Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Phát biểu của Lại Nguyên Ân tại Hội thảo Lý luận Phê bình lần IV

Được phát biểu tại phiên họp chiều 25/6 (Hội thảo Lý luận Phê bình lần IV), tôi nói ba ý:

1/ Từ sau cao trào đổi mới trong nghiên cứu phê bình ta đã đề cập trở lại nhiều hiện tượng, nhân vật, vấn đề của văn học Việt Nam các thời đại trước, song thiết nghĩ đây là việc làm chưa xong, cần làm tiếp. Trong nghiên cứu phê bình, cũng như trong nghiên cứu sử học, ta hay gặp khó khăn khi đánh giá những nhân vật rõ ràng có đóng góp văn hóa, nhưng vì cá nhân họ lại cộng tác với thực dân nên ta băn khoăn về giá trị của họ. Chỗ này, tôi đề xuất một tư tưởng phương pháp luận là nên xem vai trò chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam (và trên thế giới) như công cụ vô thức của tiến bộ lịch sử. Trước khi thực dân Pháp đến Việt Nam, trên đất ta không có đến 1 m2 đường nhựa, không có 1 m2 đường sắt nào; thực dân vào đây đã làm cả đường sắt, đường bộ thành hệ thống; rồi quy hoạch và xây dựng thành phố, thị xã, bến cảng, sân bay, v.v. Đấy chính là công cuộc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng (giao thông, đô thị) cho nước ta. Cùng với đó tất nhiên có công việc hiện đại hóa xã hội ta về văn hóa, giáo dục, đào tạo cho ta thế hệ trí thức hiện đại đầu tiên. Tất cả công cuộc hiện đại hóa ấy thực dân làm một cách cưỡng bức, người Việt Nam có tham gia nhưng không chủ động. Song tóm lại cái thực dân làm trên đất này là hiện đại hóa một đất nước trung cổ. Thế thì những người cộng tác với họ rồi làm văn hóa thì thực ra chẳng có gì chống lại dân tộc mình. Vậy đây nên là cơ sở để nhìn ra công lao của họ.

https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10208242785166158?pnref=story

2/ Ít lâu nay giới nghiên cứu phê bình đôi khi nói đến băn khoăn chưa có tác phẩm đỉnh cao. Tôi cho rằng tác phẩm đỉnh cao là thứ người đương thời với nó khó nhận chân ra nó. Chỉ với thời gian tính bằng mấy chục năm, trăm năm, tác phẩm đỉnh cao mới rõ mặt, tuy đương thời vẫn biết có nó. Trong các xã hội mà sự quản trị, sự cai trị có dựa vào nguyên tắc độc tôn ý thức hệ như xứ ta, thì ta có thể nêu một dấu hiệu cần (chưa phải dấu hiệu đủ) để nhận dạng một tác phẩm có thể là đỉnh cao: ấy là nhà cầm quyền không thể chấp nhận, thừa nhận nó, vì nó chứa những giá trị toàn nhân loại, toàn cầu mà dư luận chính thống xứ mình không thể chấp nhận. Ví dụ "Nỗi buồn chiến tranh" khi in ra có được giải, nhưng lập tức bị ném đá dữ dội; chỉ may có lọt ra ngoài bằng dịch thuật nên không bị nhấn chìm; nhưng tôi thấy giá trị đích thực của tác phẩm này đến nay vẫn chưa tiêu hóa được trong dư luận chính thống. Hoặc "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn, in ra lập tức bị cấm, nhưng phía chính thống không dám đàn áp tác giả, chỉ khéo léo ngăn sách đừng in trong nước. Đây là một tố cáo về cơ chế Gulag ở Việt Nam.

Các xã hội mà sự khoan dung (tolerance) đã thành chuẩn mực của nền cai trị thì khi một tác phẩm có tiềm năng đỉnh cao như thế ra đời, người ta khó thấy triệu chứng hơn, vì nhà cầm quyền sẽ để mặc nó với dư luận, với công chúng.

https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10208242839367513?pnref=story

3/ Câu hỏi cho các vị lãnh đạo hội Nhà văn Việt Nam, các vị trong Ban Tuyên giáo: nghĩ gì, sẽ là gì với đời sống văn nghệ khi Việt Nam tham gia TPP? Ông Tổng Bí thư ta sang Mỹ đã cam kết Việt Nam vào TPP sẽ để cho công nhân lập công đoàn độc lập, cho tự do lập hội, v.v. Có dư luận nói lãnh đạo Việt Nam nói thế với Mỹ cho êm việc ký cót thôi, chứ rồi sẽ giữ yên thế này. Cũng có dư luận nói các thành viên TPP sẽ có biện pháp, có chế tài nếu Việt Nam vi phạm những gì đã cam kết.

Trong tình hình ấy, các cán bộ tuyên giáo nghĩ gì về mô hình các hội độc quyền, nhà nước hóa, hiện tại? Lại thêm dư luận từ giới tài chính cho thấy Việt Nam có 11 triệu người ăn lương từ ngân sách, dân 96 triệu gò cổ đóng góp để nuôi cả những người làm các việc hội đoàn, chuyên cai quản những người viết văn vẽ tranh làm tượng, diễn kịch, v.v. trong khi lẽ ra thuế của dân chỉ để nuôi bộ máy hành chính nhà nước mà thôi.

Thế thì diện mạo hội đoàn văn nghệ dăm ba chục năm tới có thay đổi hay vẫn giữ như bây giờ?

https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10208242867688221?pnref=story