Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Cách mạng Văn hóa, sau 50 năm

The ecomomist, 14 tháng Năm, 2016

Hiếu Tân dịch

http://www.economist.com/news/china/21698701-china-still-denial-about-its-spiritual-holocaust-it-was-worst-times

Điều tồi tệ nhất của mọi thời đại. Trung Hoa vẫn phủ nhận sự hủy diệt tinh thần của nó

Tháng Hai1970, Zhang Hongbinh, một thiếu niên 16 tuổi tố cáo mẹ cậu với một sĩ quan quân đội trong làng, thuộc tỉnh An Huy, đông Trung Hoa. Cậu luồn một mảnh giấy nhỏ dưới khe cửa của người sĩ quan, tố cáo mẹ cậu phê phán Cách mạng Văn hóa và lãnh tụ của nó, Mao Trạch Đông. Bà bị trói, bị đánh đập công khai và bị hành hình. Nhiều thập niên sau Zhang bắt đầu viết một blog về thảm kịch này, công bố tên tuổi người mẹ và giải thích cái chết của bà đã diễn ra như thế nào. Cậu viết “Tôi muốn nhân dân Trung Hoa nghĩ... làm sao có thể có tấn thảm kịch này... một đứa con đẩy mẹ mình đến chỗ bị hành hình? Và chúng ta làm sao để ngăn chuyện đó xảy ra lần nữa?”. Zhang bị ác mộng liên tục về mẹ của mình. Và Trung hoa cũng vậy, về Cách mạng Văn hóa.

“Hồi kèn xung trận của Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản,” như những tài liệu thời ấy gọi, vang lên lần đầu tiên cách nay 50 năm, ngày 16 tháng Năm 1966, khi Mao duyệt thông báo bí mật tuyên chiến với “những đại diện của giai cấp tư sản” đã “chui vào Đảng Cộng sản, chính phủ, quân đội và nhiều lĩnh vực văn hóa.” Chỉ hơn một năm sau Mao viết cho vợ là Giang Thanh, rằng ông muốn tạo ra một cuộc “thiên hạ đại loạn” để đạt được “thiên hạ đại trị.”

Ông ta chỉ đạt được điều thứ nhất. Giữa 1966 và năm Mao chết 1976, thực tế cũng là chấm dứt Cách mạng Văn hóa, đã có hơn một triệu người chết, nhiều triệu người từ thành thị đến nông thôn bị mất tích khỏi nhà và mười triệu người bị làm nhục, bị tra tấn.

Đảng Cộng sản không muốn kỉ niệm những sự kiện khủng khiếp này, mặc dù nó đã coi Cách mạng Văn hóa là “thảm họa”. Nó sợ khi tìm hiểu kỹ sẽ nảy ra câu hỏi về tính chính đáng của sự thống trị của đảng. Nhưng trên internet vẫn bùng nổ những tranh luận, thậm chí có lúc nổi lên trên các ấn phẩm dòng chính.

Những vết thương vẫn đang rỉ máu. Ngày 2 tháng Năm, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thiên An Môn diễn ra một gala ca nhạc, hát “nhạc đỏ” của thời kì đó, làm bùng lên tranh cãi om xòm trên mạng xã hội. Tập Cận Bình là nạn nhân. Việc Tập yêu Mao, khinh bỉ tư tưởng tự do Tây phương và những chiến dịch tàn nhẫn chống lại các kẻ thù chính trị khiến nhiều người thấy có sự tương tự giữa Trung Hoa ngày nay và Trung Hoa trong những năm cuối cùng của Mao. Cách mạng Văn hóa hôm nay vẫn còn dày vò Trung Hoa.

Với nhiều người nước ngoài, giai đoạn điên rồ này, gây đau thương cho một dân tộc lớn, có thể so với khủng bố năm 1793 ở Pháp, mặc dù cơn ác mộng ấy chỉ kéo dài có mười tháng và số người chết ít hơn nhiều. Cách mạng Văn hóa kéo theo ba năm bạo lực của đám đông ngu độn (mob) và cả một thập niên khủng bố (hoặc nhiều hơn – thậm chí năm 1978, hai năm sau cái chết của Mao, Cách mạng Văn hóa còn được tổng kết là đã “thắng lợi”).

Đó là một thời kì ngu dốt và điên rồ. “Họ đánh cô đến chết bằng dùi cui của họ. Thật vô cùng thỏa mãn.” Một sinh viên đã viết về cô giáo của mình như thế. Nhiều trường trung học và đại học đóng cửa. Khi mở lại, trường Trung học Bắc Kinh số 23 dành nhiều giờ để học tập tấm gương Tư tưởng Mao Trạchđông và Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản, và dành rất ít thời gian cho các kiến thức văn hóa chung (như tiếng Hoa, toán, ngoại ngữ).

Cuộc đấu tranh của trí nhớ

Đó là một thời kì tàn phá. Sự phá hủy các pho tượng cổ của nhà nước Hồi giáo ở thành phố Palmyra, Syri chỉ là sự bắt chước mù quáng những gì đã xảy ra ở Khúc phụ, quê hương Khổng Tử ở đông Trung Hoa, năm 1966. Nhiều nhóm Hồng Vệ binh (lũ thiếu niên Maoist) chiếm miếu thờ Khổng Tử ở đó, và đập phá hoàn toàn. Chúng phá hủy hàng ngàn bản thảo, bia đá cổ và các di tích “phong kiến” khác. Trong số 6.843 di tích văn hóa được xếp hạng ở Bắc Kinh, Hồng Vệ binh phá hủy 4.922.

Trên hết, đó là một thời kỳ chết chóc. Ở Vũ Hán, miền trung Trung Hoa, nơi có 54 nhóm Hồng Vệ binh tranh giành nhau, học sinh trung học được các thủ lĩnh của nhóm trả 50 tệ (khoảng một tháng lương) để giết trẻ con của các phe kẻ thù. “Tôi đã giết năm đứa trẻ con bằng con dao của tôi” một đứa tuổi teen viết. Ở Daxing, trong vùng ngoại vi phía nam Bắc Kinh, 325 người từ các gia đình địa chủ và phú nông bị giết trong một đêm, phần lớn xác bị ném xuống giếng. Một nhà báo Trung Hoa đã đến thăm đây năm 2.000 được người ta kể có bà già và đứa cháu bị chôn sống. “Bà ơi, cát vào mắt cháu,” đứa bé kêu. “Rồi mày sẽ không thấy gì nữa ngay bây giờ,” đó là câu trả lời.

Trong sự kết hợp kinh tởm của căm thù giai cấp với sự trở lại phong tục nguyên thủy, ở Quảng Tây, tỉnh phía nam Trung Hoa, các nạn nhân bị ăn thịt chia theo địa vị. Trong cuốn “Cách mạng Văn hóa: một Lịch sử của Nhân dân”, Frank Dikötter dẫn lời một dân địa phương kể “các lãnh đạo ăn tiệc tim và gan, lẫn với thịt heo, trong khi dân thường chỉ được khoét thịt chân tay các nạn nhân.”

clip_image002

Trò tiêu khiển của nhân dân. Trong ảnh: ba người bị chụp mũ.

Dikötter ước tính có 1 đến 1,5 triệu người bị giết trong bạo lực chính trị trên cả nước Trung Hoa, giữa các năm 1966 và 1976. Một tỉ lệ trên tổng dân số, khi đó là 750 triệu, nhỏ hơn số người bị giết trong cuộc tàn sát ở Indonesia ngay trước khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu. Nó cũng bị lu mờ bởi con số bị giết trong những thời kì bạo lực và tai ương mà trước đó các lãnh đạo Cộng sản bắt Trung Hoa phải chịu. Hàng triệu người đã chết trong các đợt tiêu diệt “địa chủ” và “phản cách mạng”, trong những năm đầu thắng lợi của Mao sau nội chiến những năm 1940. Mười triệu người đã chết trong nạn đói do Mao tạo ra với “Đại Nhảy Vọt” của ông ta cuối những năm 1950.

Nhưng điều làm cho Cách mạng Văn hóa thành bất thường như thế là sự tấn công của nó không chỉ vào cuộc sống mà còn vào những giá trị và chuẩn mực mà nhân dân đã theo nhiều thế kỉ. Một trong những mục đích cốt lõi của nó là tăng tốc xóa bỏ “bốn cái cũ”: phong tục cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và tư tưởng cũ. Nhiều mối liên hệ gia đình, truyền thống văn hóa, và những nguyên tắc Khổng giáo về kính trọng người già và học tất cả đã trở thành những mục tiêu cho cơn cuồng nộ cách mạng của Mao. Ba Kim, một nhà tiểu thuyết, có lần đã gọi Cách mạng Văn hóa là “cuộc hủy diệt tinh thần khủng khiếp”, kéo dài, nhưng có lẽ có thể hiểu được. Trong “Cuộc Cách mạng Cuối cùng của Mao” Roderick MacFarquhar và Michael Schoenhals dẫn lời chủ tịch nói “Con người Hitler thậm chí còn hung ác hơn. Càng hung ác càng tốt, các đồng chí không thấy sao? Các đồng chí càng giết nhiều người, các đồng chí càng cách mạng.”

Nhưng Cách mạng Văn hóa không phải vô chính phủ để mà vô chính phủ. Nó được Mao âm mưu để thanh toán các đội thủ có thực và tưởng tượng của ông ta, và để quét ra khỏi đảng những người nghi ngờ trí tuệ của ông ta. Sau nạn đói, Mao nghĩ ông ta bị gạt ra ngoài. Để tái khẳng định quyền kiểm soát, ông ta kêu gọi sinh viên và công nhân “nã pháo vào các đại bản doanh” tức là tấn công tất cả những người có quyền lực – trừ ông ta và những người mà ông ta ra hiệu rõ ràng là đồng minh của ông ta. Vào năm 1968 gần ba phần tư số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã bị chụp mũ phản bội hoặc phản cách mạng. Trong số đó có Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nước, người mà có lúc Mao đã chọn làm người kế vị ông ta. Nếu Mao coi cuộc cách mạng của ông ta chỉ là phương tiện để đánh bại các đối thủ của mình, thì có lẽ ông ta đã dừng ở đó. Nhưng ông ta muốn đi xa hơn. Theo Trần Bá Đạt, thư kí của Mao đầu những năm 1950 và sau đó là nhà tuyên truyền chủ yếu của Cách mạng Văn hóa, Mao nghĩ rằng khi sửa lại một cái sai, người ta phải “đi quá những giới hạn đúng đắn.” Ông ta đã làm thế nhiều lần.

Đại loạn trong thiên hạ.

Hầu như tất cả các nước đều có đấu tranh để nhìn nhận những thời kì đen tối trong lịch sử của họ. Nhật Bản chẳng hạn, đã không hoàn toàn thừa nhận sự hung bạo của nó trong chiến tranh. Trung Hoa không phải ngoại lệ. Cả chính phủ lẫn nhân dân vật lộn với câu chuyện về Cách mạng Văn hóa.

Đối với nhiều người trẻ vào thời ấy, Cách mạng Văn hóa là trải nghiệm ghê rợn, một thời kì mà những người cầm quyền bị làm nhục và công nhân nông dân được cổ võ nói thẳng nói thật (chừng nào họ ủng hộ Mao); khi sinh viên có thể đi xe lửa không mất tiền và gặp các đồng chí của mình từ các địa phương khác đến.

Zhang Baohua thành viên của một nhóm cổ võ chủ nghĩa Mao chính thống qua một website ở Trung Hoa gọi là Utopia, gần đây viết về phái tả của Trung Hoa hiện đại kỉ niệm các thành tựu của Cách mạng Văn hóa bằng các hội thảo, bài thuyết trình và các sự kiện công khai khác. Anh ta thừa nhận họ đang cố giữ ôn hoà không ồn ào quá, để chính phủ không ngăn chặn họ.

Nhiều lãnh đạo ngày nay đã có nhiều năm trưởng thành trong Cách mạng Văn hóa. Trong số bảy ủy viên Thường vụ Bộ chính trị cơ quan cao nhất của đảng, bốn người đã chia sẻ kinh nghiệm của chủ tịch Tập bị đày về nông thôn để “học tập nông dân,” bao gồm: thủ tướng Lý Khắc Cường; trưởng ban tư tưởng Liu Yunshan, trưởng ban chống tham nhũng Wang Qishan. Một người khác Yu Zhengsheng, có chị tự sát sau khi bị bạn cùng trường hành hạ. Chị cùng cha khác mẹ của Tập cũng tự sát.

Nhiều kẻ thủ ác vẫn sống, quá nhiều vụ cần truy tố. Hàng triệu người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Những kẻ ngược đãi người khác đến lượt chúng bị ngược đãi. Trong một thế hệ thiếu niên có giáo dục bị đưa về nông thôn có những kẻ từng là cuồng tín tệ hại. Việc bị đuổi về nông thôn ấy đối với một số người là giải thoát, với số khác là đày đoạ. Những cô gái bị cưỡng hiếp; nhiều cô gái cậu trai bị đói. Không lạ là nhiều người Trung Hoa già không muốn sống lại những kí ức ấy.

Thomas Plankers, một nhà tâm lí học người Đức trong cuốn “Cảnh quan tâm hồn của người Trung Hoa” đã nhận xét rằng, trong một số nước nơi nhân dân đã chấp nhận đối mặt với thời kì đen tối trong lịch sử của họ, các nhà sử học và các trí thức của công chúng đã đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục sự ngại ngần của các chính trị gia và dân thường để nói ra một cách cởi mở. Quá trình này đã không diễn ra ở Trung Hoa.

Một lí do của sự im lặng đó là tính trầm lặng. Lí do khác là địa vị độc tôn của Mao. Trong khi ở Liên Xô cũ, kẻ thủ phạm khủng bố chính là Joseph Stalin không phải là người sáng lập nhà nước Cộng sản (người đó là Vladimir Lenin) thì ở Trung Hoa, Mao là cả hai. Vào cuối đời, ông ta mô tả hai thành tựu đáng tự hào nhất là thành lập nước Trung Hoa Cộng sản và phát động Cách mạng Văn hóa. Không thể tách cái này khỏi cái kia.

Đặng Tiểu Bình đã nói năm 1981, “Làm mất uy tín Đồng chí Mao Trạch Đông có nghĩa là làm mất uy tín của đảng và nhà nước ta.”

Điều đó không được dung tha, bởi vậy, những sử gia chính thống, với sự hướng dẫn của Đặng, đã pha chế ra một công thức kỹ càng. Năm 1981 Ban Chấp hành Trung ương xuất bản một “Nghị quyết về một số Vấn đề trong Lịch sử của Đảng ta”. Nó lập luận rằng Mao đã “khởi xướng và lãnh đạo” Cách mạng Văn hóa mà nó gọi là một “sai lầm nghiêm trọng”. Nhưng về phía Lâm Bưu [người kế vị được Mao chọn 1968-71], Giang Thanh và những người khác... vấn đề có một bản chất hoàn toàn khác. Họ đã phạm nhiều tội ác sau lưng [Mao], mang thảm họa đến cho đất nước và nhân dân.” Và sau khi đã khẳng định thế, Đặng nói ông ta hi vọng tranh cãi vể những vấn đề lớn của lịch sử sẽ kết thúc. Đó là một loại luật im lặng (omerta) lịch sử.

Và nó hầu như đã được tôn trọng. Một ít hồi kí được xuất bản. Cuối những năm 1970, một loại văn học được gọi là “vết sẹo” xuất hiện, trong đó các nhà văn cố tìm cách mô tả các trải nghiệm của họ. Và hồi tháng Ba, Vương Mông, cựu Bộ trưởng Văn hóa dưới thời Đặng, đã viết trong Yanhuang Chunqiu, một tạp chí cải cách, rằng Trung Hoa chịu trách nhiệm “không thể thoái thác” giải thích chính trị về Cách mạng Văn hóa. “Nhân dân Trung Hoa phải làm việc này, Đảng Cộng sản Trung Hoa phải làm việc này, các học giả Trung Hoa phải làm việc này. Đó là nghĩa vụ của nhân dân Trung Hoa đối với lịch sử và với thế giới.”

Nhưng thảo luận công khai thì hiếm. Hầu hết các sử gia Trung Hoa lèo lái tránh viết về thời kì này. Nghĩa trang Shapingba ở tây nam thành phố Chongqing là địa điểm dành cho những người chết của Cách mạng Văn hóa, mang tượng đài hàng trăm Hồng Vệ binh, phần lớn bị giết khi đánh nhau với các phe phái khác. Nó bị đóng cửa phần lớn thời gian trong năm. Các viện bảo tàng che đậy thời kì này. Và năm nay các lãnh đạo Trung Hoa, những người thích cử hành các lễ kỉ niệm vào mọi dịp, đã phủ một bức màn im lặng lên thập niên này.

clip_image004

Dòng thời gian Cách mạng Văn hóa

THỜI KÌ HỒNG VỆ BINH [Tháng Tám 1966 - Tháng Chín 1967]

1966

Tháng Năm

- Thông báo 16 Tháng Năm 1966

- Nổi loạn trong các trường Đại học. Những cuộc tập hợp lớn đầu tiên.

Tháng Tám

- Lâm Bưu được thăng chức

- Lưu Thiếukỳ, Đặng Tiểubình bị giáng chức.

1967

Tháng Bảy

- Sự kiện Vũ Hán

Tháng Chín

- Mao ra lệnh PLA đàn áp Hồng Vệ binh

UY THẾ CỦA QUÂN GIẢI PHÓNG NHÂN DÂN [Tháng Tám 1968 - Tháng Chín 1971]

1968

Tháng Mười

- Lưu Thiếu Kỳ bị thanh trừng, chết sau khi bị tra tấn

Tháng Mười Hai

- Mao chỉ thị Hồng Vệ binh về nông thôn để “giáo dục lại”

1969

Tháng Tư

- Lâm Bưu được xác định kế vị Mao

1971

Tháng Bảy

- Henry Kissinger bí mật đến Trung Hoa

Tháng Chín

- “Tai nạn” Lâm Bưu

1972

Tháng Hai

- Richard Nixon thăm Trung Hoa

1973

Tháng Ba

- Đặng Tiểu Bình được phục hồi

Tháng Tám

- Mao chỉ định Vương Hồng Văn kế vị

LŨ BỐN TÊN [Tháng Tám 1973 - Tháng Chín 1976]

1974

Tháng Một

- Phê Lâm phê Khổng, chiến dịch chống Chu Ân Lai.

1975

Tháng Hai

- Đặng Tiểu Bình bắt đầu khôi phục kinh tế

1976

Tháng Một

- Chu Ân Lai chết

Tháng Tư

- Hoa Quốc Phong được chỉ định làm thủ tướng. Đặng bị thanh trừng lần thứ hai.

Tháng Chín

- Mao chết

Tháng Mười

- Lũ Bốn tên bị bắt

Nguồn: The Economist

Cho dù Cách mạng Văn hóa về mặt chính thức có bị phớt lờ đến đâu chăng nữa, nó vẫn phủ một cái bóng dài. Sự ghê tởm phổ biến của nó mở đường tiến lên cho chủ nghĩa thực dụng dẫn dắt bởi Đặng Tiểu Bình, người mở ra những cải cách kinh tế và xã hội. Nhưng nó cũng giúp cho sự giải mê chính trị lan rộng hơn; Rana Mitter, một nhà sử học tại Đại học Oxford, nhận xét rằng các thế hệ già đã chịu đau khổ dưới những chiến dịch chính trị vô tận và những chính sách tráo trở của Mao đã truyền sự vỡ mộng của họ cho thế hệ trẻ. Plankers thì gợi ý rằng có lẽ nhân dân Trung Hoa đã quyết định một cách bất thường là tìm thành công trong kinh doanh phần nào cũng để bảo vệ họ khỏi cái ẩu của chính quyền thể hiện trong Cách mạng Văn hóa.

Di sản hư hỏng

Tuy nhiên phản ứng chống lại một thập niên trong đó hệ tư tưởng bịa đặt ra để lừa bịp tất cả đã không giúp nổi các lãnh đạo Trung Hoa nghĩ sâu hơn về cách tránh những thất thường tàn hại của quyền lực không bị kiềm chế. Trong một phê phán hiếm hoi sự thiếu hụt này, thủ tướng Trung Hoa lúc đó là Ôn Gia Bảo năm 2012 đã cảnh báo rằng nếu không có cải cách chính trị thắng lợi, “những thảm kịch chính trị như Cách mạng Văn hóa có thể xảy ra lần nữa ở Trung Hoa.”

Bạo lực chính trị của Cách mạng Văn hóa và nhiều quan chức bị nó biến thành nạn nhân có thể giải thích tại sao việc tự do hoá nền kinh tế ở Trung Hoa không đi kèm với mở rộng dân chủ. Đối với người phương Tây, những sinh viên chống đối ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 có lẽ cách xa hàng triệu dặm những Hồng Vệ binh trước đó hai thập niên tập hợp ở đó để hét vang những khẩu hiệu của Mao. Nhưng đối với những lãnh đạo Trung Hoa, luôn luôn có một mối liên hệ, rằng Cách mạng Văn hóa là một kiểu “đại dân chủ” (như Mao gọi nó) trong đó hhững người dân thường được cho quyền lật đổ những quan chức họ ghét. Những sinh viên năm 1989 có thể không phải là những kẻ sùng bái Mao, nhưng nếu cho họ một cơ hội, họ có thể đã hành động đúng như những Hồng Vệ binh, theo logic của quan lại Trung Hoa – có hỗn loạn thì trả thù nổi lên. Họ không tạo ra chứng cứ nào cả. Họ không cần. Cơn ác mộng của Cách mạng Văn hóa tiếp tục quấy rối giấc mơ về nền dân chủ Trung Hoa.