Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Tiếng vọng từ Chernobyl (kỳ 8)

Svetlana Alexievich

T. Vấn dịch

Phần Hai

_______________________

Mảnh đất của người sống

Độc Thoại

_____________________________

về những lời dự báo cũ

Đứa con gái bé bỏng của tôi – nó rất khác thường. Không giống như bất cứ đứa trẻ nào. Rồi đây, nó sẽ lớn lên và hỏi tôi : “Mẹ à, tại sao con lại không giống như người khác vậy hả mẹ?”.

Khi mới sinh, nó không có hình dạng của một hài nhi. Trông nó giống như cái túi nhỏ, vá chằng vá chịt, trên cơ thể không có một chỗ nào thông ra bên ngoài, ngoại trừ đôi mắt. Hồ sơ y tế của nó ghi : “Con gái, bẩm sinh với nhiều bệnh lý phức tạp : hậu môn không tạo hình, bộ phận sinh dục không tạo hình, thận trái không tạo hình.”. Đó là cách nói bằng thuật ngữ y khoa, nhưng có thể diễn tả đơn giản là con bé không có hậu môn, không có chỗ đi tiểu và chỉ có một quả thận. Khi nó mới được hai ngày tuổi, tôi đã chứng kiến cảnh nó bị phẫu thuật. Ngay trong ngày thứ hai được sinh ra. Lúc ấy, nó mở mắt và mỉm cười. Tôi tưởng nó sẽ bắt đầu khóc. Nhưng không, Chúa ơi, nó đã mỉm cười.

Những đứa trẻ khác bị tình trạng giống như nó không thể sống. Chúng chết ngay lúc vừa sinh ra. Nhưng con tôi không chết, nhờ tình thương của tôi dành cho nó.

Trong bốn năm nó phải trải qua 4 lần giải phẫu. Ở Belarus, nó là đứa duy nhất sống sót trong số những đứa trẻ cùng mang trên người nhiều chứng bệnh phức tạp bẩm sinh. Tôi thương con gái tôi quá đỗi {Ngưng}. Tôi không thể nào sinh con được nữa. Tôi không dám. Từ nhà hộ sinh trở về, đêm ấy, tôi được chồng ôm ấp vuốt ve. Tôi nằm đó mà run rẩy : Không được đâu, em sợ lắm. Tôi nghe các bác sĩ nói với nhau : “bé gái này sinh ra thật không giống ai. Nếu mình cho phổ biến những hình ảnh về nó trên truyền hình chắc không một bà mẹ nào dám sinh con.”. Họ đang nói về đứa con của chúng tôi. Như vậy thì làm sao chúng tôi có thể tiếp tục ăn nằm với nhau để sinh con được nữa?

Tôi đến nhà thờ kể lể với viên mục sư. Ông ta bảo tôi cần phải cầu nguyện ăn năn tội lỗi của mình. Nhưng không một ai trong gia đình tôi đã có bao giờ giết người. Tôi có tội gì nào?

Mới đầu, cả ngôi làng tôi ở được nằm trong danh sách di tản. Nhưng rồi họ xóa đi. Bởi vì chính phủ không có đủ ngân sách. Cùng lúc ấy, tôi gặp chồng tôi. Chúng tôi yêu nhau và lấy nhau. Tôi đâu biết rằng chúng tôi không được phép yêu nhau ở đây. Nhiều năm trước đây, bà tôi đọc trong Kinh Thánh, thấy có đoạn nói rằng sẽ đến lúc của cải trần gian lúc nào cũng tràn đầy, thừa thãi. Sông sẽ không bao giờ hết cá, rừng sẽ không bao giờ vắng bóng muông thú, nhưng loài người sẽ không thể nào sử dụng được bất cứ thứ gì trong số của cải tràn đầy ấy. Thậm chí con người cũng không thể nào sinh con đẻ cái để tự duy trì chủng loại của mình. Tôi nghe những lời sấm truyền ấy như nghe những câu chuyện cổ tích hãi hùng. Tôi không bao giờ tin chúng có thật.

Bà hãy đi và kể cho mọi người nghe câu chuyện về đứa con gái của chúng tôi. Bà lấy giấy bút ra ghi đi nhé! Con gái tôi 4 tuổi, nó biết hát, biết nhẩy, thuộc lòng nhiều bài thơ. Sự phát triển trí óc của nó bình thường, như bất cứ đứa trẻ nào khác. Chỉ có trò chơi của nó thì khác. Nó không chơi trò chơi “bán hàng” hay “cô giáo”. Nó chơi trò “bác sĩ và bệnh nhân”. Nó chích thuốc cho các con búp bê, cặp thủy, gắn dây truyền thuốc hay nước biển vào cổ tay chúng. Con búp bê nào phải chết, nó lấy một tấm vải trắng phủ kín. Chúng tôi phải ở với nó trong bệnh viện suốt 4 năm ròng, vì không thể để nó ở đó một mình, nó thậm chí không biết rằng người ta phải sống trong nhà của mình. Những khi chúng tôi được cho về nhà một hai tháng, nó hỏi tôi : “Khi nào thì mình trở về lại bệnh viện hả mẹ?”. Bởi vì, bệnh viện là nơi bạn bè của nó ở, là nơi nó lớn lên mỗi ngày.

Người ta khoét cho nó cái lỗ hậu môn. Và thực hiện phẫu thuật tạo hình cái âm hộ cho con bé. Sau lần phẫu thuật cuối cùng, đường tiểu của nó hoàn toàn không hoạt động nữa, cũng không thể nối ống thông tiểu, các bác sĩ quyết định sẽ phải thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật kế tiếp để giải quyết sự trục trặc đường tiểu. Từ lúc này trở đi, họ khuyên chúng tôi nên đưa con bé ra nước ngoài chạy chữa. Nhưng chúng tôi kiếm đâu ra hàng chục ngàn đô la để trả những chi phí ấy trong khi chồng tôi lãnh lương chỉ có 120 đô la một tháng? Một vị giáo sư ôn tồn bảo chúng tôi : “Với bệnh trạng như vậy, cháu nó sẽ là mục tiêu hấp dẫn cho các nghiên cứu khoa học. Anh chị nên tìm cách liên lạc với các bệnh viện quốc tế xem sao. Chắc là họ sẽ sẵn sàng quan tâm.”. Thế là tôi viết thư liên lạc. {Cố không khóc}. Tôi kể là cứ mỗi nửa tiếng, chúng tôi phải nặn cho nước tiểu ra ngoài bằng một lỗ hổng nhỏ được phẫu thuật trong vùng âm hộ. Có nơi nào trên thế giới mà cứ mỗi nửa tiếng đồng hồ, một bé gái phải được nặn cho nước tiểu chảy ra ngoài? Liệu nó có thể chịu đựng như thế này bao lâu nữa? Không ai biết được kết quả của một lượng nhỏ chất phóng xạ có thể tác động lên cơ thể của một đứa bé như thế nào. Xin hãy đón nhận con tôi, dù chỉ là để làm thí nghiệm nghiên cứu. Tôi không muốn con tôi chết. Tôi sẵn lòng để nó làm con ếch, con thỏ, trong phòng thí nghiệm, miễn là nó còn được sống. {Khóc}. Tôi đã viết hàng chục những lá thư như vậy. Ôi trời ơi!

Nó vẫn chưa hiểu gì về bệnh hoạn của mình, nhưng một ngày nào đó nó sẽ hỏi chúng tôi : Tại sao nó không được giống như những người khác? Tại sao nó không thể yêu thương một người đàn ông? tại sao nó không thể có con? Tại sao đến con bướm còn không bị như nó đã bị? Thế những con chim có bị như vậy không? Tại sao, không ai bị mà chỉ một mình nó bị? Tôi muốn – lẽ ra tôi có thể làm được từ lâu rồi – có được những tờ giấy chứng nhận, để đưa cho nó xem vào ngày nào đó nó lớn lên, rằng không phải lỗi của vợ chồng chúng tôi mà nó nên nông nỗi như vậy, rằng tình yêu của chúng tôi không có trách nhiệm gì trong tình cảnh bi đát này. {Lại cố để không khóc}. Tôi miệt mài tranh đấu trong 4 năm trời – với các viên bác sĩ, với các viên chức hành chánh quan liêu – Tôi đã gõ cửa phòng các nhân vật chức quyền. Cuối cùng, phải mất 4 năm trời ròng rã tôi mới có được trong tay tờ giấy được ký bởi các bác sĩ xác nhận mối quan hệ giữa sự nhiễm phóng xạ (từng liều nhỏ) và tình trạng bệnh tật của con gái tôi. Trong suốt 4 năm ấy, họ từ chối không chịu xác nhận, lúc nào cũng bảo rằng “Con chị bị dị tật bẩm sinh.”. Dị tật bẩm sinh gì? Nó là nạn nhân của Chernobyl! Tôi đã nghiên cứu kỹ dòng tộc gia đình tôi. Chưa bao giờ có tình trạng bệnh tật như thế này xẩy ra cho bất cứ ai trong gia đình tôi. Ai cũng sống thọ đến 80 hoặc 90 tuổi. Ông nội tôi sống thọ đến mãi 94 tuổi. Các bác sĩ bảo : “Chúng tôi đã có lệnh. Chúng tôi chỉ được gọi những trường hợp như thế này là bệnh tổng quát. Trong vòng 20 năm hay 30 năm nữa, khi chúng ta có đủ dữ liệu về Chernobyl, lúc ấy mới được tìm hiểu những quan hệ của chất phóng xạ liên quan đến những chứng bệnh như thế này. Hiện nay thì khoa học chưa có đủ hiểu biết về nó.”.

Nhưng tôi không thể chờ 20 hay 30 năm nữa. Tôi muốn kiện họ ra tòa. Kiện chính quyền ra tòa. Họ cười nhạo báng, bảo tôi là đứa điên. Thời cổ Hy Lạp cũng đã từng có những đứa trẻ dị dạng như thế này mà. Một quan chức còn hét vào mặt tôi : “Chị muốn được hưởng đặc quyền Chernobyl hử? Muốn đòi tiền từ quỹ nạn nhân Chernobyl hử?” Cho đến giờ tôi vẫn không biết được làm thế nào mà tôi có thể kềm chế được mình trong văn phòng của tay cửa quyền ấy.

Có một điều mà đám người ấy không hiểu – không muốn hiểu – Tôi cần được chứng minh rằng không phải lỗi của chúng tôi mà con gái tôi bị như vậy. Hoàn toàn không phải vì chúng tôi yêu nhau. {Mất kiểm soát. Khóc}. Con bé rồi sẽ lớn lên – nó là con gái – Tôi không muốn bà nêu tên nó ra. Ngay cả hàng xóm, ngay cả người ở chung lầu với chúng tôi cũng không biết. Tôi sẽ cho nó mặc áo đầm đẹp, đưa cho con chiếc khăn tay, và người chung quanh chiêm ngưỡng : “Ôi, con bé Katya của chị sao nó đẹp quá!”. Trong khi đó thì tôi thường bắt gặp mình hay nhìn những phụ nữ mang bầu bằng ánh mắt kỳ lạ. Đúng ra chỉ là ánh mắt liếc thật nhanh. Trong tôi những cảm giác pha trộn : ngạc nhiên và hoảng hốt, ganh tỵ và vui sướng, thậm chí cả cảm giác trả thù. Có lần tôi còn thấy mình dường như có cùng một ánh mắt như vậy khi nhìn một con chó có chửa của nhà hàng xóm – cả khi nhìn cái tổ của một con chim.

Đứa con gái bé bỏng của tôi . . .

Larisa Z., Người Mẹ

Độc Thoại

_____________________________

về hình ảnh một đêm trăng

Bỗng nhiên tôi lại băn khoăn tự hỏi : Nhớ hay Quên? điều nào thì tốt hơn? Tôi hỏi các bạn bè của mình. Có người đã quên. Người thì không muốn nhớ, bởi vì có nhớ thì chúng tôi cũng không thể thay đổi được gì. Chúng tôi không thể bỏ nơi đây mà đi.

Đây là những điều mà tôi có thể nhớ. Những ngày đầu sau khi vụ nổ xẩy ra, tất cả những quyển sách ở thư viện nói về chất phóng xạ, về hai quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima và Nagasaki, cả về quang tuyến X, đều biến mất. Có người bảo đó là do lệnh từ bên trên, để tránh cho người dân bị hoảng loạn. Có những câu chuyện tiếu lâm đại loại như nếu lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl có xẩy ra gần vùng quần đảo Papua thì cả thế giới sẽ hoảng sợ chứ còn người dân sống ở Papua thì không. Chẳng có thông báo y tế, chẳng có thông tin nào được phổ biến. Những loại thuốc có thể uống để hạn chế ảnh hưởng của chất phóng xạ trên cơ thể thì rất khó mua, phải cần có người quen làm việc ở các hiệu thuốc. Người tìm được thuốc, thì lại uống quá liều với rượu mạnh, nên phải đến bệnh viện để trục nó ra khỏi ruột. Rồi chúng tôi phát hiện ra một điều là, hễ nơi nào có bóng dáng chim sẻ, bồ câu, thì nơi ấy an toàn để con người sinh sống. Có lần tôi ngồi trong xe tắc xi, người tài xế không hiểu tại sao mấy con chim cứ thi nhau lao vào cửa sổ xe của mình, giống như chúng bị mù, hay hoá điên rồ rồi tìm cách tự sát.

Tôi nhớ lần trở về sau một chuyến đi công tác. Đêm ấy trăng chiếu sáng cả một góc trời. Hai bên đường chạy dài tới tận chân trời là một cánh đồng phủ đầy một loại khoáng chất Dolomite. Lớp đất nhiễm xạ trên mặt cánh đồng đã bị lấy đi chôn ở nơi khác. Thay vào đó họ phủ lên một lớp bột khoáng có tác dụng chống xạ. Quang cảnh trông không giống mặt đất chút nào. Tôi bị ám ảnh bởi cảnh tượng này trong một thời gian dài nên đã cố viết nó thành một câu chuyện. Tôi tưởng tượng điều xẩy ra 100 năm sau : sẽ có con người, hay một sinh vật đại loại, di chuyển với bốn chân sải dài, khuỷu chân cong lại. Ban đêm, sinh vật ấy có thể nhìn thấy mọi vật bằng con mắt thứ ba. Và cái tai duy nhất của nó nằm trên đỉnh đầu có thể nghe được cả tiếng chân kiến chạy. Kiến là sinh vật duy nhất còn sống sót, mọi sinh vật khác đều ở trên trời và quả đất đã bị huỷ diệt.

Tôi gởi truyện ngắn nói trên đến một tờ tạp chí. Họ hồi âm với nhận xét truyện của tôi không phải là một tác phẩm văn chương mà là sự miêu tả một cơn ác mộng. Tất nhiên, tôi không có năng khiếu viết truyện, nhưng vẫn còn có một lý do khác khiến họ không cho đăng tải. Tôi nghĩ vậy.

Tôi thắc mắc tại sao người ta cứ im lặng về tai nạn xẩy ra ở Chernobyl, tại sao các nhà văn của chúng ta không viết nhiều về chủ đề này – trong khi họ thi nhau khai thác đề tài về chiến tranh, về các trại tập trung, nhưng ở đây thì họ cứ im như thóc.

Tại sao vậy? Bà có nghĩ rằng vụ nổ xẩy ra ở Chernobyl là một tai nạn? Giả sử chúng ta chế ngự được hậu quả của Chernobyl, hẳn người ta sẽ nói nhiều về nó. Hoặc chỉ cần người ta hiểu biết hơn về nó. Nhưng chúng ta không ai nắm bắt được ý nghĩa của sự việc. Chúng ta không có khả năng làm việc đó. Chúng ta không thể xếp những gì xẩy ra trong kho kinh nghiệm của nhân loại hay trong biên niên sử của con người.

Vậy thì, điều gì tốt hơn? Quên hay Nhớ?

Yevgeniy Aleksandrovich Brovkin – Giảng viên tại trường đại học Khu Gomel

Độc Thoại

_____________________________

về một người mỗi khi thấy Chúa bị ngã thì răng lại nhức

Lúc ấy, đầu óc tôi bận rộn về một điều khác. Bà sẽ cho là kỳ cục, nhưng quả thật lúc ấy tôi đang chia tay với vợ tôi.

Họ đến thật bất ngờ, cho tôi biết là có một chiếc xe đang chờ sẵn dưới đường. Giống như hồi năm 1937 vậy đó. Cứ đêm xuống là họ vào nhà lôi bọn đàn ông ra khỏi chiếc giường ấm áp của mình. Nhưng rồi cách thức ấy không còn hiệu quả nữa : các bà vợ không chịu ra mở cửa, hoặc họ nói dối là chồng mình không có ở nhà, hiện đang đi làm, hay đi nghỉ đâu đó, hay đang ở dưới quê với cha mẹ . . . Bọn lính sẽ trao cho các bà vợ bản thông báo, ngược lại các bà vợ từ chối nhận. Vậy là họ đi lùng bắt người ở nơi làm việc, trên đường phố hay đang giữa giờ nghỉ ăn trưa tại các công xưởng. Giống hệt như hồi năm 1937.

Hồi đó, tôi đang ở tâm trạng chỉ muốn phát điên. Vợ tôi ngoại tình với người khác, nên với tôi chẳng có gì quan trọng nữa. Tôi bước vào xe của họ. Mấy người đến tìm tôi mặc thường phục, nhưng có dáng dấp của lính trong quân đội. Họ đi kẹp hai bên để tôi đi giữa, rõ ràng là họ lo tôi có thể chạy trốn. Khi ngồi trong xe, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ đến những phi hành gia người Mỹ đã bay lên mặt trăng, một người trong số họ sau này đi tu và một người khác thì phát điên. Tôi đọc thấy các phi hành gia kể lại họ đã trông thấy nhiều thành phố, hình như đó là di tích của con người để lại trên đó. Tôi cũng nhớ đọc báo có tin họ bảo rằng những trạm hạt nhân của mình tuyệt đối an toàn, rằng chúng ta có thể xây một trạm như vậy ngay giữa quãng trường đỏ, chắc chắn là sẽ an toàn hơn cả cái ấm đun nước uống hàng ngày. Chúng như những ngôi sao và chúng ta sẽ dùng chúng để “chiếu sáng” cả quả địa cầu này. Nhưng vợ tôi đã bỏ đi và tôi chỉ bận tâm về điều đó. Đã mấy lần tôi định tự tử. Chúng tôi đi học chung trường mẫu giáo, chung trường trung học, chung cả trường đại học. {Im lặng . Hút thuốc}

Tôi nói với bà rồi. Trong chuyện này chẳng có gì gọi là anh hùng, chẳng có gì hấp dẫn với ngòi bút của nhà văn đâu. Tôi đã có những lúc nghĩ rằng, bây giờ đâu phải là thời chiến, vậy tại sao tôi phải hy sinh mạng sống của mình trong lúc một thằng khác đang ngủ với vợ tôi? tại sao lại phải là tôi, chứ không phải cái thằng đó? Thành thực mà nói, tôi không thấy có gì là anh hùng ở đây cả. Tôi cũng đã thấy mấy tay liều mạng, coi mạng sống của mình không ra kí lô gì. Riêng tôi, tôi thấy mình đã có đủ lý do để điên khùng rồi. Vả chăng, điều ấy là không cần thiết. Tôi được nhận huy chương, phần thưởng – nhưng thực ra là do tôi chán đời quá rồi nên không sợ chết. Quả thật lúc ấy tôi bất cần. Nó còn thậm chí là một lối thoát cho tôi nữa. Họ phủ lên đầu tôi đủ thứ danh dự và chính quyền sau đó phải trả tiền cho tôi nữa đấy!

Ngay lập tức, mình thấy mình hiện hữu trong một thế giới kỳ quái, nơi một thảm họa được báo trước đã gặp gỡ nhân loại thời tiền sử. Với tôi, ý nghĩa ấy còn sắc nét hơn, trơ trụi hơn. Chúng tôi sống trong những cái lều ở ngoài rừng, cách khu lò phản ứng hạt nhân khoảng 20 ki lô mét, như những người lính du kích. Lính du kích là những người được huấn luyện về quân sự. Còn chúng tôi là những người khoảng từ 25 đến 40 tuổi, có người có bằng cấp đại học, có người có bằng kỹ thuật chuyên nghiệp. Chẳng hạn như tôi là thầy giáo dậy Sử. Thay vì súng máy, họ cấp cho chúng tôi những chiếc xẻng. Chúng tôi có nhiệm vụ chôn hàng đống rác và các thứ rau trái trong vườn. Những phụ nữ trong làng nhìn thấy chúng tôi đào lấp bèn làm dấu thánh giá. Chúng tôi trang bị nào là găng tay, ống thở dưỡng khí, áo choàng ngoài giống như bác sĩ giải phẫu. Nắng mặt trời chói chang chiếu xuống. Chúng tôi xuất hiện trong vườn nhà của họ như những bóng ma. Dân làng không hiểu tại sao chúng tôi phải vùi lấp những mảnh vườn của họ. Cả những bụi tỏi, giồng cải, cũng bị xới nát. Trông chúng bình thường như những bụi tỏi, giồng cải trồng bất cứ nơi đâu. Mấy bà cụ già sẽ chỉ biết làm dấu thánh giá rồi nói : “Các con ơi, cái gì thế này? Tận thế rồi sao?”.

Trong nhà, chảo mỡ đang sôi trên bếp. Bà để vào bếp cái máy đo độ nhiễm xạ và phát hiện ra đó không còn là cái bếp nữa, nó đã trở thành lò phản ứng hạt nhân nho nhỏ. Mấy người đàn ông trong nhà bảo : “Này các cậu, ngồi xuống bàn đi.”. Họ muốn tỏ ra thân thiện. Chúng tôi từ chối. Họ lại nói : “Nào, ngồi xuống đi rồi mình uống rượu. Nói cho chúng tôi biết đã xẩy ra chuyện gì nào.”. Chúng tôi sẽ nói gì với họ đây? Tại nhà máy hạt nhân, nhiều người lính cứu hoả đang ra sức dập lửa, những ngọn lửa bừng sáng rực rỡ, họ còn không biết cái gì vừa xẩy ra nữa là.

Biết cái gì nào? Chúng tôi đi thành từng nhóm, mỗi nhóm có một cái máy đo độ nhiễm xạ. Mỗi nơi đều có mức độ nhiễm xạ khác nhau. Có nơi bị nhiễm tới 10 roentgen, có nơi lại chỉ có 2. Một mặt, chúng tôi chẳng ai có quyền hành gì để nói hay không nói, chúng tôi giống như những tên tù. Mặt khác, chúng tôi cũng sợ hãi không kém. Nhưng riêng tôi thì tôi không sợ. Tôi quan sát mọi chuyện như một kẻ đứng bên lề.

Có một nhóm các nhà khoa học đến bằng trực thăng. Họ mặc áo chế tạo bằng loại mủ cao su đặc biệt, đi ủng cao tới gối, mặt đeo kính bảo hộ kín mít. Giống như đang chuẩn bị leo lên mặt trăng. Có một bà già chạy đến, hỏi một người trong bọn họ : “Ông là ai?” “Tôi là nhà khoa học.” “Ồ, nhà khoa học hả! Trông ông ta ăn mặc đỏm dáng chưa kìa! Lại còn đeo mặt nạ kín mít nữa! Thế còn chúng tôi thì sao?”. Rồi bà ta cầm gậy rượt nhà khoa học. Đã nhiều lần tôi tin rằng rồi có ngày dân làng ở đây sẽ đi săn lùng đám khoa học gia như thời Trung Cổ người ta săn lùng các tay thầy thuốc rồi nhận nước cho đến chết.

Tôi từng thấy một người đứng nhìn căn nhà của mình bị chôn vùi dưới hố sâu. {Ngưng}. Chúng tôi ủi sập nhà cửa, giếng nước, cây cối. Rồi vùi hết thẩy xuống hố đất. Tất cả mọi thứ đều bị đập gẫy vụn, bỏ vào các tấm nhựa khổng lồ . . .rồi đào hố chôn. Tôi đã nói rồi, chẳng có gì gọi là anh hùng ở đây cả.

Một hôm chúng tôi làm việc về trễ. Chúng tôi làm một ngày 12 tiếng, không có ngày nghỉ lễ, nên khi về thì trời đã tối, và ban đêm là thời gian duy nhất chúng tôi có thể nghỉ ngơi. Đêm ấy, ngồi trong chiếc xe tăng ủi đất trên đường về, chúng tôi thấy có một người đi trong ngôi làng bị bỏ hoang. Đến gần hơn chút nữa, chúng tôi nhận ra đó là một thanh niên còn trẻ đang vác trên vai tấm thảm. Gần đó có chiếc xe Zhiguli. Chúng tôi ngừng lại, thấy thùng xe chất đầy máy truyền hình, điện thoại nhà. Thế là chiếc tăng ủi của chúng tôi quay đầu lại, cán dẹp chiếc Zhiguli như người ta đè cái hộp soda. Không ai thốt lên một lời nào.

Chúng tôi còn chôn cả một khu rừng. Cây bị cưa ra thành từng khúc dài độ 1 mét rưỡi, rồi bọc chúng trong giấy bóng kính trước khi ném chúng xuống những cái hố đào sẵn. Đêm tôi không ngủ được. Cứ mỗi khi nhắm mắt, tôi lại thấy cái gì đen đen di chuyển, như thể chúng là những sinh vật, những con bọ, con trùng, con nhện, thì phải. Tôi không biết những sinh vật ấy là những con gì, những sinh vật mà người ta gọi là bọ, nhện, trùng, kiến. Chúng có đủ loại, lớn nhỏ, đủ màu sắc, vàng đen. Tôi nhớ có nhà thơ đâu đó đã nói rằng thú vật cũng là một thứ chủng loại người. Như vậy là tôi đã giết chúng, thứ gọi là chủng loại người ấy, hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn mà thậm chí cũng không biết chúng được gọi là gì. Tôi đã thiêu hủy nhà cửa của chúng, những thứ thầm kín của chúng, rồi vùi thật sâu xuống lòng đất.

Leonid Andreev, nhà thơ tôi rất yêu, có một câu chuyện ngụ ngôn về Lazarus, người đã từng trông thấy địa ngục. Sau đó, Lazarus đã trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn, không bao giờ trở lại là con người cũ như những người khác, dù anh ta đã được Chúa cho sống lại.

Có lẽ như thế là đủ rồi phải không? Tôi biết là bà tò mò, những người không ở đó thì luôn tò mò muốn biết cái gì đã xẩy ra. Dù sao, đó cũng vẫn là một thế giới con người. Người ta không thể nào sống trong sự sợ hãi liên tục được, thế nên, từng chút một, người ta cố gắng phục hồi lại cuộc sống bình thường của mình. {Tiếp tục }.Bọn đàn ông uống Vodka, chơi bài, tìm gái, thậm chí tìm cách có con với họ. Họ nói rất nhiều về tiền bạc. Nhưng chúng tôi đến đó không vì tiền. Hoặc đúng hơn không phải tất cả chúng tôi đến đó vì tiền. Chúng tôi làm việc vì đó là bổn phận. Người ta bảo chúng tôi phải làm việc. Thế nên chúng tôi không bao giờ đặt câu hỏi. Có người mong sẽ tìm được sự thăng tiến trong nghề nghiệp khi trở về. Ai cũng hy vọng nhận những đặc quyền như đã được hứa hẹn : Khi về là sẽ có ngay một căn hộ ở chung cư, không phải chờ đợi, không phải tiếp tục sống trong trại lính, con cái sẽ được nhận ưu tiên vào nhà trẻ, có tiền sắm xe hơi. Có anh quá sợ hãi, không chịu ra khỏi lều, lúc nào cũng mặc trên người bộ quần áo bảo hộ làm bằng plastic, kể cả khi ngủ. Đồ chết nhát! Thế là anh ta bị đuổi ra khỏi đảng. Anh ta biện minh : “Tôi muốn sống!”. Đủ loại người có mặt ở đây. Tôi đã gặp cả những phụ nữ tình nguyện đến, yêu cầu được đến. Họ bị từ chối, người ta chỉ cần tài xế, thợ ống nước, lính cứu hỏa thôi, nhưng rồi họ vẫn cứ đến. Đủ hết các loại người. Ban đêm có hàng ngàn người tình nguyện đứng canh gác ở các nhà kho. Cả các nhóm sinh viên làm nhiệm vụ chuyển tiền cho nạn nhân. Hàng trăm người xếp hàng tình nguyện hiến máu và hiến tủy.

Cùng lúc đó, với một chai Vodka bà có thể mua bất cứ thứ gì có ở đó. Chẳng hạn, tấm huân chương hay một ngày được nghỉ ốm ở nhà. Một viên chủ tịch nông trang vác cả thùng Vodka đến biếu các chuyên viên phóng xạ để họ lấy tên làng của ông ta ra khỏi danh sách bị bắt buộc phải di tản. Một ông khác cũng làm thế nhưng là để người ta điền thêm tên làng mình vào danh sách di tản – Ông ta đã được hứa hẹn một căn hộ chung cư có 3 phòng ở Minsk rồi. Chẳng ai buồn xem xét các bản báo cáo về nhiễm xạ. Cái xã hội Nga lúc ấy thì nó như vậy đấy. Chúng tôi đã sống như thế. Có những thứ đã bị xổ toẹt. Một mặt, mình muốn lộn mửa với mọi chuyện. Mặt khác – sao bọn bay không cút đi chỗ khác cho đỡ rách việc?

Họ cho đám sinh viên đến để nhổ cỏ chân ngỗng ngoài đồng. Hay đi gom rơm. Có những cặp vợ chồng trông còn trẻ lắm. Vẫn vừa đi vừa nắm tay nhau. Thật khó lòng ngắm những hình ảnh như vậy. Mà phong cảnh chung quanh lại tuyệt đẹp. Đẹp đến độ không thể tin vào mắt mình. Vì thế, đã kinh hoàng lại càng cảm thấy kinh hoàng thêm vì cái đẹp ấy hiện hữu. Và người ta lại phải bỏ nơi đây mà đi. Chạy trốn giống như những kẻ vừa làm xong việc tàn ác, như những tên tội phạm.

Mỗi ngày đều có báo mới. Tôi chỉ đọc những hàng tít lớn: “Chernobyl – Cái nôi của Thành Tích.” “ Lò phản ứng đã bị chế ngự.” “Cuộc sống vẫn cứ tiến về phía trước.”. Những viên chính ủy tổ chức các cuộc hội thảo. Chúng tôi được lệnh phải chiến thắng bằng mọi giá. Nhưng mà chiến thắng ai đây? phóng xạ nguyên tử? môn Vật lý học? Vũ trụ? Chiến thắng không phải là điều sẽ xẩy đến với chúng tôi như một sự kiện, mà là một tiến trình. Cuộc sống là một trường đấu tranh. Là một chuỗi những khắc phục. Đó là lý do khiến chúng tôi say mê lũ lụt, hỏa hoạn và những thảm họa thiên nhiên khác. Chúng tôi cần những cơ hội để chứng tỏ “lòng can đảm và tính cách anh hùng” của mình.

Các chính ủy tuyên đọc những lời tán tụng trên báo chí về “ý thức chính trị cao và tính tổ chức chặt chẽ” của chúng tôi, về sự kiện chỉ 4 ngày sau khi thảm họa xẩy ra, lá cờ đỏ đã bay phấp phới trên đỉnh lò phản ứng hạt nhân số 4. Màu đỏ chiếu sáng rực rỡ. Một tháng sau chất phóng xạ ăn nát lá cờ. Người ta lại dựng lên lá cờ khác. Cứ thế, mỗi tháng một lá cờ mới. Tôi cố tưởng tượng cảm giác của mấy người lính mỗi khi họ được lệnh leo lên trên mái lò để thay cờ. Đây đúng là một nhiệm vụ tự sát. Bà gọi hiện tượng này là gì? cuồng tín Xô Viết? gương cảm tử? Có điều phải nói thật là, nếu họ đưa cho tôi lá cờ và bảo phải leo lên thay, tôi vẫn sẽ thi hành. Tại sao? tôi không biết. Lúc ấy tôi đâu có sợ chết. Vợ tôi thậm chí còn không buồn gởi thơ cho tôi. Trong suốt 6 tháng trời không hề có một chữ nào.{Ngừng}. Bà muốn nghe một chuyện hài hước không? Có anh tù trốn ra khỏi trại giam, chạy vào nội vi khu 30 ki lô mét quanh nhà máy Chernobyl. Anh ta bị bắt lại, đem đi đo độ nhiễm phóng xạ. Người anh ta cứ “sáng rực“ lên, nên không thể cho anh ta vào tù lại, không thể đưa đi bệnh viện, không thể để anh ta đến gần mọi người.

Sao bà không cười nhỉ?

{Cười}

Khi tôi đến đó, những con chim vẫn còn ở trong tổ. Khi tôi rời khỏi, những trái táo nằm vương vãi trên mặt tuyết. Chúng tôi không có dịp chôn vùi hết tất cả những thứ đó. Chúng tôi đã vùi đất vào trong đất. Cùng với đám bọ rệp, nhện đỉa. Cùng với đám người bị cách ly. Cái thế giới ấy. Đó cũng là ấn tượng mạnh mẽ của tôi về nơi chốn ấy – cùng với lũ bọ rệp.

Tôi vẫn chưa kể hết cho bà nghe mọi điều. Đúng vậy! Chỉ những mảnh vụn được chắp vá lại. Cũng giống như câu chuyện dụ ngôn của Leonid Andreev về một người sống ở Jerusalem, ngồi trong nhà nhìn Chúa vác thánh giá đi ngang qua, anh ta nghe và thấy hết những gì xẩy ra và anh ta nhức răng quá sức. Anh ta nhìn Chúa quỵ ngã với cây thánh giá trên lưng, mỗi lần Chúa ngã là một lần anh ta kêu khóc. Thấy hết, nhưng răng đau quá, anh ta không thể chạy ra ngoài. Hai ngày sau, khi răng của anh ta hết nhức, người ta bảo Chúa đã sống lại. Anh ta bèn tự nhủ : “Mình có thể là một chứng nhân đấy chứ. Chỉ tại răng mình nó nhức quá thôi!”.

Có phải cuộc sống lúc nào cũng như vậy không? Cha tôi đã từng cố thủ Moscow dạo năm 1942. Nhiều năm sau, ông chỉ biết mình góp phần vào sự kiện vĩ đại ấy là nhờ đọc sách và xem phim. Hồi ức của cha tôi chỉ bảo rằng : “Tôi ngồi dưới giao thông hào. Bóp cò súng. Rồi một tiếng nổ lớn vùi tôi dưới đất. Sau đó tôi được lôi ra khỏi đống đổ nát ấy nửa sống nửa chết.”. Chỉ có thế thôi .

Lúc ấy, vợ tôi đã bỏ đi mất.

Arkady Filin, Thanh Lý Viên