Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Sách mới: Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ

new doc20160823095444733 (1) (1)-page-001Công ty CP Sách Tao Đàn trân trọng giới thiệu tới Quý Nhà Sách tựa sách mới "Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ" - tác giả Đào Trinh Nhất, phát hành tháng 08/2016. Thông tin chi tiết về tựa sách, anh/chị vui lòng xem file đính kèm.

Đôi nét về tác phẩm

    Lịch sử sự đọc vẫn chưa quên, ở vào thời điểm “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” xuất hiện, đã từng gây nên một “best-seller lộn kèo”, sách vừa ra đến tiệm thì các nhóm Khách trú đã thuê sẵn người, mua vét cho kỳ hết mà đem đốt. Một phản ứng dội ngược, quyết liệt mang tính tự vệ tiêu cực của kẻ bị đánh trúng điểm yếu huyệt, thay vì phản biện lại bằng một công trình khoa học mang tính đối thoại, thì những người Hoa, một cách quen thuộc, lại sử dụng “chiêu trò” sức mạnh đồng tiền và khủng bố để bôi xóa sự thật.

    “Dân Tầu ở châu Á không khác gì dân Do Thái ở châu Âu, hễ gầm giời này, chỗ nào có thể kiếm ăn được, là thấy có gót chân họ, một người Hoa kiều ở Nam Dương quần đảo nói rằng: “Người đời chỉ nói phàm chỗ có ánh sáng mặt trời chiếu đến, không chỗ nào không có ngọn cờ nước Anh, ta cho rằng phàm chỗ có nước bể chảy đến, không chỗ nào không có người Hoa kiều”. Thật ra thì cái gót chân người Tầu, chẳng những thấy những chỗ có nước bể chảy đến mà thôi, tức chí hoang cắc như Tây Bá Lợi Á, xa xôi như mấy nước Nga, nước Áo ở giữa châu Âu cũng tìm thầy họ, có người nói: Hoa kiều rải rác ra các địa vực, rộng bằng người Anh, sức giàu có bằng người Do Thái, chịu khó như người Ấn Độ, nhanh nhẹn như người Nhật Bản, đến như cái số kiều dân của họ ở đâu cũng đông, thì không kiều dân nước nào bì kịp được.”

Đôi nét về tác giả

Đào Trinh Nhất (1900-1951), tự Quán Chi, là nhà văn, nhà báo hàng đầu Việt Nam giữa thế kỷ 20. Khi viết văn, viết báo, ông ký nhiều bút hiệu: Nam Chúc, Viên Nạp, Hậu Đình, Tinh Vệ, Bất Nghị, Vô Nhị, Hồng Phong, Anh Đào, XYZ,… Ông được người trong giới cầm bút đánh giá là người có cách làm việc nghiêm túc, thận trọng và là người đã biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Tác giả

Đào Trinh Nhất

Nhà xuất bản

Hội Nhà Văn

Khổ sách

13 x 20,5 cm

Số trang

228

Giá bìa

68.000

Ngày xuất bản

Tháng 08/2016

ISBN

978-604-53-6602-8

Thể loại

Khảo cứu

Nếu quan tâm tới tựa sách, anh/chị vui lòng liên hệ theo email info@sachtaodan.vn hoặc SĐT 04 2214 9698, Tao Đàn sẽ liên lạc lại và cung cấp thêm thông tin.

Xin chân thành cảm ơn!

Trân trọng,

CÔNG TY CP SÁCH TAO ĐÀN

12C Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội

04 2214 9698 | www.sachtaodan.vn | info@sachtaodan.vn

đôi lời phi lộ…

Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ là quyển sách đầu tay, cũng là quyển sách cao tay của Đào Trinh Nhất.

Như là một cặp ứng đối khá cân xứng, quyển sách triển khai trên nền hai vấn đề lớn, đối chọi nhau: 1/ trình bày về thế lực khách trú với cái nguy hại của nó gây ra cho xã hội Việt Nam, và 2/ viết về sự khẩn thiết cần phải di dân vào Nam kỳ, như một giải pháp vừa tình thế hiệu quả, vừa gốc rễ sâu bền trước quốc nạn “khách trú”. Quyển sách như thế, lần đầu tiên, hai vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam cận hiện đại gồm mối quan hệ Việt – Hoa và di dân cùng được đặt ra một cách có hệ thống, ngay từ những năm 1924.

Bàn về sự nghiệp phong phú trong số phận ngắn ngủi của Đào Trinh Nhất, người ta thấy, mảng sách về chủ đề quốc kế dân sinh, chấn hưng dân tộc nhằm gây cái sức lực tự cường cho quốc gia là một chủ đề lớn, mà quyển Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ luôn được yết lên đầu bảng. Tuy thế, với quyển sách này, người đời trước lẫn người đời nay, ít nhiều đều cấn cái ở cái “tâm lý bài Hoa” trong tác phẩm. Chính ở đấy, quyển sách đã gây nên một sự hấp dẫn bất ngờ, không thể không đọc, cho bất cứ ai quan tâm đến vận mệnh dân tộc. Lịch sử sự đọc vẫn chưa quên, ở vào thời điểm mà nó xuất hiện, đã từng gây nên một “best-seller lộn kèo”, sách vừa ra đến tiệm thì các nhóm khách trú đã thuê sẵn người, mua vét cho kỳ hết mà đem đốt. Một phản ứng dội ngược, quyết liệt mang tính tự vệ tiêu cực của kẻ bị đánh trúng điểm yếu huyệt, thay vì phản biện lại bằng một công trình khoa học mang tính đối thoại, thì những người Hoa, một cách quen thuộc, lại sử dụng “chiêu trò” sức mạnh đồng tiền và khủng bố để bôi xóa sự thật![1]

Sự hấp dẫn ấy lại lên cao khi Đào Trinh Nhất, mà như Vũ Bằng nhận xét, người ta tìm đọc “vì tài liệu súc tích, mà một phần cũng vì ông đã khéo làm những cái tít khiến cho độc giả giựt gân, muốn đọc xem trong bài ông nói gì” (Bốn mươi năm nói láo, Phạm Quang Khai xb, 1969, Sài Sòn, tr.142). Chính vì muốn gây chú ý, tạo điểm nhấn mà “thế lực khách trú” được lựa chọn thay vì một cụm từ khác chính xác hơn là “thế lực Hoa kiều”. Như chúng ta biết, người Hoa ở Việt Nam, về cơ bản có 5 nhóm xếp theo ngôn ngữ, kể theo số lượng từ nhiều đến ít gồm: nhóm Quảng Đông; nhóm Triều Châu; nhóm Phúc Kiến; nhóm Hakka [Hà Cá/ Hẹ] hay còn gọi khách gia, khách trú; và nhóm Hải Nam. Luôn có một sự mờ nghĩa nhất định khi gọi là khách trú. Nguyên lai, “khách trú” có thể là từ do người Quảng Đông dùng để gọi các di dân đến bắc Quảng Đông và nam Phúc Kiến, nhưng sang Việt Nam, nó lại mang hàm nghĩa chỉ “những người khách ở tạm thời”. Đầu tiên , nó dành để gọi nhóm Hakka, sau đó, là để chỉ chung cho Hoa kiều ở Việt Nam. Đào Trinh Nhất không lí giải gì về cách gọi khách trú, mà mặc định sử dụng như một “quán tính tâm lý” được ông và người đương thời - hiểu như chủ nhân của mảnh đất này - cùng chỉ mặt, gọi tên người Hoa như những kẻ chỉ đến và ở lại tạm. Họ không phải là chủ. Họ là khách. Đã là khách thì có đến, phải có đi.

Đấy chính là chỗ mà cái đọc ngày nay, sau gần ngót nghét một thế kỷ khi ấn bản đầu tiên quyển sách này ra đời ở nhà Thụy Ký, mà giờ đây, nhà Tao Đàn cho in trở lại dưới hình thức phục nguyên một ấn bản độc lập, độc giả hiện đại cần lựa chọn một “chiến lược đọc” khác. Đặc biệt, phải thường xuyên phản tỉnh với quán tính chủ nghĩa dân tộc thường dễ bốc lên cao trong bối cảnh hiện tại. Để từ sách, chúng ta có thể thâu nhận lấy nhiều lớp nghĩa bổ ích. Đầu tiên, bạn đọc sẽ nhận thấy đôi chỗ trong tác phẩm này, Đào Trinh Nhất sử dụng ngôn ngữ có phần “mạnh quá” khi chỉ về các mặt tiêu cực nói chung của “khách trú”. Để hiểu đúng, cần phải đặt các phát ngôn của ông trong cá tính người cầm bút, và cái thời điểm đầu thế kỷ XX, khi mà “hệ thống tranh luận” thường sử dụng các ngôn từ gay gắt với lối viết gần gũi ngôn ngữ bình dân, văn nói và có phần “giựt gân”, kêu gọi, cốt sao cho điều mà sách viết ra đến với gần nhất, và đông nhất quảng đại quần chúng mà học thức hãy còn khá thấp trong một xã hội thuộc địa đa phần nông dân mù chữ. Không để những tình cảm bột phát cuốn đi dễ dàng, chúng ta sẽ có thể thưởng thức ở Đào Trinh Nhất một thứ văn phong rất hấp dẫn, gần gũi mà lôi cuốn theo lối hội thoại: anh em Nam gọi, anh em Bắc, Trung hô đáp: có tôi đây!

Tiếp nữa, toàn thể cuốn sách này là sự lo toan cho vận mệnh quốc gia, và tìm một đường thoát cho Việt Nam thuộc địa thông qua chủ nghĩa dân tộc kinh tế mà Đào Trinh Nhất và lớp thương gia yêu nước thời đó cố gắng xây dựng, và được thể hiện rõ qua tác phẩm. Vì thế, một thái độ gay gắt với những thế lực làm suy kiệt nền kinh tế, sinh kế của con dân An Nam mà Hoa kiều là một “thủ phạm chính”, nghiễm nhiên trở thành đối tượng cần phải đưa lên đài công kích. Chủ nghĩa dân tộc trong một quốc gia bị thực địa đến hèn yếu nhằm tạo sức đề kháng tập thể sẽ có lí do để tồn tại. Điều đó khác biệt hẳn với thời hiện đại, thời mà chúng ta đang sống, chủ nghĩa dân tộc sẽ dễ dàng bị lợi dụng vào những tình cảm quá khích làm cản trở hội nhập toàn cầu. Đọc Đào Trinh Nhất, do đó, cần phải đặt lại tác phẩm vào đúng thời điểm mà nó sinh thành, có như thế, mới không rơi vào ngộ giải một tác phẩm nhiều giá trị như Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ.

Sau đến, cần phải hiểu căn rễ văn hóa rộng lớn của lý do Đào Trinh Nhất viết về “thế lực của các chú”, không đơn giản chỉ hiểu ở đấy là một tâm lý “bài Hoa” được thể hiện ở một trí thức lớn, thông qua một quyển sách lớn. Bởi vì, như những gì mà Đào Trinh Nhất thể hiện, để có thể giành lại nền thương mại, miếng cơm manh áo cho người dân Việt Nam, thì không chỉ cần đánh đổ nền thương mại do mấy chú Chệt [Hoa kiều] nắm giữ, mà về lâu dài còn hạ cả Nhật – những đối thủ thương mại nguy hiểm, lẫn quét sạch các chú Chà [Ấn Độ] ra khỏi nền kinh tế Việt Nam. Dẹp thế lực kinh tế Hoa kiều, vì thế, chỉ là một trong nhiều biện pháp mà người Việt Nam cần phải làm để gây lấy cho quốc gia một nền kinh tế vững mạnh. Vì không hẳn là bài Hoa, nên trong quyển sách này, chúng ta sẽ gặp những đoạn phân tích thấu đáo về các ưu điểm của người Hoa và công cuộc làm ăn của họ. Từ đó, Đào quân kêu gọi dân trong nước học hỏi người Hoa ở những ưu điểm để tự hoàn thiện dân tộc. Đồng thời, so sánh với người Hoa, ông đã chỉ ra bản chất ích kỷ, vị lợi và thiếu đoàn kết của thương gia người Việt, những phẩm chất xấu đã làm ảnh hưởng cuộc phát triển dân tộc.

Sau khi bàn khá thấu đáo về vấn nạn kinh tế bị người Hoa thâu tóm hết mối lợi, làm dân tộc Việt Nam suy kiệt. Đào Trinh Nhất đi vào phần giải pháp, muốn khắc phục, cần tiến hành di dân Bắc, Trung vào Nam kỳ. Di dân để: một là, vừa tránh họa nhân mãn mà các đồng bằng châu thổ cũng đã quá tải từ lâu, mà P.Gourou đã cho những số liệu rất sinh động; đồng thời, di dân lại gây được nguồn nhân lực trong miền Nam giàu có nhằm giành lại nền thương mại từ tay Hoa kiều. Những đoạn bàn về các biện pháp di dân trong quyển sách này, mà tôi không dẫn lại để trọn vẹn cho bạn đọc hiện đại cái thú phát hiện của sự đọc, sẽ cho thấy toàn bộ tâm sự chất chứa của một trí thức trẻ mới 24 tuổi khi viết quyển sách này. Xuất thân trong một danh gia, con trai của Đình Nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, gia tộc mà cả cha và con đều đã vì quốc gia dân tộc mà tận hiến. Đào Trinh Nhất đã dành nhiều tâm lực, trí nghĩ vào việc đề ra các biện pháp nhằm thực hiện công cuộc di dân thành công như giảm giá vận chuyển, miễn giấy thông hành, yêu cầu các chế độ đảm bảo người lao động từ nhà nước bảo hộ… Những lập luận, vừa gãy gọn, súc tích, vừa khẩn thiết mà ở đó, có một sự “nhún mình” trước nước “đại Pháp” nhằm kêu gọi chính phủ thuộc địa hậu thuẫn cuộc di dân thành công. Ở đây, chúng ta hiểu rằng, vì lợi ích quốc gia dân tộc, Đào Trinh Nhất đã có những ứng xử thông minh nhằm đạt được mục đích vấn đề, khi cần, có đôi lúc ông đã ca tụng “nhà nước bảo hộ”. Còn thực chất, thái độ của Đào Trinh Nhất là cứng rắn trong ứng xử với thế lực Pháp, điển hình như lần đối đầu qua đối đáp với bọn “nó” là tên trưởng tòa người Pháp, khiến người Pháp phải ban hành luật thay đổi cách thức xưng hô cho tôn trọng dân bản xứ. Điều ấy, vào thời ấy, đã làm nức lòng làng báo và dân Việt Nam.

Sau nữa, đọc Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ, chúng ta còn bắt gặp tình cảnh xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX hiện lên sinh động. Thông qua tác phẩm mà hoàn cảnh một đất nước bị chia ba kỳ đã ngăn trở sự đi lại, sinh hoạt, tâm lý của người dân từ đó được tái hiện. Do đó, việc đề xuất một chương trình di dân Bắc và Trung kỳ vào Nam cũng chính là một mũi tên nhằm hai ba đích, vừa giải quyết nạn nhân mãn, chống độc quyền kinh tế Hoa kiều, lại khiến quốc gia bị thực dân chia cắt, có thể kết nối lại và giao lưu với nhau, giảm thiểu (hay chống lại) tình trạng một khúc rột bị cắt làm ba. Điều này làm chúng ta không thể không nghĩ đến kế “mượn thuyền tá tiễn” cao tay của Đào lang thuở nào, tìm những lối đi, tạo những mối nối, gây cái tiềm lực cho quốc gia, đồng thời, “thống nhất” đất nước bằng kết nối dòng người di dân giữa ba miền [bị/buộc] chia cắt. Địa lý nhân văn xác định: sự kiện trung tâm của địa lý là con người. Nên, chỉ cần con người được thống nhất, giao lưu với nhau thì ý đồ chia ba kỳ sẽ bị giải lãnh thổ.

Quyển sách, đi xa nữa khi còn bàn đến những động hướng chiều sâu trong thực hiện di dân người Việt, mà đến giờ, vẫn còn nguyên giá trị. Đào Trinh Nhất một cách sinh động đã tái hiện lại tình cảm định cư thâm căn cố đế của người nông dân Việt Nam, như, trường hợp người nông dân nếu buộc phải ra đi còn cố mang theo bên mình cục đất quê hương. Vì thế, để có thể di dân, từ cấu trúc chiều sâu của tình cảm gia đình, làng mạc, Đào Trinh Nhất đề xuất muốn đảm bảo cho kế hoạch di dân thì cần phải di dân hộ gia đình. Văn hóa Việt Nam, với những phản ứng mang căn tính của nó, từ đó, cũng hiện lên trong các dòng suy tư của Đào Trinh Nhất mà bạn đọc hiện đại sẽ tìm thấy được trong quyển sách này.

Cuối cùng, để dần khép lại lời phi lộ, chúng ta cần nhận thấy những căn rễ về mặt dân tộc học của tâm lý “bài Hoa” mạnh mẽ, tồn tại khắp Đông Nam Á, và bây giờ là khắp thế giới. Câu trả lời, không có gì sáng rõ hơn đọc sâu chính quyển sách của Đào Trinh Nhất. Người ta thường tự hỏi, vì sao, ở khắp nơi người Hoa đến định cư, đính kèm với nó lại luôn là tâm lý thù ghét người Hoa, với những “phong trào” bài Hoa đầy hệ lụy? Ví dụ, ở Việt Nam ngay trước khi Đào lang viết quyển sách này, năm 1919 đã nổ ra một phong trào bài Hoa mạnh mẽ mà báo chí thời đó giữ một vai trò quan trọng, tập trung nhất là tờ La tribune Indigène. Trong quá khứ, duy chỉ có một lần sử liệu ghi nhận [dù con số dường như đã bị phóng đại], nhà Tây Sơn đã tàn sát hơn 10.000 người Hoa vào năm 1782. Ở Đông Nam Á, các học giả nghiên cứu người Hoa còn cho biết những con số bi đát hơn rất nhiều, ví dụ như ở Philippines, năm 1603 gần 25.000 người Hoa sống ở Pampanga bị xua đuổi và phần lớn bị sát hại; năm 1639, chợ tơ lụa Parian bị người Tây Ban Nha đốt cháy và có khoảng hơn 22.000 người Hoa bị tiêu diệt, lịch sử Philippines còn ghi thêm nhiều trang đẫm máu với người Hoa. Ở Indonesia, năm 1740, chính quyền thực dân Hà Lan đã tàn sát gần 10.000 người Hoa trong cuộc bạo động ở Batavia. Có thể dẫn thêm vô cùng nhiều dẫn chứng cho thấy, đến trước khi Đào Trinh Nhất viết Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ, Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á đã có những “kinh nghiệm” lịch sử đầy đau thương với người Hoa. Những trang đáng xấu hổ của lịch sử nhân loại này sẽ còn tiếp nối dài thêm, và trầm trọng hơn trong thời hiện đại, làm thành nỗi ám sợ với người Hoa (Sinophobia) trong thế giới hiện đại. Tâm lý bài Hoa, vì thế, là một vấn đề nổi cộm trong lịch sử thế giới, mà tốt hơn vì né tránh, chúng ta cần đối mặt với những sự thật, dù sự thật là đau lòng và không mong muốn.

Như một học giả người Hoa Tsai Maw Kuey, gốc Phúc Kiến – Chợ Lớn, trình luận án về chủ đề Người Hoa ở Nam Việt Nam (Les Chinois au Sud-Vietnam, Bibliothèque Nationale, Paris, 1968), “từ cái nhìn bên trong”, tự nhận thức về tộc người, Tsai Maw Kuey nhận thấy ở mặt văn hóa tộc người, người Hoa luôn tự coi mình là trung tâm thế giới, là quốc gia/tộc người văn hiến mà bao quanh là các tộc người man mọi mà họ khinh bỉ. Nhận định này, không quá đặc biệt, nhưng nó quan trọng, vì nó thêm phần củng cố một tín điều đã vững chắc mà thế giới đã nhận ra về não trạng Hoa tâm của dân tộc Trung Hoa. Giờ đây, được xác tín chính bởi một nhà dân tộc học Hoa kiều Chợ Lớn. Vì luôn coi mình là đẳng cấp tối ưu, nên người Hoa đi đâu, đến những quốc gia, vùng đất khác tộc người của mình, họ vẫn không dễ bị đồng hóa, điều mà nhiều người nhận thấy và ca ngợi ở người Hoa, dù lưu vong nhưng không dễ mất bản sắc. Thiết chế bang hội, và các hội kín đưa các khối người Hoa, dù lang thang khắp nơi, vẫn có thể tụ lại thành một tổng thể rắn, không dễ phá vỡ. Vì thế, dù ở đâu, họ cũng có sự cố kết cực vững chắc, nâng đỡ và cùng nhau tiến dần lên, xây dựng “một thế giới Hoa” với tất cả những lợi thế mà chỉ một mình chủng tộc của họ được thụ hưởng. Vì thế, người Hoa mau chóng thâu tóm lấy tất cả các mối lợi về mình, đẩy các người dân bản xứ - là chủ nhân của vùng đất họ đến xin cư trú vào thế khốn khó. Để làm giàu, vơ vét mọi nguồn có lợi cho riêng chủng tộc, người Hoa, quả thật đã duy trì một nền thương mại chèn ép, với nhiều mưu sâu kế hiểm để triệt hạ không thương tiếc các đối thủ. Để hiểu các mưu chước làm ăn không lành mạnh của Hoa kiều, chúng ta lại phải đọc kỹ Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ, ở những phần đầu tiên. Không ai có thể hơn Đào Trinh Nhất đã miêu tả lại sống động và chân thực mọi mưu sâu, kế quỉ trong thương mại vị chủng tộc người. Đào Trinh Nhất với lối làm việc luôn được đảm bảo bởi sự chính xác của các dẫn chứng, bảng thống kê và những con số cụ thể đã thuyết phục được người đọc. Từ đó, quyển sách hé lộ dần cội nguồn của những bất mãn Hoa kiều trong thương mại và dần dần, dẫn đến các bất mãn văn hóa, xã hội khác của dân bản xứ. Sự bất mãn kinh tế ở cái hiện tại, cộng thêm với mối lo thường trực về “đội quân phương xa” của thiên triều, các quốc gia Đông Nam Á, nơi mà thân phận địa chính trị đã luôn phải gánh chịu thường trực sự xâm lược Trung Hoa nên rất dễ bị kích động thành tâm lý bài Hoa.

Đọc Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ trong thời hiện đại, để hiểu hơn về xã hội Việt Nam trong quá khứ, đồng thời, còn là nhằm kiến thiết một hiện tại. Chúng ta không mong chờ gì ở thái độ bài Hoa có thể đem đến những điều tốt đẹp, nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, chừng nào não trạng Hoa tâm còn tồn tại - cái tồn tại bất bình đẳng bản chất - thì, thế giới khó có thể giải tâm lý bài Hoa. Để có thể tiến tới một thế giới nhân bản hơn, các dân tộc có thể quan hệ với nhau bình đẳng hơn, cần một sự nỗ lực từ cả hai phía: một là, từ phía các tộc người phi Hoa, cần đề phòng và giải trừ tâm lý bài Hoa; hai là, từ phía tộc người Hoa, chính họ cũng phải từ bỏ di sản cựu truyền của một chứng bệnh tập thể thuộc phức cảm tự tôn phì đại về niềm tin một chủng tộc thượng đẳng với lòng vị kỷ chủng tộc đã lỗi thời trong thời toàn cầu hóa. Chừng nào người Hoa không từ bỏ thói tật hoa tâm tộc người, thì chừng ấy, nguy cơ về sự trỗi dậy của nạn bài Hoa vẫn là một hiện thực nhãn tiền, dù muốn hay không.

Đọc Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ trong những ngày rất nóng, của một mùa hè không dễ ra biển, quá khứ trôi qua không phải để xếp vào bảo tàng những kí ức. Quá khứ, luôn sống động, vì cần thiết cho hiện tại, để hiện tại rút ra những bài học. Học thuật của Đào Trinh Nhất, dẫu gần một thế kỷ trôi qua, vẫn nóng bỏng, vẫn khiến độc giả ngay nay “giựt gân”, bất chấp những hạt bụi, cả vô tình lẫn hữu ý, đã không ngừng bôi xóa./.

2016, mùa biển nóng

Nguyễn Mạnh Tiến

[1] Để so sánh, chúng ta biết Đào Trinh Nhất cũng viết một quyển sách lên án đạo Cao Đài (Cái án Cao Đài, Imprimerie commerciale Sài Gòn, 1929, in lần đầu trên báo Công Luận, 1928 bằng bút danh Trương Văn Thu). Tuy thế, tín đồ Cao Đài đã không phản ứng xấu như người Hoa mua gom đem đốt hay đe dọa, khủng bố và lập mưu vu cáo. Để ngay sau đó, bằng những công trình khác, các tác giả như Băng Thanh (Cải án Cao Đài, không đề nơi, năm in) và La Laurette – Vilmont (Le Caodaisme, Saigon, 1932) đã viết phản biện lại Đào Trinh Nhất, từ đó, đưa ra cái nhìn hợp lý hơn về trường hợp đạo Cao Đài. Như thế, có thể tạm suy ra, khác với trường hợp viết về đạo Cao Đài còn nhiều thiên kiến, bất cập, nên đã bị phản biện lại ngay sau đó; viết về người Hoa, với những “thế lực” và thủ đoạn đen tối của họ, quyển sách của Đào Trinh Nhất là không dễ phản biện, vì đơn giản, nó hợp lí. Người Hoa, để chống đối lại một lập luận, thực chất là, đã chỉ đúng bản chất của họ, chỉ có thể dùng biện pháp trấn áp và khủng bố quen thuộc. Điều này, thời hiện đại, lại lặp lại, ví dụ như phản ứng của nhà cầm quyền Bắc Kinh với quyển sách Death by China (Chết bởi Trung Quốc) của P.Navaro và G.Autry, một quyển sách kinh điển đã chỉ ra bản chất đích thực của “thế lực Trung Quốc” hiện đại. Chết bởi Trung Quốc không thể không làm ta gợi nhớ đến quyển sách tiền phong của Đào Trinh Nhất.