Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Tản mạn về một ấm trà

clip_image002

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về,

Hai câu thơ này của Nguyễn Đình Thi có sức lay động dữ dội trong tôi mỗi khi ngồi một mình giữa đêm thanh vắng, nhìn lên bầu trời sao. Nhìn lên trời, song lại nghe rì rầm tiếng đất! Mảnh đất đẫm máu và nước mắt vẫn đang tiếp tục thấm đẫm mồ hôi lam lũ của cả dân tộc đang nhọc nhằn tìm lối thoát khỏi cái bể trầm luân oan nghiệt của một lũ vô lương phản bội xương máu của đồng chí đồng đội, phản bội sự nghiệp ông cha. Sức lay động ấy lớn lao, thẳm sâu trong mênh mông.

Để rồi trong cái thẳm sâu mênh mông đó, tôi riêng dành cho mình một tiếng rì rầm nhỏ nhẹ hơn, lặng lẽ hơn và cũng bé nhỏ hơn nhiều đang lan tỏa trong tâm hồn tôi. Tiếng rì rầm của mẹ tôi những buổi ngày xưa vọng nói về cho riêng tôi. Với tôi, tiếng rì rầm ấy cũng chính là tiếng của quê hương, đất nước như giọt nước mát thanh lọc tâm hồn đang trĩu nặng bởi những uế tạp nhiễu nhương của thời cuộc. Đêm nay, dù trời nhiều mây vầng trăng vẫn không bị che khuất, vì vậy tiếng rì rầm của đêm trung thu năm nao vọng nói về nhắc tôi về một kỷ niệm về mẹ tôi mà tôi đã hẹn trong “Mênh mông thế sự 43” sẽ kể lại.

Ngày 15.9.2016

Rằm Trung Thu Quý Mùi

Tương Lai

clip_image004 Phải viết về chuyện uống trà. “Phải”, vì không sao từ chối được khẩn cầu của một người đã dành hết tâm nguyện cho chuyện trà, không viết không được. Thế rồi cứ loay hoay mãi vì tự biết về sự nông cạn của mình trên lĩnh vực tao nhã này.

Tao nhã”, vâng, đúng vậy. Đấy là lời Nguyễn Tuân trong “Ấm trà trong sương sớm” đã in đậm vào ký ức tôi về “Vang bóng một thời”. “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà”. Bởi lẽ “trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”. Đây là điều khơi gợi nguồn mạch trong suy tư mà ngòi bút tài hoa của nhà văn gợi lên. Trong mông lung cảm nhận, cái “vị triết lý” ấy lại gợi nhớ một hoài niệm. “Tôi nhớ một ngày thu đã xa” không phải của “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội” với “những phố dài xao xác hơi may, người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” mà nhớ về một ấm trà với mẹ tôi trong một đêm Trung thu tại một làng quê ở Hà Bắc, nơi mẹ tôi sơ tán tránh bom Mỹ ném vào Hà Nội.

Vào buổi ấy, kiếm được ấm trà ngon cũng là chuyện chẳng dễ. Nhưng không hiểu do đâu mẹ tôi có được một gói “Hồng Đào” còn bọc kín trong giấy thiếc, bên ngoài lại vẫn còn nguyên bao bì nhãn hiệu. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bao bì “Hồng Đào” có màu phơn phớt hồng với con chữ màu đỏ thắm chỉ đứng sau “Thanh Hương” có màu xanh nhạt nổi lên con chữ màu xanh đậm được phân phối theo diện “bao cấp”.

Mẹ tôi gói bọc rất kỹ để giữ được hương trà không nhiễm phải tạp chất trong ba lô hành lý sơ tán. Sau đó tôi mới biết là mẹ tôi xếp cùng với chiếc ấm trà chèn kỹ trong cái hộp các tông nhỏ. (Chiếc ấm đẹp nhưng không phải là ấm quý kiểu “Thứ nhất Thế Đức gan gà/ Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần” gì, nhưng với tôi thì vô giá. Vì đó là chiếc ấm của một học trò cũ đem biếu tôi làm kỷ niệm trước khi đi B. Trong lòng tôi vẫn day dứt một lần đến nghĩa trang Quảng Trị để thắp một nén hương cho người học trò yêu quý của tôi). Tôi sợ trẻ con nghịch vỡ trong căn phòng 9m2 nén chặt mấy người nên đem gửi mẹ tôi vì biết bà quý chiếc ấm một thì quý tấm lòng thấy trò tôi mười.

Với bà, uống trà không chỉ là do khát.

Và thế là chuyện ấm trà đêm Trung thu cách nay khoảng bốn mươi năm ở nhà bà cụ Binh xóm Đồng Cao, Hiệp Hoà mà tôi kể lại đây. Tết Trung thu cho bọn trẻ với mấy quả bưởi, quả hồng ngâm thì xin miễn trong câu chuyện ấm trà này. Hôm ây, bà dặn tôi khoảng sau 10g đêm thì sang với bà. Tôi ở cùng xóm nhưng cách một ngõ. Đợi cho bọn trẻ và mấy bà cháu nhà cụ Binh tắt đèn đi ngủ, mẹ tôi mới bảo tôi kéo chiếc ba lô trong sát góc đầu chiếc giường tre bà nằm đưa ra sân. Đặt trên bậc thềm, dưới ánh trăng, bà kéo ra một hộp các tông hình chữ nhật dài quãng hơn gang tay bọc kín trong chiếc chăn dù anh tôi gửi tặng bà từ chiến trường. Bà bảo tôi bấm đèn pin xuống bếp, khơi to ngọn lửa cho ấm nước bà đã đặt sẵn, cho sôi lên rồi rót vào chiếc phích nước đặt bên bậc thềm. Gói trà Hồng Đào được bóc ra, nhưng vẫn bao trong giấy thiếc đặt trên hai cuốn sách dày. Chiếc ấm cũng được đặt trên một cuốn sách cạnh cái phích.

Lúc ấy, bà mới nói: “Lần kỵ Thầy (tức là ngày giỗ cha tôi, trong gia đình vẫn gọi cụ thân sinh là “Thầy”), con không về được mà mẹ cũng chỉ một mình ra vái giữa trời cúng Thầy vì không muốn ồn ào nơi sơ tán đang chộn rộn. Nay thì thế cũng là yên yên ở đây, nhà cụ Binh lại là nhà phúc hậu, nghèo nhưng sạch sẽ, mẹ muốn đêm nay mở gói trà ngon vẫn để dành để cúng Thầy. Mẹ đã quét và lau sạch sẽ trên nóc bể nước mưa, con chỉ đặt lên chiếc đĩa quả bưởi mẹ đã để sẵn kia, vừa là “mâm quả phẩm” vừa làm “bát hương” để cắm ba nén cho Thầy. Lòng thành, thế là đủ con ạ”.

Bể nước mưa nhà bà cụ Binh đặt dưới gốc hai cây cau trồng ngay ngắn trước sân nhà, có hai bẹ lá cau buộc ngang lưng thân cây để dẫn nước mưa vào bể. Bà bảo tôi lấy ba chiếc chén gốm nhỏ mượn của chủ nhà đặt lên mặt bể nước mưa. Đêm thanh vắng, tĩnh lặng mẹ tôi mở một góc giấy thiếc, nghiêng gói từ tốn trút đủ trà vào chiếc ấm rồi trang trọng rót vào ba chiếc chén gốm đã xỉn màu song bên trong đã được đánh sạch đủ óng lên màu hồng đào loang loáng. Bà bảo châm ngọn nến đặt sau đĩa bưởi, để ánh nến không hắt vào nhà.

Đốt ba nén hương cắm vào quả bưởi. Thành kính đứng chắp tay trước ba chén trà đang toả khói, mẹ tôi lầm rầm khấn, tôi chỉ đứng cạnh, đắm mình trong suy tưởng. Liệu có đúng “trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”? Trong hoài niệm về ấm trà mẹ tôi pha để cúng cha tôi vào một đêm trăng rằm tháng Tám ở một vùng quê hẻo lánh trong những ngày sơ tán tránh bom Mỹ, tôi chỉ xốn xang nghĩ về chiều sâu thẳm trong tâm tình kín lặng của một người phụ nữ Huế dành cho người đã mất qua một chén trà đạm bạc của sự thanh khiết. Ở đó, như mẹ tôi dạy “lòng thành, thế là đủ con ạ”.

Vâng lòng thành. Ở đây tuyệt đối không có hơi hướng của sức huyễn hoặc “hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” trong câu thơ Nguyễn Du. Tuyệt đối không. Cái chất “trần thế” trong nỗi nhớ của “sầu đong càng lắc càng đầy” không có ở đây, vì tôi bao nhiêu tuổi thì cha tôi cũng mất ngần nấy năm rồi. Thậm chí cũng không là “trần gian” như trong lời thơ cũng huyễn hoặc không kém của Trịnh Công Sơn “tôi là ai mà còn trần gian thế”. Mẹ tôi là con người “trần gian” giữa cuộc “trần thế”, nhưng trong tâm hồn bà ẩn kín một triết lý nhân sinh vượt khỏi “mùi tục luỵ lưỡi tê tân khổ” mà bà từng gánh chịu để sống trong cái triết lý vô ngôn đó.

Ở đây dường như chỉ có cái tâm thành kính trầm mặc, mượn chén trà để truyền đạt một thông điệp đến người đã khuất và cũng để nhắc nhở con trai mình đừng vì cái chất “vô thần” mà phôi pha đi đời sống tâm linh mà bà đã giữ kín trong lòng. Chính cái đó là điểm tựa cho cả cuộc đời bà đã âm thầm hiến tặng cho sự nghiệp của các con mình. Càng suy ngẫm về những điều đã trải, tôi càng nghiệm ra rằng, cái mẹ tôi giữ kín trong lòng mới là cái mạnh nhất, cũng là cái đẹp nhất trong tâm hồn người mẹ từng là cái phao níu kéo chúng tôi lại trước những cạm bẫy để không chìm vào đó. “Phúc đức tại mẫu”, tôi cảm nhận được câu châm ngôn đó bằng mồ hôi và nước mắt trên con đường đời của chính mình. Và hoài niệm về hương trà mẹ tôi pha để cúng cha tôi quyện với hương trầm của nén nhang hoà vào mùi hương cau thoang thoảng của một đêm trăng rằm thanh vắng nơi làng quê kia là nỗi nhớ khôn nguôi về những người đã khuất.

Lan man, tôi nhớ lại hương vị chén trà mà sư cụ chùa Quốc Ân ban cho dạo tôi còn bé tí. Chẳng hiểu có thật chính xác không khi tôi nghĩ rằng, cái thiện được hình thành, nuôi dưỡng và đọng lại trong tâm hồn tôi tự buổi ấu thơ cho đến tận hôm nay, chính là mùi trầm hương trong chùa Quốc Ân tôi hít thở vào những dịp theo Mẹ tôi lên chùa và rồi hôm nay tôi bỗng nghĩ là chắc còn từ hương thơm của chén trà mà sư cụ ban cho. Phải nói ngay rằng, tôi không mấy mặn mà với những buổi thuyết pháp của các vị chân tu và là học giả uyên bác về đạo Phật, về triết lý Phật giáo mà tôi đã được nghe, được dự hoặc từ những tác phẩm nổi tiếng của họ mà tôi đã nghiền ngẫm sau này. Đơn giản chỉ vì những điều ấy tuy tôi rất trân trọng và dành nhiều thời gian suy ngẫm nhưng sao vẫn chưa hấp dẫn và thuyết phục tôi.

Có thể do sự hời hợt và kém hiểu biết, thiếu kiến thức của chính bản thân mình cũng nên. Nhưng đúng là những cái đó không có ý nghĩa bao nhiêu so với hơi ấm từ bàn tay gầy guộc cùng với ánh mắt hiền từ của sư cụ trụ trì, với dáng vẻ khẳng khiu của một cây trúc trăm tuổi đậm vẻ tiên phong đạo cốt ngày nào vừa nắm tay tôi, vừa bảo Mẹ tôi “cho cháu ngồi xuống và thụ lộc Phật đi để rồi biết làm điều lành”.

Bàn tay ấy, ánh mắt ấy, giọng nói của vị sư già ấy từng truyền vào tôi dòng suối trong vắt của tri thức tuổi thơ đủ sức cảm nhận về điều lành mà tôi hiểu là cái thiện. Rất cụ thể và cũng hết sức dễ hiểu. Cho đến tận hôm nay, trong cổ họng tôi như vẫn còn đọng lại vị thơm của chén trà, vị bùi của nắm xôi sư cụ cho “thụ lộc” ngày ấy. Bao năm trôi qua, vào tuổi tám mươi, trong đáy sâu ký ức vẫn thoang thoảng mùi hương trầm thơm ngát toả khắp toà nhà thờ Phật và ánh mắt hiền từ, bàn tay gầy guộc trìu mến của vị sư già trụ trì chùa Quốc Ân.

Đã là hoài niệm thì sao khỏi đánh thức cảm hứng bảng lảng của vị hoài cổ để tìm lại cái “thanh khí” mà Nguyễn Tuân gợi lên về chuyện uống trà. Vẻ u tịch của cảnh chùa Quốc Ân hiện lên mờ mờ ảo ảo, khiến tôi phải đắm mình vào câu chữ Nguyễn Tuân trong “Những chiếc ấm đất” của “Vang bóng một thời” mô tả chuyện xin nước giếng chùa Đồi Mai về pha trà để làm sống động cái nét bảng lảng trong hoài niệm về ngôi chùa tuổi thơ của tôi. Chỉ với nước giếng chùa đây thì cái người để hết cơ nghiệp vào chén trà kia mới chịu pha cho mình và đãi bạn cùng thanh khí một ấm trà ngon. “[…] vái chào nhà sư. Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người đầy tớ già đánh rỏ xuống mặt đường những hình sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài như lối đi của loài bò sát. Ví buổi trưa hè này là một đêm bóng trăng dãi, và ví chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần”.

Vậy thì cái “thi vị” kia, cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần đã làm nên thi vị của ấm trà, hay là chính cái hương vị trà qua bàn tay có hồn phách của người pha gửi vào, làm nên cái thi vị của người khách tục trở lại trần. Cái người đa đoan trong việc uống trà ấy chẳng phải đã thoát tục khi vẫn đang đắm mình trong cõi trần thế của hỉ nộ ái ố đó sao?

Nhà văn tài hoa họ Nguyễn từng qua lời sư cụ chùa Đồi Mai mà chuyển tải điều ấy: “Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư tại gia. Danh và lợi ông không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu. [] Phật dạy rằng hễ muốn là khổ. Biết đâu trong bốn đại dương nước mắt chúng sinh của thế giới ba nghìn, sau đây lại chẳng có một phần to nước mắt của một ông già năng lên chùa nhà xin nước ngọt về để uống trà tàu. Mô Phật”.

Tôi không nghĩ vậy khi hiểu về chén trà của mẹ tôi pha đặt trên mặt bể nước mưa giữa hai cây cau trước sân ở nơi quê người trong “một đêm bóng trăng dãi” để cúng cha tôi vào ngày Trung thu cách đây ngót nửa thế kỷ. Khỏi phải nói rằng người biết thưởng trà cũng hay lấy nước mưa để pha. Nghĩ về bể nước mưa nhà cụ Binh, sao tôi cứ mông lung nhớ lại cái giếng chùa Quốc Ân sâu thăm thẳm mà vị sư bác đã cẩn thận níu cổ áo tôi khi tôi cố cúi nhìn xuống, để rồi liên tưởng đến giếng chùa Đồi Mai trong “Vang bóng một thời” cũng hao hao cùng đường nét.

Mẹ tôi đã quy y tại chùa Quốc Ân. Ròng rã một phần tư thế kỷ “đi kháng chiến”, năm 1975 bà về lại Huế và lên viếng chùa. Sư cụ đã viên tịch, cảnh sắc hình như không còn như xưa, ấy là tôi cảm nhận như thế. Nhưng với mẹ tôi “lòng thành, thế là đủ con ạ”. Bà cũng chẳng là người “tu tại gia”. Triết lý Phật ủ kín trong tâm hồn bà. Thì chẳng phải “Hà sa cảnh thị bồ đề đạo/ Nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm” đó sao? Nhà thơ Nguyễn Duy dịch rất hay “Toàn là cảnh Phật quanh ta. Nhọc công tìm kiếm lại xa vô cùng”. Bài thơ thiền của Kiều Trí Huyễn thế kỷ XI ấy Nguyễn Duy phóng to in trên giấy bản tặng tôi được trang trọng treo giữa phòng khách.

Tần ngần rời bàn phím máy tính đến đứng trước bài thơ để tìm ý tứ biểu đạt sao cho thấu cái vị triết lý trong chén trà ngát hương vào cái đêm u tịch dưới bóng trăng hai mẹ con tôi dâng lên người đã khuất. Và rồi ký ức gọi dậy ký ức, nối kết những hình ảnh ẩn hiện trên dòng suy tưởng về những chén trà, hương trà tôi có dịp thưởng thức đang trầm tích trong hoài niệm. Trong đó có chén trà tôi được một vị sư Nhật Bản mời đối ẩm trong dịp tôi đến viếng cảnh ngôi chùa cổ Nhật ở Kyoto cách nay cũng đã mười lăm năm.

Không đủ tri thức và sự trải nghiệm về trà đạo của người Nhật để nói về một nét văn hoá quá độc đáo này, tôi chỉ nói về một liên tưởng. Vị sư người Nhật Bản có dáng dấp của một trí thức đã dành cho tôi sự tiếp đón thân tình, ấm cúng. Khi người phiên dịch tiếng Nhật tế nhị bước ra khỏi bàn trà trong cuộc đối ẩm khách chủ, nhà sư sử dụng tiêng Anh khá thành thạo, khả dĩ để tôi có thể hiểu được điều ông muốn nói. Thú thật là tôi chưa biết thưởng thức vị trà Nhật, nhưng cũng thật kỳ lạ sao vào lúc ấy, trong tôi trào lên nỗi nhớ mẹ tôi khi nâng chén trà lên miệng.

Duyên do là trước đó, tôi có nói là mẹ tôi cũng là người thích uống trà, nhưng tôi đặc biệt chú ý là cách mẹ tôi pha trà để đặt lên ban thờ trong dịp giỗ tết. Nhà sư Nhật tỏ ra hết sức chú ý và không giấu vẻ ngạc nhiên. Ông ngỏ ý muốn gửi biếu mẹ tôi một gói trà Nhật. Tôi xúc động lặng lẽ từ chối vì mẹ tôi đã mất. Nếu không, thì đây là một ân huệ đối với bà.

Chính lúc đó, tôi nghĩ đến chén trà mẹ tôi kín đáo, lặng lẽ chuẩn bị để rồi dưới ánh trăng của một đêm trung thu tĩnh mịch bát ngát hương cau, mẹ tôi thành kính pha ấm trà tưởng nhớ người đã khuất. Bà đã mất để không được nhận lĩnh một món quà sứ điệp mà nhà sư Nhật Bản thân tình gửi đến.

Thế rồi gần đây, khi tuổi đã cao, đêm khó ngủ, tôi thường thức dậy rất sớm. Trong hương thơm ấm trà vừa pha trong buổi sớm tĩnh lặng, ngước nhìn lên hai bức hình thầy mẹ tôi trầm mặc trên tường, tôi lại nghĩ đến chén trà mẹ tôi cúng thầy tôi vào đêm trăng u tịch năm nao.

clip_image006

Mùa Vu Lan