Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Một buổi trưa im nằm đọc lại thơ Nguyễn Đức Sơn

Lê Công Tư

Tặng Trang - Toronto, Canada,

đọc cho vui những tháng ngày xa xứ.

Cuộc đời của Nguyễn Đức Sơn là một cõi riêng không giống bất cứ ai, cô đơn tuyệt đối, tự do tuyệt đối. Cuộc sống riêng tư của anh cũng như của thi sĩ Bùi Giáng thuở nào, dễ khiến ta có cảm tưởng cái kích cỡ con người xem ra quá chật chội với những con người này. Gọi Nguyễn Đức Sơn là một cuồng sĩ cũng đúng, một ẩn sĩ không sai, một thiền giả cũng phải, một gã du côn làm thơ như Rimbaud cũng không trật. Tất cả những tính cách này cộng thêm với sự ngang tàng, khinh bạc – trộn lẫn tất cả những đặc tính này lại chúng ta có cơ may có được một chân dung khá trọn vẹn về nhà thơ này.

Thơ Nguyễn Đức Sơn cũng thế, không thể lầm lẫn với thơ của bất kỳ ai, có thể gây dị ứng với những ai xem thơ như là thế giới của mộng tưởng, thơ mộng, những gì mà tự hồi nào đến giờ vẫn được xem như là bản chất của thơ với những trăng treo, sóng vỗ, mây trôi.

Anh đến thăm em một buổi chiều

Em ngồi em ỉa trong cầu tiêu

Những chuẩn mực thơ mộng của thi ca hầu như bị phá vỡ với hai câu thơ này, và thay vào đó là một thực tế mà không phải một thi sĩ nào cũng đủ can đảm để viết ra. Từ những kinh nghiệm riêng tư cùng những kinh nghiệm có được từ sách vở mà tôi đọc được ở đâu đó, cho phép tôi tin rằng cuộc sống và cả sự sáng tạo có cơ may mở toang những thế giới mới chính là từ sự liều lĩnh, liều lĩnh trong cách sống, liều lĩnh trong sáng tạo. Những sự liều lĩnh có cơ may mở ra những khoang trời lạ, có khả năng làm giàu thi ca và làm đầy cuộc sống. Vẫn chưa ngừng ở đó, hình như anh còn khuyến khích kẻ đến sau cứ ngồi trên mộ của mình mà ỉa nữa, đừng có ngại ngùng gì cả:

Đời sau người có thương ta

Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi

Đường xa xin chớ bồi hồi

Mồ hoang nhảy đại lên ngồi đi cha

Một tính cách như vậy chắc cũng chỉ có ở Nguyễn Đức Sơn. Không chỉ có ỉa thôi, mà còn đái nữa:

- Trên rừng ấy một mình anh hái trái

Đang mơ màng trông thấy quá nhiều chim

Bên mương vắng em vén quần sắp đái

Anh thấy càn khôn rụng xuống trong tim

 

Anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước

Miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi

Ở một đêm bụi cỏ dáng thu người

Em chưa đái mà hồn anh đã ướt

 

Không biết trong mơ em còn mắc cỡ

Một đêm vàng rung động giấc thanh tân

Dưới chăn chiếu thiên nhai lồ lộ mở

Em đái dầm ướt sẫm cả trần gian

 

Giấc khuya đó em bàng hoàng tỉnh dậy

Cả mặt hồ tràn ngập ánh sao băng

Khắp người em máu nóng đang căng

Xao xuyến quá em tuột quần xuống đái

 

- Bắt đầu thở là bắt đầu hạnh phúc

Không bao giờ anh nói dối em đâu

Ôi bất động ngàn năm thân gỗ mục

Cửa tồn sinh em hãy mở cho lâu.

Hầu hết những nền tảng đạo đức mà nhân loại có được là những gì họ nghe được từ những lời rao giảng giữa lòng một giáo đường, giữa lòng một chánh điện, trong một tòa thánh hay miếu mạo nào đó. Rồi ngay cả những lãnh tụ cũng không bao giờ bỏ lỡ dịp để rao giảng một thứ đạo đức chó chết, rác rưởi. Có khi nào ta tự hỏi: “Đâu là đạo đức của thi ca, văn học?”. Có thể nói đạo đức của thi ca, văn học là sự thành thực. Cái vẻ đẹp có được toát ra từ sự thành thực. Tò mò nhìn một phụ nữ vén quần đái rồi làm thơ. Thử hỏi còn cái gì ở trên đời thành thực hơn? Nếu chúng ta thường xuyên bày tỏ sự ghê tởm với một chính quyền hay một ai đó thiếu minh bạch, thì chúng ta phải nghiêng mình trước sự thành thực, bất kể sự thật đó như thế nào của một nhà thơ:

Em đang thay áo trong phòng

Hương xuân bay tỏa sóng lòng tôi đâu

Vú thon quá độ nhiệm màu

Trộm nhìn quên hết ưu sầu thế gian

Kẻ viết bài này vốn là một người để tâm nghiên cứu về tôn giáo nên quen biết các tu sĩ cũng nhiều, đủ để nhận ra rằng từ đạo đức đến đạo đức giả, khoảng cánh này còn mỏng hơn cả một sợi tóc nữa, tất cả những hèn nhát của một cuộc sống ốm đói được bao biện, che chắn đủ mọi cách. Một thứ đạo đức mà Nietzsche đã từng báng bổ, miệt thị trong hầu hết những tác phẩm của ông.

Ám ảnh về thời gian cùng cái chết là hai ám ảnh xuyên suốt nhất trong thơ Nguyễn Đức Sơn, và toàn thể cách sống cùng cuộc đời của nhà thơ này đều được nhào nặn, gợi ý từ hai nỗi ám ảnh này, bất kể cuộc sống đó phải, trái, đúng, sai, hay, dở, lời khen, tiếng chê. Dù gì đi nữa thì anh cũng vẫn phải sống với cái chết treo trước mặt cùng với một chuỗi thời gian dài vô tận sau khi anh vắng mặt. Nói theo kiểu D.H Lawrence, trong Lady Chatterley's Lover: ‘’Ta phải sống, thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sụp’’ (“We've got to live, no matter how many skies have fallen.”).

Không biết từ đâu ta đến đây

Mang mang trời thẳm đất xanh dày

Lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ

Sống điêu linh rồi chết đọa đày

Cuộc sinh tử xem ra khá nặng nề với anh. Không riêng gì với Nguyễn Đức Sơn, nó nặng nề với bất kỳ một ai muốn xác định một ý nghĩa đích thực nào đó cho một lần hiện hữu rồi biến mất. Cái gánh nặng này chỉ có thể được cất xuống lúc ý nghĩa của cuộc sống được nhìn ra:

Dặm về nguyệt tỏa mang mang

Một thân sinh tử hai hàng lệ sa

Tưởng tượng cảnh trần gian sau khi mình rời khỏi, những gì còn lại chỉ là một nấm mồ hoang bên một bờ biển vắng với tiếng sóng ngàn đời, đủ để se lòng bụi cát vực lạnh cồn hoang:

Mai sau này chỗ tôi nằm

Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru

Cái chết rồi cũng được nhìn ra như là một nơi chốn nghỉ ngơi sau một lần với cuộc tồn sinh nửa hư, nửa thực, kể cả hoa trái trần gian lẫn oan khiên nghiệp chướng:

Rồi mai huyệt mộ anh về

Ru nhau gió thổi bốn bề biển xưa

Trăng tà đổ bóng cây thưa

Mộng trần gian đã hái vừa chưa em

Cái chết thật thì vẫn còn trước mặt, chưa rõ hình thù. Mặt mũi nó ra sao thì cứ một mình nằm giả chết trên bờ biển thử coi nó thế nào:

Nghe đời rút xuống xa xăm

Tứ chi rời rã tôi nằm im ru

Dã tràng tưởng giấc ngàn thu

Mon men vài chú đã bu đến rồi

Phiêu phiêu mây bạc trên trời

Đưa tôi về cõi tuyệt vời mai sau

Nỗi cô đơn lạ thường của một con người trước cõi vô cùng của trời cao, đất rộng, sau trước mịt mùng:

Trông lên Thượng Đế đi rồi

Hỏi mây thái cổ con người vân vi

Lối mòn cỏ mọc xanh rì

Ngoài xa kia chẳng có gì nữa sao

Đảo buồn thổi gió lao xao

Ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya

Đọc bài thơ trên dễ nhớ đến một bài thơ Đường của Trần Tử Ngang:

Ai người trước đã qua

Ai người sau chưa tới

Nghĩ trời đất vô cùng

Mình ta tuôn giọt lệ

Nối kết thân phận của mình với thiên nhiên như là một mảnh của toàn thể giữa vô tận đất trời, tất cả chỉ vừa đủ để anh nghe ra một nỗi buồn heo hút giữa gió núi mưa ngàn, một nỗi buồn đượm sắc màu thiên cổ:

Mang mang trời đất tôi đi

Rừng hoang suối lạnh thiếu gì tịch liêu

Tôi về lắng cả buổi chiều

Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh

Gần như không có bất kỳ một thi sĩ nào ở đất nước này có một cuộc sống gần gũi, trọn vẹn, thân tình với thiên nhiên như Nguyễn Đức Sơn. Gắn bó cuộc đời mình với núi, rừng, sông, biển như một người bạn thiết, cho nên không khó để nhận ra sự có mặt của thiên nhiên trong thơ Nguyễn Đức Sơn có một sức hấp dẫn riêng. Anh dán lên hình thù của chúng những ưu tư của mình. Nếu cái thế giới này được nặn ra, được vo tròn, bóp méo theo cách suy nghĩ nào đó của từng người, thì đất, đá, cỏ, cây trong thơ anh cũng thế, chúng cũng lan man buồn như anh vậy. Điều này có thể nhận ra trong hầu hết thơ anh:

- Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi

Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ

Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi

Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô

Chân rục rã tôi đi luồn ra núi

Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

- Biển hoang cồn lạnh tiếp chiều

Đá trơ với đá tôi liều với thơ

Áo quần hai bộ xác xơ

Quạnh hiu dù đến bạc phơ mái đầu

Cạnh chuyện làm thơ, cuộc sống của Nguyễn Đức Sơn trông khá giống một Thiền giả. Nói đến Thiền là nói đến hơi thở cùng cách thở. Những phương pháp tập thở của Yoga nói chung và Thiền nói riêng là những nỗ lực nhằm khai mở những luân xa, những năng lực tối thượng còn tiềm ẩn đâu đó trong cơ thể con người để có thể nhìn ra cái bản thể cùng ý nghĩa đích thực cuộc sống này. Cách thở của hành giả Nguyễn Đức Sơn cũng có chút gì đó khác người:

Đầu tiên tôi thở cái phào

Bao nhiêu phiền não như trào theo ra

Nín hơi tôi thở cái phèo

Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không

Sướng lên tôi thở phập phồng

Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm

Mai sau này chỗ tôi nằm

Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru

Cũng không khó lắm để có thể nhận ra từ thở cái phào cho đến cái phèo là một kẻ đang đùa giỡn với xương máu của mình giữa cái vòng quay mịt mù của một trò chơi sinh tử. Những luân xa đang chờ đợi được mở mắt chắc cũng phải phì cười với cách thở này, kiểu thở của một con người còn nặng nợ áo cơm, sâu dày nghiệp chướng, cho dù với kẻ viết bài này thì không biết bao nhiêu tu sĩ Phật giáo mà đường lối lẫn cung cách tu hành chưa đáng để xách dép cho anh.

Sống như một hành giả, một Thiền giả, chơi thân với Thiền sư Tuệ Sỹ, quen biết Phạm Công Thiện, đang sống với vợ con ở Phương Bối Am, vốn là ngôi chùa cũ của thầy Nhất Hạnh. Trong Nẻo Về Của Ý của Thầy Nhất Hạnh có khá nhiều đoạn mô tả chi tiết về cái chốn này. Cuộc sống của anh ở nơi đây trông khá giống cuộc sống của Thoreau bên hồ Walden. Hơn ai hết Nguyễn Đức Sơn nhìn ra sự suy đồi đến đáy của đạo Phật, nhất là đạo Phật sau 1975:

Về đi thôi kiếm chỗ nằm

Mơ chuông đang nện trăng rằm ngất ngư

Thiền sư ăn thịt Thiền sư

Niết bàn nhiều giống, chân như nhiều nòi

Tâm teo tóp trí cọc còi

Ma đang thuyết pháp, quỷ đòi giảng kinh

Kìa em tịnh thủy một mình

Cửa Không ai viếng, cửa mình tôi thăm

Rồi chân dung của một ai đó tự nhận mình là Thiền sư. Một thứ chân dung vừa đủ để Nguyễn Đức Sơn thất vọng:

Tôi biết nhiều Thiền sư

Rất được lòng quần chúng

Nhờ liên hệ tưởng xa mà gần

Với đủ các loại súng

Toàn thể tư tưởng đại thừa của đạo Phật, nếu phải nói ngắn gọn vào một vài ba chữ, chỉ có thể là những nỗ lực nhằm xác định lại sự tương quan giữa cái Có với cái Không. Nếu có thì có cái gì và không thì không cái gì? Gần như ai ai cũng có thể nhận ra điều này ngay từ lần đầu tiên đọc Bát Nhã Tâm Kinh. Một bài kệ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh có thể ôm trọn gói cái hệ thống tư tưởng này:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông

Có không không có có không là vầy

Còn đây là cái thấy của Nguyễn Đức Sơn về chuyện lý luận không hay có. Với Nguyễn Đức Sơn có ngồi đó mà lý luận cả một đời về không hay có thì cũng chỉ là những lý luận suông. Với đạo Phật đây là một vấn đề cần thực chứng, nếu không chứng, khai ngộ được thì:

Luận về không hay có

Đâu bằng nhìn cái mồng của em

Sắp ló

Không khó lắm để nhận ra những bộ phận kín đáo nhất trong cơ thể một người đàn bà thường xuyên hiện diện trong thơ anh một cách tự nhiên, giống như thơ của thiên hạ thường xuyên có trời, trăng, sao, mây, nước vậy.

Cái lỗ của em

Cùng với cái lỗ huyệt

Mở ra hai đầu sinh tử bất tuyệt

Rải rác đây đó trong thơ anh là :

-Cửa tồn sinh em hãy mở cho lâu

-Cửa Không ai viếng, cửa mình tôi thăm

-Đâu bằng nhìn cái mồng sắp ló của em

-Có dòm sâu tận cửa mình

Cũng không thấy được bóng hình thế gian

Nếu đây là một nỗi ám ảnh không rời của Nguyễn Đức Sơn thì nó cũng bình thường như ai đó cả một đời ám ảnh về tiền nong, công danh, sự nghiệp. Giữa cái cõi phù du mù mịt này, tất cả mọi ám ảnh đều có một chỗ đứng, dự phần làm nên một mảnh ý nghĩa cuộc tồn sinh, nó mở ra thiên đường lẫn địa ngục, thèm khát lẫn chay tịnh, đủ để nguyền rủa hay nói lời cám ơn. Thử nghe lại lời cám ơn của anh :

Cám ơn ghẻ mọc đầy mình

Cám ơn bệnh tật chung tình với ta

Cám ơn dái tróc lòi da

Cám ơn tù dẫn tôi ra khỏi đời

Cám ơn tất cả xa rồi

Hôm nay tôi thấy tôi ngồi bên tôi

Con người ta chỉ quen cám ơn khi tiền của đầy kho, con cái thành đạt. Khi nghe thi sĩ cám ơn những tai ương, tật ách chắc cũng thấy lạ tai, cho dù ai cũng biết, nếu không biết rõ thì cũng mơ hồ biết rằng cái lời tạ ơn cao cả nhất mà con người có được là tạ ơn những tai họa giáng xuống đầu mình như một thứ ơn phước có cơ may mở ra cái cơ hội duy nhất để sự sống có thể thăng hoa. Tất cả những vị Thánh đều vốn là những con người được sinh ra từ những đọa đày, lớn lên từ khổ lụy.

Từ dạo về Bảo Lộc sinh sống, anh có biệt danh là Sơn Núi. Ăn xong tối ngày lui cui trồng thông, bẻ măng, lượm củi, sống không khác chi một người rừng, một ẩn sĩ. Chắc là vô cùng vất vả, cuộc cơm áo chưa bao giờ đùa với khách thơ.

Ở ăn với mẹ mày nhiều

Có trưa hộc máu có chiều trào cơm

Có đêm quẫn trí sôi đờm

Sáng ra cuộc sống quá nhờm con ơi

Ru con cha rống thấu trời

Oan khiên tan giữa cõi đời cho mau

Nếu văn phong cũng là một thứ diện mạo nào đó của một con người thì khó có một thứ diện mạo nào được thể hiện một cách nghiêm khốc như diện mạo của Nguyễn Đức Sơn thể hiện qua văn phong của mình. Lần đầu tiên đọc thơ của anh là vào khoảng năm 1971, lúc đang đi lính ở Vũng Tàu, trại lính nằm gần một bãi biển hoang sau núi Lớn. Những ngày tháng thuở đó buồn tênh, còn biển xanh thì chán ngắt. Đó là những bài lục bát anh viết cho một đứa con còn nhỏ trên tờ tập san Văn. Mấy chục năm sau, nằm đọc lại những bài thơ này bỗng thấy lại giữa những câu thơ là một bãi biển hoang đang trào sóng vỗ vào những năm tháng buồn tênh dạo đó:

Nằm im chớ có vùng vằng

Để cha rơ miệng con bằng mật ong

Bẻ luôn cái lưỡi cho cong

Nói năng lấp liếm mới hòng người nghe

Cái thằng bé đang được cha rơ miệng bằng mật ong vốn là tác phẩm của một lần:

Khi không tao tạo nên mày

Lọt ra từ cõi không ngày không đêm

Xưa kia trên cái bụng mềm

Tao đâu ngờ đã chất thêm lượng sầu

Đất trời đến thuở rụng râu

Có tao hậm hực ngồi khâu cuộc đời

Mấy câu thơ trên dễ khiến ta nhớ hai câu thơ khác cũng của anh:

Nếu ngày kia ở trên đời

Cha tôi không cưới mẹ tôi bây giờ

Nói hậm hực là nói vậy thôi, chứ có những lúc mẹ bế con theo xem cha đốt cỏ ngoài rừng, anh đã để lại những hình ảnh còn đẹp hơn cả thơ nữa:

Xem cha đốt cỏ ngoài rừng

Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con

Có vài chiếc lá còn non

Gió xua lửa khói nổ giòn trên không

Nắng tà trải xuống mênh mông

Bước theo chân mẹ cha bồng hư vô

Chẳng có gì hạnh phúc cho bằng một buổi trưa im nằm đọc lại những bài thơ, bất kỳ của ai, mà nó để lại một ấn tượng trong đầu như một vết chém. Thơ của Nguyễn Đức Sơn thuộc loại này.

Đà Lạt, 21-6-2016

 

clip_image002

Tấm ảnh chụp Nguyễn Đức Sơn với tác giả trong một quán cơm chay ở Đà Lạt.