Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Miền Hoang Tưởng (kỳ 8) – Tiểu thuyết của Đào Nguyễn

X

Tôi vừa đi về nhà anh Trần, vừa suy nghĩ miên man như vậy. Lại liên tưởng đến Ngà, đến Mai. Lại lởn vởn trong óc những ý nghĩ về lòng cao thượng. Lởn vởn trong óc cả lòng vị tha nhân hòa… Chợt nghe tiếng cười rúc rích của con chim đội mũ hào quang. “A! Con chim quỷ quái mày lại rình mò cả tư tưởng ta nữa hay sao?”

Ông anh rể Trần đón tôi rất thân mật:

    -  Cậu về thật may. Định sai cháu Lê đi đón cậu.

    -  Nhà ta hôm nay có chuyện vui?

    -  Gia đình chuẩn bị bữa ăn vui để cháu Lê sang Đức.

    -  Đi Đức hay đi bộ đội?

    -  Cháu sang Đức.  Anh Trần trả lời tôi tuy có vẻ bực bội nhưng vẫn rất điềm tĩnh.

Có lẽ anh cho là tôi định móc máy anh, thực ra tôi rất thành thật. Tôi thành thật đến ngốc nghếch, vì đã nhiều lần cậu Lê tâm sự với tôi về chuyện đó. Tôi nói:

    -  Cháu Lý đã xuất ngoại rồi, đúng ra anh phải cho cháu Lê đi bộ đội mới là phải.

Anh Trần cáu kỉnh:

     -  Cháu Lê hoàn toàn có quyền được hưởng những ân huệ đặc biệt. Con tôi được hưởng mà không chút nào phải hổ thẹn…

     -???…

Đột nhiên, hai anh em rơi vào cái im lặng nặng nề. Tôi thì buồn phiền. Còn anh Trần thì đưa mắt nhìn vào cõi xa vời. Có lẽ anh đang tìm những lý lẽ để tự bào chữa. Và cách tốt nhất là quay trở về quá khứ, cái quá khứ đáng trọng, đầy ánh hào quang…

Những ngày đấu tranh hào hùng ở nhà tù Sơn La năm 1938. Toàn trại tù chính trị tuyệt thực phản đối chính sách dã man của đế quốc Pháp đối đãi tàn khốc với những người yêu nước. Bọn giặc kiên quyết đàn áp tù nhân. Chúng cầm súng, cầm gậy mở cửa trại giam hùng hổ tràn vào. Anh Trần được phân công đứng vòng ngoài bảo vệ cho anh em ốm yếu đứng vòng trong…

Xô…đẩy, đánh đập… Tiếng hô… tiếng chửi… Anh Trần vẫn xiết chặt bàn tay đồng chí làm một hàng rào bảo vệ vững chắc. Chiếc gậy cao su đánh vào vai anh. Những vòng hoa xanh đỏ bay trước mắt anh, máu chảy ràn rụa mặt anh. Anh như muốn quỵ xuống nhưng vẫn xiết chặt bàn tay đồng chí…

     – Phản đối khủng bố!

    -  Phản đối tàn ác!

Anh Trần bật đứng thẳng lên, nghiến răng lại, ưỡn ngực ra. Chiếc gậy cao su liên tiếp bổ vào đầu anh. Bọn Tây đánh mãi, đánh mãi…cho đến khi anh quỵ xuống mê man…

Đấy! Lý do đấy! Tại sao con anh lại có quyền hưởng đặc ân.

Đấy! Cái lý do hùng hồn nằm ở đấy…

……….

Bây giờ thì anh rất tự tin và bình tĩnh. Anh hút thuốc lá rồi chậm rãi nói:

      -  Cậu Tư ạ! Phải đi sâu vào quá khứ mới có cái nhìn độ lượng và đúng đắn.

      -  Em tưởng rằng anh không hề bao giờ nghĩ đến những đặc quyền.

      -  Sao…?

      -  Đặc quyền rất gần với suy đốn. Và khi đặc quyền được phổ quát nó sẽ dẫn đến sự phân tầng xã hội… Anh ơi cái di hại ngàn đời đấy.

     -  Không! Thời kỳ đồ đá, kẻ thắng trận được hưởng những nô lệ làm của cải riêng tư. Thời phong kiến, Lê Phụng Hiểu, Trần Khát Chân có công đều được thưởng theo lệ Thác dao điền. Vậy người cách mạng, theo lẽ công bằng, cũng phải được đối đãi thích đáng với sự hy sinh của mình chứ.

     -  Cách mạng thắng lợi vì nó nhân danh công bằng xóa bỏ đặc quyền của kẻ giàu. Sự hình thành những đặc quyền mới là điều không thể giải thích nổi.

    -  Cậu đang rơi vào chủ nghĩa bình quân.

    -  Không, tôi đang nhân danh sự công bằng.

    -  Cậu đang bị ám ảnh bởi những tư tưởng tư sản suy đồi.

    -  Anh ơi! Anh đang rơi vào bi kịch.

    -  Tư tưởng suy đồi đã dẫn cậu đến con đường sa đọa.

    -  Tôi sa đọa hay anh sa đọa?… Mà thôi! Có lẽ em chẳng thể thuyết phục nổi anh…chỉ có điều là tóc anh đã bạc rồi. Thuở trẻ khi còn tràn trề sinh lực, người ta dễ dàng cao thượng, hy sinh… Thực ra, khi còn sự hy sinh vì công bằng, người ta còn là người cách mạng, khi lòng đã dửng dưng đối với lý tưởng công bằng, người ta hết là người cách mạng…

    -  Cậu ăn nói kiêu căng đến thế ư?

    -  Em đang chân thành tâm sự với anh.

Mắt anh Trần bỗng quắc lên. Lần đầu tiên, tôi thấy anh cáu kỉnh, tức giận. Cứ cảm giác như anh muốn giết tôi. Những quan hệ tốt đẹp giữa tôi với anh đang dần bị xóa bỏ, những quan hệ tư tưởng giữa anh em đang bị phủ định, những ý nghĩ tàn nhẫn đang được hình thành. Bàn tay anh nắm chặt lại, hàm răng anh nghiến chặt lại, con mắt anh như lưỡi dao đang được mài, được rã, được bào nạo để trở thành sắc ngọt… Một giác độ của tâm hồn anh chợt bộc lộ làm tôi kinh ngạc. Phải chăng cái cuồng nộ phi – nhân?

Chán nản đến cao độ. Lại thêm một bóng dáng tàn nhẫn hiện hình. Hôm nay, chỉ một ngày hôm nay thôi, tôi đã gặp bao nhiêu bóng dáng tàn nhẫn.

Tôi ghê sợ và thất vọng: Cái con người đang đứng trước mặt tôi, con người mà đã bao năm tôi phụng thờ trong tâm tưởng, hóa ra lại biến đổi đến thế ư?

Bao nhiêu năm nay, tôi coi ông như một mẫu người cao thượng. Hóa ra, ông đã đánh lừa tôi, đã bôi nhọ cả tâm hồn trinh trắng của tôi.

Còn bây giờ, ông định giết tôi ư? Ông anh ơi! Sự thực, tôi là đứa con đẻ tinh thần của ông. Anh có nhớ tới những ngày đầu tiên anh em mình gặp nhau không? Anh đã bao đêm ngồi tâm sự với tôi. Anh đã kể lại cho tôi nghe những quãng ngày tù tội, kể cho nghe những ngày sôi nổi đi cướp chính quyền ở Bắc Bộ phủ. Hôm đó anh bắn một tên Việt gian, anh giẫm chân lên cái xác còn nóng hổi của nó, anh giơ khẩu súng, hô to cùng đám quần chúng sôi động: “Hỡi đồng bào, giờ phút vinh quang của dân tộc đã đến! Ta thà chết không chịu làm nô lệ!” Anh còn kể lại những ngày chiến đấu bảo vệ Hà Nội, vui như hội. Anh vừa nấp bên những đống bàn ghế ngổn ngang, chướng ngại vật trên đường phố, vừa hát to cái bài hát đơn giản mà hấp dẫn:

Cùng nhau đi hồng binh.

Liều thân cho đời sống…

Anh kể lại những ngày nằm rừng Việt Bắc, sốt rét, chia nhau củ sắn lùi, rồi tiếp đó là những phút hào hùng vây Pháp ở Điện Biên.

Tôi đã say sưa nghe, nói đúng hơn, tôi đã ừng ực uống những lời nói của anh như uống dòng sữa mát ngọt.

Và tôi đi theo anh. Tôi đã bỏ hết những gì gọi là ngọt ngào êm ấm lại sau lưng. Tôi bỏ cả cô nữ sinh ngây thơ bạn cùng phố với tôi từ bé. Tôi bỏ nhà trường, bỏ những mộng bút nghiên, mà với trí thông minh của tôi, tôi thừa sức đạt. Tôi bỏ dẫy bàng, dẫy sấu, dẫy me, bỏ nốt những cột đèn thân thuộc của quê hương Hà Nội. Tôi lên đường, lăn vào những cuộc chinh phục, nhằm cái đích công bằng mà tiến. Tôi đã vạch rừng, lội suối, leo núi làm anh công nhân địa chất. Rồi vào bộ đội, cũng gối đất nằm sương, cũng đói no gian khổ, cũng xông vào những nơi lửa đạn, được hưởng những phút hấp hối bên bờ cái chết. Máu tôi đã chảy ra vì sự công bằng. Rồi tôi lên Tây Bắc. Tôi lặn lội đêm ngày tận tụy cứu người bệnh. Đã có lúc tôi tưởng mình sắp được hưởng một phần thưởng quý báu: lấy một người đàn bà hiền hậu làm vợ. Nhưng, Ngà đã bỏ tôi… Và Mai, người bạn chiến đấu, đã cướp mất người đàn bà tôi yêu mến.

Tôi trở về quê hương Hà Nội, trở về với anh, trở về với người cha đẻ tinh thần của tôi. Cuối cùng, chính anh lại làm tôi thất vọng. Hóa ra anh cũng là một con người quá ư phàm tục. Xưa kia anh nói đến sự công bằng hấp dẫn biết bao. Bây giờ, anh lại chỉ muốn thành quả của sự đấu tranh vì công bằng ấy thuộc về anh. Chẳng lẽ những mơ tưởng đẹp mà anh đã tô vẽ cho bộ óc ngây thơ của tôi ngày xưa, bây giờ chỉ là hoang tưởng. Chẳng lẽ bây giờ anh lại là hiện thân của sự giả dối. Mới đây thôi, tôi vẫn dè dặt, không dám tin anh là giả dối, tôi vẫn cố tự ru ngủ mình, để kính trọng người đã dẫn dắt tâm hồn tôi đi. Nhưng lúc này, thì tin anh làm sao được nữa!

Kìa! Đôi mắt anh nhìn tôi hằn học. Anh muốn giết tôi ư? Giết tôi, tức là anh tự giết cái phần đẹp đẽ nhất trong anh. Giết tôi, tức là anh tự giết cái phần trắng lý tưởng nhất trong anh. Giết tôi thì anh còn gì? Tâm hồn anh lúc đó sẽ chỉ có một màu đen, màu đen kinh khủng khiếp sẽ làm anh tàn lụi, sẽ bóp nghẹt trái tim anh. Anh sẽ cô quạnh trong những phù vinh nghèo nàn. Anh sẽ như ông vua ngày nay sống trong tiếng tung hô náo nức, nhưng thực chất lại cô đơn. Chẳng lẽ cuối cùng tâm hồn anh chỉ còn sót lại những tia mắt hằn học như thế kia? Không! Tôi không muốn anh như thế. Tôi không tin anh như thế. Chẳng lẽ, về phần tôi cũng bị lừa lọc mất hết, và chỉ còn lại những âm thanh vô hình là chân thực và hồn hậu?  Không! Tôi yêu thế giới âm thanh vô tư ấy, nhưng cũng rất yêu cái thế giới đầy những con người công bằng thực sự.

Anh ơi! Tỉnh lại!

Cơn điên loạn tinh thần của anh Trần chỉ dịu đi khi chị Trần, người chị hiền hậu của tôi từ dưới bếp đi lên. Chị tôi lấy anh Trần năm mười bẩy tuổi. Năm chị mười chín, anh Trần bị Tây bắt, chị tôi đã cô đơn sống chờ đợi anh hết năm này qua năm khác. Cách mạng tháng Tám thành công, anh chị ăn ở với nhau được ít tháng, sau đó anh Trần nam tiến. Chị tôi lại tiếp tục chờ đợi. Mãi đến năm 1952 anh chị cuối cùng mới được sum họp. Chị tôi là người đàn bà cả đời chờ đợi. Chị chỉ sum họp được với chồng lúc tuổi sắp già. Cũng may chị còn sinh được cháu Lý, cháu Lê.

Thằng Lý đã đi Liên Xô. Bây giờ đến lượt thằng Lê lại tiếp tục lên đường xuất dương.

Hôm nay, chị tôi mặt mày nở nang. Tôi vẫn quý chị nhưng hôm nay tôi phiền muộn vì chị ở Việt Nam, có biết bao nhiêu người đàn bà vất vả như chị tôi, nhưng so với chị, nỗi đau khổ của nhiều người còn gấp bội. Chị tôi đợi chờ, nhưng chưa hề biết tang tóc. Chị có được hưởng thụ, còn rất nhiều người cả đời chỉ biết đắng cay, thậm chí cả đời chỉ là vùi dập. Ở nước ta bao nhiêu là đau khổ! Nỗi đau này chồng lên nỗi đau khác. Những thây đau  lớp lớp chồng lên thành núi.

Người ơi!

Hãy chia đều niềm vui!

Hãy chia đều nỗi đau, nỗi buồn!

Chị Trần bảo:

- Em ạ! Hôm nay ngày vui, em đánh đàn cho cả nhà nghe.

Tôi đến trước đàn, lòng tràn trề khích động. Hôm nay, nhà anh chị Trần vui. Nhưng tôi lại muốn chia thêm nỗi buồn cho anh, cho chị. Cháu Lê từ nãy ngồi im ở xó nhà nhìn tôi ngơ ngác. Tôi hiểu có lẽ ở đây lúc này, chỉ có cháu là lòng trắng nhất. Lê ạ! Cháu hãy nghe tiếng đàn của cậu. Khúc tâm tình cậu gửi riêng  cho cháu:

Có thấy gì không? Một khúc sông lạnh mênh mông. Những xác chết gục bên bờ nước. Quan quân sang đò. Phải giết nốt những tên tù cho đỡ vướng.

Vị phò mã quyền quý đang đem chiến thắng về đặt dưới chân Mị Nương.

Còn Trương Chi vẫn chở con đò rách trong đêm hoa đăng.

Anh hát rằng:

Con sông vui chừ lòng ta vẫn lạnh

Họ bơi thuyền rồng chừ ta con đò rách

Kẻ đem máu dâng nàng chừ ta đem tiếng hát

Tiếng hát chừ đượm máu thịt ta

Những âm hồn vang vọng bao la

…Cháu có thấy gì không?

Mùa đông về. Rừng bàng bên sông, màu áo lá đỏ tím bầm. Cái cò trắng so vai lủi thủi. Tiếng súng Tây càn nổ lốp đốp. Những cành tre trước nhà phải đạn, gục đầu. Dạo ấy mẹ cháu tản cư ở làng Trầm, bố cháu đang đi chiến dịch. Mẹ cháu ở nhà sinh thằng Lý, anh cháu. Giặc vây kín khắp vùng. Mẹ cháu giở dạ đẻ, tự đỡ lấy con, tự cắt rốn cho con. Thằng Lý khóc ngằn ngặt, mới sinh ra nó đã khóc không ngừng, mẹ cháu dưng dưng nước mắt dỗ:

“Con ơi! Nín đi! Con khóc vì mẹ không còn giọt sữa. Mẹ nhịn đói đã hai ngày”

Mẹ cháu ôm thằng Lý sang nhà bên cạnh. Người hàng xóm còn hai bắp ngô, đem cho hết. Mẹ cháu nhai ngô non, mớm sữa ngô cho con như con chim mớm mồi. Thằng Lý nín. Hôm sau, người đàn bà hàng xóm lại bỏ ra ruộng đi kiếm thức ăn để nuôi mẹ cháu, anh cháu, và một đàn con lít nhít năm đứa của bà.

Một viên đạn đã bắn vào tim bà. Bà ta chết đi, tay vẫn còn ôm một bị ngô đẫm máu. Đưá con lớn chừng mười tuổi bò ra ruộng kéo xác mẹ về, không quên kéo theo cả bị ngô thấm máu. Năm người con bà hiện nay làm gì? Ba người con trai lớn đi bộ đội, một người đã hy sinh, hai người vẫn ở chiến trường. Cô con gái làm nghề nuôi lợn và nuôi luôn cả một đàn con lít nhít cũng như mẹ cô khi xưa. Người con trai út, sung sướng hơn, được ra Hà Nội học nghề thợ tiện…

Cháu cần phải nghe tiếp nữa…

Những âm thanh trầm trầm và cứng nhắc của cậu đang kể một đoạn chiến hào loét lở vì nắng mưa vì mảnh bom đạn…

Bố cháu, một trung đoàn trưởng lúc đó, đang đi trong chiến hào cùng với anh liên lạc, đề kiểm tra trận địa. Một loạt đạn đại bác từ vị trí địch bắn tới. Mưa đạn. Đất bốc khói, rùng mình rồi lay chuyển. Đạn rơi trùm khắp vùng chiến hào bố cháu đang đi.

     -  Nằm xuống! Người liên lạc ra lệnh cho cấp chỉ huy.

Anh Trần áp mặt xuống lòng chiến hào đầy bùn. Người liên lạc bình tĩnh nằm trùm lên lưng bố cháu.

     -  Đồng chí làm gì vậy?

      -  Tôi có nhiệm vụ bảo vệ cho anh. Chỗ chiến hào này nông.

      -  Không cần thế, đồng chí xuống đi.

     -  Anh cần phải sống. Tôi chết là thường. Anh chết, ai chỉ huy đơn vị?

     -  Ôi! – Người liên lạc kêu khẽ.

      – Sao thế?

     - Em bị thương.

     – Có sao không?

     – Hỏng bàn tay rồi anh ạ.

Người thương binh cụt tay ấy hiện nay vẫn đến chơi nhà cháu. Mẹ cháu vẫn thường nhặt nhạnh những quần áo cũ trong nhà, gọi là chút quà để người thương binh ấy đem về cho vợ và một lũ con. Điều đó chẳng sao. Nhưng cần phải đi sâu về gia đình ông thêm một chút. Ông có năm người con thì hai người là liệt sĩ. Đứa thứ ba mới mười lăm tuổi đã phải đi cải tạo vì tôi giết người… Điều đó chắc cháu không để ý.

Đừng trách cậu ác độc.

Cậu đang chia nỗi buồn cho cháu đấy. Cậu muốn cháu tìm đến cái cao thượng trong nỗi buồn. Sao cháu lại rung đôi vai? Và mắt cháu vẫn không giọt nước? Khóc trong lòng ư? Những tiếng khóc thầm bao giờ cũng chua xót. Cậu hiểu cháu giấu băn khoăn.

Cậu cũng giống cháu. Chúng ta đang đi giữa những con đường lắt léo, những con đường mà ta phải tỉnh táo khi đặt bước chân. Chúng ta đã lớn lên rồi cháu ạ. Đã hết thuở ấu thơ! Không còn là những bước chân thơ nhiên vô thức. Bước chân đi cần sáng suốt, ưu tư.

Tiếng đàn của tôi bỗng chậm rãi. Những thanh âm trầm và đục dắt tôi lạc về một khu rừng hoang nguyên thủy.

Lê ơi! Cháu hãy nghe nốt tiếng đàn của cậu kể chuyện ngày xưa. Chẳng phải là cổ tích. Một chuyện gần đây thôi. Một chuyện chính cậu đã trải qua.

Cháu đã thấy hiện ra trước mắt khu rừng dại có con suối len chảy dưới những lùm cây rậm rạp? Con suối chảy trên sườn núi đá, lẩn khuất bên những bụi nứa. Nhiều dây leo sà xuống, có chỗ che kín mặt nước trong vắt. Rồi đến chỗ, nước từ trên cao chảy tràn qua một phiến đá lớn, tạo thành một tấm lụa nước uốn cong, đổ xuống một cái vũng nhỏ hơn chục mét vuông. Tiếng đàn của cậu sẽ kể nốt cháu nghe một câu chuyện hãi hùng đã xảy ra ở ngay kề cái vũng nước đẹp đẽ thơ mộng đó.

Anh Mai lúc ấy là đại đội trưởng, còn cậu tiểu đội trưởng. Đơn vị chúng tôi bắt được hơn hai mươi thằng lính ngụy. Những thằng lính trẻ măng đóng trên một cái chốt ở rừng Trường Sơn. Sau một giờ chiến đấu, bọn lính ngụy chết quá nửa mới chịu hàng. Mai rất cáu kỉnh quát hỏi:

    -  Sao chúng mày ngoan cố thế?

Thằng lính Sài Gòn quê ở Hà Nội gãi đầu.

    -  Còn viên trung úy chỉ huy, chúng tôi hàng sao được. Anh ta bị trúng đạn chết, chúng tôi mới bảo nhau lấy cái áo trắng buộc vào nòng súng.

Mai gắt to:

    -  Hàng chậm một phút là có tội. Đằng này các anh bắn một giờ mới hàng. Chắc các anh hiểu mức độ tội lỗi của mình!

Bọn lính ngụy im lặng.

Vừa lúc đó, được tin bọn Mỹ cho trực thăng đổ quân xuống giải nguy cho đồng bọn. Trời còn tối. Phải nhanh chóng rút đơn vị ra khỏi vùng chiến đấu trước khi trời rạng sáng. Chúng tôi chụm đầu lại hội ý chớp nhoáng. Mai nghiêm nghị:

    -  Phải giải quyết bọn tù.

    -  Thả chúng ra à? Có họa là muốn tự sát. Mai ý kiến:

    -  Tình thế cấp bách lắm. Phải rút thật nhanh. Vướng bọn tù thì chết cả nút. Bọn này cũng chẳng tốt gì. Chúng ta đã hi sinh năm đồng chí… Thôi… đành phải… vậy thôi.

Chúng tôi nhìn nhau. Mai thì thầm.

    -  Phải làm thế nào cho chúng không kêu lên một tiếng.

Không được bắn. Bọn Mỹ đã vây kín khu rừng. Một tiếng động to sẽ làm lộ tất cả.

Chúng tôi nghĩ ngợi: “Giết làm sao để tên tù không kêu một tiếng? Khó lắm! Lại phải giết chết hàng chục đứa. Càng khó!”. Mai như đoán được ý nghĩ của chúng tôi, anh cười khẽ:

   – Không cậu nào làm được việc ấy ư? Thôi! Lại phải tay mình.

Mỗi cậu dẫn một thằng lần lượt ra bờ suối. Hãy nói dối chúng là ta phải phân tán để dẫn chúng ra vùng an toàn.

Chúng tôi mỗi người canh một tên tù đứng cách xa nhau.

Đêm mù mịt, bọn Mỹ thỉnh thoảng lại bắn pháo sáng hoặc bắn một loạt đạn. Sau đó, là cái câm lặng rợn người. Côn trùng cũng không dám kêu chỉ còn nghe tiếng rừng che cót két và tiếng dòng suối chảy từ phiến đá xuống cái vũng nước rào rào.

Cứ mỗi phút lại dẫn đi một thằng tù. “ Đi đâu? Đi đâu? ” bọn ngụy run rẩy hỏi. Tôi đợi chừng mươi mười lăm phút. Mặc dù biết rõ mình không phải là kẻ chờ chết, mà lòng tôi vẫn thấy hồi hộp. Thằng ngụy của tôi là thằng lính trẻ nhất, sẽ chết cuối cùng. Nó run rẩy thì thào:

     -  Anh ơi! Em có bố ra tập kết ngoài Bắc.

    -  Sao?

    -  Bố em là Việt minh, tập kết.

   -  Nói láo!

   -  Em nói thật.

    -  Sao mày đi lính Mỹ?

   -  Họ bắt đi.

   -  Thôi im đi! Tao không biết!

Tôi bỗng trở nên bối rối vô cùng. Tôi sẽ làm gì bây giờ nhỉ? Nhưng tôi không được phép rời tù nhân cũng không được phép đưa nó đi đâu một bước. Mai lúc này đã ra lệnh.

Thằng lính ngụy vẫn rì rầm:

    -  Anh… định đưa em đi đâu?

    -  Bí mật!

Có tiếng tũm ở đâu đây. Thằng lính giật mình. Và bỗng nó ôm mặt hu hu khóc. Tôi cáu kỉnh.

    -  Có im đi không?

Nó sụt sịt:

    -  Em sợ!

    – Vớ vẩn!

Đến lượt bị dẫn đi nó lẩy bẩy nói không ra hơi:

    -  Các anh đừng… giết em.

    -  Vớ vẩn!

Tôi cử trả lời lúng túng và đơn điệu như vậy. Tiếng súng giặc mỗi lúc một gần. Tôi vừa nóng ruột, vừa mệt mỏi. Thằng bé vừa đi vừa van xin.

  -  Các anh cho em sống… Bảo gì em cũng nghe…em có thích đi lính đâu… Người ta bắt.

   -  Vớ vẩn!

Tôi bồn chồn nhai lại câu nói đó, rồi giục thằng bé nhanh chân. Càng đến gần con suối thằng lính càng run. Nó bảo tôi:

   – Có tiếng gì khò khò…

   – Mày mê. Chẳng có gì. Nhanh lên!

   – Anh ơi! tiếng người rên…

   – Mày mê.

Nó bỗng đứng sựng lại hốt hoảng.

    – Chỗ này có gì… nhầy nhầy.

    – Lảm nhảm! Thôi nhanh lên.

   Bỗng thằng ngụy quỳ gục xuống:

   -  Em lạy các anh. Tha cho em! Máu! Đúng là máu người dưới chân em. Anh ơi! Bố em đi tập kết ra Bắc…

Nó bíu chặt lấy chân tôi mà van xin. Tôi lúng túng chẳng biết xử trí ra sao, lúc đó Mai đi tới.

    – Làm sao?

Mai hỏi ồm ồm, tay Mai cầm cây tre đực dài sải tay. Vừa nhìn thấy cái bóng hộ pháp của Mai, thằng ngụy bỗng rú lên. Nó ré chân chạy. Tôi bíu lấy áo nó. Nó vùng vẫy điên cuồng hét to: “Cứu! Cứu!”. Tôi vội vã bịt chặt mồm nó. Nó cắn. Tôi cũng mê đi trong cơn vật lộn. Cuối cùng tôi lấy cánh tay kẹp chặt cổ nó. Thằng bé ằng ặc nhưng không kêu được nữa… Nó giẫy, nó đạp, nó cấu xé hung mãnh như con hổ. Mai hiệp sức với tôi bóp cổ thằng ngụy. Cuối cùng thả tay ra thì nó chỉ còn như cây chuối bị chặt đứt gốc, đổ gục xuống. Mai cầm cây gậy tre phang vào gáy thằng lính bé nhỏ.

“Cắc!”. Tiếng gậy gỗ giòn khô. Thằng bé giẫy giụa một chút rồi phì phì thở hắt ra. Mai kéo cái xác còn mềm nóng ấy sềnh sêch đến bên phiếm đá. Tối lờ mờ, chúng tôi đẩy nó xuống vũng nước. Một tiếng “ Tũm!” gọn.

Tôi đứng trên phiến đá rửa tay vấy máu. Đầu tôi nóng bỏng. Tôi vốc nước suối vã vào mặt. Trong ánh sáng nhạt, từ phiến đá nhìn xuống vũng, còn thấy những thây đen bập bềnh.

Một phát pháo hiệu đỏ lừ vẽ một vết cầu vồng trên đầu rừng. Mai rỉ tai tôi.

     -  Rút thôi! Bọn Mỹ sắp tới.

Chúng tôi lần bò, luồn lách trong rừng rậm. Cuối cùng, tiếng súng Mỹ lùi lại ở sau lưng. Khi đã chắc chắn an toàn, Mai kéo tôi xuống ngồi nghỉ ở đống lá khô. Anh nói:

    -  Tương đối gọn! Cái gậy tre đực đập vào gáy như đập con bò. Đánh cho chính xác, trúng chỗ này là chết ngay.

Vừa nói, Mai vừa lần tay lên đầu tôi để tìm cái gồ nhỏ nhô lên sau gáy. Tôi gạt tay Mai ra, chẳng nói chẳng rằng. Còn Mai vẫn kể lể về cuộc hành hình bọn ngụy:

    -  Thằng nào cũng chết tươi. Chỉ có một thằng là kêu ú ớ và một thằng khác cứ hồng hộc giẫy giụa mãi, mình phải bồi cho cậu cú thứ hai. Cái thằng ngụy của cậu bé tí tưởng là dễ hóa ra lại là thằng gay go nhất…. có lẽ… thằng này phải chờ lâu quá… nên biết sẽ chết… vì vậy nó chống cự.

Nhờ bóng tối của khu rừng, tôi may mắn không nhìn thấy bộ mặt sôi nổi của Mai, tôi lấy hai ngón tay bịt tai lại. Tay tôi run lên. Tôi sợ tiếng Mai nói và sợ cả giọng nói của thằng lính ngụy hình như bỗng vang lên trong óc tôi:  “Em lạy anh. Tha cho em! Bố em đi tập kết!”.

Lúc nãy, bên bờ suối trong khu rừng tối khi thằng bé cắn tôi, rồi tôi kẹp cổ nó, vật lộn với nó có lẽ bộ óc tôi cũng phải sưng tấy lên và nóng bỏng. Còn bây giờ, nhiệt độ tâm hồn tôi đã hạ, bộ óc sưng tấy cũng xẹp xuống, toi bỗng thấy buồn rầu và sợ hãi. Tôi sợ Mai, sợ cả bản thân tôi.

Ôi chao! Những tiếng đàn man rợ! Thật phiền muộn khi tiếng đàn gợi nhớ chuyện xưa, những câu chuyện mà con người chỉ muốn chôn chặt, chôn sâu vào dĩ vãng.

Sau cuộc hành hình khủng khiếp ấy, tôi lử thử, còn Mai thì ốm, ốm nặng thật sự. Những cơn sốt cao kéo dài mấy ngày đêm liền hành hạ Mai. Hết sốt thì Mai mắc bệnh tâm thần, bệnh khóc. Phải! Đúng là bệnh khóc. Cứ trông thấy tôi là Mai lại khóc. Đến nỗi về sau, muốn chữa khỏi bệnh cho Mai, người ta phải chuyển tôi sang một đơn vị ở xa hàng trăm cây số.

Chúng tôi xa nhau lâu lắm. Mãi khi chuyển về Tây Bắc mới gặp lại nhau. Lúc đó Mai đã khỏi bệnh, và câu chuyện đó, tôi cố quên đi, coi như nó chưa từng xảy ra.

Tôi rời khỏi nhà anh chị Trần như thế nào cũng không rõ nữa. Những âm thanh làm tê dại tâm hồn cứ như theo tôi đến vườn hoa vắng lặng. Những phiền muộn tích tụ từ lâu, hôm nay được giải phóng khỏi lòng. Tôi như hiểu mình hơn. Mang máng nhớ lời dặn Ngọ bảo tôi mắc bệnh u uất, cần phải bộc lộ lòng mình ra mới được nhẹ. Nhưng khổ nỗi, tôi lại là người ít nói. Hôm nay, tiếng đàn đã nói hộ lòng tôi phần nào. Tôi vẫn cảm thấy chút buồn, nhưng lòng đã thanh thản phần nào. Cảm giác được trút bỏ một phần gánh nặng. Một người nào đó, có lẽ giáo sư dạy nhạc của tôi đã có lần khuyên nhủ: “Cuộc đời đẹp lắm! Sao cậu lại buồn? Cái buồn ở thời đại này không hợp. Cái vui là chính”. Lời nói của người thầy nổi danh làm tôi băn khoăn. Ừ! Có thể tôi là kẻ hèn yếu, một người lỗi thời. Thú thật, nghe ông thầy nói, tôi có chút xấu hổ, tôi cố vui, nhưng cố mãi không nổi. Cái buồn cứ đến. Có lẽ cái vui thuộc về những người như thầy tôi, như anh Trần. Còn tôi, thằng cùng đinh, thằng phó thường dân, làm sao tôi có quyền đến dự xứ sở của niềm vui, và nếu tôi có lẻn mà đến thì tôi cũng chỉ là kẻ ăn trộm niềm vui.

Đêm dịu dàng khoác vai tôi. Những ý nghĩ giận hờn cay đắng dịu dần. Đầu óc căng thẳng của tôi được mềm mại lại.

Bóng Ngà, bóng Mai, bóng anh Trần, rồi những đêm ga, những lần đối thọa với Chúa, những xác chết trên vũng suối, những cốc bia cay đắng của Ngọ, những quát tháo mê sảng của chị Hưng khi đứa con chết trận, những bức tranh màu xám của Minh, nhũng tiếng hát ngờ vực của Trương Chi tung chén trà xanh…. tất cả chìm nổi, mờ ảo như cuốn phim diễu hành trong tâm tưởng. Tất cả tưởng như rất xa mà lại gần gũi. Có lẽ lòng tôi đã có những phút cay nghiệt quá chăng? Lúc này chợt nhận thấy mình rộng lượng hơn. Phải chăng căn bệnh tàn nhẫn đã nhập và tôi dưới dạng hình thức: nhìn cảm khắt khe?

      “Ngủ đi! Ngủ đi!

Chúa hiện về thì thầm bên tai:

     “Lòng con đã vơi nhẹ rồi ư? Con đã khôn ngoan hơn. Nếu nỗi buồn cao thượng làm lòng con trong sạch và nhẹ gánh, thì con cứ buồn. Miễn là con đừng bướng bỉnh với ta.

Ngọ cũng đứng cạnh tôi, và ngắt lời chúa:

     -  Chắc Tư biết đấy! Sự rộng lượng là họ hàng với vô trách nhiệm.

Tôi lắc đầu… Thôi! Thôi!  Xin các người hãy thôi lý sự. Xin cho tôi được bình an, nghỉ ngơi. Cho tôi nghỉ ngơi chỉ một đêm nay thôi.

Ngà đấy ư? Anh buồn ngủ lắm, em về với anh hay sao? Cho anh được dựa đầu vào vai em mà ngủ. Rồi ngày mai, anh lại thức dậy, lúc đó người ta lại muốn giằng xé anh ra sao cũng được…

Một cảm giác mềm mại ở đầu. Có tiếng thì thầm xa vời, ấm áp của Ngà ru tôi ngủ. Một bài hát ru của mẹ, mà tôi đã quên đi từ lâu lắm. Mắt trĩu nặng. Tôi đã ngủ một giấc ngon lành chưa từng có. Ngủ dưới vòm cây. Đâu đó, mùi hoa dạ lan hương thoảng tới. Đêm nay mùi hoa nhẹ nhàng chứ không nồng hắc…

Ở một góc kín đáo nào đó trong óc tôi, bỗng nhòa nhòa hiện lên một dòng chữ mờ ảo. Tôi rón rén lại gần và đọc. Hóa ra lại một đoạn của Ngọ trong cuốn sách “Đi tìm nhân dạng”

“ Nhân nghĩa là gì? Cái gì có lợi cho nhà vua, cái đó là nhân nghĩa”

Trời ơi! Lại Hàn Phi Tử! Ông Hàn Phi lại gọi tôi thức dậy.