Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Gặp gỡ trên đất Mỹ (1)

Tiêu Dao Bảo Cự

Văn Việt: Chúng ta có một cộng đồng người Việt đông đảo ở Mỹ, do những cuộc thiên di bất đắc dĩ, kéo dài trong khoảng 15 năm do chính sách phân biệt đối xử của nhà cầm quyền sau cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc (1954-1975). Những cuộc di tản này đã để lại nhiều di chứng trong tâm hồn người Việt, mà nỗi ám ảnh lớn nhất là chuỗi hồi ức đau buồn về hàng trăm ngàn nạn nhân bỏ xác trên biển trong hành hình đi tìm miền đất hứa. Tuy nhiên, xét về một mặt nào đấy, những thế hệ “thuyền nhân”, dù vô tình hay hữu ý, cũng tạo nên một nước Việt Nam hải ngoại được sống trong mội xã hội tự do, dân chủ và bình đẳng. Đây là môi trường thuận lợi để đồng bào phát huy được tài năng, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ thân nhân trong nước, cũng chính là gián tiếp phục vụ đất nước. Họ sống ở Mỹ như công dân Mỹ, nhưng trong tâm hồn vẫn giữ được những giá trị Việt Nam. Nét đặc trưng này thể hiện rất rõ trong cuốn du ký: “Gặp gỡ trên đất Mỹ” của nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự viết sau chuyến đi Mỹ năm 2009. Sách đã được đăng trên trang web Diễn đàn Thế kỷ. Trong cuốn sách của mình, ngoài việc nói về những người bạn trên đất Mỹ, tác giả còn dành khá nhiều trang miêu tả phong cảnh, nền văn hóa và mối quan hệ thân thiện giữa người Việt và người Mỹ trong một quốc gia đa chủng tộc thuộc loại phồn vinh nhất trên thế giới. Văn Việt xin trân trọng giới thiệu ba chương trong cuốn sách này.

Lời đầu

Năm 2009, tôi có chuyến đi Mỹ kéo dài trong 6 tháng, có cơ hội thăm 12 tiểu bang và thủ đô Washington DC. Sau đó tôi đã viết “Mỹ du ký” (phổ biến trên website Danchimviet.com) với tính cách hết sức khái quát. Tuy nhiên vì tôi nghĩ đây là một chuyến đi hữu ích về nhiều mặt nên tôi viết lại bút ký về chuyến đi với tựa đề “Gặp gỡ trên đất Mỹ”. Bút ký lần này khá đầy đủ, chi tiết, theo thể tường thuật và thứ tự thời gian, hoàn toàn khác hẳn với “Mỹ du ký”.

Tôi hiểu gặp gỡ ở đây là gặp gỡ con người, cảnh vật và sự việc. Dĩ nhiên gặp gỡ sẽ phát sinh tình cảm, nhận thức. Tôi lần đầu ra nước ngoài và qua Mỹ, nhìn mọi sự một cách “hồn nhiên”, không thiên kiến và với ý hướng học hỏi nên tôi sẽ trình bày một cách chân thành, trung thực những gì mình thấy, nghe và nghĩ.

Tôi hi vọng bút ký này sẽ giúp đôi chút cho người trong nước hiểu biết thêm về người Việt ở Mỹ và nước Mỹ, người Việt ở Mỹ thấy được cách nhìn nhận của một người trong nước về mình, và biết đâu cũng có thể phần nào giữa người Việt với nhau ở Mỹ nhờ soi rọi qua một trung gian khách quan, từ đó có thể cùng nhau chiêm nghiệm về những vấn đề chung của dân tộc, đất nước. Đó là ước vọng của tác giả khi dành công sức để hoàn thành bút ký này.

Bút ký có 10 phần:

  1. California những ngày đầu.
  2. Texas: Dallas và Houston
  3. Miền Đông: Washington DC, Virginia, Maryland, Pennsylvania.
  4. Cali những ngày kế tiếp.
  5. Seattle, Washington.
  6. Colorado.
  7. Đi Miền Đông lần 2: North - South Carolina, Washington DC, Virginia, Maryland, New York.
  8. Minnesota.
  9. Cali những ngày còn lại.
  10. Lời cuối: Đôi điều suy nghĩ.

1. California những ngày đầu.

Ngày 5/4/2009, chúng tôi – BY và tôi, đặt chân xuống phi trường San Francisco, bang California trên đất Mỹ. Đón chúng tôi ở sân bay có mấy người trong nhóm bạn đã mời chúng tôi sang Mỹ: Nguyễn Khoa Thái Anh, Nguyễn Ngọc Oánh, Nguyễn Xuân Hiệpanh bạn cũ của chúng tôi cùng gia đình đến 7 người gồm cả vợ con, dâu, cháu. Chúng tôi là những hành khách ra cuối cùng và hai nhóm không biết họ cùng đón chúng tôi. Chúng tôi chào hỏi gia đình anh bạn trước, chúng tôi đã từng gặp cả gia đình lúc họ về Việt Nam. Nhóm bạn kia chúng tôi chỉ mới gặp Nguyễn Khoa Thái Anh. Mọi người giới thiệu với nhau và trò chuyện khá lâu ở sảnh chờ trước khi tạm chia tay.

Thái Anh chở chúng tôi về chỗ hẹn mấy người bạn nữa để gặp nhau và ăn trưa. Anh cố ý chở chúng tôi đi theo đường qua cầu Bay Brigde để thấy được mặt nước mênh mông của nơi gọi là vùng Vịnh vì theo anh nói có thể đi đường khác không cần qua cầu. Quen đi xe với tốc độ chậm bên nhà, chúng tôi hơi chóng mặt với tốc độ 60-70-80 miles, tưởng như dễ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên đường cao tốc ở đây khác xa với đường trong nước. Đường có nhiều lane, không có đường cắt ngang, không có xe gắn máy (trừ mô tô phân khối lớn), người, súc vật … đi chung, xe chạy lane nào ra lane đó, không lấn đường, lạng lách. Thái Anh là một tay lái xe cừ khôi, dù hơi ẩu, như sau này chúng tôi biết khi đi cùng anh nhiều nơi. Anh chuyển lane, ra vào đường cao tốc nhanh như chớp.

Trên đường ngang qua khu vực Evergreen, hai bên đường nhiều chỗ hoa vàng trải dài trên thảm cỏ. Một loại hoa mềm mại nhỏ nhắn giống ngồng hoa cải mượt mà đong đưa trong gió. Có lẽ vì thế mà người Việt ở đây đặt cái tên nên thơ Thung lũng hoa vàng bên cạnh tên Thung lũng điện tử Silicon của người Mỹ, cho khu vực công nghệ cao lừng danh của họ. Dân tộc Việt vốn là một dân tộc yêu thơ ca và hay mơ mộng.

Thái Anh đưa chúng tôi đến Grand Century San Jose, khu thương mại mới xây dựng của người Việt. Phía trước khu này là đoạn đường đã gây ra tranh chấp giữa người Việt trong cộng đồng một thời gian dài khi đề nghị đặt tên Little Sài Gòn hay tên khác (Saigon Business District), liên quan đến nghị viên Madison Nguyễn. Chúng tôi rảo qua một vòng bên trong. Các cửa hiệu san sát bán đủ mọi thứ như đồ điện tử, quần áo, mỹ phẩm, sách báo…, nhiều nhất là các cửa hàng ăn, phần lớn lấy tên theo các tiệm ăn nổi tiếng ở Sài Gòn ngày xưa.

Các bạn hẹn ở Dynasty, một nhà hàng Tàu, sát ngay phía trước khu Grand Century. Chúng tôi lên lầu và thấy mọi người đã đến đông đủ vì Thái Anh đến muộn do chạy đường xa hơn. Ngoài những người đi đón ở sân bay, còn có thêm Nguyễn Hữu Liêm và Tưởng Năng Tiến. Chúng tôi đã thấy hình họ trên mạng. Liêm không già hơn bao nhiêu trong khi Tiến khá gầy, râu nhẵn nhụi, không gồ ghề “râu hùm hàm én” như trong ảnh. Chúng tôi chuyện trò khá thân mật vì tuy chưa từng gặp nhưng đã quen biết nhau qua mạng. Internet đúng là làm cho thế giới nhỏ bé gần gũi hơn.

Theo sự thỏa thuận của các bạn ở đây, chúng tôi sẽ được đưa về nhà Nguyễn Hữu Liêm trước. Anh là người đã gởi giấy mời tôi sang nói chuyện với sinh viên lớp anh dạy ở trường đại học, một lý do và giấy tờ cần thiết để chúng tôi có thể xin visa vào Mỹ. Chúng tôi đi cùng xe với Liêm, Oánh cũng đi theo chở giúp hành lý vì xe Liêm nhỏ, không chở hết được. Thái Anh bận đi việc khác. Trước khi về nhà, Liêm đề nghị ghé qua chỗ tòa soạn báo Cali Today một lúc vì anh được mời tham dự một sinh hoạt ở đây và đã lỡ nhận lời.

Tòa soạn là một phòng nhỏ, phía sau có một phòng lớn hơn dùng làm hội trường. Khách đến dự chừng hơn hai chục người. Trên sân khấu có trang trí cờ Mỹ, cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Phật giáo. Đây là buổi lễ ra mắt một Trung tâm nghiên cứu Phật giáo do tòa soạn bảo trợ. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế sau. Phần nghi thức thật dài dòng gồm việc chào 3 lá cờ có bài hát kèm theo cùng với việc giới thiệu từng người tham dự. Tôi đã nói với Liêm xin miễn giới thiệu chúng tôi, coi như bạn cùng đi thôi. Tôi cũng không ngại việc phải đứng chào các lá cờ đó vì đã dự kiến tình huống này khi đến Mỹ, miễn là không ai dùng nó để tuyên truyền chính trị. Tôi nghĩ đơn giản cần “nhập gia tùy tục”. Khi đến nhà thờ Thiên Chúa giáo, tôi cũng đứng trước tượng Chúa nghe đọc kinh và quỳ gối cùng với tín đồ, vào chùa tôi cũng thắp nhang lễ Phật, dù tôi không theo đạo nào cả. Chủ nhà treo lá cờ được coi là biểu tượng thiêng liêng của họ, lẽ nào tôi không chào cùng với họ, dù tôi có công nhận lá cờ đó là của tôi hay không. Chuyện cờ vàng - cờ đỏ vốn là một vấn đề lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Tôi chỉ là khách ở đây. Về chuyện này đối với riêng tôi, tôi mong muốn có một lá cờ chung khác hơn cho tương lai người Việt hoặc không cần lá cờ nào cả mà quan trọng hơn là sự đoàn kết và ý chí thống nhất của cả dân tộc, để xây dựng một đất nước tự hào có lịch sử hào hùng và 4000 năm văn hiến nhưng bước vào thời đại mới lại đi lẹt đẹt ở hàng cuối của thế giới.

Vì đã rất mệt mỏi sau chuyến bay hơn 20 giờ, quá trưa đến gần chiều chưa được nghỉ ngơi, không thể ngồi lâu hơn, chúng tôi nghe thuyết trình một lúc cho phải phép rồi lặng lẽ ra ngoài thư giãn. Không lâu sau hai người kia cũng ra sớm và đưa chúng tôi về nhà Liêm.

Nhà Nguyễn Hữu Liêm ở vùng Evergreen, một ngôi nhà khá lớn, có lầu, vườn rộng. Cửa sau hướng ra phía đông, nhìn về dãy núi, có mái che hành lang, dưới để ghế ngồi chơi rất thoải mái, buổi tối có thể nhìn trăng lên và buổi sáng ngắm mặt trời mọc. Liêm chia vườn thành từng khu trồng các loại cây, hoa khác nhau, có một hồ nhỏ nuôi cá và một nhà nhỏ có mái che ở góc vườn để ngồi chơi, đọc sách. Phía đông vườn là sườn dốc tiếp giáp với con đường, anh rào lại dùng để nuôi gà. Đàn gà có một con gà trống lớn, một bầy gà mái và mấy đàn gà con y như ở nhà vườn hay làng quê Việt Nam. Điều này thật đặc biệt vì tôi nghe nói ở Mỹ nuôi chó sủa ồn bị hàng xóm kiện cũng bị cấm và con gà trống ở đây gáy rất lớn. Có lẽ do nhà hàng xóm cũng khá xa vì hai nhà kế tiếp đều có vườn rộng.

Chị Vân vợ anh Liêm là một phụ nữ giản dị, khá xinh và dễ mến, đối với khách không màu mè khách sáo. Anh chị cho chúng tôi ở một phòng lớn nhất, đẹp nhất dưới nhà mà anh gọi là honeymoon suite. Anh nói đùa để chúng tôi hưởng tuần trăng mật thứ hai và muốn ở bao lâu cũng được. Trước khi sang Mỹ, chúng tôi dự tính sẽ ở nhà do các bạn mời tôi sang sắp xếp, sau khi nói chuyện ở đại học theo giấy mời của Liêm, xong trách nhiệm, chúng tôi sẽ chuyển về ở nhà anh bạn cũ. Tuy nhiên vì thấy việc chờ đợi nói chuyện hơi lâu, anh chị Liêm dù sao cũng là người mới gặp, ở nhà không thoải mái bằng nhà anh bạn cũ mà chúng tôi đã thân thiết với cả gia đình, đi lại cũng không xa lắm, nên hôm sau chúng tôi đề nghị chuyển đến nhà bạn tôi. Tuy vậy sau này mấy lần chúng tôi đến chơi, ăn uống và ngủ lại nhà anh Liêm, nói chuyện nhiều, chúng tôi dần dần hiểu về anh hơn. Trước đây, tôi chỉ đọc một số bài của anh trên mạng và một người bạn của tôi ở đây nói anh là người có nhiều “tiếng tăm và tai tiếng” nhưng rất hào sảng và chí tình với bạn bè.

Trưa hôm sau, Liêm chở chúng tôi về nhà anh bạn cũ theo đề nghị của chúng tôi, một nơi không xa lắm, ở thành phố Milpitas, tiếp giáp với San Jose. Vào nhà cất đồ đạc xong, chúng tôi nhờ Liêm chở ngay đến nhà bà Ngọc Bích ở San Jose để gặp bà Trương Kim Anh theo lời hẹn qua email trước đó. Nguyên chúng tôi quen bà Trương Kim Anh qua mạng. Bà là con của hai ông bà nhà văn tiền chiến Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh. Bà ở Na Uy, qua Mỹ du lịch, đang ở nhà bà Ngọc Bích và ngày mai đã đi nên đề nghị chúng tôi cố gắng đến gặp. Bà Ngọc Bích ở một mình trong căn nhà có vẻ cổ, đầy sách báo, tranh tượng nghệ thuật. Chúng tôi nghe giới thiệu bà Ngọc Bích là một nữ sĩ có nhiều thơ đăng báo, thường tụ họp xướng họa với các bạn văn thơ. Hóa ra bà Ngọc Bích và anh Liêm cũng đã từng quen biết nhau nên mọi người trò chuyện vui vẻ. Bà Kim Anh tặng chúng tôi một bức tranh do Nhất Linh vẽ bà thời còn thiếu nữ và một cái máy chụp hình để chúng tôi sử dụng trong thời gian ở Mỹ.

Anh bạn thân xưa của tôi, tôi gọi như thế vì anh không muốn nêu tên ở đây, đúng là “thân xưa” vì anh và tôi chơi với nhau từ hồi học cấp hai ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Thuở đó, chúng tôi thường đi về làng quê rong chơi, đi tắm sông, chơi đùa ở công viên nhỏ bên cạnh phòng đọc sách của thành phố. Chúng tôi cùng “yêu”, theo kiểu tình cảm học trò mới lớn, một cô bé học sau vài lớp khoảng 13 tuổi nhưng không ghen tị nhau. Hai chúng tôi từng leo lên một núi đá cao khắc tên cô bé ở giữa và tên chúng tôi hai bên. Ban đêm chúng tôi rủ nhau đến đứng trước cổng nhà cô nhìn vào cửa sổ mong thấy bóng cô thấp thoáng. Nhưng cô bé không hề để ý đến chúng tôi mà sau này lại yêu người khác. Lớn lên tôi đi học đại học, anh đi làm rồi đi lính, trở thành sĩ quan của một binh chủng thiện chiến, từng bị thương nặng trên chiến trường. Chúng tôi ít gặp lại nhau. Năm 1975, anh mang gia đình di tản sang Mỹ. Qua đây anh đi học ngay, tốt nghiệp kỹ sư điện toán, làm cho công ty Mỹ gần 30 năm, vừa mới về hưu.

Từ sau 75, chúng tôi mất liên lạc. Cách đây 5 năm, anh đọc trên mạng thấy thông tin về tôi nên bắt đầu tìm kiếm. Trong một chuyến về Việt Nam anh cất công đi tìm những nơi tôi đã ở, cuối cùng chúng tôi gặp lại. Vợ anh trước đây tôi không quen nhưng từ khi biết về tôi, chị đã tìm đọc sách của tôi xuất bản ở Mỹ và đọc các bài của tôi trên mạng do anh lấy xuống in ra, nên chị hiểu biết về chúng tôi không kém gì anh. Chị rất thích đọc sách, tuần nào cũng đi thư viện mang về hàng chục cuốn. Chúng tôi đã gặp anh chị 3 lần khi hai người đưa gia đình về thăm quê, có lần đi cùng nhau từ nam ra bắc nên hai nhà trở nên thân thiết. Qua đây chúng tôi ở nhà anh chị rất thoải mái, không chút e dè cấn cái. Chị rất ân cần chu đáo với khách và là người phụ nữ nấu ăn “nhanh nhất thế giới”. Trong tủ lạnh có sẵn đồ để nấu các món Mỹ, Việt. Chỉ cần mươi phút là đã có bữa ăn. Ngay cả các món ăn chơi như khoai mì luộc, bánh bột lọc, chè đậu đỏ bánh lọt nước dừa cũng có luôn.

Nhà anh chị bạn tôi ở Milpitas, một city nhỏ yên tĩnh sát cạnh San Jose. Anh chị đã ở nhà này gần 30 năm, vườn rộng, đặc biệt ở giữa có một cây dừa cao vút và hai hàng tùng trồng sát nhau làm bờ rào cao đến hơn 10 mét, thành một bức tường cây xanh mướt. Những cây này do chính tay anh chị trồng khi mới mua nhà. Sân sau có hồ bơi và rất nhiều luống, chậu hoa đủ màu sắc. Ngoài ra còn có một cây táo, hai cây chanh và hai giàn hoa giấy. Mỗi buổi chiều hay ngày nghỉ chúng tôi thường ngồi ở sân sau uống café trò chuyện.

Chúng tôi ở Đà lạt, “xứ sở ngàn hoa” nhưng qua đây cũng giật mình. Trước hết vì hoa to quá. Những đóa hồng có thể to gấp 3 lần hoa trong nước. Hàng rào tường vi ở vườn chúng tôi hoa nhỏ như hạt nút nhưng giàn tường vi ở đây hoa lớn như hoa hồng Đà lạt. Các loại hoa khác cũng lớn. Rất nhiều loài hoa lạ tôi không biết tên. Đi dọc con đường phía trước thấy nhiều loại hoa trong vườn, trên hàng rào, ngoài lề đường khoe đủ màu sắc kiểu dáng. Không nhà nào không trồng hoa và cây cảnh, cây ăn trái, nhiều nhất là đào, táo, hồng và chanh. Những trái chanh già lâu năm sần sùi và to như quả cam. Khu dân cư này yên tĩnh và rực rỡ màu sắc. Khi rảnh rỗi chúng tôi thường dạo chơi các đường chung quanh chụp hình. Rất ít người đi lại bên ngoài, nhà nhà đóng cửa và xe cộ đậu im lìm dọc theo lề đường.

Điều ngạc nhiên thú vị đối với chúng tôi trong những ngày đầu ở đây là trời tối rất muộn. Ở Đà Lạt thường sau 5 giờ chiều trời bắt đầu tối. Ở đây sắp đến mùa hè nên 6 giờ mặt trời vẫn còn cao, 7 giờ vẫn chưa chịu tắt, 8 giờ vẫn còn sáng trưng, đến 9 giờ mới bắt đầu tối. Buổi hoàng hôn không mang nét buồn bã quen thuộc mà vẫn phơi phới một trời ánh sáng. Kiến thức về địa lý đã cho biết điều này nhưng cảm nhận thực là điều khác hẳn, lạ lùng mới mẻ. Tôi tưởng tượng nếu được ở vùng có đêm trắng không biết mình có cảm giác thế nào, chắc sẽ vô cùng thú vị. Không khí ở đây khô, trong lành, ít bụi bặm, nhiệt độ vừa phải gần giống Đà Lạt. Có lẽ vì thế mà đa số người Việt thích sống ở vùng Cali này.

Người đầu tiên có ý kiến và là đầu mối để đưa chúng tôi sang Mỹ là Nguyễn Khoa Thái Anh. Chúng tôi đã gặp Thái Anh vài lần khi anh về Việt Nam và đã trao đổi email nhiều nên có thể coi như bạn bè. Anh tự nhận mình là người “phổi bò”, một số bạn cho anh là người “xốc nổi”. Riêng tôi cảm thấy anh là người rất tình cảm, sống nặng về cảm tính và là một người bạn quá đỗi nhiệt tình.

Lần đầu gặp anh ở Việt Nam, lúc anh về thăm nhà, tại một khách sạn ở Sài gòn, đã khá lâu, chừng năm năm trước. Anh kể lần nào về nước anh cũng ít ngủ vì thao thức. Không phải anh cường điệu khi nói về những cảnh ngộ anh đã chứng kiến, những vấn nạn chưa có lời giải và đã có lần anh rơi nước mắt. Nước mắt thật của một người giàu xúc cảm chứ không phải đóng kịch vì không có lý do và không phải là nơi cho người ta đóng kịch khi chỉ là tâm sự giữa bạn bè.

Anh là người đầu tiên giúp đẩy hành lý khi chúng tôi xuống sân bay San Francisco và cũng là người cuối cùng đẩy giúp hành lý và làm thủ tục ở sân bay này khi chúng tôi rời nước Mỹ. Anh cũng không ngại mang vác nặng để đưa hành lý lên xuống xe, vào nhà cũng như vận chuyển các thùng sách khi giúp tôi phát hành sách của mình ở các buổi gặp mặt vì biết tôi yếu và đau lưng. Những chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng anh làm một cách tự nhiên là biểu hiện của một sự thật lòng không tính toán.

Mới qua Mỹ được 3 ngày, chưa hết mệt và ngủ được ít vì chưa quen với chuyện lệch giờ, anh rủ chúng tôi đi Nam Cali chơi. Anh là thầy giáo dạy sử ở một trường trung học Mỹ, được nghỉ lễ Phục sinh gần một tuần nên đây là thời gian thích hợp để có thể đi chơi xa. Dĩ nhiên chúng tôi nhận lời ngay vì đó là dịp quá thuận tiện. Ở Mỹ ai cũng làm việc căng thẳng và không phải muốn đi lúc nào cũng được.

Chúng tôi đang ở nhà người bạn cũ ở Milpitas. Anh đến chở chúng tôi về nhà anh ở Oakland, nghỉ lại trước một đêm để sáng mai đi sớm. Oakland là một thành phố nhỏ, gần thành phố Berkeley, nơi có trường đại học nổi tiếng. Trước đây Oakland có nhiều hoạt động của bọn tội phạm, nhất là người da đen, nhưng nay tình hình an ninh trật tự đã khá hơn. Nhà của anh ở một khu trên đồi cao, khá yên tĩnh, nhìn xuống một freeway, hai bên đường có nhiều cây sồi (oak). Có lẽ vì thế mà vùng này có tên Oakland. Anh hiện đang là “độc thân bất đắc dĩ”, ở một mình trong ngôi nhà ba tầng có nhiều phòng trống nên tha hồ cho khách ngủ lại.

Buổi chiều, anh đưa chúng tôi xuống phố để mua cho tôi một máy điện thoại di động. Sau khi nghe ý kiến tư vấn của người chủ cửa hàng, một người quen của anh, chúng tôi chọn mua một máy Nokia và sử dụng dịch vụ trọn gói hàng tháng của hãng MetroPCS, không tính thời gian gọi và nhận, không cần ký hợp đồng. Đây là phương thức rất thuận lợi cho các người đi du lịch chỉ sử dụng điện thoại tạm thời. Ngoài tiền mua máy, không đắt lắm vì chỉ là một loại đơn giản không có nhiều chức năng, mỗi tháng chỉ phải trả $50, tha hồ gọi và nghe, riêng tháng đầu tiên được miễn phí. Gần đây hình như nhiều người ở Mỹ cũng thích dùng dịch vụ này vì khỏi lo tính toán giờ giấc và sốt ruột khi nghe cũng phải trả tiền. Tuy nhiên sau này chúng tôi mới biết dịch vụ điện thoại của hãng này chưa phủ sóng toàn quốc, nhất là ở một số bang miền đông, nên cũng bất tiện khi đi nhiều nơi. Dù sao cái điện thoại di động này quả vô cùng tiện lợi để liên lạc với bạn bè bất cứ lúc nào trong thời gian chúng tôi ở Mỹ.

Cũng ngay tối hôm đó, một người quen của BY là nhạc sĩ Anh Linh liên lạc đến thăm chúng tôi ở đây. Anh Linh là một trong 3 người sáng lập ra ban AVT nổi tiếng ngày xưa ở Sài Gòn với các bài hát dí dỏm phê phán các thói hư tật xấu, mang âm hưởng dân ca rất thịnh hành thời đó như Nàng dâu nhà tôi, Em tập Vespa… BY quen Anh Linh qua sự giới thiệu của nhà thơ Nhất Tuấn, người đã được BY làm nhiều pps thơ và thơ phổ nhạc của ông trong đó có mấy bài của Anh Linh. Sau đó BY còn làm pps cho các bản nhạc riêng của Anh Linh mà ông rất thích. Anh Linh đã tự động mang đến tặng BY một máy điện thoại di động để BY sử dụng. Máy này theo phương thức thuê bao trả sau và Anh Linh nói BY cứ tha hồ gọi, chi phí ông sẽ lo. Vậy là chúng tôi mỗi người có một máy dùng riêng, thật quá tiện lợi. Chủ nhà Thái Anh trước đây cũng thích nhạc AVT nên nói chuyện với Anh Linh rất tâm đắc. Hai người bàn đến dự tính tạo dựng một ban AVT mới trên đất Mỹ để phục vụ cho lớp trẻ. Một dự định rất ý nghĩa và khả thi.

Sáng sớm, trước khi đi, Thái Anh ghé qua các cửa hàng để mua thức ăn và nước uống mang theo ăn uống trên đường. Các cửa hàng của người Việt có bán bánh mì thịt và các loại xôi, giò chả, rất thích hợp khi mang đi xa hay đi picnic. Sau khi chạy lòng vòng mấy con đường, anh lái xe nhập vào đường cao tốc số 5 là con đường chính chạy từ bắc về nam Cali. Đây là con đường khá rộng, thẳng tắp, mỗi bên có hai lane. Trên đường đi, chúng tôi tha hồ nói chuyện và tôi, một anh chàng “nhà quê lên tỉnh”, lần đầu ra nước ngoài và đến ngay nước Mỹ, có thể không ngần ngại hỏi anh mọi việc thấy trên đường và anh đã giải thích một cách cặn kẽ.

Bây giờ là mùa xuân, các ngọn đồi và núi thấp khi xa khi gần là loại đồi núi trọc vẫn còn mầu xanh trên thảm cỏ, trông rất mượt mà và có chút kỳ quặc đối với ai đã quen nhìn đồi núi phủ đầy cây rừng. Thỉnh thoảng vài con bò hay một đàn bò lưa thưa gặm cỏ trên sườn đồi trông thật thanh bình. Hai bên đường, cảnh vật không có gì đặc sắc nhưng thoáng đãng. Những nông trại với đất đang được cày bừa hay trồng rau củ, cây ăn trái ngay hàng thẳng lối dài ngút mắt. Có nông trại nuôi bò có lẽ đến hàng ngàn con. Dù xe đóng kín cửa và chạy với tốc độ nhanh nhưng qua khu chăn nuôi đó thấy bò nằm chi chít như kiến và cũng ngửi thấy mùi phân. Đôi lúc trên sườn đồi cao hiện ra những cánh quạt khổng lồ quay chầm chậm hay quay tít của hệ thống “điện gió” trông cũng lạ mắt.

Con đường số 5 này là xa lộ dài nhất phía tây nước Mỹ chạy suốt từ nam lên bắc Cali, qua các tiểu bang Oregon, Washington, đến tận biên giới Canada (Ở Mỹ quy định các con đường được đánh số, số lẻ theo hướng bắc nam và số chẵn theo hướng đông tây nên cũng dễ tìm kiếm khi nghiên cứu bản đồ). Con đường này có những đoạn thẳng băng như kẻ chỉ, có thể đến vài chục mile hay hơn nữa. Gần đến Los Angeles là đoạn đường đèo, cũng phải đến mấy chục mile nhưng không dốc và quanh co lắm nên lái xe không cần giảm tốc độ.

Trên lộ trình gần 400 miles, chúng tôi chỉ nghỉ một lần dưới chân đèo để đổ xăng và dùng những thứ mang theo trên một chiếc bàn đá để ngoài sân của cửa hàng bán thức ăn nhanh In & Out, một thương hiệu cạnh tranh với Mac Donald nổi tiếng. Khoảng hơn 2 giờ chiều, chúng tôi đã đến Westminster và nghỉ lại ở nhà một người em của Thái Anh, một ca - nhạc sĩ nghiệp dư đã từng chơi trong các ban nhạc.

Trong mấy ngày ngắn ngủi ở Nam Cali, Thái Anh đưa chúng tôi đi thăm viếng nhiều nơi, nhiều người vì anh viết báo khá lâu, đi nhiều, quen biết rộng. Đầu tiên anh đưa chúng tôi đến thăm báo Người Việt. Đây là tờ nhật báo lớn nhất, lâu năm nhất, có số phát hành nhiều nhất của người Việt ở Mỹ và có lẽ ở hải ngoại nói chung, mấy năm gần đây nổi lên sự kiện bị biểu tình chống đối vì “thân cộng”. Các cuộc biểu tình kéo dài đã hơn 2 năm, đến nay vẫn còn. Lúc chúng tôi đến, thấy trước tòa soạn, phía bên kia đường có một chiếc xe nhỏ, toàn bộ mui được sơn thành lá cờ vàng ba sọc đỏ, bên cạnh có hai khẩu hiệu: “Đả đảo báo Người Việt tay sai cộng sản”. “Vẫn còn người tiếp tay cho bọn Việt gian”. Lề đường phía bên kia xa hơn, có mấy người mặc quần áo rằn ri đứng theo dõi chụp hình những người ra vào tòa soạn. Cách họ làm cho thấy họ không công khai nhưng cũng không quá lén lút, có lẽ cốt cho người ta thấy đang bị chụp hình. Chúng tôi đã nghe nói về những chuyện này nên thản nhiên đi vào. Trước đây nghe nói số người biểu tình thường xuyên ở đây lúc nào cũng lên tới vài chục người, suốt ngày “đả đảo”.

Người tiếp chúng tôi là ông Ngô Nhân Dụng (tức Đỗ Quý Toàn), trong ban biên tập của tòa soạn. Ông là một trong những người sáng lập tờ báo, cùng với Đỗ Ngọc YếnLê Đình Điểu (Hai người này đã qua đời. Nghe nói sau khi mất, ông Đỗ Ngọc Yến được chính quyền thành phố đề nghị lấy tên ông đặt cho một con đường ngắn chạy vào tòa báo nhưng vì ý kiến không thống nhất trong cộng đồng người Việt nên không được thực hiện. Thật đáng tiếc?!). Ông Dụng người tầm thước, miệng lúc nào cũng ngậm chiếc píp. Ông đưa chúng tôi đi xem cơ sở của tòa soạn từ ngoài vào trong, gồm phòng quảng cáo, phát hành, phòng biên tập, thư viện, phòng làm việc của ông, phòng họp, phòng ăn, hội trường. Hội trường khá rộng, có thể chứa được vài trăm người. Ông nói trước đây hội trường được tòa soạn và người ta thuê mướn sử dụng thường xuyên nhưng từ khi bị biểu tình chống đối phải tạm ngưng, sắp tới mới bắt đầu hoạt động trở lại. Ông cũng giới thiệu chúng tôi với một số nhà văn, nhà báo làm việc cho tòa soạn, một vài người tôi đã từng nghe tên và họ cũng đã biết về tôi. Trước khi ra về ông tặng chúng tôi hơn chục cuốn sách do tòa soạn xuất bản và tác phẩm của những tác giả cộng tác với tờ báo. Ông chụp hình chung với chúng tôi trước cửa và những người biểu tình chống báo Người Việt bên kia đường cũng chụp luôn. Chắc họ có ống kính chụp xa và có lẽ ngạc nhiên không biết chúng tôi là những vị khách nào.

Hình như chuyện biểu tình chống báo Người Việt trực tiếp liên quan đến hai việc: Có lần báo đăng bức tranh vẽ một chậu rửa chân, trên chậu có sơn lá cờ vàng ba sọc đỏ. Sự việc khác là chuyện phát hiện hai bức ảnh chụp chủ nhiệm và vài người trong ban biên tập đang hội họp với mấy quan chức nhà nước từ Việt Nam sang. Lại còn những mâu thuẫn gì đó trong nội bộ của tờ báo, mưu đồ của những người chống đối. Tôi có đọc và nghe loáng thoáng nhưng dĩ nhiên không thể nào hiểu hết sự tình. Chỉ biết việc biểu tình chống đối kéo dài hơn 2 năm trước tòa soạn là một kỷ lục đáng ghi vào Guiness thế giới, chỉ có người Việt Nam mới làm được, đồng thời cũng là một biểu hiện chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng người Việt về những vấn đề chính trị.

Chúng tôi đến thăm nhà văn Nhật Tiến. Đây là một ông già nhỏ bé, có vẻ đau yếu nhưng khi nói chuyện rất có lửa. Nhà ông rộng, có vườn nhưng chỉ ở một mình nên cho người ta thuê lại một nửa. Ông cho biết ông ăn chay trường. Ông kể chuyện nhiều về thời gian đầu ông viết bài chủ trương không nên cấm vận Việt Nam, trái với quan điểm của đa số cộng đồng lúc đó nên ông bị phê phán và quy chụp là thân cộng. Khi ông về nước lại bị công an thẩm vấn, gây khó khăn. Tuy vậy ông vẫn kiên trì quan điểm của mình và sau này người ta mới thấy đó là đúng đắn. Tôi đã từng đọc sách của ông trước năm 1975, không còn nhớ nội dung nhưng vẫn còn nhớ tựa đề một cuốn sách là “Vách núi cheo leo”. Ông có người em ruột tên Nhật Tuấn ở trong nước, cũng là nhà văn.

Sau đó, dù gần trưa, Thái Anh cũng đưa chúng tôi đến thăm nhà thơ Viên Linh. Ông ở một mình và làm việc phía sau một nhà kho khá rộng có cửa mở ra lối sau. Đi vào chỗ ông phải qua mấy văn phòng phía trước. Nơi làm việc của ông chất đầy sách từ dưới bàn cho đến tận nóc nhà. Ông một mình làm tờ Khởi hành, là tờ tạp chí văn nghệ duy nhất ở Mỹ còn tồn tại sau mười mấy năm khi các báo văn nghệ khác đều đã đóng cửa. Đây là một kỷ lục đáng nể vì báo của ông là báo bán chứ không phải phát không – thu quảng cáo như phần lớn báo chí tiếng Việt ở Mỹ. Trước đây tôi không đọc ông nhiều và ít biết về ông nên chủ yếu chỉ thăm hỏi và nghe ông nói chuyện về việc làm báo của mình. Nhiệt tình với văn nghệ và kiên trì làm việc như ông quả thật hiếm có.

Buổi tối có một cuộc gặp gỡ thú vị với T. SơnCao Ngọc Quỳnh. Thái Anh đưa chúng tôi đến một nhà hàng ăn ở Westminster và gọi điện thoại mời hai người kia tới. Đây là một nhà hàng Việt Nam có sân khấu ca nhạc, có ca sĩ của nhà hàng nhưng cũng để khách lên hát theo kiểu “hát cho nhau nghe”. Khá vắng, ban đầu chỉ có chúng tôi, về sau thêm vài bàn nữa có khách. Chúng tôi chọn bàn ngồi xa sân khấu một chút để dễ nói chuyện.

T. Sơn đến trước. Trước đây tôi chưa hề nghe đến tên anh. T. Sơn có lẽ trên dưới 50, ăn nói nhỏ nhẹ. Anh tự nhận mình là kẻ vô danh, không muốn xuất đầu lộ diện trong hoạt động cũng như trên các bài viết mặc dù anh đóng góp rất nhiều cho những việc chung. Anh có cảm tình đặc biệt với chúng tôi và “nhóm Đà Lạt” vì đã theo dõi những việc làm và đọc bài viết, tác phẩm của chúng tôi từ gần hai mươi năm qua. T. Sơn nói về tình cảm và trách nhiệm đối với quê hương bằng một sự say mê không che dấu. Anh hiểu rõ mọi chuyện xảy ra trong nước liên quan đến những người đấu tranh cho dân chủ.

Cao Ngọc Quỳnh xuất hiện làm ngay Thái Anh cũng ngạc nhiên dù hai người là bạn và đã từng gặp nhau nhiều. Một anh chàng cao gầy, đầu húi cua gần như trọc, ăn mặc bụi bặm. Ngoại hình cùng tiếng cười sảng khoái và giọng Bắc kỳ oang oang khi chào hỏi làm tôi liên tưởng đến hình ảnh một tay anh chị. Ấy thế mà anh đã từng là một trí thức xã hội chủ nghĩa, một trong những người chủ chốt sáng lập tờ Đàn chim Việt (báo giấy) chống cộng nổi tiếng ở Ba Lan, sau chuyển thành website Danchimviet có trụ sở ở Mỹ. Bây giờ anh đã giã từ chính trị và báo chí, sang sinh sống ở Little Saigon này để thực hiện “giấc mơ Mỹ” như anh tự nhận. Anh hiện là giám đốc một công ty kinh doanh làm ăn khá phát đạt và bắt đầu tham gia hội chơi mô tô, một hội phần lớn gồm những người Mỹ trẻ có máu giang hồ và mê tốc độ.

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, không hiểu sao lại nảy ra tranh luận khá gay gắt giữa T.Sơn và Cao Ngọc Quỳnh. T.Sơn cho rằng những người Việt còn sống ở đây không thể quên và phải biết ơn những người lính đã cầm súng chiến đấu, đã nằm xuống hoặc tù tội cải tạo nhiều năm dài, những thuyền nhân vượt biển đã vùi thân trong biển cả. Tất cả những khổ đau, mất mát của họ đã làm xúc động lương tâm nhân loại, thúc đẩy các nước mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn VN. Cũng phải biết ơn những người đã và đang đấu tranh cho dân chủ đang quằn quại dưới sự đàn áp và trong ngục tù của chế độ độc tài toàn trị trong nước. Và cần phải làm cái gì đó cho quê hương. Quỳnh đáp trả rằng anh không nợ gì bất cứ ai trừ cha mẹ mình, cần phải để lại quá khứ đằng sau và đi vào tương lai bằng một nhận thức mới. Đối với anh hiện nay, tương lai đó chính là “giấc mơ Mỹ” mà anh đang từng bước biến thành hiện thực.

Tôi thấy cuộc tranh luận và cả hai người đều rất thú vị. Ở đây người ta có tự do và tự tin để nói điều mình nghĩ, dù khác nhau, có thể đối chọi nhau nhưng không vì thế mà đi đến xung đột đổ vỡ. Thái Anh và tôi nói xen vào cho vui vì đây là một buổi nói chuyện trong nhà hàng, khi tiếng hát tiếng đàn trên sân khấu đã vang lên làm chúng tôi phải nói thật to mới nghe nhau được. Cuối cùng chúng tôi mời nhau lên sân khấu mỗi người hát một bài để vui vẻ cả làng trước khi chia tay, lúc đã khá khuya và nhà hàng sửa soạn đóng cửa. Cao Ngọc Quỳnh nói có mấy chai rượu ngon để dành ở nhà, hẹn chúng tôi trước khi rời Nam Cali đến nhà anh uống nhưng rất tiếc chúng tôi không có thời gian gặp lại anh. T. Sơn cũng hứa sau này lúc chúng tôi sắp xếp được, anh sẽ mời chúng tôi về Nam Cali lần nữa để đưa chúng tôi đi đây đó và anh đã giữ lời.

Hôm sau, chúng tôi gặp thêm một số người nữa trong giới hoạt động chính trị, văn hóa, truyền thông. Tình cờ gặp trong một quán ăn, Thái Anh giới thiệu chúng tôi với các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Chí Thiện, Đinh Quang Anh Thái và một số người nữa tôi không nhớ tên. Họ đang dự buổi ra mắt cuốn Tự điển chữ Nôm trích dẫn do Viện Việt học xuất bản mà họ xem là đại tác phẩm của một tập thể người Việt ở hải ngoại.

Tôi được ông Nguyễn Ngọc Bích và một ông nữa trong tập thể tác giả ký tặng một cuốn sách. Tôi lật lướt qua, quả là một cuốn tự điển chữ Nôm bề thế, dày đến 1700 trang. Chưa nói đến việc nghiên cứu, sưu tầm hết sức công phu và uyên bác, với rất nhiều trích dẫn từ các tác phẩm chữ Nôm ngày xưa, nội chuyện in chữ Nôm trong một cuốn từ điển dày như thế đã là việc vô cùng khó khăn. Có những người Việt ở hải ngoại đi sâu vào nghiên cứu chuyên môn, dành nhiều tâm huyết như thế cho một công trình văn hóa để giữ gìn vốn cổ thật đáng trân trọng.

Tôi đã nghe tiếng nhiều về ông Nguyễn Ngọc Bích. Ông là một học giả, từng làm giáo sư đại học, giám đốc đầu tiên của đài phát thanh RFA khi mới thành lập. Ông hơi thấp người, rắn chắc và nhanh nhẹn, bề ngoài có vẻ chân chất, đơn giản. Mới gặp lần đầu, tôi chỉ nói chuyện vài câu xã giao nhưng sau này gặp ông hai lần nữa ở Virginia, tôi càng có nhiều điều ngạc nhiên về ông.

Ông Nguyễn Chí Thiện là tác giả tập thơ “Hoa địa ngục”, được coi là một “ngục sĩ”, ở tù mấy lần với thời gian kỷ lục gần 30 năm dưới chế độ cộng sản trong nước. Giữa hai lần bị giam ông đã chạy vào Tòa Đại sứ Anh ở Hà Nội để nhờ chuyển bản thảo tập thơ của ông ra hải ngoại. Sau đó tập thơ được in và dịch ra nhiều thứ tiếng. Hết thời gian ở tù, ông được gia đình bảo lãnh qua Mỹ. Ở đây, ông tham gia nhiều hoạt động chống cộng và rất nổi tiếng. Tuy nhiên có thời gian, một số phát biểu của ông được một số người cho là quá cực đoan. Gần đây ông bị vướng vào một vụ phiền phức vì có người tố cáo ông là “Nguyễn Chí Thiện giả do cộng sản trong nước đánh ra làm gián điệp, còn Nguyễn Chí thiện thật đã bị cộng sản giết”. Quả là một chuyện lạ đời vì một số người có tên tuổi hoạt động chính trị hoặc sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa từng ở tù chung với ông nay đang ở Mỹ lên tiếng xác nhận mà những người tố cáo vẫn không tin, không chấp nhận, lại còn cho tất cả đều là tay sai cộng sản.

Ông Thiện cao lênh khênh, hơi gầy, đôi mắt sâu và cặp lông mày bạc thường cau lại thoáng một nỗi buồn. Ông “tranh thủ” hỏi chuyện tôi về tình hình trong nước. Ông thố lộ tâm sự mong đất nước sớm có ngày tự do để ông có thể về lại quê hương nhưng hình như ngày đó hãy còn xa quá. Nghe nói ông có trợ cấp nhưng chỉ sống một mình trong một căn phòng thuê nhỏ, đi đâu cũng phải nhờ người quen lái xe chở đi.

Đinh Quang Anh Thái to cao nhưng không gồ ghề như trong ảnh tôi xem được trên các trang web. Anh Thái là người đã có liên hệ với tôi từ năm 1994 lúc anh làm phóng viên cho đài VNCR để phỏng vấn tôi về tình hình trong nước và đặt bài tôi viết hàng tháng cho đài này trong gần một năm. Sau đó anh chuyển sang làm cho đài RFA. Năm 1996, lúc tôi bắt đầu bị gây khó khăn, công an liên tục gọi thẩm vấn về những bài viết của tôi được công bố ở nước ngoài, anh là người đầu tiên gọi về hỏi chuyện và đưa thông tin lên đài. Anh có một giọng Bắc trầm ấm nghe rất có cảm tình. Bẵng đi một thời gian dài tôi không liên hệ với anh.

Gặp nhau ở đây anh rất vui. Dù đang bận công việc túi bụi, anh cũng hẹn chúng tôi đi ăn trưa nói chuyện. Anh nói rất tiếc không đưa chúng tôi đi chơi đây đó được. Anh hi vọng lần sau nếu chúng tôi trở lại Nam Cali, được báo trước, anh sẽ sắp xếp xin nghỉ vài hôm để tiếp đón và làm hướng dẫn du lịch cho chúng tôi. Khi vào xe, anh lấy chiếc túi đang sử dụng dốc hết các đồ trong đó ra và đưa tặng tôi để làm kỷ niệm. Đây là chiếc túi hình như khá đắt tiền và rất thuận tiện cho phóng viên vì có thể đựng được nhiều thứ. Sau đó anh còn đưa tôi đến một cửa hàng điện tử mua tặng tôi thêm một máy ghi âm. Đây là một máy ghi âm nhỏ bỏ túi, dễ sử dụng, được quảng cáo có thể thu được cả trăm giờ. Có lẽ do “máu nghề nghiệp” nên Anh Thái tặng món quà đó nhưng cũng nhờ thế mà sau này chiếc máy có lúc hữu dụng cho tôi dù tôi ít khi dùng đến.

Thái Anh cũng gọi điện mời Hoàng Khởi Phong đến gặp trong bữa ăn với Đinh Quang Anh Thái. Mọi người đều quen nhau cả. Hoàng Khởi Phong làm thơ viết văn rất sớm từ trước năm 1975, xuất thân là sĩ quan quân cảnh của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi không quen Hoàng Khởi Phong từ trước nhưng anh là bạn của mấy người bạn văn của tôi trong nhóm Việt trước 1975. Mấy năm gần đây, trong những lần về nước, anh đều hẹn gặp tôi đi uống café nếu tôi đang ở Sài Gòn. Anh có mang về tặng tôi mấy cuốn sách của anh trong đó có cuốn “Viết lên trời xanh” và tập đầu trong bộ tiểu thuyết lịch sử “Người trăm năm cũ” viết về cuộc đời Hoàng Hoa Thám. Hoàng Khởi Phong là người năng động, xông xáo, viết sách viết báo nhiều, tham gia ban biên tập của nhiều tạp chí ở hải ngoại nhưng mấy năm gần đây anh “rửa tay gác kiếm”, đóng cửa nằm nhà để tập trung hoàn thành bộ trường thiên tiểu thuyết “Người trăm năm cũ” mà anh ấp ủ như một tác phẩm lớn cuối đời. Anh đã từng về Việt Nam đi thăm những nơi Hoàng Hoa Thám hoạt động ngày xưa để lấy tư liệu cho tiểu thuyết.

Nhà văn cựu sĩ quan quân cảnh này không cao lắm nhưng to con, vững chãi, bộ râu cằm điểm bạc, ăn nói rổn rảng giọng Bắc kỳ. Anh bảo có thể tiếp chúng tôi ở nhà nhưng nhà anh là mobile home không mấy tiện nghi, ăn thì đi ăn “cơm chỉ” vì anh ở nhà một mình không ai nấu nướng. Hình như ở Mỹ cũng lắm người sống độc thân kiểu này. Tôi hỏi anh “cơm chỉ” là gì, anh bảo cứ ra quán cơm có món ăn bầy sẵn, thích món gì chỉ món đó. Kiểu này chắc không khác cơm bình dân trong nước. Rất tiếc chúng tôi cũng không có thời gian để thăm mobile home của anh.

Trong thời gian chúng tôi ở nam Cali, Nguyễn Hữu Liêm từ San Jose cũng về đây vì công việc gia đình. Có hôm anh rủ chúng tôi đến thăm Khánh Trường, nguyên chủ biên tạp chí Hợp Lưu. Liêm trước đây có cộng tác với Hợp Lưu và Hợp Lưu cũng có lần đăng một truyện ngắn của tôi. Hợp Lưu là tạp chí văn học gây tiếng vang lớn một thời gian, có đăng nhiều bài của các tác giả trong nước với khuynh hướng hòa giải hòa hợp. Vì đau bệnh và mâu thuẫn nội bộ, Khánh Trường phải giã từ tạp chí. Nghe nói anh bị tai biến và bệnh trạng rất nặng.

Đến nhà chúng tôi thấy Khánh Trường ngồi xe lăn nhưng nói chuyện rất hào sảng, giọng Quảng Nam oang oang và thỉnh thoảng xen vào mấy tiếng chửi thề rất phóng khoáng. Anh cũng theo dõi tình hình văn nghệ chính trị và có vẻ bực mình về những chuyện đấu đá vô bổ nhưng bây giờ anh chỉ có thể tiếp tục vẽ ở nhà và chơi với mấy cháu bé.

Chúng tôi đến thăm nhà sách Tự Lựcđường Brookhurst. Đây là nhà sách và nhà phát hành lớn nhất ở Mỹ, nơi đã tiêu thụ một số lượng khá lớn sách của tôi và hiện vẫn còn để trên kệ cuốn “Mảnh trời xanh trên thung lũng”. Nhà sách không lớn lắm, có lẽ chỉ chừng hơn 100m2 (theo người bán hàng ở đây nói còn có nhà kho lớn ở nơi khác), ngoài sách báo ở hải ngoại còn có một số sách xuất bản trong nước có giá trị như sách của Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Bùi Ngọc Tấn, Tạ Duy Anh…, các loại từ điển và cả tạp chí thời trang, du lịch.

Trước khi chúng tôi sang Mỹ, một độc giả ái mộ bên này báo là đã gởi tặng hai phiếu mua sách ở nhà sách Tự Lực để khi có dịp đến đây chúng tôi sẽ lấy sách. Được người bán sách xác nhận, thế là chúng tôi tha hồ chọn được hơn chục cuốn. Anh Tín - người bán sách còn tử tế mời tôi uống café và nói nếu thuận tiện anh sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ để tôi ký tặng sách cho độc giả như nhà sách thỉnh thoảng vẫn tổ chức ở đây. Sau đó, ông bà chủ nhà sách Tự Lực – anh Đồng và chị Thanh – mời chúng tôi đi ăn để bàn về việc người độc giả ái mộ và Tự Lực giúp xuất bản cuốn Tuyển tập Tiêu Dao Bảo Cự. Tuy việc này chưa được tiến hành ngay nhưng hi vọng sẽ thành hiện thực trong tương lai.

Từ Westminster, Thái Anh còn chịu khó chở chúng tôi đến Los Angeles để thăm nhà xuất bản Văn Mới. Nhà xuất bản này đã in cuốn “Mảnh trời xanh trên thung lũng” của tôi và báo hiện vẫn còn 100 cuốn chưa phát hành hết. Tôi đã liên lạc trước và đề nghị nhà xuất bản giao lại cho tôi để tôi tự phát hành trong thời gian ở đây. Ông chủ nhà xuất bản là Nguyễn Khoa, một người Huế, rất am tường và chuyên nghiệp trong lãnh vực của mình, trình bày cho chúng tôi biết tình hình khó khăn trong xuất bản gần đây. Ông phải là người rất khôn khéo mới có thể duy trì hoạt động trong khi nhiều nhà xuất bản danh tiếng khác đã lần lượt đóng cửa. Ông khuyên tôi nên viết những cuốn ngắn chừng 2-300 trang sẽ dễ bán hơn. Cuốn “Mảnh trời xanh…” của tôi hơn 700 trang bán được như thế khá nhanh, trong hai năm đã bán gần hết nhờ nhiều bạn bè giúp đỡ, trong khi có những cuốn cả 5-10 năm vẫn chưa bán xong. Tuy đã thỏa thuận ông sẽ giao số sách còn lại cho tôi với giá hữu nghị nhưng cuối cùng ông đã tặng không tôi số sách này, coi như ủng hộ tác giả trong chuyến Mỹ du, lại còn tặng thêm một số cuốn sách khác của nhà xuất bản. Thật là quý hóa vì sắp tới chúng tôi sẽ đi đây đó, mang theo sách, bán được bao nhiêu thì bán, còn không dùng làm quà tặng bạn bè cũng rất ý nghĩa. Thế là chúng tôi khệ nệ mang mấy thùng sách nặng trịch ra xe, để cốp sau không hết phải để lên cả băng trên.

Hôm rời Nam Cali trở về, Thái Anh định đi sớm theo đường số 101 là con đường chạy dọc bờ biển phía tây, phong cảnh đẹp nhưng dài và quanh co qua nhiều đèo dốc nguy hiểm hơn xa lộ số 5. Tuy nhiên đêm trước Thái Anh đi chơi riêng với các bạn trẻ ở đây, hình như uống rượu nhảy đầm tới hơn 2g đêm mới về nhà (độc thân vui tính mà!), sáng ngủ đến 10 giờ chưa dậy nổi, đành lại trở về theo đường số 5 cho an toàn.

Tuy khởi hành trễ, Thái Anh cũng cho chúng tôi tạt qua thăm kinh đô điện ảnh Hollywood vì tương đối thuận đường, từ đường số 5 rẽ vào không xa lắm. Anh chạy ngay đến đại lộ Sunset Boulevard là con đường nổi tiếng nhất Hollywood, nơi người ta vinh danh các nghệ sĩ tài năng bằng cách khắc tên họ lên lề đường. Đến đây tìm được chỗ đậu xe không phải dễ. Phải chạy loanh quanh các đường kế cận, may tìm được một chỗ trống được phép đậu trước các nhà ở. Nơi này muốn đậu phải có thẻ riêng, nếu không xe có thể bị kéo đi.

Khu vực này thật náo nhiệt, người đi lại đông đảo. Băng qua mấy siêu thị, chúng tôi đến Sunset Bd. Du khách đi lại dày đặc. Một số người đóng giả các nhân vật nổi tiếng của các bộ phim ăn khách như Shrek, Catwoman…đi lại nhảy nhót để lấy tiền du khách muốn chụp hình chung làm kỷ niệm. Vài người da đen đứng thổi kèn hay chơi các nhạc cụ. Khách thuộc nhiều quốc tịch chen vai thích cánh quay phim, chụp hình. Trẻ con chạy luồn lách la hét. Nhạc ở các quán café, quán bar ầm ĩ. Chúng tôi chỉ đi lướt qua khu vực sôi động này. Thái Anh tìm một vị trí thích hợp để chụp cho chúng tôi bức ảnh có phông phía sau xa là một sườn đồi cao có chữ Hollywood thật lớn, một tấm hình đặc trưng cho việc đến thăm kinh đô điện ảnh.

Thái Anh rất rành thành phố này. Anh cho biết trước đã từng ở đây mấy năm và có một mối tình lớn nhưng tan vỡ. Anh đã vô cùng đau khổ và phải bỏ dở việc học lấy bằng tiến sĩ nên bây giờ đành phải đi dạy trung học. Việc ghé thăm nơi này có lẽ gây cho anh nhiều cảm xúc nên anh đã hé lộ tâm tình riêng, điều người ta ít làm trong cuộc sống trên đất Mỹ.

Trên đường trở về bắc Cali, Thái Anh nghỉ xả hơi ở một rest area gần cuối đèo. Khu vực này rộng rãi, cây cối nhiều và ra khỏi xe trời khá lạnh. Tôi khuyên Thái Anh nên ngồi trên xe ngủ một giấc ngắn để tiếp tục lái cho tỉnh táo. Sau đó tôi phải liên tục nói chuyện vì sợ anh ngủ gật trên quãng đường quá dài. Đến tối mịt anh chở thẳng chúng tôi đến nhà bạn tôi ở Milpitas rồi tiếp tục lái về nhà ở Oakland dù chúng tôi đã mời anh nghỉ lại. Thái Anh quả có sức khỏe tốt vì chúng tôi không lái xe mà mệt bã người, có lúc buồn ngủ quá, chập chờn mắt nhắm mắt mở phó thác số phận cho “người cầm lái” vẫn phóng như bay trên xa lộ.

Sau khi về lại Bắc Cali, chúng tôi đọc thấy một bài viết của Nguyễn Hữu Liêm về Cao Ngọc Quỳnh. Hóa ra trong chuyến đi Nam Cali, Liêm cũng gặp Quỳnh và Quỳnh cũng nói những chuyện tương tự như với T. Sơn trong nhà hàng hôm có chúng tôi. Liêm ghi lại quan điểm của Quỳnh và tán dương đó là một quan niệm đúng đắn, mẫu mực cho cả người Việt ở hải ngoại và trong nước. Thế là Nguyễn Khoa Thái Anh nổi đóa lên, viết một bài phản bác, kịch liệt đả kích luôn cả Cao Ngọc Quỳnh và Nguyễn Hữu Liêm. Hai bài viết đều đăng trên Đanchimviet.com, cả hai tác giả đều ở trong Ban Biên tập và sau đó hai người vẫn đối xử với nhau cũng như với Cao Ngọc Quỳnh bình thường trong tình bè bạn. Ở đây các bạn tôn trọng quan điểm khác biệt của nhau nhưng tranh luận thẳng thắn, không thù nghịch, đúng tinh thần dân chủ đích thực.

Về lại Milpitas, anh chị bạn chủ nhà đưa chúng tôi đi đây đó quanh vùng cho biết. Trước tiên là đi các công viên. Gần nhất có công viên Nhật Bản Japanese Frienship Garden nổi tiếng. Công viên này ở sát ngay downtown San Jose, được khai trương từ tháng 10 năm 1965 do tỉnh Okayama Nhật Bản hỗ trợ xây dựng. Một phong cảnh yên bình, dịu mát, dĩ nhiên mang phong cách Nhật với cây, cỏ, hoa, lá, đá, nước, cá hài hòa. Một chiếc hồ quanh co với các tiểu đảo bằng đá và đàn cá koi bơi lượn, có nơi dày đặc. Đây là giống cá Nhật, gần giống cá chép nhưng rất nhiều màu sắc. Trắng, đen, xanh, cam, tuyền màu hay điểm các chấm đen làm đàn cá trở nên đa sắc, sống động, đặc biệt được các em nhỏ thích thú. Các lối đi trải xi măng uốn lượn giữa nhiều loại cây cho bóng mát, có cây đã trở thành cổ thụ. Một vài cây anh đào đang trổ hoa rực rỡ. Một số cây lớn nhưng cũng được cắt tỉa như bonsai tạo tán thành những hình cầu khổng lồ trên cao. Các bãi cỏ được chăm bón chu đáo mịn màng sạch sẽ. Đúng là một nơi thư giãn êm đềm cuối tuần cho các gia đình có con nhỏ. Người Nhật quả biết cách để lại dấu ấn của mình trên đất Mỹ, không phải chỉ ở đây mà còn có cả chục vườn ở các tiểu bang khác.

Các công viên khác của Mỹ gần gũi với thiên nhiên hơn, không tỉa tót như công viên Nhật. Trên dãy đồi núi ở phía tây Milpitas có một số công viên được xây dựng dựa trên địa hình thiên nhiên. Cây cổ thụ rợp bóng mát, bãi cỏ mịn xanh rờn, hồ nước với các đàn vịt trời có sẵn, chỉ cần kiến tạo bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, lối đi và các bộ bàn ghế gỗ dã chiến cùng với lò nướng là đã có thể cung cấp cho cư dân một nơi đi chơi dã ngoại tuyệt vời. Trong những công viên này, chúng tôi thấy nhiều gia đình hay nhóm bạn đến đây vui chơi suốt ngày với các trò chơi thể thao, đọc sách… Cũng có loại công viên trồng toàn hoa hồng như Rose Garden ở San Jose với hàng redwood cao lớn bao quanh, chính giữa có sân khấu và khoảng trống để tổ chức các sự kiện như một buổi tổ chức phát bằng tốt nghiệp của một trường trung học mà chúng tôi chứng kiến khi tình cờ ghé qua.

Anh chị bạn chủ nhà cũng cho chúng tôi đi xem các siêu thị của Mỹ, Việt, Hoa. Ở Mỹ đi đâu người ta cũng đi xe hơi và dùng tủ lạnh rất lớn để trữ thức ăn, vài ngày hay cả tuần mới đi mua sắm một lần nên việc đi siêu thị xa gần không thành vấn đề. Các siêu thị của người Việt, Hoa nhỏ hơn siêu thị Mỹ nhưng cũng khá sạch sẽ, trình bày sáng sủa, bắt mắt nhất là hàng rau, hoa quả tươi và cả thịt cá, đều được làm sẵn, đóng gói gọn gàng. Cuối tuần chúng tôi cũng đi xem các farmer market dựng lên tạm thời bằng lều ở các khu đất trống để các nông trại đưa ra bán sản phẩm của mình không qua trung gian. Cũng có đủ hoa, rau cải, trái cây, trứng, bánh kẹo và các thức ăn bình dân ăn chơi tại chỗ. Có nơi còn có ban nhạc trình diễn làm phiên chợ thêm vui vẻ. Chúng tôi cũng đi dạo garage sale để xem người ta bầy đồ cũ trước garage, bán với giá rẻ gần như cho nhưng cũng có những mặt hàng còn mới nguyên, có giá trị hoặc cần thiết cho những người không khá giả. Đặc biệt siêu thị điện tử Fry’s gây ấn tượng bởi tòa nhà bán hàng rộng mênh mông, có lẽ tới vài ngàn mét vuông, với đủ loại máy móc khách có thể tha hồ sử dụng thử và mua rồi đem về nhà dùng, nếu không hài lòng vẫn có thể đem trả lại. Những cuộc đi chơi với anh chị bạn chủ nhà giúp chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống trên đất Mỹ.

Nghỉ ngơi thêm ít hôm, tôi đề nghị Nguyễn Hữu Liêm sắp xếp lịch cho tôi vào nói chuyện với sinh viên lớp của anh như đã thỏa thuận. Liêm dạy ở San Jose City College. Anh đang dạy về triết học hiện sinh và đề tài nói chuyện tôi với anh đã thống nhất là “Triết học hiện sinh từ siêu thực đến hiện thực: Lựa chọn dấn thân của một trí thức trong một đất nước trong và sau chiến tranh”. Ý của Liêm là muốn cung cấp cho sinh viên Mỹ một cái nhìn về triết học hiện sinh từ những người ở một quốc gia có nền văn hóa khác với văn hóa Mỹ. Tôi muốn làm xong việc này sớm để hoàn thành trách nhiệm của mình, sau đó có thể tha hồ đi đây đó không ngại việc chồng chéo giờ giấc.

Đến ngày hẹn, Liêm đi sớm tới nhà chở chúng tôi đến trường. San Jose City College là một trường đại học cộng đồng. Loại trường này dành cho bất cứ ai trên 18 tuổi, cũng giảng dạy nhiều môn, cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc chuẩn bị cho việc tiếp tục vào các University. Những người lớn tuổi muốn học thêm và các sinh viên nước ngoài đến Mỹ, trong thời gian đầu, cũng thường học các College này.

Liêm đưa chúng tôi vào phòng làm việc của anh. Đó là một phòng nhỏ trên lầu của ngôi nhà dành riêng cho các giáo sư. Anh chung phòng với một giáo sư khác người Mỹ. Anh có một bàn làm việc đặt máy vi tính, một kệ sách toàn sách triết và luật, vài cái ghế. Anh xin lỗi dành vài phút kiểm tra mail rồi mời chúng tôi xuống canteen ăn sáng. Chúng tôi đi qua khuôn viên của trường. Một khung cảnh thanh bình và trẻ trung làm tôi nhớ lại thời sinh viên của mình. Đã lâu lắm tôi không có dịp bước chân vào trường đại học. Ngay cổng vào là thư viện lớn có tên Cesar E. Chavez – Library-Learning Resource Center, kế tiếp nhiều dãy nhà rợp bóng mát của những hàng cây lớn, bên dưới là bãi cỏ, giữa có lối đi tráng nhựa. Vườn trường được chăm sóc khá chu đáo, cỏ xanh mướt và các luống hoa đang nở. Sinh viên hầu hết còn trẻ, phần lớn người Mỹ và cũng có một số người châu Á đi lại trong sân từng đôi hay từng nhóm nói chuyện vui vẻ. Vài người ngồi hút thuốc trên các bực thềm, nơi có chỗ gạt tàn. Một nhóm sinh viên dựng lều bạt ngay giữa sân đang quảng cáo cho một hoạt động gì đó của họ. Khi chúng tôi đi ngang họ mời vào uống café miễn phí. Có một câu khẩu hiệu được gắn nhiều nơi bằng 6 thứ tiếng, trong đó tiếng Việt để trên cùng “Bạn có thể làm được” và tiếng Anh tiếp theo “You can do it”.Tôi cảm nhận một bầu khí êm đềm, thoải mái và tự do nơi đây.

Canteen khá rộng. Nhiều người đang ngồi ăn trò chuyện nhưng không ồn ào. Liêm đi lấy hot dogcafé. Trong số người phục vụ có một phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi sắp ngồi vào bàn thì có ông khoa trưởng người Mỹ đến. Liêm giới thiệu chúng tôi với ông, ông trao đổi vài câu chào hỏi xã giao rồi đi. Tôi hỏi Liêm việc mời tôi đến nói chuyện với sinh viên có thông qua khoa không. Anh bảo ở đại học Mỹ việc đó không cần. Giáo sư có quyền mời và chịu trách nhiệm việc người ngoài đến nói chuyện với lớp của mình để bổ sung cho bài giảng. Trừ trường hợp nói chuyện với sinh viên toàn khoa, toàn trường hay có tài trợ mới cần thông qua hội đồng nhà trường. Tinh thần tự trị đại học rất được tôn trọng.

Liêm đề nghị chúng tôi dự một tiết của anh giảng dạy trước để chúng tôi quen với không khí lớp học, phần khác vì giờ nói chuyện của tôi được bố trí vào tiết sau, gộp sinh viên của hai lớp. Lớp học bình thường, không rộng lắm, bàn ghế riêng cho từng người, tường phía trước có gắn một bảng lớn màu xanh chạy gần suốt bề ngang. Khoảng 20 sinh viên nam nữ, chỉ có vài người châu Á, phần đông ăn mặc tự do, có vẻ “bụi bặm”. Chúng tôi ngồi ở cuối phòng. Tôi ngạc nhiên thấy sinh viên được điểm danh cẩn thận và nộp bài làm kiểm tra lần trước. Liêm đang giảng về lịch sử triết học hiện sinh qua việc giới thiệu tư tưởng căn bản của một số triết gia. Anh nói chậm rãi, khúc chiết, thỉnh thoảng ghi vài tên và những câu quan trọng lên bảng, gọi hỏi vài sinh viên và xen vào những chuyện đùa ngoài lề làm cả lớp cười vui vẻ. Có người ghi chép, người xem laptop hay trầm ngâm, lơ đãng. Không khí lớp học nghiêm túc nhưng không nhàm chán.

Sau giờ nghỉ giải lao, chúng tôi chuyển sang phòng khác để tôi nói chuyện. Liêm kéo hai chiếc bàn ra trước lớp để tôi và anh ngồi đối diện với sinh viên và anh tiện phiên dịch cho tôi. Tôi không quen kiểu nói một đoạn, đợi phiên dịch rồi nói tiếp vì tư tưởng bị ngắt quãng, thiếu hào hứng nhưng dần cũng quen. Tôi có soạn đề cương bài nói chuyện nhưng không cần thiết phải nhìn vì ở đây tôi muốn nói theo cảm hứng. Tôi nói với sinh viên tôi nhớ lại hơn 40 năm trước, lúc các em còn chưa sinh ra, tôi cũng bằng tuổi các em bây giờ và ngồi trong giảng đường Đại Học Văn Khoa của thành phố Huế để nghe giảng về chủ nghĩa hiện sinh và say mê tìm đọc những tác phẩm triết học, văn học của Jean Paul Sartre, Albert Camus, Francoise Sagan cũng như sách triết của các giáo sư đại học Việt Nam. Tôi và nhiều bạn bè cũng bị tác động, dằn vặt khi tiếp cận những khái niệm về phi lý, buồn nôn, vong thân… một cách trừu tượng nhưng trong một đất nước đang có chiến tranh, điều mạnh hơn cả đối với chúng tôi là tinh thần trách nhiệm và ý thức dấn thân chứ không phải là “yêu cuồng sống vội” như có một số người trẻ khác đã lựa chọn. Chính ý thức dân tộc, khát vọng tự do, lòng yêu nước của người dân một quốc gia nhược tiểu đang bị tàn phá, trong đó có sự can thiệp và bom đạn của người Mỹ, đã kết hợp với một khía cạnh tích cực của chủ nghĩa hiện sinh đưa chúng tôi đến hành động, vào thời điểm đó chính là chống chiến tranh và chống Mỹ. Chúng tôi không suy tưởng triết lý mà sống triết lý. Triết lý đi vào máu thịt thành lẽ sống cho mãi về sau này. Sau chiến tranh, khi chứng kiến chế độ cộng sản phô bày sự chà đạp con người, lẽ sống đó lại một lần nữa thôi thúc tôi và một số bạn dấn thân chống lại cái ác, trở thành người bất đồng chính kiến với chế độ. Lần nào tôi cũng phải trả giá cho lựa chọn tự do của mình. Phải chăng con người cần làm như thế để sống cuộc đời có ý nghĩa giữa trần gian này?...

Tôi không nói về triết học hiện sinh vì thầy Liêm đang giảng dạy, các em cũng đã nghiên cứu rất nhiều và tôi cũng đã quên hầu hết lý thuyết mình đã học. Tôi chỉ có kinh nghiệm bản thân về việc áp dụng triết lý vào cuộc sống ở một môi trường hoàn toàn khác biệt với môi trường sống của các em hiện nay và điều lạ lùng gần như phi thường là hôm nay tôi lại được cấp visa vào Mỹ để nói chuyện này với sinh viên Mỹ.

Thật khó có thể nói một câu chuyện dài phức tạp như thế, lại thông qua phiên dịch, chỉ trong một giờ đồng hồ. Sau đó chúng tôi có 30 phút trao đổi. Phần này thực sự thú vị. Các sinh viên phần lớn là người Mỹ, vài người châu Á, trong đó có một sinh viên Việt Nam. Với vẻ ngoài bụi bặm, bất cần đời, các sinh viên đã đặt những câu hỏi khá sâu sắc, chứng tỏ họ học triết nhưng không quên những vấn đề thời sự chính trị: Ông quan niệm thế nào là sống trung thực, không ngụy tín? Điều gì đã giúp ông có thể tiếp tục dấn thân và chịu trả giá dưới cả hai chế độ mà ông đã sống trải? Ông nghĩ gì về chế độ cộng sản? Chế độ cộng sản ở Việt Nam bao giờ sụp đổ và theo kịch bản nào? Các tôn giáo đóng vai trò gì trong tiến trình dân chủ hóa dưới chế độ độc tài?...

Khi ra về, nhìn các sinh viên Mỹ vô tư lự trong sân trường tôi có một chút thoáng buồn. Thời sinh viên của tôi không được như thế. Thời sinh viên của các con tôi không được như thế. Và thời sinh viên Việt Nam hiện nay cũng không được như thế khi tuổi trẻ bị tác động, quăng quật, gò ép bởi chiến tranh, hận thù, nhồi sọ chủ nghĩa và nỗi lo cơm áo.

(còn tiếp)