Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Mùa Thu

Vũ Thành Sơn

Chiều nay nắng qua đời

Hoài Khanh

Bây giờ đã giữa mùa thu. Gió mát. Trời nhẹ và xanh trong. Những cơn mưa dầm lê thê ảnh hưởng bởi những đợt áp thấp lúc đầu mùa đã chấm dứt. Khi bước xuống xe vào nhà, bà Oanh định rủ bạn ngồi trong bếp cho tiện nhưng bà Hà cứ một mực đòi kê bàn ra vườn. Trong nhà vừa tối vừa bí bỏ mẹ, bà Hà nói. Vườn nhà bà Oanh nằm giáp với mảnh đất trồng rau phía hậu liêu của một ngôi chùa cổ; ngồi ở đó có thể ngửi thấy trong không khí mùi hương khói thấm đẫm quyện lẫn với tiếng chuông, mõ từ bên chùa vọng sang. Sắp đến rằm rồi, từ hôm qua trước cửa chùa đã thấy treo mấy lá cờ lông nheo và lác đác vài sạp tre được dựng lên chóng vánh để bán giấy vàng mã, hương đèn các thứ.

Bà Oanh chiều theo ý bạn kê cái bàn bằng nhựa nhỏ màu trắng bên dưới gốc cây nhãn rồi bày nước uống, một đĩa trái cây, bánh ngọt và hai cái ghế, sau đó nói vọng vào trong nhà, Hà đâu, ra đây đi. Trong nhà, bà Hà đứng trước gương sửa lại mái tóc, chẳng nói chẳng rằng. Một lát sau, bà mới thong thả bước ra, trên tay cầm theo tờ họa báo để trên bàn, nói Mùi hương trầm thơm quá. Một ngọn gió lạc lõng từ một cái hồ gần đó thổi qua mát lạnh cuốn theo những chiếc lá nhãn rơi rụng xuống bàn lả tả. Bà Oanh vừa đưa tay lên phủi áo vừa nói:

“Cái cây chết tiệt này mấy năm nay không bói được một quả nào cho ra hồn. Tao định nói với ông lão nhà tao thuê người đốn quách nó đi cho khuất mắt để trồng cây khác còn có ích.”

Mặc dù nói vậy chứ thực sự trong thâm tâm bà chẳng muốn đốn bỏ cây nhãn chút nào, bởi vì đó là dấu vết của cả một mảnh đất gia tộc rộng lớn của cha mẹ bà còn sót lại sau khi trải qua biết bao những cuộc đổi thay xáo trộn. Người ta nói cây cối sống lâu cũng có linh hồn, cũng biết cảm nhận như người; cây nhãn đó là nhân chứng sống, dễ chừng có thể đốn bỏ? Nhưng giả dụ bà có thực lòng muốn đốn nó đi cho khuất mắt như bà nói đi chăng nữa, đã chắc gì ông ấy chịu nghe lời mà bỏ công làm cho. Chẳng phải có lúc ông từng nói Cây cối cũng quý như con người sao?

Bà Hà lên tiếng đáp lại, “Cây nó cỗi thế này còn trái với quả gì nữa. Để nó cho bóng mát là tốt lắm rồi.”

“Mùa này nhãn không ngon thế mà cũng hơn 40.000 đồng một cân đấy,” bà Oanh than thở.

“Nghe mày nói tự nhiên tao cứ thấy thèm có bát chè nhãn hạt sen ghê đi.” Bà Hà nói bâng quơ, "Ông lão nhà mày dạo này thế nào?”

Bà Hà đã sấp sỉ sáu mươi nhưng mái tóc vẫn còn dày lắm, chỉ điểm lác đác một vài sợi bạc. Nước da trắng xanh càng làm cho bà trông có vẻ nhỏ thó, dúm dó hơn, nhất là khi mặc vào người chiếc áo in hình những bông hoa thiên lý và một cái váy đen dài tới tận mắt cá cùng với chiếc khăn voan mỏng màu đỏ bầm quấn quanh cổ. Hồi còn đi học bà có biệt danh là “Hà dở”. Sau khi chồng chết, bà dọn về sống chung với vợ chồng đứa con gái và hai cháu ngoại trong một chung cư, cách trung tâm thành phố phải non nửa giờ xe chạy. Bà đến đây bằng xe buýt.

“Vẫn thế."

"Nãy giờ tao chẳng thấy ông ấy đâu."

"Ối giời! Giờ có mà tìm khối!"

“Thế ông ấy đi đâu?”

“Có trời mà biết. Tao mặc xác, đến bữa thì lại phải mò về thôi.”

“Mà mày cũng quá quắt lắm đi Oanh ạ.”

Bà Oanh đẩy đĩa trái cây về phía bạn, “Ăn đi mày.”

Bà Hà nhón lấy một quả hồng, bóc lớp vỏ ngoài. Vỏ mỏng ướt, dính bết vào nhau nên thỉnh thoảng bà phải gạt mấy đầu ngón tay vào cạnh đĩa.

“Mày còn nhớ con Nhã không?” bà Oanh bất chợt hỏi.

“Nhã nào? Có phải Nhã bạch tạng lớp mình không?”

“Không, không phải. Cái Nhã nhà bán hàng mã, lúc nào cũng buộc hai cái nơ màu tím trên đầu kia.”

Bà Oanh muốn nói đến Nhã 10A, lớp học ở đầu hành lang. Hồi đi học, hầu như trong tất cả các cuộc sinh hoạt hay biểu diễn văn nghệ của trường vào những dịp khai giảng, bế giảng, Nhã bao giờ cũng là một giọng ca không thể thiếu. Cô đã từng ôm ấp mộng tưởng theo đuổi nghề ca hát và suýt đã đăng ký thi vào trường sân khấu khi kết thúc bậc phổ thông nếu không có sự chống đối quyết liệt của ông bố. Bẵng đi một thời gian, đột nhiên người ta nghe tin cô lấy chồng, theo chồng đi lập nghiệp ở một tỉnh xa xăm hẻo lánh tận biên giới. Giấc mộng trở thành ca sĩ của cô ngày nào không còn được nghe nhắc tới nữa. Rồi ít lâu sau lại rộ lên dư luận nói vợ chồng cô làm ăn thành đạt, một thời là một trong những đại gia trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xuất khẩu gỗ, sở hữu nhiều trang trại…, rồi bỗng chốc lại có tin vợ chồng cô đã ra nước ngoài sinh sống…

“Tao nghe nói hình như nó đang ở Úc mà…?”

“Đúng thế, nhưng mà bây giờ thì nó lấy một thằng da trắng rồi. Của đáng tội, qua bên đó không biết sao lão chồng bị bất lực mày ạ.”

“Thế à?”

“Chẳng biết. Tao nghe nói vậy. Mà này, còn thế này nữa, mày ạ!”

“Sao, chuyện gì nữa?”

“Lão chồng con Nhã mới lấy một con chỉ đáng tuổi con mình… Chịu, thời buổi này không hiểu nổi.”

“Giời ạ! No cơm ấm cật chứ sao nữa!”

“Thế mới thấy tao với mày đều là gái ngoan cả nhỉ?”

Bà Oanh nheo nheo mắt nhìn bạn trêu chọc.

“Hồi đó, con Nhã chắc duy nhất mình nó trong khối 10 đi học bằng xe Mifa đấy mày nhỉ?” bà Hà hỏi.

“Không, còn con Mai nữa chứ.”

“Ừ nhỉ. Mày nhắc tao mới nhớ. Nhưng mà chỉ thi thoảng thôi, chứ không phải mỗi ngày như con Nhã. Mày có hay gặp nó không?”

“Không. Nó vào Sài Gòn từ lâu rồi.”

“Hồi đó nghe bọn nó đồn lão Tuấn cận đến chết mê chết mệt với con Nhã ấy.”

“Chuyện! Cái lão ấy thì nói làm gì. Có dạo suýt mất cả dạy cũng vì cái tật ấy.”

Ngừng một lúc như để nhớ ra mình đang nói đến đâu trong một câu chuyện đang mỗi lúc trở nên vòng vo:

“Thỉnh thoảng mấy đứa lớp 10A đi chùa hay đến tao chơi lắm mà chẳng nghe bọn nó nói gì.”

“Thế à?”

Im lặng bất ngờ rơi xuống giữa hai người. Tiếng chuông mõ bên chùa nghe khi dồn dập, khi khoan thai. Một đứa nhỏ mặt mày nhem nhuốc chạy chơi ngoài đường, nhìn thấy hai người đàn bà bèn đứng lại. Có lẽ vẻ im lìm của họ trong một buổi chiều khô tạnh, hiu hiu gió mùa thu này là một điều gì đó lạ lẫm khiến nó không khỏi tò mò. Đứng bên ngoài hàng rào ngó lấc láo một lúc, rồi hình như bất lực không thể tìm ra lời giải thích thỏa đáng cho tình huống trước mặt, nó bỏ đi tuy vẫn cố ngoái lại để nhìn hai người đàn bà với vẻ mặt ít nhiều ngờ vực.

Cuối cùng bà Hà lên tiếng trước.

“Sao mày không gọi điện xem ông ấy đi đâu mà chưa về?”

“Từ lúc ở bệnh viện về đến giờ lão nhà tao có dùng điện thoại đâu?...” bà Oanh đổi lại thế ngồi, hơi chồm người về phía bạn, nói sấn sổ “Có lần lão đi một mạch, ở nhà chẳng ai biết đi đâu. Hai ngày sau lão mới mò về đến nhà, quần áo tóc tai rũ rượi như móc từ dưới cống lên. Hỏi đi đâu, lầm lì nhất định không nói. Cả ngày chỉ ôm lấy cái ti vi, chẳng chuyện trò giao tiếp với ai… Thế mới có điên không cơ chứ!”

“Xem phim à?”

“Có mà xem khối! Mở tivi ra rồi ngồi đó ngủ gà ngủ gật. Nhưng chỉ vừa tắt cái là mở mắt ra, gắt như mắm tôm ngay lập tức.”

Bà Hà hình dung ra căn phòng và hình dáng một người đàn ông gầy guộc, tóc rụng gần hết để trơ ra mảng da đầu bóng như thoa mỡ, ngồi bó gối co ro trong quầng sáng trắng xanh lúc mờ lúc tỏ của chiếc màn hình ti vi, xương bả vai nhô cao bên dưới tấm áo phông trắng mỏng đã ngả sang màu cháo lòng. Bà đã mấy lần ngồi chơi với bạn trong cái phòng đó. Căn phòng có một tấm rèm kết bằng những vỏ ốc biển, một cái chuông gió bằng đá treo ngay cửa, cứ mỗi lần có người ra vào là cả hai thứ cùng lúc phát ra một chuỗi âm thanh ngân vang trong vắt; có một cái cửa sổ không rèm che chẳng bao giờ thấy mở, một nàng tiên cá bằng đất nung đặt trên chiếc bàn khảm trai và một vài thứ đồ đạc bày biện đâu đó thầm lặng, khó nhận ra hình dáng. Bà nhớ có bữa hai người đang nói chuyện, một bầy gà tre từ ngoài đi vào, một con bỗng nhảy phốc lên bàn làm đổ tung tóe hết cả cốc tách, bánh trái khiến bà sợ điếng cả người. Bà hỏi bạn Nhà mày có sân vườn rộng sao không làm chuồng nhốt chó mèo, gà qué lại mà cứ để cho chúng đi lại quang quác nhông nhông trong phòng thoải mái thế này, gớm chết đi được. Câu hỏi vừa thốt ra, bà Hà đã nghe bạn thở dài đánh sượt một cái, cất giọng ca cẩm ngao ngán, Tôi xin cô đấy, cô đừng có chạm vào nỗi đau của tôi. Ông ta yêu mấy con chó, con gà ấy còn hơn cả vợ con nữa cô ạ, chỉ thiếu có mỗi bế chúng lên giường ngủ cùng nữa thôi. Thế cơ à? bà Hà không dấu được sự ngạc nhiên. Vâng ạ, bây giờ lại đốc chứng định nuôi cả công, cả ngan ngỗng ở trong nhà nữa kia, nói là để cho có bạn khuây khỏa. Bạn gì với mấy thứ súc sinh ấy chứ? Có ngày điên tiết tao cho một ấm nước sôi, cho mà biết thế nào là gà với qué. Thế ông có sinh hoat với tổ hưu trí không? Bà Hà hỏi bạn. Có mà đợi đấy!

Bà Hà chợt nhớ đến câu chuyện của một người đàn ông cùng xóm khi bà còn nhỏ. Hồi đó nghe đồn nhà ông ta nuôi ba con trăn mà bọn trẻ con trong xóm kháo với nhau chúng phải lớn như những thân cột cái mặc dù không có đứa nào trong bọn một lần nhìn thấy chúng; ban đêm ba con trăn hiện hình thành ba con yêu nữ đi lùng sục khắp nơi tìm kiếm trẻ con để hút máu khiến cho bọn nhỏ ban đêm chẳng có đứa nào dám chường mặt ra khỏi nhà. Nhà ông ta ở ven sông, muốn đến đó phải đi qua một cái đầm lầy và đám lau sậy um tùm, cao đến ngang bụng. Một đêm, bờ sông bị lở, cuốn trôi căn nhà và người đàn ông với ba con trăn xuống tận đáy. Rồi một ngày chiến tranh tràn đến, cả xóm cháy rụi, bà theo cha mẹ chạy giặc, câu chuyện về người đàn ông với những con trăn theo thời gian cũng chìm sâu vào quên lãng. Thỉnh thoảng trong những đêm trằn trọc, bất chợt hình ảnh cái đầm lầy cùng với những ngọn bông lau trắng bay phất phơ trong gió vụt hiện lên trong tâm tưởng bà như một tia chớp lóe sáng xé rách màn đêm, như một vĩ thanh nhạt nhoà vọng đến từ ký ức.

“Dạo này ông ấy còn phải đi viện nữa không?” bà Hà bất chợt hỏi bạn.

“Không, từ nửa năm nay rồi. Ở nhà uống thuốc để ổn định thôi.”

“Nói thế chứ mày cứ nhìn ra chung quanh mà xem. Cứ mười ông hưu thì non nửa nếu không sống dở chết dở thì cũng hâm hấp, dở người cả đám.”

“Ừ! cũng lạ… Đấy! Suýt tí nữa thì quên!” bà Oanh vừa nói vừa đứng phắt ngay dậy, dợm bước đi.

“Cái gì thế?”

“Mải nói chuyện tao quên khuấy mời mày nếm thử cái này.”

“Cái gì? Mày làm à?”

“Ừ, tao làm.”

“Lại thế cơ nữa?”

“Ừ, thì làm cho giết thì giờ ấy mà.”

“Mà thôi, ngồi nói chuyện cái đã. Ăn uống gì thì để tí nữa.”

Nhưng bà Oanh không nghe lời bạn, vẫn đi thẳng vào bếp. Còn lại một mình, bà Hà ngồi tỉ mẩn xếp gọn lại đĩa trái cây và bánh ngọt trên bàn rồi tiện tay phủi những chiếc lá nhãn trên mặt báo xuống đất. Tiếng một chiếc xe buýt chạy ầm ầm ngang qua phố. Giờ này đứa cháu ngoại đi mẫu giáo hẳn đã ở nhà rồi, không thấy bà đâu nó lại lè nhè mè nheo với chị giúp việc cho xem. Trước giờ mỗi lần đi học về là nó được bà ngoại chờ sẵn ở cửa rồi được bà dúi vào tay không chiếc bánh thì quả na, quả quýt. Bữa nay về nhà bà sẽ dỗ dành nựng nịu nó phải biết.

***

Các quán ăn, quán bia hơi, quán giải khát nằm rải rác quanh bờ hồ. Từ bốn giờ chiều, các bàn đã đông thực khách; tiếng gọi nhau í ới, tiếng reo hò, cười nói ở góc này góc kia ầm ĩ như trong một sân bóng. Có những ngày không khí nhộn nhịp, náo loạn ấy kéo dài cho đến tận khuya, nhất là vào mùa hè. Thế nhưng, bên cạnh cái ồn ào sô bồ đó, vẫn có một khoảng không gian yên tĩnh tách biệt ở một mé hồ, nơi dăm ba nhóm nhỏ túm tụm quanh một bàn cờ hoặc ngồi thả câu trầm mặc bên dưới những chòm mây lơ đãng, dưới những tán cây si, cây lộc vừng hiu hiu gió, như thể có ai đó đã trớ trêu sắp đặt hai thế giới hoàn toàn khác biệt cùng tồn tại bên nhau. Trong khoảng không gian chật hẹp đó, mỗi thế giới cứ như là một khoảng trời riêng với những quy ước riêng của nó.

Ngày nào ông cũng đến đây, có ngày hai bận, nhập vào nhóm đánh cờ; có lúc thì cũng chơi một vài ván nhưng phần lớn là chỉ ngồi đó xem người khác chơi, cho đến khi thấy chẳng còn gì hay ho để xem nữa thì mới đứng lên về nhà. Hình ảnh một người đàn ông gầy gò với chiếc mũ bê rê đen quanh năm chụp trên cái đầu hói bóng đã trở thành quen thuộc đến mức như là một phần không thể thiếu của bức tranh. Hôm nào không thấy ông ra thì đến hôm sau gặp lại mấy ông bạn cờ đã hỏi ngay “Sao thế? Ốm à?” hoặc là “Định bỏ chúng tôi đi sớm thế sao?”. Trước những thắc mắc đượm mùi trêu chọc ấy của bạn, ông chỉ lắc đầu, chẳng nói chẳng rằng, có khi chỉ phác một chuyển động mơ hồ trên môi không ra dáng một nụ cười hay một lời nói thầm.

Nhưng chiều hôm đó, ông không sà ngay vào các bàn cờ như mọi lần mà lại tiến về phía những người câu cá. Ông chọn một chỗ râm mát, dưới tán một cây đa, bên cạnh một người đàn ông cũng gầy gò mảnh khảnh, ngồi xuống.

Người đàn ông mặc một chiếc áo phông cũ, quần bộ đội, đầu đội mũ vải, đang chăm chú nhìn ra mặt nước, thoáng thấy có bóng người đến bên cạnh bèn ngước mắt lên và có lẽ nhận ra người đang chuẩn bị ngồi xuống kia cũng vào trạc tuổi mình nên nhoẻn miệng cười chào.

“Bác ngồi chơi!”

Ông cũng phác một nụ cười đáp lại.

Chẳng biết người đàn ông này ngồi câu từ lúc nào mà trong cái giỏ bên cạnh chỉ thấy loe ngoe vài con cá to vào khoảng bàn tay. Ở một cái hồ vẫn có tiếng là có nhiều cá to thế này, có thể coi một kết quả như thế là khá khiêm tốn. Nhưng người đàn ông này xem chừng kiên trì lắm; gương mặt rám nắng, xương xương khắc khổ nhưng rắn rỏi toát lên một vẻ cương nghị, quyết tâm. Với một lý do không rõ rệt, ông liên tưởng đến cái thanh gỗ mà ông vẫn dùng để chắn ngang cánh cửa mở ra khoảnh sân sau nhà. Sẽ ra làm sao nếu một mai các cột kèo, đà ngang đà dọc các loại của căn nhà bị mối mọt đục khoét hết?

Gió từ bên kia hồ thổi qua mát rượi, làm mặt nước gợn lên thành những nếp gấp lăn tăn chạy dài, mang theo cả mùi nấu nướng ở các quán sang đến tận bên này. Chiếc cần câu trong tay người đàn ông khẽ chao đi nhè nhẹ.

“Ông có biết băng hà ở Cực Nam cứ mỗi năm lại tan chảy nhiều hơn lên không?” ông hỏi.

Người đàn ông ngẩng mặt lên, ngơ ngác.

“Gì cơ ạ?”

“Rồi sẽ ra làm sao đối với những con chim cánh cụt, ông có hiểu được tầm quan trọng của chuyện này không?”

“Bác nói cái gì tôi không hiểu.”

“Mẹ ơi!”

Người đàn ông càng lúc càng tỏ ra kinh ngạc, gương mặt ánh lên vẻ bối rối xen lẫn chế giễu kín đáo.

“Có nghĩa là chúng sẽ buộc phải đi xa hơn thường lệ để tìm đến nguồn lương thực.”

Giọng của ông buồn bã nhưng người đàn ông không muốn nghe nữa, ông ta quay trở lại với công việc của mình trong lúc ông vẫn tiếp tục dòng suy nghĩ, miệng lẩm bẩm như thể đang trò chuyện với một ai đối diện.

Đột nhiên mặt nước chao mạnh như vừa có ai đó nhảy xuống hồ. Gương mặt người đàn ông căng ra, môi mím chặt, tay nhanh nhẹn giật mạnh cần câu lên. Mặt nước đột ngột rẽ sóng, kéo theo luôn cuộn cước. Cánh tay gân guốc của ông ta giữ chắc lấy chiếc cần câu lúc này đang bị uốn cong lên cứ như là ông ta đang cố dựng một cái cổng chào từ dưới đáy hồ.

Bây giờ thì người đàn ông đã đứng hẳn dậy, nhoài cả người ra mặt nước và cố gắng ghì chặt cần câu để không bị tuột khỏi tay đồng thời thả chùng dây và giữ cho căng. Ông ta cảm thấy một sức mạnh khủng khiếp kéo lôi ông đi dọc theo ven hồ. Mấy người ngồi câu kế bên cũng bắt đầu bị cuốn hút theo.

“Trúng quả rồi! Quả to nhé!”

“Lại một con chép hay con trắm đây.”

Tất nhiên, từ đầu đến giờ, toàn bộ cảnh tượng đó không thoát khỏi sự quan sát của ông. Khi người đàn ông đứng lên và bước đi, ông cũng kịp nhìn thấy bên chân trái của ông ta hơi khập khiễng và cứng đờ như thể nó là một cái chân giả được lắp vào khiến ông nghĩ ông ta có thể bị con cá kia kéo ngã xuống hồ bất kỳ lúc nào.

Cuộc vật lộn không cân sức tiếp diễn được một lúc thì một người bạn câu chạy đến tiếp tay, họ cố dong con cá đi để làm cho nó kiệt sức. Nhưng công việc đó xem chừng không dễ dàng chút nào khi con cá dưới nước cũng tỏ ra là một đối thủ cực khoẻ, nó vùng vẫy mãnh liệt. Hai người đàn ông toát hết cả mồ hôi và có vẻ đã bắt đầu thấm mệt.

Đúng lúc ấy, bất thình lình con cá nhảy vọt lên cao khỏi mặt nước. Chừng cả mét, trông giống như một con cá heo thực hiện cú nhào lộn ngoạn mục ở một sân khấu biểu diễn. Nhưng không có tiếng vỗ tay tán thưởng nào ở đây cả, mọi người chỉ ồ lên một cách thích thú pha lẫn kinh ngạc khi đến lúc đó họ mới tận mắt thấy được kích thước thực sự của nó.

“Em này phải hai mươi cân!”

“Hai mươi thế nào? Ba chục là ít!”

“Chuyện! Dài hơn mét thế kia cơ mà!”

“Quả này không dễ xơi đâu!”

Cú nhảy xuất thần đó của con cá làm cho ông ngồi chết lặng. Những cái vẩy trên lưng con cá lấp lánh sáng như thể toàn thân nó được dát bạc, óng ánh một chút hồng trong cái nắng thu vàng. Cả đời ông cho đến giờ, đây là lần đầu ông mới thấy một con cá to đến dường ấy. Ông gần như bị thôi miên bất động trước vẻ đẹp uyển chuyển, mềm mại mà vẫn dũng mãnh, lẫm liệt của nó.

Con cá quẫy đạp ầm ầm làm cho mặt nước dậy sóng đục ngầu. Từ ven hồ tiếng hò reo, cổ vũ của đám đông hiếu kỳ bắt đầu nổi lên. Hai người đàn ông đã mệt nhoài nhưng con cá vẫn chưa có dấu hiệu khuất phục trước sự bao vây tấn công quyết liệt của con người.

Có một lúc ông bỗng thấy nó nằm im bất động dưới hồ cứ như thể nó đã thực sự đuối sức làm cho trái tim ông thắt lại với một niềm thương cảm, xót xa cho con vật. Vẻ đẹp bi tráng và vô vọng của cuộc chiến đấu giành lại sự sống của con cá gây ra một chấn động mạnh mẽ tận trong sâu thẳm con người của ông. Nước mắt chỉ chực trào ra khiến mắt ông mờ đi. Một cái gì không rõ tên gọi không ngừng réo gọi, thôi thúc đè nặng lồng ngực làm cho ông bức bối, khó thở.

Ông vùng đứng dậy.

Ông chạy ra chỗ đám đông đang di chuyển quanh hai người đàn ông, len lỏi ra tận mép hồ, rồi bất thình lình nhanh nhẹn gieo người xuống nước, về phía mà ông nghĩ là con cá đang ẩn nấp.

Hình ảnh cuối cùng mà ông nhìn thấy trước khi chìm hoàn toàn xuống dưới nước là một vạt nắng hanh vàng ánh lên trên mặt nước hồ thu.

V.T.S.

Láng, 2011