Hai tác phẩm đó không chỉ chất chứa nhiều dữ liệu, nhưng qua đó tôi cũng muốn chuyển tải thông điệp mang tính dự báo về ý đồ hiểm độc của Trung Quốc và những tranh chấp không thể tránh giữa Trung Quốc và các quốc gia trong lưu vực Sông Mekong. Hậu quả những tranh chấp ấy đã làm cho “Cửu Long Cạn Dòng và Biển Đông Dậy Sóng” và dự báo ấy với thời gian đang được chứng nghiệm. Sự kiện một văn đoàn độc lập như Văn Việt quan tâm đến và trao giải cho hai tác phẩm mang tính “nhạy cảm và tế nhị” đó là một quyết định rất có ý nghĩa và là một vinh hạnh cho người viết…”

Ở một đoạn khác ông cho biết.

“Giải thưởng cũng làm cho tôi xúc động. Là người cầm bút ở Miền Nam trước đây và hải ngoại sau này, đã sống sót giữa hai thế kỷ, đã trải nghiệm qua hai chế độ cùng những năm tháng tù đày, tôi không thể không chạnh lòng nghĩ tới những văn nghệ sĩ đang phải sống thiếu tự do ở quê nhà. Nhưng rồi tôi vẫn lạc quan để thấy rằng từ trong ngọn lửa đỏ thiêu rụi ấy, vẫn có những con phượng hoàng vực dậy từ tro than, cất cánh bay lên như một Bùi Ngọc Tấn với “Chuyện Kể Năm 2000”[2], đem tới cho chúng ta niềm hy vọng.” (Toàn bài phát biểu này được đăng trên mạng VOA).

Được biết trong kỳ phát giải năm ngoái của Văn Việt thuộc Văn đoàn Độc lập đã bị an ninh ngăn cản. Nhưng năm nay mọi việc diễn ra suông sẻ, mặc dù có rất nhiều nhân viên an ninh thường phục hiện diện và công khai chụp ảnh, quay hình buổi lễ.

Những chỉ dấu lạc quan tìm thấy

Không phải ngẫu nhiên mà lần phát giải thứ hai của Văn Việt diễn ra tại Sàigòn rơi vào hôm 03-3, trùng Ngày Nhà Văn Thế Giới (World Writers Day) năm thứ 31, và cũng là năm thứ 3 ngày thành lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam. Theo đánh giá của người viết, đây là sự chọn lựa khôn ngoan và tinh tế của nhà văn Nguyên Ngọc và nhóm chủ trương. Nó buộc cơ quan an ninh nhà nước phải chọn lựa một trong hai cách ứng xử trước buổi trao giải Văn Việt lần thứ hai này. Thứ nhất, bất chấp dư luận, thẳng tay can thiệp giải tán buổi sinh hoạt của Văn đoàn như thói quen cố hữu. Thứ hai, án binh bất động để tránh sự lên án của văn gia thế giới. Và như bản tin của đài VOA, lực lương an ninh của chế độ đã tỏ ra tự chế trong trường hợp này.

Nhìn vào những khó khăn khắp mặt mà  Hà Nội đang phải đối diện hiện nay, bao gồm những cuộc xuống đường liên tục của các nạn nhân thảm họa cá chết, biển chết ở các tỉnh miền Trung và lệnh biểu tình toàn diện, định kỳ trên quy mô cả nước khởi đầu từ Chúa Nhật 05-3-2017, cũng là lý do khác khiến họ không thể tự tung tự tác như trước nữa. Ngoài ra hiện tượng mất thế đứng trong giới cầm bút chân chính của Hội Nhà Văn Việt Nam do nhà nước bảo trợ trong thời gian gần đây cũng khiến đảng và nhà cầm quyển CSVN phải dè dặt khi đụng tới Văn đoàn Độc lập.

Được biết người cầm đầu Hội Nhà Văn Viêt Nam lâu nay là ông Nguyễn Hữu Thỉnh, một khuôn mặt được coi là tay sai của chế độ. Chỉ cần đọc bài “Được nghe nhà thơ Hữu Thỉnh nói chuyện về Văn Học Việt Nam thời đổi mới” của nhà văn Sắc Ly[3] đăng ngày 12-9-2014 trên mạng Beauxit Việt Nam, sau đó được đăng lại trên Văn Việt và bài “Hàng loạt nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, dụng cụ tuyên truyền Mác-lênin” do BBC công bố ngày 10-5-2015 hiện được lưu giữ trên Google, độc giả sẽ thấy rõ bộ mặt thật của ông Hữu Thỉnh và Hội Nhà Văn Việt Nam do ông làm Chủ tịch trong suốt mấy thập niên qua.

Bài thứ nhất cho thấy bản chất bồi bút của ông khi núp “váy đảng” để lên án Nhân Văn Giai Phẩm, nặng lời chỉ trích ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Bài thứ hai liệt kê những tên tuổi lớn trong Văn Học quốc nội như Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Võ Thị Hảo trong số 20 nhà văn, nhà thơ đã tự ý rút tên khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam, sau khi Chủ tịch hội này tự ý gạch tên 9 nhà văn miền Nam tham gia việc vận động thành lập Văn đoàn Độc lập VN. Dư luận trong nước chú ý tới ý tưởng sau đây trong bản tuyên bố của nhà văn Dư Thị Hoàn và Trịnh Hoài Giang:

“Kết luận ngắn gọn là Hội Nhà văn VN nay đã tự biến mình thành Sọt rác. Những nhà văn sạch sẽ không có lý do gì ở lại làm lá chắn cho họ.”

Khi chúng tôi kết thúc những dòng cuối bài viết này, chẵn năm ngày nữa, chính xác là ngày 10-3-2017 ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Đây là thời gian theo dự tính của ông Hữu Thỉnh, với sự đồng thuận của TBT Nguyễn Phú Trọng, Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ mời những người cầm bút ở hải ngoại về nước tham dự một sinh hoạt mà ông Hữu Thỉnh huênh hoang mệnh danh là:

“…một cuộc hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học, bất kể trước 1975 họ đã cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa) như thế nào… Năm nay chúng ta đổi mới như vậy, 40 năm kết thúc chiến tranh rồi, dòng sông Thạch Hãn còn chảy, còn rớm máu nhưng với sức mạnh đại nghĩa của dân tộc, chúng ta mời các nhà văn có lương tâm, có trách nhiệm với đất nước, yêu quê hương hãy hướng về làm giàu cho đất nước Việt Nam… Đây là một sự kiện chưa từng có…”

Bên cạnh hai tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh ở hải ngoại, dư luận cũng chú ý nhiều tới tác phẩm “Nhảy Múa để chết” của Nguyễn Viện ở trong nước được Văn Việt chọn trao giải năm nay. Nếu hai tác phẩm của tác giả họ Ngô cho người đọc thấy rõ ý đồ thâm độc của Bắc Kinh ẩn sâu bên trong những gì họ đã âm thầm thực hiện từ nhiều thập niên qua quanh giòng Cửu Long Giang như lời cảnh giác trong một bài viết mới đây của bà Nguyễn Nguyên Bình[4] trên mạng Anh Ba Sàm mùa thu năm 2915… thì tập truyện của Nguyễn Viện gợi nhắc cho độc giả về một thời đại “đồ đểu” với những trò lật lọng, điếm đàng của đất nước chúng ta dưới chế độ gọi là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa ngày nay.

Người ta chưa rõ những đáp ứng từ những người cầm bút ở hải ngoại trước chủ trương mồi chài của Hội Nhà văn do  Hà Nội bảo kê ra sao. Chúng ta hãy chờ xem.

Tuy nhiên, nhìn vào thành quả đạt được của Văn đoàn Độc lập Việt Nam do nhà văn Nguyên Ngọc chủ trương trong dịp trao giải hôm 03-3-2017, chúng ta có thể nói rằng những người cầm bút chân chính trong nước đã ghi được một bước lớn trong cuộc đấu tranh dành quyền chủ động suy tư, sáng tác và điều hành những sinh hoạt văn học nghệ thuật trong tinh thần độc lập, tự do, nhân bản.

_____

[1] Giấy Vụn là tên một nhà xuất bản “chui” ở trong nước do nhà thơ Bùi Chát và một số nhà văn nhà thơ trẻ thành lập vào đầu thiên niên thứ ba. Lý lịch nhà thơ họ Bùi được đài BBC công bô trong buổi phát thanh ngày 24-10-2009, theo đó tên thật của anh là Bùi Quang Viễn, sinh ngày 22.10.1979 tại Hố Nai, Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai, trong một gia đình Công giáo gốc di cư. Anh tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Sàigòn năm 2001. Từ đó sống ở Sàigòn, như một người viết tự do và hoạt động xuất bản độc lập, nôm na là xuất bản”chui” không qua kiểm duyệt nhà nước.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cùng với mấy người bạn thơ là Lý Đợi, Khúc Duy và Nguyễn Quán, Bùi Chát thành lập nhóm Mở Miệng. Anh là thành viên trụ cột của nhóm, và cũng là người đề xướng các khái niệm “thơ rác”, “thơ nghĩa địa”… Ngoài ra, anh còn là người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn –chuyên in ấn và phát hành tác phẩm của các nhà thơ “vỉa hè” dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của nhà nước cộng sản. Năm 2012 và 2014, Giấy Vụn lần lượt in hai tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh.

Riêng về Lý Đợi, người được nhà xuất bản Giấy Vụn đề cử đại diện nhà văn Ngô Thế Vinh đọc bài phát biểu và nhân giải hôm 03-3, trong một dịp trả lời cuộc phỏng vấn của BBC 8 năm trước, họ lý cho hay mục tiêu chính yếu về sự ra đời của nhà xuất bản Giấy Vụn nhằm:

“Giải trừ những thói quen mòn trong nếp nghĩ và cung cách của những người cầm bút truyền thống”.

Trả lời câu hỏi là liệu tác giả Bùi Chát và những người góp phần in ấn, phổ biến thi phẩm Bài Thơ Một Vần có bị các cơ quan an ninh nhà nước gây khó dễ không, Lý Đợi dẫn một câu thơ của Bùi Chát:

“Chúng ta tồn tại trong sự lưỡng lự của họ”. Anh nói thêm:

“Cá nhân tôi chưa thấy chuyện gì là dễ ở đây cả, y như một câu thơ khác cũng của Bùi Chất: ‘Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé’”

Theo quan điểm của một tác giả có bài nhận định trên BBC hồi ấy thì:

“Bùi Chát làm giật mình nhiều người. Sau nhiều ngày tháng an ninh mật vụ giả dạng thành xe ôm, thành người đi đường… lẽo đẽo theo Chát suốt cả tháng trời, rốt cuộc, giữa đống bầy nhấy đó, Chát viết một mạch những bài thơ, mà tôi gọi theo cảm giác của mình là đọc xong ứa máu…Chát xuất hiện một cách mạnh mẽ và đầy ý thức của một công dân tự do toàn hảo không hề vướng mắc một thứ giáo điều hay lý thuyết nhồi sọ nào. Đọc Bùi Chát mà bồi hồi. Nở một nụ cười, buồn bã và kiêu hãnh.”

[2] Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời cuối năm 2014. Ông đã ủy thác cho tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành tác phẩm” Hậu chuyện kể năm 2000”. Riêng “Chuyện Kể năm 2000” do đề nghị của nhà xuất bản với hy vọng được ấn hành trong nước, tác giả đã buộc lòng tự kiểm duyệt nhiều chi tiết trong bản thảo nhưng thực tề trong lần in ở  Hà Nội năm 2000 đã bị nhà nước tịch thu toàn bộ. Do đó, những ấn bản đầu ở hải ngoại có những thiếu sót quan trọng. Để khắc phục nhược điểm này, nhà văn họ Bùi đã phục hổi những đoạn bị cắt và chuyển cho tiếng Quê Hương. Điều đáng tiếc là trong lần tái bản này ông đã không thấy được nguyên bản công trình tim óc của ông trước khi nhắm mắt.

[3] Theo nhận định của Sắc Ly thì:

“ông (Hữu Thỉnh) không nói về chuyện văn thơ, như vai trò ông đang được đại diện, mà chỉ nói về cái “chính trị” của văn thơ và xung quanh văn thơ, và không chỉ bó hẹp trong gần 30 năm đổi mới. Những nội dung ông chọn để đưa ra đều hướng vào cái chủ đề mà ông đã định: ‘sự đúng đắn và sáng suốt của Đảng!’” Tác giả cho hay tiếp:

“Vụ Nhân văn – Giai phẩm: Ông nói cho đến bây giờ sự đánh giá của Đảng về hoạt động của nhóm này vẫn không thay đổi, bản chất là phản động (ông nhấn mạnh chỗ này). Bởi mục đích mà bọn họ theo đuổi đến cùng là chống phá chế độ, chống lại sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học – nghệ thuật.

Vẫn theo nhà văn Sắc Ly, với Văn đoàn độc lập, ông ta khẳng quyết..

“Đây là sự kiện nóng trong văn học và sinh hoạt xã hội. Dụng ý sâu xa của bọn họ là muốn văn học độc lập với chính trị, không chịu sự lãnh đạo của Đảng. Bọn họ gồm một số nhà văn vốn bất mãn với chế độ. Ông nói, theo nhận định ban đầu của Đảng (?) thì đây là một dấu hiệu rất bất thường của xu hướng chống đối, chắc chắn có liên quan đến âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch!”

[4] Trong bài “Nói với những vị chưa lú hẳn” post trên mạng Anh Ba Sàm giữa năm 2016, bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết:“Bao nhiêu năm qua, TQ đã tìm mọi cách bao vây ngăn chặn mọi đường ra của VN. Họ đã xây nhiều nhà máy thủy điện ở đầu nguồn sông Mê kong trong đất TQ, lại dụ Lào, Campuchia và giành phần xây ‘giúp’ các nhà máy thủy điện để dần dần làm cạn dòng Cửu Long, triệt đường làm ăn của cư dân đồng bằng Cửu Long. Rồi lại giành phần xây các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lạc hậu cũng tại đồng bằng sông Cửu Long để phá hoại môi trường nơi đây. Vậy là họ đã đóng được cửa phía Tây và phía Nam của ta. Ở phía Tây, phía Bắc, thì đã có các dự án trồng rừng biên giới, bô xit Tây Nguyên, phía Đông thì có Nghi Sơn, Vũng Áng…

còn cửa ra nào cho VN ta? Vậy họ muốn ‘bắt’ ta lúc nào chẳng được!” (Trích trong bài nhận định của chúng tôi đầu tháng 9-2016, từng được post trên mạng Bô-xít Việt Nam và trên tuần báo Viet Tide, phát hành tại nam California).

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2017/03/07/11-876-giai-thuong-van-viet-lan-thu-hai-buoc-lon-cua-van-doan-doc-lap-vn/