Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Thơ Ngu Yên

==================================
Ernest Hemingway
Chờ Người Mất Ngủ Đi Ăn Khuya
Bướm đêm, kêu vo ve, tìm máu.
Trăn trở, xuống bar Brazil, tìm nhạc.
Quán ít người.
Nhưng khách vô hình đông vô số.
- Ông dùng gì?
- Cho ly Chết Giữa Chiều Hôm(1)
- Ông ăn tối không?
- Súp Chuông Gọi Hồn Ai với một đĩa Ngư Ông và Biển Cả (2)
Như thường lệ, tôi ngồi góc này. Nhìn cả quán, một trần gian thâu nhỏ. Enter là sinh. Exit là tử.
Góc kia, Hemingway viết tiểu thuyết, truyện ngắn và làm thơ. Sáng tạo thế giới ảo trong thế giới thật. Người ảo sống không cần đời. Người ảo chết, không cần đất chôn. Chuông ảo gọi hồn , tác giả tự vẫn. Góc đó, Hemingway ngồi mỗi đêm. Tiếng ông xa vắng, đọc từ lòng sâu:
" Nhiều người sinh ra trong xiềng xích
Không hối tiếc nhưng chán chường
Quá chán đời khiến vấp ngã.
Chấm dứt suy tư và hận thù
Chấm dứt nghĩ ngợi và chiến đấu
Chấm dứt hy vọng và rút lui.
Điều trị cần kiên tâm tận lực,
Chịu chết dễ dàng hơn ". (3)
Thức ăn vơi, ước mơ bao tử nhỏ bé, nhưng bao trùm đại mộng làm người. Bỏ tiền vào máy nhạc, nghe bài ca khóc hồn: Cry Me A River.
Diana Krall hát, Hemingway đọc thơ, thế giới mù mờ theo ngọn nến, chập chờn thêm âm u.
Món ăn chính: Biển cả, nhà Phật gọi bể khổ. Nước mắt và bọt sóng, mặn cùng nguyên nhân. Đầu bếp pha thêm tương đường chanh ớt. Hạnh phúc cay chua ngọt đắng ở đầu lưỡi, đều hóa thành máu, từ bao tử về tim. Ngư ông, lột da tầm thường, rám nắng siêu nhân, ra biển tìm ác mộng. Mộng bình thường cho người bình thường, quá chán.
Bơi mỗi ngày, vì đâu chưa quen nước mặn? Đầu bếp xào ngư ông với cá và noãn sào. Ăn cá, không ai ăn xương.
Hemingway đứng lên, tay kéo bộ xương cá voi. Nói với bồi bàn, biển là đời sống, đẹp và hung hiểm. Cá voi là ước mơ, lớn và khó săn. Đổi một đời bắt được, cuối cùng chỉ còn xương. Bạn có muốn lấy, miễn phí? Anh bồi không hiểu, vì sao gió thổi mát cả tai.
Bên kia, Tô Đông Pha uống Cognac. Ngồi với Hàn mặc Tử, Pablo Neruda và Paul Valery. Họ uống cà phê cho khỏi ngủ và thì thầm những chuyện trăm năm.
Đông Pha nói tiếng Quảng. Valery nói tiếng Tây. Neruda nói tiếng Xì. Không thông ngôn, không dịch thuật. Cả ba bàn về thơ khủng bố. Thi sĩ cũng khủng bố sao? Thơ không chừa ai, kể cả Al-Qaeda.
Trong góc tối William Shakespeare tán tỉnh Đoàn thị Điểm. William Faulkner uất hận uống rượu nho pha whisky. Những kẻ quay lưng không biết là ai. Những kẻ mập mờ không thấy rõ mặt. Tiếng Nguyễn Du dễ nhận ra. Ông gõ nhịp ả đào hát theo Jazz:
" Nói bây giờ anh cô độc
Từng đêm khóc thương nhớ người
Dù anh vì em khóc than, cũng không làm em hối tiếc
Đã không còn trái tim dành yêu anh..." (4)
Sylvia Plath nghe Nguyễn Du, ánh mắt buồn vô vọng như Thúy Kiều. Bà không may mắn gặp sư Giác Duyên. Đành chết vì yêu.
Chết. Ai mà không sợ. Hemingway không sợ. Ông không sợ súng đạn. Phải chăng chết vì văn chương?
Văn chương càng viết càng lâm nguy vì càng viết càng giả tạo. Không thể chấm dứt nguồn đam mê của chữ. Thế giới ảo lôi cuốn không ngừng. Thế giới ảo cho nhà văn quyền lực, được vinh danh. Quyền lực khiến nhà văn bất tử, được mê cuồng. Làm sao cam tâm chấm dứt?
Chỉ có thể chấm dứt thế giới thật.
Anh bồi thở dật dờ. Một nhóm khách rù rì, những con ruồi khuya chán nơi cư trú. Tụ vào ly rượu và ngôn từ dơi đêm. Chen lấn giữa các danh nhân ẩn hiện. Họ không quan tâm thế giới song hành. Trước sau gì cũng dọn qua.
Một nhóm khác, nhà văn. Đang bàn chuyện làm báo. Một phong trào văn học. Một mạng lưới nghệ thuật. Một đỉnh cao ngôi sao. Một dòng thơ về biển. Ngôn ngữ họ bất tận. Bốn giờ thảo luận chưa đồng lòng tên báo.
Ông Hemingway trong toilet đi ra, dừng lại nhắc nhở: Bên kia không ai làm báo. Thậm chí không có văn chương. Chỉ đọc vàng mã. Họ không nghe. Hemingway ngao ngán, thở dài, làm tắt nến. Các nhà văn lại đốt đèn. Bàn chuyện then chốt: Ai viết?
Cặp tình nhân, ăn chậm.
Ông cô độc, ly vẫn đầy.
Mở bọc, lấy chai rượu đế. Hemingway tuyên bố, thay gu, uống rượu Á Châu. Rót cho F.Scott Fitzgerald, James Joyce, Ezra Pound, mỗi người một ly đầy. Một, hai, ba, họ nốc cạn. Rồi tan vào âm u. Anh bồi dọn bàn, không biết vì sao có chai rượu lạ.
Không ai bỏ tiền vào máy. Không còn nhạc. Tiếng chuyện trò về khuya như gió rung giậu cây. Dường như đã quá giờ về cõi. Mọi người vô hình đã bỏ đi.
Cửa mở. Gió lò. Cô gái gọi về sớm. Sương còn nhớt háng khuya. Gọi một ly sửa nóng. Không thấy Henry Miller.
Tiếp theo, nhóm người đi làm sớm, đều gọi cà phê, bánh mì. Câu chuyện thời sự sôi sục. Dường như Hoa Kỳ chuẩn bị tấn công Iran. Down Jones khủng hoảng tụt dốc.
Quán mở suốt đêm ngày.
Enter là sinh.
Exit là tử.
Ghi:
(1) Chết Giữa Chiều Hôm là sâm banh pha với absinthe, Hemingway sáng chế trong truyện Death in the Afternoon, 1932.
(2) Các tác phẩm của Hemingway: For Whom the Bell Tolls-1940, The Old Man and the Sea-1952.
(3) Captives của Ernest Hemingway.
Some came in chains / Unrepentant but tired. / Too tired but to stumble. /Thinking and hating were finished / Thinking and fighting were finished / Retreating and hoping were finished. / Cures thus a long campaign,/ Making death easy. Dịch theo ý bài thơ: Hemingway chờ người mất ngủ đi ăn khuya.
(4) Cry Me A River: Now you say you're lonely / You cried the long night through / Well, you can cry me a river, cry me a river / I cried a river over you...




Bình Minh Lõa Thể

Sớm, gió biển lạnh vào tận chiêm bao, đánh thức.
Cầm cà phê theo dấu dã tràng tìm bước Basho.
Sóng chạy ra khơi réo gọi bình minh đến chậm.
Sóng vỗ vào bờ từ chối giã từ ánh trăng.
Không tư tưởng đời sống bất an vì thú tính.
Có tư tưởng đời sống bất an vì thiêng liêng.
Không y phục người bất an trần truồng xấu hổ.
Có y phục người bất an che giấu hóa trang.
Có lẽ, nên khỏa thân cùng thiên nhiên ra biển.
Tìm  thói quen khác giữa y phục hỏi trần truồng.

Bãi khỏa thân có từ ngàn xưa, người tiền sử đến trước, không hề phạm thuần phong mỹ tục. Người văn minh đến sau, lén lút, luật lệ, phệ phán, cản rào.
Basho đi khắp bãi, có áo quần như không có. Người trần truồng như có áo quần. Gió thổi mạnh, lọt qua háng, rít lên, vừa đủ tự nghe. Cảm giác lạnh  mênh mông nơi hạ bộ.
Bãi khỏa thân đã 5 giờ sáng.

- " Good morning Jaques, Ferdinand, Michel, Roland, Maurice, Gilles... Cá mập chưa thức dậy, hải âu chưa săn mồi, phụ nữ còn ngái ngủ, các bạn làm gì ở đây? Vẫn tiền phong gió bấc? Vẫn Napoleon thôn tính toàn cầu?" (1)
- " Chúng tôi tranh luận ngôn ngữ khỏa thân. Còn bạn? Vẫn suy tư, không gia nhập? Mặt trời sớm muộn sẽ mọc. Ánh sáng sẽ soi rõ thân thể trần truồng. Ý không còn chỗ núp sau chữ."
- " 意在言外, cổ nhân nói đã lâu. Ý tại ngôn ngoại, chữ là bóng, ý là hình. Hình thật, bóng giả."
- " Một ví dụ lầm lẫn. Chữ tiếp cận. Ý mơ hồ, thường đến từ cội nguồn tri cảm. Thấy thể xác rõ ràng khi khỏa thân, bạn có thấy linh hồn?"
- " Vì sao người ta an toàn trần truồng trên giường ngủ, trong nhà vắng? Phải che kín khi ra ngoài? Vì nhiều mắt? Vì tôn giáo? Hay vì lời nói? Câu trả lời xa vời y phục và khỏa thân."
- " Trần truồng cho cảm xúc. Áo quần cho cảm tưởng. Không ai biết rõ lý do. Chỉ biết trần truồng hay y phục.
- "Vì gió thổi nên gió xuất hiện, hay vì xuất hiện nên gió thổi? Bạn muốn nói, ' tôi suy nghĩ vậy tôi hiện hữu ' là sai?" (2)
Ông cụ đi qua, đứng lại, lên tiếng: - " Dục là rễ; ý là nhựa, chữ là cây cành hoa trái lá. Gió xuất hiện và thổi vì bão tố đã qua rồi sắp đến. Chữ cùng ý để biểu đạt cái muốn, như bạn đang khỏa thân."
Tất cả đều trần truồng trừ ông cụ; mang bọc dài, đong đưa. Sợ chấm đất khi ngồi.
- " Cụ Sigmund (3), sự thật ở đâu: Sóng xuất hiện cho biết biển động. Biển động cho biết trái đất xoay. Trái đất xoay cho biết vũ trụ sống. Vũ trụ sống cho biết điều gì? Sóng táp vào bờ là chữ tràn lên giấy. Đâu là sự thật?"
Bình minh xuất hiện. Những thân xác trung thực vẽ đường cong trên nền ánh sáng. Phụ nữ di động thành hoa nở lộng lẫy đường chân trời. Bóng đàn ông như cây dừa, bụi dứa, lùm cây.
Lông, loại y phục thiên nhiên nhiều kiểu mẫu. Trần truồng chưa hẳn đã khỏa thân. Rồi cạo sạch, thẩm mỹ nhân tạo, thay đổi thiên nhiên, phải chăng là tái tạo mỹ niệm làm người?
Thiếu nữ gây mỹ cảm dâng cao, gây dâm dục biến động. Bụng phệ làm cảm giác chìm xuống. Vú thòng khiến cảm khái tâm tư. Tất cả thấy rõ như sóng vỗ, hải âu bay, mây trôi nổi.
Ông cụ đi quá xa, bóng chạy ngược về hiện tại. Gối đầu lên bụng Saussure. Nằm vắt ngang Foucault, Barthes. Bóng tay phe phẩy như hẹn trở về.
Phía xa, trên ngọn núi, ngôi chùa có tượng Phật đứng cao, nhìn xuống. Phải chăng dục là nguồn khổ lụy? Hay chữ vận tải khổ đau?

Ghi:
(1) Jaques Derrida (1930-2004); Ferdinand Saussure (1875-1913); Michel Foucault (1926-1984); Roland Barthes (1915-1980); Maurice C. Blanchot (1907-2003); Gilles Deleuze (1925-1995). Một thế hệ triết gia Pháp nổi lên giữa thế kỷ 20, trở thành những phong trào tư tưởng dẫn thế giới bước vào thế kỷ 21.
(2) Câu nói bất hủ của Descartes: Je pense donc je suis.
(3) Sigmund Freud.



Giữa Buổi Thuyết Trình của Jaques Derrida

Đừng thuyết trình dài quá. Đừng nói hăng hái quá. Đừng xung động nhiều quá. Ông Jaques Derrida, hãy ngồi xuống nghỉ ngơi.
Từ từ, gấp quá, dân tôi không hiểu.
Họ không thể tin bốn ngàn năm ngôn ngữ, vượt Mườn cổ, Hán Việt, tiếng Nôm đến Quốc ngữ, lại sai lầm.
Làm sao họ có thể tin những gì họ nói rành rành lịch sử lại không phải ý của họ.
Nói sao? Ngôn Ngữ phản bội ngôn ngữ?
Ngôn ngữ uy hiếp con người?
Ngôn ngữ tạo ra hiểu biết?
Ông có thấy họ đang giận dữ? Sắp tràn lên đây, vật tôi xuống, đạp lên tôi, túm lấy ông. Bị treo cổ hay chặt đầu, có difference hay differAnce gì? (1)
Hàng ngày, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình, nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà kinh tế... nhất là nhà lãnh đạo, nói và viết, chẳng lúc nào ngơi. Ông phê phán họ nói ngôn ngữ giả, viết ngôn từ trá hình. Lời nói mâu thuẫn lời nói. Lời viết dị biệt tâm tư. Ông vô hiệu toàn bộ niềm tin. Sẽ không ai tha thứ cho ông.
Dân tôi thà sai lầm, thà không tiến bộ, thà chịu tụt hậu, sẽ không thay đổi.
Dù ông có mơ, "... cây bút là ống tiêm thuốc..." (2) cũng vô ích. Dân tôi không có bệnh. Ho gà không phải nan y, sẽ không có ai chết.
Hãy ngồi xuống, ông Derrida, trong lòng dân tôi, đúng hay sai không quan trọng. Hãy tập chào cúi đầu, chắp tay. Hãy tập cười cầu tài. Hãy làm cho họ thích ông trước đã.
Dân tôi sống và chết theo nhiều huyền thoại.

(1) DifferAnce, chữ mới do Derrida tạo ra để so với chữ Difference. Việc này tạo thành trào lưu tranh cãi rồi thể hiện trong căn bản của Giải Cấu Trúc.

(2) " I always dream of a pen that would be a syringe." Jaques Derrida.




Ở Đâu Không Cần Ngôn Ngữ

Tôi chuyển emails người chết.
Thông tin từ thế giới bên kia.
Từ những nhà văn hiện đại như Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Tạ Tỵ, Vũ Khắc Khoan, Bình Nguyên Lộc, ... và.... Nguyễn Xuân Hoàng.
Từ những nhà thơ tên tuổi như Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Vô Ngã, ... và ... Bùi Giáng.
Tóm lại rằng:
Bên kia không tiếng nói. Tất cả linh hồn tự nhiên hiểu biết trước sau, không lý luận, không giải thích, không nghi ngờ. Chỉ có điều không hiểu: Đó là vì sao họ hiểu.
Bên kia không chữ viết. Đúng sai, đẹp xấu, thiện ác, đều rõ ràng. Viết để làm gì.
Hơn nữa, không nhà in, không giấy mực, không chủ bút, không quảng cáo, không người đọc. Viết cho ai.
Bên kia không ngôn ngữ.
Ngôn ngữ sinh ra vì sống không thể câm.
Ngôn ngữ dành riêng cho ngu dốt.
Ngôn ngữ khiến người hoang tưởng thông minh. .
Bên kia không ước mơ, không chí lớn, không nhu cầu.Tất cả linh hồn đều không mắt, không thấy không nghe không ăn không uống, chỉ có miệng nhưng không biết làm gì. Bên kia hoàn toàn im lặng.
Im lặng, loại ngôn ngữ mập mờ giữa ngu đần và thông thái; giữa phản đối và vâng lời, giữa chờ đợi và tuyệt vọng. Im lặng của chết là không thể nói gì vì quá cả tin.
Những emails chết không viết bằng ngôn ngữ, chỉ enter bởi nhịp tim và delete qua hơi thở.
Tôi tiếp tục đúc kết thông tin hiếm quí từ đời sau gửi qua. Những kẻ sống dùng ngôn ngữ phổ biến sợ hãi về cõi chết. Họ cần tin nóng, tin giờ chót, tin khẩn trương.

Tôi đọc emails người chết mỗi nửa đêm, trên màn ảnh tam tinh, sau khi tắt máy.



Suy Nghĩ Về Điều Gì Không Thể Nói.

Ông cảm thấy mông càng ngày càng lớn. Năm ngoái, đã lớn hơn mông vợ.
Bác sĩ khám không thấy bệnh. Không ai biết vì sao?
Ông biết.
Vì dương vật  teo lại, sức lực dồn ra sau.
Ông phải ngồi lên, đè nén,  nhận nó xuống.
Nó sung mãn, phập phồng, phình ra, mỗi ngày mỗi lớn. Tháng trước, lớn gấp đôi mông vợ.
Rồi một đêm:
Đang căng như khinh khí cầu, nó xì hơi. Ông bay lên, chơi vơi, đụng trần nhà rồi tống qua cửa sổ. Lơ lửng.
Thông thái cho những đàn ông, khi dương vật teo lại, dồn sức lực lên đầu. Mỗi ngày mỗi lớn. Có khi lớn hơn Einstein.
Thánh thiện cho những đàn ông, khi dương vật teo lại, dồn sức lực lên tim. Mỗi ngày mỗi lớn. Có khi hơn Thánh Patrick.
Khốn nạn cho những đàn ông, có mông càng ngày càng lớn.
Nhưng khi xì hơi, ông là người sung sướng nhất, hơn hẳn mấy ông kia. .



Những Thây Ma Trong Thế Kỷ 21

Bạn đọc,
Bạn có thấy thây ma chung quanh?
Họ lang thang qua đời, âm thầm thất vọng, giả vờ hy vọng, thỏa thuận cùng tuyệt vọng.
Họ giàu sang, đeo đuổi thời trang, ăn uống thịnh soạn, du lịch khắp thế giới, trông thấy đủ điều hay lạ; nhưng không thấy gì. Luôn luôn mong chờ; mòn mỏi trông chờ,chỉ thấy trống rỗng.
Họ trí thức, bằng cấp treo tường, nói năng đạo mạo, kiến thức lập lại, tự hào thành công; nhưng luôn sợ hãi; càng sợ lại càng hãi.
Họ bất cần xã hội, tung hê vật chất, khinh thế ngạo vật, tự mãn. Nghe trong tim có tiếng thì thầm: ngươi là kẻ bất tài.
Thây ma có tất cả mọi thứ nhưng không có bình yên.
Thây ma có tất cả lời khen, không lời nào giá trị.
Thây ma có sung sướng, có hứng khởi, có đam mê, rồi chiêm bao khủng hoảng, có thức dậy chán chường, có tự ghét bản thân, ghét luôn những người yêu thương nhất.
Thây ma, hàng hàng lớp lớp, thế hệ này sang thế hệ kia, hủy hoại địa cầu.
Họ cắn vào trẻ nhỏ, con cái thành thây ma..
Họ cắn vào tình yêu, vợ chồng thành thây ma.
Họ cắn vào giao tế, bằng hữu thành thây ma.
Họ cắn vào thực phẩm, súc vật thành thây ma; hoa trái thành thây ma; côn trùng thành thây ma.
Bạn không thể chống cự.
Bạn không thể đề phòng.
Bạn không thể trốn tránh.
Bạn đọc,
Bạn chỉ còn một trong hai cách:
Hoặc tự vẫn
hoặc trang bị cho mình,
đôi mắt nhìn vào bên trong.



Phản Hối

Khi con gì kêu gào, không ai chú ý, nó nhảy đổng trong ngục giam không khí. Chẳng ai thấy chấn song, cửa ngục, chỉ con gì thấy tường cao, không lối thoát.
Mỗi ngày, nó gầm gừ, lè lưỡi nhát trẻ đến xem. Khi không còn ai, nó tự dọa mình và cô đơn khôn xuể.
Nó gửi chữ, ít ai quan tâm. Nó viết, ít người đọc. Nó múa may quay cuồng, thiên hạ thờ ơ. Không còn gì khác hơn, nó chắc lưỡi, hẩm hiu.
Tiếng chắc lưỡi thương tiếc vàng son vọng lại đều đặn thành tiếng phản hối.
Mệt mỏi, già nua, bực bội. Tháng ngày vẫn qua nhanh, vẫn hững hờ, vẫn cô đơn, khiến gia tăng mệt mỏi, già nua, bực bội.
Con gì bình thường chỉ chắc lưỡi ban đêm.
Con gì túng quẩn chắc lưỡi 366 ngày, chờ ngày cuối cùng.
Hàng xóm phàn nàn, tiếng kêu khó chịu:
- Con gì kêu hoài vậy.
- Thằn lằn.
- Đừng nhốt nó nữa.
- Có ai nhốt đâu. Nó nằm một chỗ, không muốn đi.



Một Cuộc Cách Mạng Cần Thiết

Luộc trứng ăn. Bổ và cần cho sức khoẻ. Ăn nhiều bị cao mỡ, béo phì. Đã đến lúc tuyển chọn thức ăn.
Ăn trứng lộn. Ăn bừa bãi. Không còn gà. Mai sau hết trứng. Đã đến lúc giữ  trứng, nuôi gà.
Bầy gà lông vàng lông đỏ, còn bé, gáy chưa cao. Đã chắc gì tiếng gáy có trong trăm quả trứng?
Thực tế hơn, những con gà dòng Phù Đổng lớn nhanh như thổi. Trở thành bầy ngựa, bắt đầu phi nước đại, hí vang trời, dù chưa đuổi kịp phi cơ.
Có con ngựa đốm trắng đốm vàng lẫn lộn, chạy ngày đêm không nghỉ. Phóng tới đỉnh núi, rồi bay luôn lên mây. Đâu phải chỉ phi cơ mới biết bay?
Đừng bắn nó, các ông nổi danh xạ thủ.
Đừng bắt nó hạ cánh, các anh nổi tiếng quăng dây.
Đừng bắt nó nhốt chuồng, các chị nhan sắc mỹ nữ.
Các ông, các anh, các chị, hãy cưỡi nó, đi làm cách mạng. Dựng lại văn mệnh, tái sinh  thi tài, cấu tạo mỗi chữ thành trăm nghĩa.
Một cuộc cách mạng cần thiết dưỡng trứng nuôi ngựa.
A, hay quá, các ông, các anh, các chị, đang mọc cánh, thấy không?