Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Gọi là “Văn học đô thị” đâu có gì sai?

Lại Nguyên Ân

Trên Văn Việt ngày 23/7/2014 có thông tin về một hội thảo về văn học miền Nam 1954-1975 đang được chuẩn bị; thông tin ấy cũng cho biết những người chủ trương và trù bị hội thảo ấy đã cự tuyệt danh xưng “Văn học đô thị miền Nam”, lấy lý do là danh xưng ấy gói theo những đánh giá cực kỳ thù địch và bất công, những đối xử mang tính hủy diệt cố ý đối với bộ phận văn học này.

Tôi không có ý can dự chuyện chọn tên cho hội thảo kể trên.

Tôi chỉ xin lấy lại ý nghĩa hợp lý, chân chính của mấy từ “văn học đô thị”.

Vâng. Gọi là “Văn học đô thị” đâu có gì sai?

Hầu hết các nền văn học các dân tộc – quốc gia trên hành tinh này đã lấy cứ điểm phát triển ở đâu, nếu không phải ở các đô thị? Bởi, trước khi phát hiện ra internet, người ta (người hoạt động văn học) lấy cơ sở “công nghệ” ở đâu để nhân bản (từ một ra nhiều bản) và lan truyền các tác phẩm, nếu không dựa vào các nhà in, nhà xuất bản, tòa báo? Mà có nhà in, nhà xuất bản, tòa báo nào đặt ở làng quê chứ không đặt ở các đô thị?

Nói “Văn học đô thị” là nói nơi diễn ra việc công bố các tác phẩm, diễn ra những giao tiếp khác nhau xung quanh các tác phẩm (ví dụ sự bàn luận, đánh giá các tác phẩm), chứ không phải nói cái môi trường cuộc sống (đô thị hay thôn quê) được nói đến trong các tác phẩm.

Tất nhiên, chẳng hạn, các hoạt động văn học cũng đều diễn ra ở Thăng Long-Hà Nội cả thôi, nhưng hoạt động văn học từ thế kỷ IX đến XIX thì đáng để người ta (giới nghiên cứu) gọi là “Văn học cung đình”, còn hoạt động văn học từ đầu thế kỷ XX đến 1945 lại đáng gọi là “Văn học đô thị”. Tức là muốn nói đến môi trường công chúng nữa, của văn học đô thị. Mà một văn học đô thị đã đẻ ra những thơ mới, những kịch nói, những “Số Đỏ”, như thế hoàn toàn đáng để tự hào, như ta đã thấy.

Tôi nhớ, một số hồi ức kể rằng, hồi cuối những năm 1930, hai thi sĩ Chế Lan Viên và Hoàng Diệp ở Quy Nhơn cùng nhau gửi bản thảo hai tập thơ của mình ra Hà Nội nhờ bè bạn thuê nhà in in cho, rồi sách in xong được đóng thùng gởi cho hai tác giả đang ở Quy Nhơn. Hai tác giả đem tặng và bán sách ở Quy Nhơn, nhưng tại đấy không có bất cứ dấu hiện phản xạ nào của dư luận; mà chỉ tại hai nơi, Hà Nội và Sài Gòn mới lần lần thấy xuất hiện những bài trên báo chí nhắc nhở đến hai tập thơ ấy. Vậy là chỉ tại đô thị mới thấy rõ “mạch đập” của đời sống văn học, dù những người viết bài cho các báo và người đọc chúng có thể ở đô thị cũng như ở thôn quê.

Vai trò đô thị trong sự tồn tại, phát triển, và bảo tồn văn hóa là rất lớn. Tôi nhớ một nhà nghiên cứu Nga là D. Likhachev nói rằng đô thị Petersburg là nơi lưu giữ thậm chí những di sản văn học, văn hóa của cả những vùng xa xôi của Trung Á.  

Văn học miền Nam Việt Nam những năm 1954-1975 có thể được viết ra ở đô thị, cũng có thể được viết tại các chiến trường, các vùng nông thôn, thậm chí cũng được viết tại nước ngoài nữa, nhưng cái cứ điểm cho các hoạt động in ấn, công bố, giao tiếp, luận bàn về nó, chính là các đô thị, nhất là Sài Gòn. Gọi là “Văn học đô thị miền Nam”, theo tôi, chẳng có gì là mạt sát chê bôi, nếu chưa tính đến những luận bàn cụ thể gói trong cách mệnh danh ấy. Mà chê hay khen, hay sự nhận định nói chung, thuộc quyền người tiếp cận nghiên cứu, xưa cũng như sau, ai đưa ra nhận định ra sao sẽ phải chịu trách nhiệm mãi mãi về nhận định của mình.

Chuyện gọi tên, thật ra cũng là tương đối và mang tính quy ước.

Ngay cái tên gọi “Văn học miền Nam 1954-1975” với ngụ ý các tác giả của văn học ấy sống trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, các tác phẩm được công bố trên vùng lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, thì phạm vi xác định có vẻ chặt chẽ thật, đáp ứng yêu cầu những người chủ trương hội thảo kể trên thật; song, nên biết, vẫn có những tác giả, ví dụ Giang Nam, sống ở Nha Trang làm thơ gửi ra công bố ở… Hà Nội, tương tự nhiều tác giả từ Hà Nội được cử vào các vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa để… làm thơ, viết văn rồi cũng gởi ra công bố ở Hà Nội, làm thành một mảng văn học mà người ta gọi là “Văn học giải phóng miền Nam Việt Nam”, dù rằng cái tên ấy cũng như toàn bộ mảng văn chương ấy cần được định tính thế nào, vẫn là thuộc quyền những người nghiên cứu trong tương lai. Bộ phận văn học này, chắc chắn những người chủ trương hội thảo kể trên hoàn toàn không muốn tính đến. Và đó là điều dễ hiểu. Song hãy nghĩ đến quy ước “sống và viết ra tác phẩm trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa”!

(Cách nay mấy năm, tôi có viết một bài, về “nhà xuất bản Giải Phóng” tưởng là đặt ở “vùng giải phóng” nhưng tọa lạc thật sự trong khuôn viên trường Mỹ thuật Hà Nội ở phố Yết Kiêu, cái nhà xuất bản ấy đã dựng nên bao nhiêu tên tuổi oai vệ một thời; nhưng bây giờ ngay bộ Bách khoa từ điển chính quy dày năm sáu ngàn trang khổ lớn của Nhà nước cũng không có dòng nào chữ nào nhắc đến tên cái nhà xuất bản ấy!).

Xin nhắc lại, tôi chỉ biện minh cho ý nghĩa hợp lý, chân chính của mấy từ “Văn học đô thị”.

Vâng. Gọi là “Văn học đô thị” đâu có gì sai?

24/7/2014

Tác giả gửi Văn Việt.